TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Đất đai của Nga mê hoặc người Trung Quốc

Dòng người từ Trung Quốc đang đổ sang Nga để thuê hoặc mua đất canh tác, khai thác khoáng sản. Quốc gia giàu có nhất thế giới về đất đai đang thu hút mãnh liệt quốc gia giàu nhất thế giới tính về người.
 

Cách đây mấy năm một nhà đầu tư Trung Quốc mua một khu đất cạnh ngôi làng của Nga và vui mừng đặt tên cho nó là “Mảnh đất vàng”. Mảnh đất này mầu mỡ, mưa nắng thuận hòa.

Mảnh đất này, nằm sâu trong khu vực nông thôn Nga, nơi có rất ít người.

Một nông dân Trung Quốc trong vụ thu hoạch cà chua ở Nga. Ảnh: NYT
Một nông dân Trung Quốc trong vụ thu hoạch cà chua ở Nga. Ảnh: NYT

Giờ đây thì mọi chuyện đã khác, hàng loạt các nhà kính đã mọc lên và có hàng tá tá điền Trung Quốc thu hoạch cà chua. Và trong một vụ mùa bội thu cà chua người đốc công này sẵn sàng thuê thêm hàng trăm người thu hoạch nữa.

Dòng lao động nông nghiệp của Trung Quốc vào Nga phản ánh mối quan hệ thương mại và kinh tế ngày càng tăng giữa hai nước, gữa một nước phong phú về đất đai và các nguồn lực với một nước dồi dào về con người.

Nhiều năm sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, hai nước đã cố gắng biến sức mạnh về bổ trợ kinh tế này thành những cơ hội kinh doanh thực thụ. Đã có một số dự án khai thác khoáng sản thành công, và các doanh nghiệp nhà nước đã ký các hợp đồng lớn về khai thác dầu khí, than đá và gỗ tạo thành xương sống cho mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Mặc dù các dự án về nông nghiệp của Trung Quốc ở Nga mới ở tầm cỡ nhỏ, nhưng chúng cũng có tầm quan trọng nhất định. Theo Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO), Nga là nước có diện tích đất canh tác bỏ hoang lớn nhất thế giới, một di sản của sự sụp đổ của hệ thống nông trang thời Liên Xô cũ và hiện tượng giảm dân số ở nông thôn ở Nga trong hai thập kỷ qua. Hiện dân số Nga là 141 triệu người so với 1,3 tỷ người của Trung Quốc.

Trung Quốc có mối lo lắng cố hữu về việc đảm bảo đủ lương thực và tìm kiếm đủ việc làm cho dân cư nông thôn. Một số trang trại Trung Quốc ở Nga đã vận chuyển đậu tương của họ về Trung Quốc, và khi sự hiện diện của người Trung Quốc trong khu vực nông nghiệp tăng thì khả năng xuất khẩu thực phẩm nhiều hơn cũng gia tăng.

Năm năm trước, lúc chưa xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, khi giá thực phẩm tăng mạnh, chính phủ Trung Quốc đã mở cuộc thương lượng về đầu tư vào vùng nông nghiệp Nga. Chương trình này đã mang lại kết quả vào năm nay với việc Tổng công ty hợp tác đầu tư Trung Quốc đóng góp một tỷ USD cho một vốn đầu tư chung Nga-Trung về nông nghiệp và khai thác gỗ ở Nga và các nước khác như Ukraina và Kazakhstan.

Trong một dự án được sự hỗ trợ của chính phủ Nga, các công ty Trung Quốc đã chính thức ký hợp đồng thuê khoảng hai triệu hécta đất nông nghiệp của Nga, chủ yếu là dọc biên giới phía đông bắc của Trung Quốc. Ngoài ra các công ty Trung Quốc còn thuê thêm khoảng hai triệu hécta rừng ở Siberia để các công nhân khai thác gỗ người Trung Quốc khai thác xuất khẩu đi Trung Quốc.

Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư Trung Quốc mua đứt các mảnh đất của Nga. Mảnh đất vàng là một trong chín trang trại ở khu vực Sverdlovsk, miền Trung nước Nga. Nhiều vụ mua bán khác còn vươn đến khu vực miền nam Nga như khu vực Cheyabinsk. Các trang trại trồng rau của người Trung Quốc thậm chí còn hoạt động ở ngay ngoại ô thủ đô Moscow và thành phố St Petersburg, cách biên giới chung cả ngàn cây số.

Zhang Wei Dong, đốc công ở trang trại Mảnh đất vàng với một cái tên Nga là Lyosha và đôi khi kiêm cả phiên dịch, nói, làm ăn ở đây có thể phát triển một cách dễ dàng như các cây cà chua cao đến ngực người trong các khu nhà kính ở đây. “Hãy còn bao nhiều là đất trống”, ông nói và khoát tay một vòng.

Ông Zhang được Cục di trú Liên bang cấp một chỉ tiêu 70 lao động nông nghiệp trong năm nay, nhưng ông cho biết ông có thể sử dụng nhiều hơn con số này rất nhiều.

Người Nga và người Trung Quốc trên đồng ruộng của nông trại ở Ostanino. Ảnh: NYT
Người Nga và người Trung Quốc trên đồng ruộng của nông trại ở Ostanino. Ảnh: NYT

Tuyển mộ lao động không có khó khăn gì. Những người làm cỏ, trồng cây và hái lượm từ Mãn Châu Lý, Trung Quốc sẵn sàng đi các chuyên tầu chật chội, ngột ngạt trong hạng ghế loại ba vượt Siberia đến làm việc. Đó là một chuyến đi hướng tới cơ hội kinh tế giống như vô vàn người Mexico hái nho thuê ở California hay những vú em Philippines ở Dubai hoặc những người Algeria quét đường phố ở Pháp. Một nông dân Trung Quốc ở Nga cho biết lương tháng của cô được 650 USD, gấp 5 lần nếu làm nông ở quê nhà. "Sao lại không đi cơ chứ?", cô nói.

