Các sự kiện gần đây trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tái khẳng định chân lý: các cơ hội lớn thường đi kèm với những nguy cơ… lớn không kém. Và quan hệ Trung-Nhật cũng không phải là ngoại lệ
Fyodor Lukyanov: quan hệ Trung-Nhật hiện đang xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ảnh mediamax.am |
Theo nhà phân tích Fyodor Lukyanov - Tổng biên tập tạp chí “Các vấn đề toàn cầu” (Global Affairs) của Nga, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện đang xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Việc Tokyo quyết định mua lại của chủ sở hữu tư nhân một quần đảo mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền từ cuối thế kỷ 19 đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, hai nước sẽ không đi đến chiến tranh vì các hòn đảo nhỏ không người nói trên… do cái giá phải trả là quá đắt.
Yêu sách lãnh thổ là chuyện thường xảy ra trong khu vực. Tất cả các nước yêu sách lãnh thổ chính - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ - vốn có lịch sử phức tạp và đã xảy ra các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ (như cuộc chiến giữa Trung Quốc và Ấn Độ). Các nước và vùng lãnh thổ nhỏ hơn cũng bị sa vào một loạt các vụ tranh chấp trên biển và trên đất liền. Mặc dù mức độ căng thẳng có khác nhau, nhưng bản đồ chính trị của châu Á giống như một bãi mìn, trong đó bất kỳ sai lầm nào cũng có nguy cơ gây ra một vụ nổ.
Về cơ bản, hầu hết các vụ tranh chấp lãnh thổ liên quan đến tài nguyên: dầu khí, đất hiếm, tuyến đường vận chuyển, nguồn cá… Nhưng nếu chỉ liên quan tài nguyên, các vụ tranh chấp có thể được giải quyết, bất chấp mọi căng thẳng và mâu thuẫn. Thật khó để phân chia các nguồn lực theo cách mà cả hai bên đều cho là công bằng. Nhưng việc đạt được một số thỏa thuận “đôi bên cùng có lợi”… sẽ còn tốt hơn so với đối đầu bế tắc.
Bên cạnh những lợi ích vật chất, tranh chấp lãnh thổ còn ẩn chứa một khía cạnh vô hình quan trọng và đó là uy tín. Giải quyết vấn đề uy tín còn khó khăn hơn nhiều, nếu không muốn nói là không thể.
Vì sao Nhật Bản lại quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào thời điểm hiện nay? Nhiều khả năng, Tokyo cảm thấy áp lực trong khu vực đang nhanh chóng chuyển dịch theo chiều hướng bất lợi. Nga tiếp tục tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Kuril đang tranh chấp để nhấn mạnh các quyền và ý định ở châu Á (Dmitry Medvedev đã đến thăm quần đảo Kuril trên cương vị tổng thống và một lần nữa gần đây hơn, trên cương vị Thủ tướng Liên bang Nga).
Hàn Quốc cũng có những hành động tương tự, với việc Tổng thống Lee Myung-bak đến thăm mấy hòn đảo không người đang tranh chấp với Nhật Bản. Năm ngoái, Trung Quốc lại tuyên bố “lợi ích cốt lõi” đối với các vùng biển gần, khiến cho các nước láng giềng và Mỹ cảm thấy bất an. Mặc dù thông báo ý định chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương, một lần nữa Mỹ lại sa lầy ở Trung Đông và thậm chí, còn sa lầy hơn cả trước đây.
Trong hoàn cảnh, Tokyo rõ ràng cho rằng tình hình sẽ xấu đi, nếu Nhật Bản không có hành động kiên quyết. Quốc hữu các hòn đảo chỉ là hành động tượng trưng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền sâu rộng hơn.
Ngoài thành tố tượng trưng, hành động quốc hữu hóa Senkaku của Nhật Bản có thể có một động lực thực tế. Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto thông báo phía Mỹ đã đảm bảo rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Nói cách khác, Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh Nhật Bản, nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào. Mặc dù Panetta đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông báo của người đồng cấp Nhật Bản, nhưng rõ ràng Washington sẽ có rất ít sự lựa chọn.
