Chính phủ Nhật Bản đã chi 2 tỉ yen (khoảng 26 triệu USD) để mua lại ba hòn đảo chính của quần đảo Senkaku từ gia đình Kurihara. Vậy tại sao Trung Quốc không thực hiện tương tự bằng việc đề xuất mua lại quần đảo này với mức giá tương đương hoặc thậm chí cao hơn?
Quân đội Nhật và Mỹ trong cuộc tập trận chiếm lại đảo gần đây. Ảnh: Kyodo News |
Trong quá khứ, các quốc gia thường bán lãnh thổ cho một nước khác vì những lợi ích nhất định (thường là khi quốc gia đó cần tiền) như vụ Mỹ mua vùng Louisiana từ Pháp năm 1803 để mở rộng lãnh thổ; hoặc vụ Mỹ mua vùng Alaska từ Nga năm 1867. Bài viết của giáo sư Stephent M. Walt (ngành quan hệ quốc tế, trường Harvard Kennedy) trên tạp chí Foreign Policy phân tích vì sao không thể giải quyết tranh chấp ở quần đảo Senkaku như thương vụ thông thường?
Nguyên nhân lớn nhất chính là chủ nghĩa dân tộc. Trung Quốc luôn tuyên bố quần đảo này là một phần lãnh thổ của họ, vậy không lí do gì Trung Quốc phải bỏ tiền cho một gia tộc Nhật Bản để nhận lấy một điều mà họ mặc nhiên coi là của mình. Tương tự, một số người Nhật Bản có thể xem việc mua bán quần đảo là xúc phạm đến lòng tự hào quốc gia mặc dù Senkaku là quần đảo không người ở. Quần đảo Senkaku là quần đảo không có người ở, lí do quốc hữu hóa được chính phủ Nhật Bản đưa ra là nhằm củng cố khả năng bảo vệ quần đảo này.
Tuy nhiên, nếu chính phủ Tokyo đề nghị bán quần đảo cho Trung Quốc thì đây có thể là hành động thông minh. Giả sử rằng bạn và một hàng xóm giàu có đang xảy ra bất đồng về đường biên giới giữa nhà của mình, các hồ sơ ghi nhận quá trình cư trú của bạn tại đây không rõ ràng. Cả hai bên đều cho rằng quan điểm của phía còn lại là không công bằng, nhưng bạn có thể sẵn sàng từ bỏ quan điểm của mình nếu người hàng xóm giàu có kia đưa ra mức bồi thường thỏa đáng. Và người hàng xóm có thể sẵn lòng làm như vậy ngay cả khi anh ta biết rằng mình đang mua một vật thuộc sở hữu của mình. Do việc mua bán này xét về giá trị vô hình còn rẻ hơn là kiện tụng và khi cả hai bên không muốn làm sứt mẻ mối quan hệ với nhau. Cho nên, mua đứt quyền sở hữu sẽ là hành động khôn ngoan với người hàng xóm.
Chính phủ Nhật Bản cũng có thể đề xuất bán quần đảo vì lí do khác: nếu Trung Quốc không chịu mua quần đảo thì chứng tỏ Bắc Kinh đang âm mưu cho một cuộc chiến và không muốn giải quyết tranh chấp theo một cách hợp lý.
Kết quả này sẽ là một chiến thắng cho Nhật Bản. Nếu Trung Quốc âm mưu gây chiến và sức mạnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng, thì một đặc điểm quan trọng trong công tác ngoại giao ở Đông Á sẽ là sự khác biệt trong nhận thức của các quốc gia bên trong và ngoài khu vực về ý định của nhau như thế nào. Trung Quốc muốn định hình Mỹ và các đồng minh trong khu vực của nước này là nguồn gốc gây ra sự đối đầu hoặc bất ổn, vì như vậy sẽ khiến các nước khác ít muốn gia nhập cùng Mỹ để đối kháng với Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc càng bị coi là hiếu chiến, tham vọng và dễ lấn át các nước xung quanh thì Mỹ càng dễ duy trì mối quan hệ đối tác với các đồng minh châu Á; nhiều quốc gia khác ở Đông và Đông Nam Á sẽ nghiêng về hợp tác với nhau.
Tranh chấp ở quần đảo Senkaku đem lại cho cả Nhật Bản và Trung Quốc cơ hội để chứng tỏ sự hợp lý trong các hành động của mình. Tuy nhiên, thông qua cách thức thể hiện thì một nước có thể đánh mất cơ hội đó nếu tỏ ra ngoan cố hoặc tham lam. Dẫu vậy, như đã trình bày ở trên, chủ nghĩa dân tộc là yếu tố chính khiến Nhật Bản sẽ không đề xuất bán đảo và Trung Quốc chắc chắn từ chối mua. Do vậy cuộc cạnh tranh an ninh tại khu vực Đông Á sẽ còn tiếp tục gia tăng.
C.T. (Foreign Policy)
Theo SGTT