Những ngày vừa qua, cả khu vực Châu Á sôi sục trước cuộc đối đầu nóng bỏng giữa hai cường quốc Trung-Nhật vì tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Với sự cứng rắn của cả Tokyo và Bắc Kinh, cuộc đối đầu giữa hai nước này đang leo thang đến đỉnh điểm. Nhiều người đang lo lắng tự hỏi, liệu sau khi leo lên đến đỉnh điểm, cuộc đối đầu Trung-Nhật có bùng nổ thành một cuộc chiến gây chao đảo cả khu vực?
Leo thang đỉnh điểm
Trung tâm của cuộc tranh chấp nảy lửa giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay là một quần đảo ở Biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu bùng lên từ hôm 15/8 khi một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo tranh chấp cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền”. Động thái này đã châm ngòi cho một loạt động thái “ăn miếng trả miếng” đầy căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á.
Một trong những động thái đáp trả cứng rắn nhất của Nhật Bản đối với hành động khiêu khích của Trung Quốc là việc Tokyo đã quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ những người chủ sở hữu tư nhân hồi tuần trước. Từ đây, cao trào của cuộc đối đầu Trung-Nhật mới được đẩy lên đến đỉnh điểm.
Sau động thái đầy thách thức của Tokyo, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh tức giận tuôn ra hàng loạt lời đe doạ, cảnh báo sắc lạnh về hậu quả khủng khiếp đối với Nhật Bản. Không chỉ dừng lại ở lời nói, Trung Quốc còn liên tiếp điều tàu tuần tra, tàu hải giám đến gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông để uy hiếp đối phương.
Đầu tiên, Trung Quốc điều 6 tàu tuần tra đến Senkaku/Điếu Ngư. Sau đó, Trung Quốc còn tung tin sẽ xua 1.000 tàu cá đến vùng tranh chấp với Nhật Bản. Mặc dù, trên thực tế, Trung Quốc không huy động một số lượng lớn tàu đánh cá đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư như đã đưa tin nhưng thay vào đó, nước này đã ồ ạt đưa tàu hải giám – những con tàu quân sự trá hình – vào vùng lãnh hải tranh chấp.
Tàu thuyền Trung Quốc và Nhật Bản đã có những cuộc chạm trán, rượt đuổi và vờn nhau đầy nghẹt thở ở khu vực biển tranh chấp. Trong cuộc đối đầu này, Tokyo luôn thể hiện một thái độ cứng rắn, quyết không lùi bước. Để đối phó với những động thái điều động tàu thuyền của Bắc Kinh, Tokyo đã cho triển khai một nửa trong số “hạm đội” gồm hơn 100 tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đến khu vực quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản tuyên bố sẽ không để yên cho các tàu thuyền Trung Quốc hoành hành ở khu vực lãnh hải tranh chấp mà sẵn sàng đối phó với “bất kỳ tình huống bất ngờ nào”.
Song song với đó, Nhật Bản cũng tìm cách thắt chặt liên minh với Mỹ nhằm đối trọng với một Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên. Trong tuần này, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được sự nhất trí về việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa thứ hai ở Nhật Bản. Theo lời các quan chức cấp cao Mỹ, mục đích của việc thiết lập thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Nhật Bản là nhằm để nâng cao khả năng bảo vệ Nhật Bản của Mỹ.
Việc Mỹ dựng lá chắn tên lửa mới ở Nhật Bản đã khiến Trung Quốc thực sự tức giận và lo ngại, nhất là khi Washington lên tiếng khẳng định, họ sẽ bảo vệ đồng minh thân thiết Nhật Bản trong trường hợp có xung đột xảy ra ở Senkaku/Điếu Ngư.
Cuộc đối đầu Trung-Nhật thêm căng thẳng bởi làn sóng biểu tình bùng phát dữ dội ở đất nước Trung Quốc. Kể từ sau khi chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, các cuộc biểu tình chống Nhật đã nổ ra khắp đất nước Trung Quốc. Các cuộc biểu tình này không diễn ra hòa bình mà biến thành bạo lực với rất nhiều vụ cướp bóc, đốt phá nhằm vào các cơ sở, nhà máy, nhà hàng của Nhật Bản.
Đối đầu Trung-Nhật sẽ đi về đâu?
Cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang leo thang ngày một nóng bỏng. Điều đáng lo ngại là, không một nước nào chịu lùi bước mà còn “sẵn sàng giương vây” với nhau. Nhiều người tự hỏi, liệu có phải giới lãnh đạo ở Tokyo và Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một cuộc chiến để tranh giành chủ quyền trên biển?
Thực ra, Tokyo và Bắc Kinh có lý do buộc họ phải cứng rắn trong cuộc tranh chấp hiện nay. Đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng của giới chính trị gia và người dân trong nước, giới lãnh đạo ở Trung Quốc và Nhật Bản đều không ai muốn bị xem là nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của họ.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda có thể bị buộc phải bước vào một cuộc bầu cử sớm vào đầu tháng 11 này bởi Đảng Dân chủ cầm quyền của ông đang trượt dài trong các cuộc thăm dò dư luận. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ được thay thế bởi một nhà lãnh đạo mới tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 vào tháng 10. Cả ông Noda và ông Hồ Cẩm Đào sẽ phải chịu “cú giáng mạnh” vào niềm tự hào và di sản của họ nếu họ lùi bước trong vấn đề chủ quyền trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Vì vậy, cả Tokyo và Bắc Kinh đều phải thể hiện thái độ quyết liệt, không nhân nhượng dù chỉ một bước trong cuộc tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư hiện nay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đều có chung một nhận định, dù cuộc tranh chấp biển đảo giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang leo thang nghiêm trọng nhưng giới lãnh đạo ở Tokyo và Bắc Kinh sẽ không để nó vượt ra khỏi tầm kiểm soát bởi điều đó sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng đến mỗi nước.
Kiệt Linh
Theo VNmedia