Về phần mình Mỹ cũng lo ngại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên toàn thế giới, nhưng mối lo ngại này là đặc biệt nghiêm trọng khi nó đụng chạm đến Thái Bình Dương.
Chính vì vậy, trong chừng mực nhất định, Nhật Bản tìm cách đạt được mục tiêu của mình bằng cách tạo ra một tình huống, trong đó Mỹ có nguy cơ mất đi sự tin tưởng của các đồng minh, nếu không hậu thuẫn Tokyo.
Từ lâu, các nhà phân tích đã cho rằng một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trên lĩnh vực quân sự-chính trị, là không thể tránh khỏi.
Nhận thức được vẫn còn yếu hơn về sức mạnh quân sự, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã cố gắng né tránh các tranh chấp có thể gây ra xung đột khu vực. Trong thời gian cầm quyền, cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lập luận rằng Trung Quốc cần xây dựng sức mạnh kinh tế, trong khi tránh tranh chấp chính trị. Thế nhưng trong mấy năm gần đây, Bắc Kinh đã gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chống lại sự cám dỗ của tranh chấp quân sự-chính trị.
Nếu tìm cách “kiểm tra” sức mạnh quân sự Mỹ vào thời điểm hiện nay, Trung Quốc có thể bị thua cuộc trong ván bài quân sự-chính trị, mặc dù rất khó có thể dự đoán những gì sẽ xảy sau 15-20 năm nữa.
Có lẽ, Bắc Kinh cũng hiểu điều này. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh cử tàu chiến đến gần khu vực tranh chấp, nhưng không đi quá xa. Các cuộc xâm nhập táo tợn hơn được Trung Quốc thực hiện bằng tàu cá hoặc các tàu công vụ dân sự không trang bị vũ khí. Con số những tàu cá và tàu công vụ dân sự này có thể lên đến hàng trăm và tạo ra những áp lực vô cùng ghê gớm, nhưng đối phương lại rất khó chính thức kết tội. Trong khi đó, bất kỳ cuộc tấn công nào của Nhật Bản chống lại đám tàu thuyền “dân sự” này đều bị coi như là một hành động gây hấn.
Cuộc xung đột liên quan đến những hòn đảo mà Nhật Bản vừa quốc hữu hóa rất có thể sẽ tạm thời lắng dịu theo chu kỳ. Trung Quốc và Nhật Bản có thể “hòa keo này”, nhưng lại tạo tiền đề cho những “keo tới” leo thang hơn, quyết liệt hơn. Hiện thời, chưa bên nào muốn hy sinh mối quan hệ kinh tế song phương vốn đã quá đan xen, sâu rộng.
Tuy nhiên, xung đột chính trị Trung-Nhật sẽ không tan biến. Nó sẽ vẫn còn hiện diện đáng lo ngại ở bên lề và bùng phát định kỳ. Xung đột này sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn và tiếp tục leo lên những bậc thang coa hơn nữa. Trong hoàn cảnh đó, nước Nga sẽ cảm thấy dễ chịu với vai trò “không đứng về bên nào”, chứ không bị khó xử như Mỹ vốn bị ràng buộc bởi Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật./.
Fyodor Lukyanov là Tổng biên tập tạp chí Global Affairs, một tạp chí có uy tín về chính sách đối ngoại của Nga và các diễn biến trên thế giới. Ông cũng là một nhà bình luận có hạng về các vấn đề quốc tế và viết bài cho các phương tiện truyền thông khác nhau ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - trong đó có các tạp chí có tiếng như Social Research, Europe-Asia Studies, Columbia Journal of International Affairs…Ông Lukyanov là một thành viên cao cấp của Hội đồng Chính sách đối ngoại và Quốc phòng và là thành viên của Hội đồng về Nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự.