Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư những ngày qua diễn biến khá phức tạp. Câu hỏi đặt ra là hai bên sẽ đẩy căng thăng leo thang tới mức nào?
Tàu tuần tra Trung Quốc (phải) chạm trán tàu tuần tra Nhật Bản ở vùng biển gần quần đảo Senkaku
Dồn dập tiếng trống trận
Thực tế thì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã âm ỉ từ lâu. Nó mới chỉ bùng phát hồi tuần trước sau khi Chính phủ Nhật thông báo quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku vốn do Nhật kiểm soát từ lâu.
Ở Trung Quốc, làn sóng người dân biểu tình chống Nhật diễn ra hầu khắp nước này trong suốt mấy ngày qua và đã có một số cuộc biểu tình biến thành bạo động. Nhiều cơ sở kinh doanh và sản xuất, thậm chí cả các cơ sở ngoại giao của Nhật ở Trung Quốc bị đập phá bất chấp sự cảnh báo của chính quyền Bắc Kinh với những người biểu tình và lực lượng cảnh sát chống bạo động. Nhiều nhà máy, xí nghiệp của Nhật tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa trong khi công dân Nhật được kêu gọi ở trong nhà, còn các trường học của Nhật cũng cho học sinh nghỉ…
Trên biển Hoa Đông, ngày 17-9, Trung Quốc xua hàng nghìn tàu cá tới vùng biển tranh chấp với Nhật, đồng thời ngày 18-9 phát ngôn viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết họ đã phát hiện 10 tàu hải giám và một tàu cá lớn của Trung Quốc đã xuất hiện ngoài khơi đảo Uotsurijima - đảo lớn nhất trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Về quân sự, báo Quân đội Nhân dân Trung Quốc (ngày 12-9) lên án Nhật Bản đang “chơi với lửa” đồng thời đưa tin các lực lượng hải quân, không quân và tên lửa chiến lược của quân đội nước này đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở Hoàng Hải (với mục tiêu diễn tập là chiếm lại đảo) và sa mạc Gobi hồi đầu tháng này. Báo này cũng nêu chi tiết về điều kiện thời tiết và các cuộc tập trận do Quân khu Nam Kinh tiến hành. Báo trên bắn tín hiệu cảnh báo Nhật Bản rằng quân đội Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ nước này trong cuộc tranh chấp giữa hai nước đang leo thang căng thẳng. Một trong những nhiệm vụ chủ chốt của Quân khu Nam Kinh là bảo vệ biển Hoa Đông. Kênh truyền hình vệ tinh Thâm Quyến ngày 12-9 nói rằng các quân khu khác của quân đội Trung Quốc như Thành Đô, Tế Nam và Quảng Châu cũng đã liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận lớn trong những ngày gần đây, trong đó có các cuộc tập trận tấn công đổ bộ bằng đường biển và đánh chặn tên lửa biển đối biển.
Trên mặt trận ngoại giao, trong cuộc gặp ngày 12-9 với người đồng cấp Nhật Bản Shinsuke Sugiyama, Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Triệu Huy đã kêu gọi Nhật Bản rút lại quyết định mua quần đảo tranh chấp nói trên, trong khi ông Sugiyama nói rằng cả hai nước sẽ tiếp tục trao đổi thông tin về vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tuy nhiên, cũng trong ngày 12-9, tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã khẳng định rằng Nhật Bản không thể từ bỏ kế hoạch mua quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Lương Quang Liệt, hôm 18-9 tuyên bố nước ông có quyền “hành động thêm” để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật, song ông cũng bày tỏ hy vọng căng thẳng có thể giải quyết qua còn đường ngoại giao.
Về truyền thông, kể từ sau khi Nhật mua lại 3 hòn đảo trong cụm Senkaku từ tay tư nhân, giới truyền thông Trung Quốc liên tục kêu gọi người dân thể hiện tinh thần yêu nước bằng các cuộc biểu tình, thậm chí còn yêu cầu chính quyền trung ương tiến hành đánh chiếm lại Senkaku/Điếu Ngư, cùng vô vàn lời đe doa khác. Tuy nhiên, sau khi làn sóng biểu tình biến thành bạo động đạp phá nhiều cơ sở và tài sản của Nhật ở Trung Quốc thì truyền thông nước này đã bắt đầu dịu giọng. Báo điện tử Thanh niên Bắc Kinh ngày 15-9 nói rằng những vụ phá hoại các ôtô do Nhật Bản sản xuất xảy ra trên khắp Trung Quốc là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp Trung Quốc. Báo này viết: “Cần phải vạch rõ một giới hạn ở đây. Sự thể hiện chủ nghĩa yêu nước không nên gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng và cũng không được phép vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật”. Hãng tin Tân Hoa Xã ngày 16-9 cũng đăng một bài bình luận, trong đó kêu gọi người dân Trung Quốc “thể hiện lòng yêu nước một cách sáng suốt”. Netease, một cổng thông tin điện tử lớn ngày 16-9 cũng cảnh báo rằng “chủ nghĩa yêu nước” đang gia tăng mạnh mẽ đã bị lợi dụng làm bình phong cho những hành động phạm tội, như cướp bóc, đốt phá các cửa hàng ở Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), Tây An (tỉnh Thiểm Tây) và thành phố Thanh Đảo. Trong khi đó, ấn bản điện tử của Nhân dân Nhật báo cho biết những hành động phi pháp đã làm xấu hổ hệ thống luật pháp của Trung Quốc cũng như toàn xã hội nước này và có thể gây ra sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc.
