Những cuộc biểu tình trong các thành phố Trung Quốc, cùng với những lời lẽ công kích Nhật của truyền thông và trên Internet liên quan các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông, đã tạo áp lực để giới chức Trung Quốc nhất định phản đối Nhật “xâm phạm”.
Các sĩ quan trẻ Trung Quốc nghe bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói chuyện tại Học viện quân sự ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Các nhà phê bình nổi tiếng ở Trung Quốc và dân chúng kêu gọi Bắc Kinh chấp nhận một phương pháp tranh chấp lãnh thổ gay gắt hơn ở biển Hoa Đông. Và Bắc Kinh đã sử dụng những biện pháp đặc biệt, bao gồm sử dụng lực lượng an ninh, trừng phạt kinh tế, dự án khai thác dầu và đánh bắt cá, các qui định hành chính, cảnh báo qua đường ngoại giao và những biện pháp đe dọa khác nhưng không có mặt quân đội. Cho đến nay, đây là nỗ lực thành công trong dọa nạt các nước Đông Nam Á và ngăn ngừa châu Á đoàn kết chống trả.
Những nhà phân tích nước ngoài đã đúng khi cho rằng phần lớn động cơ để người dân và tầng lớp ưu tú Trung Quốc tăng áp lực tranh chấp lãnh thổ đến từ một loại chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa này được giới chức Trung Quốc hăng hái hun đúc kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và hệ thống chủ nghĩa Cộng sản suy yếu. Lý thuyết chủ nghĩa dân tộc nhấn mạnh rằng từ thế kỷ 19, Trung Quốc bị đối xử không công bằng, lãnh thổ Trung Quốc và chủ quyền có liên quan cũng bị các thế lực khác khai thác; Trung Quốc vẫn trong quá trình xây dựng quyền lực đủ để bảo vệ những gì mà Trung Quốc kiểm soát và để giành lại chủ quyền và phần lãnh thổ bị tranh chấp. Nói chung, lý thuyết chủ nghĩa dân tộc dẫn đến một ý thức về “nạn nhân hóa” ở người dân và tầng lớp ưu tú Trung Quốc, đây là bộ phận được cho là có ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại nhiều hơn.
Các du học sinh Trung Quốc tại Hàn Quốc đến đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul để biểu tình. Ảnh: Reuters |
Tiếc thay, nhấn mạnh sự ngược đãi trong quá khứ và hiện tại chỉ là một phần của loại chủ nghĩa dân tộc vị kỷ mà giới chức Trung Quốc nuôi dưỡng. Điều cũng quan trọng không kém là nỗ lực xây dựng hình ảnh Trung Quốc trên thế giới như một thế lực hành động ngay thẳng, khác với những thế lực chỉ theo đuổi mưu cầu lợi ích quốc gia. Những nỗ lực này được thực hiện bởi bộ ngoại giao Trung Quốc, những tổ chức chính phủ khác, tổ chức đảng và quân đội phụ trách đối ngoại, các tổ chức bề ngoài là NGO (phi chính phủ) nhưng có quan hệ gần gũi với chính phủ, các văn phòng Đảng và quân đội, cùng bộ máy tuyên truyền qui mô của chính phủ Trung Quốc. Họ thúc đẩy vị thế quốc tế của Trung Quốc trong khi tập cho người dân suy nghĩ tích cực về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.
Ví dụ như, người ta nói chính sách đối ngoại của Trung Quốc tuân theo những nguyên tắc giải quyết các vấn đề đối ngoại bảo đảm vị thế đạo đức của Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại - nền tảng cho các chiến lược đối ngoại có hiệu quả. Đáng chú ý là những chiến lược như thế đảm bảo Trung Quốc không phạm sai lầm trong đối ngoại, một vị thế đặc biệt được củng cố bởi sự việc là Trung Quốc được mô tả như là đã tránh thừa nhận công khai sai lầm trong chính sách đối ngoại hay xin lỗi vì những hành động đối ngoại của họ. Chắc chắn là cá nhân một số viên chức hoạch định đối ngoại của Trung Quốc có thể không đồng ý với hình ảnh ngay thẳng của Trung Quốc trong đối ngoại, nhưng họ không đi trệch khỏi tính chính thống đã được dân chúng và tầng lớp ưu tú chấp nhận. Bất cứ chỉ trích nào của người dân và tầng lớp ưu tú Trung Quốc cũng có xu hướng tập trung vào việc Trung Quốc quá nhút nhát và không đủ mạnh mẽ khi ứng phó với sự lăng mạ của nước ngoài.
Ngày nay, nỗ lực xây dựng hình ảnh của Trung Quốc thúc đẩy vai trò chủ đạo của Trung Quốc ở châu Á và thế giới, điều này được dân chúng Trung Quốc cổ vũ rộng rãi; họ dự báo một cách lạc quan rằng Trung Quốc sẽ đi theo những chính sách ôn hòa, chú trọng một số chủ đề gần đây được chính phủ lưu tâm. Các chủ đề này bao gồm thúc đẩy hòa bình và phát triển ở nước ngoài, tránh vị thế thống trị hay bá chủ khi ứng xử với láng giềng hay các nước khác ngay cả khi thế lực Trung Quốc tăng lên, và theo đuổi thành tích của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc mà không tìm cách bành trướng.
