Cái chết của tân Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc khiến dư luận quan tâm bởi ông Shinichi Nishimiya sẽ nhậm chức trong tháng 10 và là đại sứ thứ hai trong số những quốc gia đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc bị đột quỵ.
Trước đó (tháng 8), Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Sonia Brady, 71 tuổi bị đột qụy tại nhà riêng ở Bắc Kinh và Tổng thống Benigno Aquino III đã tìm người thay thế bà. Ngày 16/9, giới truyền thông đưa tin, ông Shinichi Nishimiya, 60 tuổi, đã qua đời tại bệnh viện sau khi bị đột qụy hôm 13/9, chỉ hai ngày sau khi được bổ nhiệm thay thế người tiền nhiệm Uichiro Niwa làm Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc.
Khó xảy ra chiến tranh trên biển Hoa Đông
Thủ tướng Yoshihiko Noda |
Ông Shinichi Nishimiya được bổ nhiệm đúng thời điểm Tokyo và Bắc Kinh đang khẩu chiến xung quanh chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông. Ngày 14/9, tờ Asahi Shimbun xuất bản tại Nhật Bản cho hay, Trung Quốc đang khơi lại quá khứ chiến tranh của Nhật Bản trong cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với hy vọng giành được sự ủng hộ của các nước từng bị quân đội Nhật Bản xâm lược trước đây. Được biết, Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vào bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp Quốc (LHQ) diễn ra vào cuối tháng này, đồng thời yêu cầu “giải quyết phù hợp với nguyên tắc pháp quyền”.
Tại cuộc tranh luận hôm 15/9 (trước cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, chính đảng đối lập) dự kiến diễn ra hôm 26/9, năm ứng cử viên gồm cựu Thủ tướng Shinzo Abe, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Kinh tế Yoshimasa Hayashi, cựu Ngoại trưởng Nobutaka Machimura và Tổng thư ký LDP Nobuteru Ishihara, đã đồng loạt chỉ trích Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Tokyo cứng rắn với Bắc Kinh trong cuộc tranh cãi chủ quyền lãnh thổ ngày càng leo thang. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba công khai đề xuất: nên để lực lượng phòng vệ trở thành quân đội chính quy, cũng như thực hiện quyền tự vệ tập thể. Giới quân sự Trung Quốc quan ngại trước tuyên bố của ông Shigeru Ishiba.
Tuần san châu Á số mới nhất của Hongkong vừa đăng bài của Giáo sư Thái Dực thuộc Trường đại học Khoa học Đài Loan khi học giả này đưa ra độc chiêu để kiềm tỏa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo đó, Bắc Kinh tuyên bố với cộng đồng quốc tế: quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vùng biển phụ cận là khu vực bắn thử đạn pháo không định kỳ trong cả năm của quân đội Trung Quốc tại đây. Việc là cách làm rủi ro ít, chi phí thấp, hiệu quả cao, tránh xung đột trực diện với Mỹ, Nhật Bản.
Ngày 13/9, khi trả lời phỏng vấn của báo giới về việc Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở lãnh hải tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo xung quanh, Vụ trưởng Vụ biên giới và hải dương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Đặng Trung Hoa nhấn mạnh, Bắc Kinh công bố đường cơ sở lãnh hải nhằm xác định phạm vi lãnh hải và nội thủy của Trung Quốc ở vùng biển kể trên, cung cấp cơ sở pháp lý cho Trung Quốc tiến hành quản lý vùng biển này theo luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế hữu quan, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện chế độ lãnh hải.
Cũng trong ngày 13/9, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông đã trao bản biểu tọa độ và bản đồ biển về các điểm của đường cơ sở lãnh hải tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo xung quanh cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu cũng vừa kêu gọi quân đội chuẩn bị sẵn sàng. Giới quân sự cho rằng, nếu xảy ra đụng độ trên biển thì Hải quân Trung Quốc không phải là đối thủ của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Mặc dù Bắc Kinh và Tokyo đang khẩu chiến sau khi Nhật Bản chính thức công bố kế hoạch quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo ở Senkaku/Điếu Ngư, nhưng giới phân tích cho rằng, khó xảy ra chiến tranh trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng va chạm nhỏ giữa tàu hải giám của Trung Quốc với lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Cho tới nay Bắc Kinh tiếp tục đưa ra những phản ứng mạnh mẽ về ngôn từ xung quanh chủ đề nhạy cảm này. Trong khi Bộ Ngoại giao coi quyết định của Chính phủ Nhật Bản là “hành động ăn cắp” thì người phát ngôn Bộ Quốc phòng Cảnh Nhạn Sinh đe dọa, quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc và Nhật Bản
Ông Shinichi Nishimiya |
Dư luận đang quan tâm tới chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhân chuyến công du châu Á của ông Leon Panetta trong tuần này. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ George Little, ông Leon Panetta sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto, Ngoại trưởng Koichiro Gemba và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Chuyến thăm của ông Leon Panetta là cơ hội để làm lắng dịu quan ngại của Bắc Kinh trước cáo buộc, Mỹ đang tìm cách kìm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Châu Á - Thái Bình dương. Được biết, trong tháng 8/2012, ông Leon Panetta và ông Satoshi Morimoto từng hội đàm tại Washington trong bối cảnh Mỹ tiếp tục tăng cường triển khai nhiều loại vũ khí cùng trang thiết bị hiện đại tại Nhật Bản và khu vực Đông Bắc Á cũng như Châu Á - Thái Bình dương, được cho là nhằm vào Trung Quốc. Trước đó, trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Chính sách của Đảng Dân chủ Nhật Bản Seiji Maehara, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản đã gặp Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lippert, hội đàm với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell và xác nhận, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là đối tượng áp dụng thích hợp của Hiệp ước Bảo đảm An ninh Nhật - Mỹ.