Trong lĩnh vực kinh tế, đòn “trả thù” bằng kinh tế cũng đang được phía Trung Quốc dọa tung ra. Theo AFP, hôm 17-9, một số doanh nghiệp lớn của Nhật như Canon Panasonic đã đóng cửa nhiều nhà máy tại Trung Quốc. Tập đoàn Canon đã quyết định ngừng việc trong hai ngày, 17 và 18-9 tại 3 trong số 4 nhà máy chính của hãng tại Trung Quốc, để bảo đảm an toàn cho các nhân viên. Panasonic cũng đình hoãn hoạt động của một nhà máy tại miền Đông Bắc Trung Quốc. Bên cạnh đó, lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn trên mạng Internet Trung Quốc. Tờ Nhân dân Nhật báo, ngày 17-9, cảnh báo nền kinh tế Nhật Bản không có đủ sức đề kháng để chống lại các biện pháp (trừng phạt) kinh tế của Trung Quốc. Hãng Tân Hoa Xã cùng ngày nhấn mạnh mối đe dọa này bằng một câu hỏi đầy thách thức: “Liệu Nhật Bản có sẵn sàng đánh mất một lần nữa (thành quả kinh tế) 10 năm, thậm chí nguy cơ tụt lùi 20 năm?”. Câu hỏi kể trên của Tân Hoa Xã gợi đến cuộc khủng hoảng chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, mà nước Nhật đã biết đến trong những năm 1990, với hậu quả là một “thập kỷ bị đánh mất”. Theo các chuyên gia, các phương tiện tác động vào kinh tế đối phương của cả hai nước trong thời điểm hiện tại đều khá hạn chế.
Làn sóng biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc trong suốt một tuần qua
Chiến tranh hay hòa hoãn?
Tuy nhiên, nếu nói đến các tuyên bố chính thức, giọng điệu của Trung Quốc vẫn gần gũi với biện pháp ngoại giao hơn là hành động chiến tranh. Chính quyền Trung Quốc, cũng như chính quyền Nhật Bản vẫn khẳng định thực tế là sau leo thang xung đột sẽ là thỏa thuận hòa hoãn.
Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Sergei Luzyanin khẳng định Bắc Kinh và Tokyo chắc chắn sẽ tìm ra con đường đúng đắn để ra khỏi cuộc xung đột hiện nay. Theo chuyên gia này, Trung Quốc và Nhật Bản đã sử dụng tình hình để huy động dư luận, và từ quan điểm này, cuộc xung đột mang tính chất điều khiển được. Ông nói: “Tôi có cảm giác rằng hiện tại Bắc Kinh và Tokyo đang cho phép tình hình tiến triển, nhưng họ sẽ không đi quá vạch đỏ. Chúng ta đang nhìn thấy phần nổi của tảng băng trôi. Nhưng đằng sau tấm màn che là hệ thống lợi ích của giới đầu tư hai nước. Cuộc xung đột có vẻ tương tự như mô hình quan hệ Mỹ-Trung, có đặc trưng là luân phiên thay đổi thăng trầm. Sau cuộc suy thoái hiện tại sẽ là giai đoạn gia tăng quan hệ. Đặc biệt, dự án thành lập khu vực thương mại tự do Trung Quốc-Hàn Quốc-Nhật Bản đang lấy đà để tiến triển, vì vậy sẽ không có ai mong muốn bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại. Sẽ không có ai vượt qua vạch đỏ”.
Trong khi đối mặt với một làn sóng khủng hoảng tài chính mới ở Nhật Bản và Trung Quốc, hai bên hiểu rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau sẽ dẫn đến con đường chết. Thị trường Trung Quốc là sự cứu rỗi cho nền kinh tế Nhật Bản đang trì trệ, trong khi các công ty Trung Quốc quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ Nhật Bản. Bị thiệt hại do cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, các công ty Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động tại các thị trường châu Á, bao gồm cả Nhật Bản. Chưa kể hồi đầu tháng này, lần đầu tiên Trung Quốc công bố mức tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Một số phân tích cho rằng việc quốc hữu hóa của chính phủ Nhật Bản chưa hẳn là “đỉnh điểm” của cuộc tranh giành quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, tới đây rất có thể sẽ còn có các đợt sóng gió khác xung quanh cuộc tranh chấp này. Việc Trung Quốc gia tăng đáp trả là chắc chắn, và hành động này sẽ còn tiếp diễn trong một khoảng thời gian nữa, song cụ thể gia tăng đến mức độ nào thì còn phải căn cứ vào hành động của phía Nhật Bản. Nếu như Nhật Bản tiếp tục nâng cấp thách thức, phía Trung Quốc sẽ không loại trừ việc áp dụng các biện pháp trả đũa trong nhiều lĩnh vực như du lịch, kinh tế và hiệu quả của việc làm này rất khó dự liệu.
Giới quan sát cho rằng châu Á hiện nay đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của thế giới, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản không có lợi cho ổn định của châu Á. Trong khi đó, nếu như không có hòa bình, điều kiện phát triển kinh tế của châu Á sẽ biến mất. Do vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều nhân tố không xác định như hiện nay, nhiệm vụ cấp bách là phải trân trọng và bảo vệ môi trường phát triển không dễ gì có được.
Liệu một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ giữa Nhật Bản và Trung Quốc có diễn ra trong vài ngày tới? Theo nhiều chuyên gia, khả năng này là rất thấp. Những căng thẳng trên biển Hoa Đông hiện nay chỉ là kiểu “ăn miếng trả miếng”, chứ thực chất hành động quốc hữu hóa quần đảo Senkaku của Chính phủ Nhật hôm 11-9 chính là đã giúp ngăn chặn một nguy cơ chiến tranh thực sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Để lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng cần phải tìm lời giải cho câu hỏi tại sao Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng quyết định mua quần đảo này? Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda chỉ có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Vladivostok, Nga, mới đây, và người ta không thể biết hai bên có đề cập đến chuyện này hay không. Tuy nhiên, Bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho biết hôm 11-9 đã cử Vụ trưởng Vụ Á châu đến Bắc Kinh để giải thích nhằm tránh những hiểu lầm.
Từ tháng 7-2012, Thủ tướng Noda đã hé lộ ý kiến Chính phủ Nhật sẽ mua quần đảo Senkaku. Truyền hình NHK khi loan tin ký hợp đồng mua bán với gia đình Kurihara hôm 11-9, nói thêm rằng chính quyền trung ương Nhật Bản không có ý định phát triển Senkaku. Nhiều chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế giải thích rằng động thái này nhằm ngăn chặn ý định của Thống đốc Tokyo, ông Shintaro Ishihara, người có khuynh hướng chống Trung Quốc cực đoan và đã phát động cuộc gây quỹ được 18 triệu USD để mua quần đảo. Nếu thuộc sở hữu của thành phố Tokyo, quần đảo không có cư dân thường trú này sẽ được xây một ngư cảng và phát triển nhiều cơ sở hoạt động khác. Những việc như vậy là sự khiêu khích mạnh mẽ đối với Trung Quốc và sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
Sheila Smith, thành viên cao cấp Hội đồng Bang giao Quốc tế ở Washington, Mỹ, nhận định, Chính phủ Nhật Bản gạt ông Ishihara qua một bên như vậy là một chiều hướng tốt. Ông này trước đây đã tuyên bố hy vọng sẽ đến thăm Senkaku vào tháng 10-2012 và nếu chuyện này xảy ra, chắc chắn Trung Quốc sẽ rất tức giận. Theo lời bà Smith, Nhật Bản không thể để cho vấn đề tranh chấp hải đảo gây trở ngại cho mối quan hệ với Trung Quốc, một đối tác mậu dịch tối thiết yếu.
Trong khi đó, lực lượng tuần duyên Nhật Bản nói họ sẽ không có biện pháp ứng phó nào đặc biệt đối với các tàu Trung Quốc nhưng sẽ tiếp tục theo dõi mọi diễn tiến. Ngược lại, tàu hải giám Trung Quốc là loại tàu bán quân sự vũ trang nhẹ, có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ duyên hải, ngăn chặn xâm nhập trái phép, xuất nhập khẩu hàng lậu và thực hiện các hoạt động cứu cấp trên biển. Ðó không phải là những chiến hạm có khả năng hải chiến.
Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba lập luận rằng việc Chính phủ Nhật mua Senkaku là hành động nhằm “duy trì hòa bình và ổn định” cho vùng hải đảo có tranh chấp. Với những phân tích trên, vụ tranh chấp hải đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc hình như đang diễn biến ngược lại với hình thức bề ngoài, vụ tranh chấp này sẽ không nổ lớn hơn mà đang đi dần tới chỗ tạm thời ổn định bằng phương cách duy trì nguyên trạng.
S.Phương-Hùng Phan
Theo Petrotimes