Chính sách đối ngoại của Kremlin gần đây nhấn mạnh đến việc xây dựng một quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc, khi tình hình kinh tế châu Âu đang nhích gần đến suy thoái, một chủ đề được thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh của APEC tại Vladivostok tuần trước.

Tổng thống Putin phát biểu trên một kênh truyền hình Nga, RT Television, rằng: “Chúng ta đang ở thời nắng đẹp rất có lợi cho chúng ta.”

Là nước chủ nhà, Nga đã lập ra chương trình nghị sự, rõ ràng là với đất đai rộng lớn, Tổng thống Putin đã chọn an ninh lương thực và nông nghiệp làm chủ đề ưu tiên để thừa nhận một vai trò lớn và ngày một tăng của Nga trong xuất khẩu ngũ cốc cho các nước đang phát triển.

Chính phủ Nga đã đặt mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại hai chiều với Trung Quốc lên 200 tỷ USD trong năm tới, từ 80 tỷ năm 2011. Theo Bộ Thương mại Mỹ thì so với kim ngạch thương mại Mỹ-Trung năm 2011 là 503 tỷ USD.

Những người hoài nghi về gia tăng quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc chỉ rõ hiện tồn tại sự ngờ vực sâu sắc, bắt nguồn từ những cuộc đụng độ biên giới xảy ra trên sông Ussuri năm 1969 đã đóng băng tất cả các quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ. Thực tế biên giới hai nước mới được phân giới đầy đủ trong năm 2009.

Ostanino, nơi người Trung Quốc đang lập nông trang để kinh doanh nông nghiệp. Đồ họa: NYT
Ostanino, nơi người Trung Quốc đang lập nông trang để kinh doanh nông nghiệp. Đồ họa: NYT

Phía Nga cũng lo sợ rằng mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc sẽ dẫn đến một làn sóng nhập cư ồ ạt vào những khu vực dân cư thưa thớt của mình.

"Sao những người này đế đây?", Nadezhda A. Kolyesova, một phụ nữ làm nghề kinh doanh ở Ostanino, một vùng đồng quê có phong cảnh tuyệt đẹp với những ngôi nhà bằng gỗ nhìn ra một cái hồ, gần cánh rừng nơi có nông trại "mảnh đất vàng", nói.

"Tôi không gặp phiền phức gì với họ cả", bà giải thích. "Nhưng nước Nga là để cho người Nga, nước Trung Quốc là cho người Trung Quốc".

Sau một hồi than phiền, bà kết luận rằng "Tôi cũng mong mọi thứ sẽ ổn cả, miễn là mai này họ đừng biến con cháu tôi thành kẻ làm thuê cho họ".

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã và đang áp dụng những chính sách tranh thủ trái tim khối óc người dân địa phương như biếu không rau cho những người đến trang trại, chủ yếu là những người nội trợ già cả. Còn những người lao động Trung Quốc sống trong các lều bạt tạm làm bằng gỗ dán và gỗ loại, thường lui tới các cửa hàng địa phương mua thuốc là, rượu vodka, xúc xích và kem.

Hiện có khoảng 400.000 dân Trung Quốc nhập cư vào Nga, chỉ chiếm một phần nhỏ tổng số người nhập cư trong cả nước Nga, trong đó hầu hết là những người đến từ các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Tuy nhiên, rất có thể số người nhập cư từ Trung Quốc sẽ gia tăng trong tương lai.

Trong các vụ thu hoạch trước đây, Mảnh đất vàng, một trang trại được thành lập trên mảnh đất từ một khu đồng hoang vu năm năm trước, đã nhận được đủ giấy phép lao động cho các khu nhà kính. Còn năm nay, chương trình cấp thị thực lao động tạm thời đã giảm chỉ tiêu lao động của trang trại. Trong khi đó ngày nay rất ít người Nga muốn làm việc ở nông thôn.

Nhà đầu tư Trung Quốc vào trang trại Mảnh đất vàng trước đây là người buôn bán tại một chợ ở một thành phố gần Yekaterinburg. Ông đã sở hữu khu đất nhờ mua lại cổ phần của những người dân trong làng trong nông trang tập thể bị khai tử. Giờ ông đang sống tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc và tuyển mộ người làm thuê cho trang trại Mảnh đất vàng qua truyền miệng trong các làng mạc Trung Quốc xung quanh.

Piao Chen Nan, chủ một trong các trang trại gần Mảnh đất vàng trả tiền công cho các nhân công Trung Quốc cao hơn mức họ có thể nhận được ở trong nước. Ông làm được điều này vì ông thu được cao hơn từ khoản bán cà chua, giá bán ở Nga cao gấp hơn ba lần so với giá bán ở vùng đông bắc Trung Quốc.

Cuối mùa thu năm ngoái, những người làm thuê Trung Quốc đốt lửa trong các lò sưởi bằng sắt trong các nhà kính bằng những cành thông của rừng, kéo dài thời gian canh tác thêm được mấy tuần. Cuối cùng thì băng giá Nga cũng ập đến và người Trung Quốc lại ra về trên các chuyến tầu hỏa xuyên Siberia, để hẹn đến vụ sau.

Phạm Ngọc Uyển (Theo The NYT, VNexpress)


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te