Đến tận Romania cũng có những người Trung Quốc xuống đường biểu tình chống Nhật Bản. Truyền thông Trung Quốc quả thật thành công trong chiến dịch đang diễn ra này. Ảnh: Reuters |
Xây dựng hình ảnh như thế trong lý thuyết chủ nghĩa dân tộc về quan hệ đối ngoại hiện đại của Trung Quốc đi xa sự thật hơn là sự ngược đãi được mô tả trong lịch sử Trung Quốc: Trung Quốc bị nhiều cường quốc khác nhau áp bức trong phần lớn thế kỷ 19 và 20. Ngược lại, chứng cớ về một phương pháp ôn hòa, đạo đức và theo nguyên tắc là ngoại lệ hơn là qui luật trong quan hệ đối ngoại phức tạp nhưng thường là bạo lực trong phần lớn thời gian của 60 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là trường hợp đặc biệt ở châu Á, một khu vực từ lâu chịu ảnh hưởng Trung Quốc lớn nhất và được Trung Quốc chú ý nhiều trong quan hệ đối ngoại. Phần lớn các láng giềng của Trung Quốc từng bị lực lượng an ninh Trung Quốc xâm lấn hay xâm chiếm; các nước này và những nước ở xa hơn đã chiến đấu với những lực lượng nổi dậy được Trung Quốc ủng hộ và “ủy quyền”, trong đó có Khmer Đỏ. Trong tình trạng rối ren như thế, các lãnh đạo Trung Quốc lại thừa nhận ủng hộ những nguyên tắc và sự ngay thẳng trong đối ngoại, nhưng từ quan điểm của các nước láng giềng và các chuyên gia nước ngoài, những nguyên tắc tiếp tục thay đổi và khoảng cách giữa nguyên tắc và hành động thường rất xa.
Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã cố gắng trấn an các lãnh đạo láng giềng nhưng kết quả đạt được không bao nhiêu vì họ nhớ rất rõ tính chất bạo lưc và hành động dọa dẫm của Trung Quốc trong quá khứ. Hành vi hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông cững gợi nhớ những cố gắng dọa dẫm và áp bức của Trung Quốc trong quá khứ. Một phần vấn đề trong nỗ lực trấn an của Trung Quốc là dân chúng và tầng lớp ưu tú Trung Quốc hầu như không nhận thức sự hung hăng của Trung Quốc trong quá khứ, và do đó ít hiểu rõ những nguyên nhân đằng sau sự nghi ngờ và lo ngại của nhiều chính phủ láng giềng, và của nước Mỹ, thế lực chủ yếu ở ngoài khu vực. Về nước Mỹ, một hành động khác được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ ở Trung Quốc là phản đối ầm ĩ các thế lực bên ngoài thiết lập và duy trì vị thế ảnh hưởng và sức mạnh chung quanh Trung Quốc. Những động thái như thế của Liên Xô trong quá khứ và của Mỹ, Nhật và Ấn Độ hiện nay, được chính phủ Trung Quốc nhìn thấy và phóng đại như là một mối đe dọa cho Trung Quốc, một sự phục hồi “chính sách ngăn chặn” thời Chiến tranh Lạnh hay những hệ thống khác.
Nhận định của dân chúng và tầng lớp ưu tú Trung Quốc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ của chủ nghĩa dân tộc, cho rằng Trung Quốc bị các cường quốc khác áp bức. Điều quan trọng không kém là chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc cũng bao gồm một ý thức mạnh mẽ và kỳ lạ về đạo đức và sự ngay thẳng trong đối ngoại. Do đó, quan điểm của Trung Quốc là bất cứ vấn đề nào Trung Quốc đối mặt liên quan các nước khác, kể cả Mỹ, về những vấn đề nhạy cảm như là chủ quyền và an ninh, đều do họ gây ra và chắc chắn không phải do Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc khó có thể kiên nhẫn với lời phàn nàn của các nước đang có tranh chấp và lời kêu gọi Trung Quốc dàn xếp những vấn đề nhạy cảm liên quan chủ quyền và an ninh, chưa kể dân chúng và tầng lớp ưu tú còn thúc đẩy các biện pháp cứng rắn hơn. Việc xây dựng hình ảnh của Trung Quốc do vậy đã thành công trong định hình quan điểm dân chúng; góp phần gây khó khăn trong giải quyết những căng thẳng trong vùng biển gần Trung Quốc và làm cho khả năng này là không thể trong tương lai có thể nhìn thấy.
Chủ nghĩa dân tộc còn đưa vào nghệ thuật đương đại. Nữ họa sĩ họ Bao với tác phẩm mang tên "Bảo vệ" của cô tại một triển lãm ở Nam Kinh. Ảnh: Reuters |
Võ Phương (INTERNATIONAL AFFAIRS)
Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị