Chưa có gì thay đổi thực chất, chỉ là chiến thuật tập trung đối phó với khủng hoảng biển Hoa Đông và mở rộng thị trường Đông Nam Á cho hàng hóa Trung Quốc.
Sau nhiều tháng tích cực tranh chấp, tích cực khai thác Biển Đông, Trung Quốc gần đây có một số tuyên bố có vẻ dịu dọng đối với các nước láng giềng Đông Nam Á giáp Biển Đông.
Ngày 21/9, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu rằng Bắc Kinh chỉ muốn có quan hệ tốt với các nước Đông Nam Á; Bắc Kinh vẫn theo đuổi chính sách “mở rộng quan hệ hợp tác, láng giềng hữu nghị” với các nước ASEAN. Ông Tập Cận Bình còn khẳng định thịnh vượng của Trung Quốc chỉ có thể được bảo đảm bởi các mối quan hệ tốt với những nước láng giềng. Phát biểu tại một cuộc họp với ASEAN tại Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị Choang, ông Tập Cận Bình nói: “Chúng tôi kiên quyết bảo vệ an ninh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời đã cam kết sẽ giải quyết bất đồng với các nước láng giềng liên quan đến lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải thông qua các cuộc thương lượng hữu nghị”.
Khi tiếp riêng đặc phái viên của Tổng thống Philippines hôm 21/9 bên lề Hội chợ ASEAN-Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng tỏ ý hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ sớm được hàn gắn, sau cuộc đối đầu gay cấn tại khu vực đảo Scarborough/Hoàng Nham. Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình: “Tôi hy vọng tình trạng này sẽ không tái diễn, để cho mối quan hệ song phương trở lại quỹ đạo phát triển bình thường. Quan hệ Trung Quốc - Philippines đã vấp phải một số trở ngại. Tuy nhiên, tình hình đã trở nên lắng dịu thông qua sự liên lạc hiệu quả giữa hai bên”.
Hội chợ ASEAN-Trung Quốc tại một thành phố miền Tây Trung Quốc: Sự phát triển kinh tế miền Tây phụ thuộc nhiều vào thị trường Đông Nam Á
Trung Quốc vẫn chưa thay đổi lập trường nguyên tắc về Biển Đông
Theo báo The Times of India, ngày 22/9, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/9 đã chìa bàn tay bè bạn ra với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam và Philippines trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản đang căng thẳng do tranh chấp lãnh hải. Báo trên cho rằng những lời nói của ông Tập Cận Bình chứng tỏ Trung Quốc giải quyết bất đồng trên những mặt trận khác nhau. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng đưa ra tín hiệu rằng Trung Quốc không thể từ bỏ tuyên bố chủ quyền về lãnh thổ.
Các nhà phân tích nhận xét, cho tới nay, Trung Quốc vẫn chống lại việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) cũng như giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở đa phương, mà vẫn muốn thương lượng riêng với từng nước, bởi như thế họ dễ áp đảo hơn. Phải chăng việc tỏ thái độ hòa dịu với ASEAN trên vấn đề Biển Đông là một chiến thuật mang tính chất tình thế, tạm thời làm yên mặt trận phía Nam để Bắc Kinh tập trung lực lượng đối phó với Tokyo ở mặt trận phía Đông? Hòa dịu với ASEAN cũng có thể là cách để Trung Quốc hóa giải sự liên kết giữa các quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo như Việt Nam và Philippines. Chiến thuật của Bắc Kinh đối với ASEAN vẫn là chia để trị, đánh tỉa từng nước làm suy yếu tập thể.
Bế tắc trên hồ sơ Biển Đông sẽ càng nghiêm trọng hơn
Trong một diễn biến khác, tại hội thảo “Hòa bình, Ổn định tại Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương: Sự đoàn kết của ASEAN và can dự của các cường quốc vào khu vực” tổ chức tại Giacácta, ngày 20/9, các chuyên gia đã phác họa một bức tranh ảm đạm về các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và nhận định sức mạnh quân sự của Trung Quốc càng gia tăng thì nguy cơ xung đột càng lớn và việc tìm kiếm giải pháp trong khối càng thêm khó khăn.
Trang điện tử của báo Bưu điện Giacácta ngày 21/9 dẫn lời ông Andi Widjajanto, một chuyên gia về quốc phòng thuộc Đại học Inđônêxia, nói: “Việc phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ tác động đến sự đoàn kết của ASEAN, các nước thành viên sẽ bị chia rẽ giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ vì những lợi ích riêng của mình”.
Liệu Trung Quốc có thành thực muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, hay vẫn theo kế sách "Lục hoãn hải khẩu" (Hòa hoãn trên bờ, xung đột dưới biển)?
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc cũng có thể lôi kéo một số quốc gia vào vòng ảnh hưởng của mình. Ví dụ, đối với những nước không có đòi hỏi chủ quyền, như Campuchia, lợi ích của họ không liên quan đến Biển Đông. Họ quan tâm hơn đến những gì có thể có được từ phía Trung Quốc. Trong bối cảnh bế tắc đó, Inđônêxia có thể đóng một vai trò quan trọng qua việc làm cầu nối giữa các bên, đưa ra các sáng kiến ngoại giao nhằm ngăn ngừa những căng thẳng có thể xảy ra trong khu vực. Thế nhưng, ảnh hưởng của Inđônêxia cũng hạn chế. Không thể thuyết phục được Trung Quốc từ bỏ những đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông và vai trò của Inđônêxia cũng không thể giúp tìm ra được một giải pháp cho tình hình này.
Theo ông Ralf Emmer thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, bế tắc trên hồ sơ Biển Đông còn nghiêm trọng hơn, không chỉ vì khu vực này có nhiều tài nguyên thiên nhiên, mà còn vì nơi đây có tầm quan trọng chiến lược đối với giao lưu thương mại hàng hải quốc tế. Hồ sơ này lại càng nóng bỏng hơn với sự can thiệp của Mỹ. Vì quyền lợi của mình, Mỹ muốn duy trì nguyên tắc tự do thông thương hàng hải ở vùng biển quốc tế trong khi Trung Quốc tăng cường khả năng hải quân và có thái độ quyết đoán trong các tranh chấp chủ quyền.
Chừng nào Bắc Kinh còn tiếp tục nói “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với lãnh thổ biển của các nước giáp Biển Đông thì chưa có hy vọng về một giải pháp cho cuộc tranh chấp do Trung Quốc gây ra. Hãy lấy đó làm phép thử về lập trường Trung Quốc.
Mở rộng thị trường Đông Nam Á cho hàng hóa Trung Quốc
Giữa lúc nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, hàng hóa dư thừa, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo dự gặp gỡ cấp cao Trung Quốc-EU ở Brussels. Báo chí Trung Quốc ca ngợi kết quả cuộc gặp. Trung Quốc hứa hẹn giúp EU khắc phục các vấn đề tài chính và đồng euro. “Giúp người là tự giúp mình”. Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Tây Âu - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, và sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Mỹ - thị trường lớn thứ hai, đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của Trung Quốc vốn được xem là “công xưởng của thế giới”.
Nhân dịp Hội chợ ASEAN-Trung Quốc tại thành phố Nam Ninh, báo chí Trung Quốc phát ra những thông điệp tăng cường liên kết kinh tế, kết nối cơ sở hạ tầng miền Tây Trung Quốc với Đông Nam Á… Chiến lược “Tây Tiến” của Trung Quốc đang giúp các tỉnh miền Tây giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong khi miền Đông rơi vào suy thoái. Đông Nam Á chính là thị trường của miền Tây. Từ hàng chục năm nay, Trung Quốc vẫn chủ trương “lục hoãn hải khẩu” (trên đất liền hòa hoãn, dưới biển xung đột).
Người bình luận
Theo Tổ Quốc