Chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thúc giục Hàn Quốc và Nhật Bản "hạ nhiệt" xung quanh các tranh chấp tại quần đảo Dokdo/Takeshima, cả hai quốc gia lập tức lên đà cho một cuộc chiến truyền thông mới về vấn đề này.
Nhóm đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima |
Cả hai Bộ Ngoại giao của Nhật và Hàn đều yêu cầu tăng thêm ngân sách nhằm thúc đẩy các nỗ lực hỗ trợ cho chính sách quảng bá các tuyên bố chủ quyền của họ đối với nhóm đảo đá giữa biển Nhật Bản. Các chiến dịch này sẽ được thực hiện cả trong và ngoài nước.
"Chúng tôi vừa yêu cầu Quốc hội thông qua một khoản tiền trị giá năm tỉ won cho các dự án nhằm củng cố chủ quyền của chúng tôi đối với Dokdo" - một người phát ngôn cấp bộ của Hàn Quốc cho biết.
Nếu được thông qua khoản ngân sách bổ sung này, chi phí của Hàn Quốc sẽ tăng lên gấp đôi trong chiến dịch tuyên truyền.
Người phát ngôn này từ chối đưa ra chi tiết cụ thể của các khoản chi tiêu, nhưng hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đã trích lời một quan chức dấu tên cấp bộ cho biết: khoản tiền này trước hết có thể được sử dụng để quảng bá trên thế giới về nhóm đảo Dokdo.
Còn Bộ Ngoại giao của Nhật lại cho biết: họ đã yêu cầu chính quyền trung ương cấp thêm 560 triệu yen để thúc đẩy các lập trường của họ đối với các đảo này, trong lúc Tokyo cũng đang có tranh cãi về biển đảo với các bên khác.
Tờ nhật báo bảo thủ của Nhật là Sankei Shimbun hôm thứ Ba cho biết chính quyền có thể "quảng bá trên 70 tờ báo trong nước và trong khu vực từ ngày 11/9 và kéo dài trong một tuần liền". Việc làm này nhằm đề cao chủ quyền của họ đối với nhóm đảo Takeshima.
Nếu làm vậy, đây sẽ là lần đầu tiên chính phủ sử dụng các mục quảng cáo báo chí để quảng bá cho quan điểm của mình.
Về mặt địa lý, các đảo đá này nằm ở biển Nhật Bản, cách đều cả Seoul và Tokyo.
Hai bên đều tuyên bố nhóm đảo này là của mình, nhưng hiện nay các đảo này đang trong tầm kiểm soát của Hàn Quốc.
Tranh cãi nổ ra với một loạt trạng thái cảm xúc trào dâng giữa hai nước sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak có chuyến thăm bất ngờ tới các đảo này vào hôm 10/8.
Căng thẳng bị đẩy lên đến độ Ngoại trưởng Hillary Clinton trong phiên hội nghị APEC phải yêu cầu cả hai đồng minh thân cận của mình tại Đông Á "hạ nhiệt" và chấp thuận một "các tiếp cận ôn hòa và kiềm chế" để tìm ra giải pháp cho tranh chấp này.