Ngày 16/9, hàng trăm người biểu tình lại tập hợp bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh. Cũng trong ngày 16/9 tại Thượng Hải, hơn 200 người biểu tình tuần hành tới Lãnh sự quán Nhật Bản. Trước đó (15/9), gần 60.000 người đã biểu tình tại khoảng 50 thành phố và nhiều phần tử quá khích đã ném đá, chai lọ vào Đại sứ quán Nhật Bản, hô to những khẩu hiệu chống Nhật Bản, vẫy cờ Trung Quốc và hát quốc ca. Hiện cư dân mạng Trung Quốc đang kêu gọi tổ chức biểu tình chống Nhật Bản trên toàn quốc vào ngày 18/9 nhân kỷ niệm 81 năm ngày nổ ra “sự kiện Mãn Châu”. Giới truyền thông đưa tin, sau chuyến đến nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 8, những người Hongkong này lại tiếp tục có kế hoạch đặt chân lên các hòn đảo kể trên nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển đảo tranh chấp. Ngày 16/9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda yêu cầu Bắc Kinh đảm bảo an toàn cho công dân và doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc không bị lâm vào tình thế nguy hiểm. Trước đó (14/9), ông Yoshihiko Noda tuyên bố, Tokyo sẽ áp dụng mọi biện pháp có thể để đảm bảo an ninh tại các vùng biển tranh chấp với Trung Quốc. Ông Yoshihiko Noda đưa ra tuyên bố kể trên sau khi 6 tàu Trung Quốc, trong đó có 2 tàu hải giám, bắt đầu các hoạt động tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận. Đây là lần đầu tiên tàu hải giám Trung Quốc tuần tra tại khu vực biển tranh chấp với Nhật Bản kể từ khi Bắc Kinh công bố tên gọi và tọa độ 17 điểm thuộc đường cơ sở lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận hôm 10/9. Hãng thông tấn Kyodo cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thành lập Văn phòng đặc biệt tại Trung tâm giải quyết khủng hoảng thuộc Văn phòng Thủ tướng và lực lượng đặc nhiệm tại Cơ quan Cảnh sát quốc gia để giải quyết các vấn đề liên quan.
Bắc Kinh không ngừng “ngặm nhấm” Biển Đông
Tân Hoa xã đưa tin, kế hoạch lập mạng thông tin liên lạc phi pháp nhằm kết nối các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thực sự khiến dư luận trong và ngoài khu vực quan tâm. Dự kiến sẽ có 51 trạm liên lạc trên các quần đảo ở Biển Đông, 104 trạm trên các tàu, 8 tuyến cáp dưới biển và đây được coi là động thái nhằm hợp lý hóa cái gọi là “thành phố Tam Sa” vừa mới được Bắc Kinh ngang nhiên thành lập hồi tháng 7. Được biết, Cục Quản lý Thông tin tỉnh Hải Nam đang tiến hành xây dựng dự thảo “Quy hoạch các hạng mục xây dựng mạng thông tin thành phố Tam Sa”. Đây là bước đi mới nhất trong một loạt hoạt động thời gian qua của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Trước đó (22/7), Công ty truyền thông mạng liên hợp China Unicom Hải Nam đã đưa vào hoạt động trái phép Trạm thu phát sóng di động (BTS) 3G trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Người biểu tình xung đột với cảnh sát khi tấn công vào Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc
Ngày 14/9, Nhân dân nhật báo đưa tin, ngày 12/9, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen của đảng Cộng hòa đã chỉ trích Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Biển Đông. Thậm chí bà Ilena Ros-Lehtinen còn gọi Trung Quốc là “kẻ chuyên bắt nạt” và Mỹ không nên vì các cuộc khủng hoảng ở những khu vực khác mà bỏ qua khu vực Biển Đông - Mỹ phải duy trì hòa bình và ổn định ở Châu Á - Thái Bình dương bằng cách duy trì tự do hàng hải trong khu vực. Bà Ilena Ros-Lehtinen cho rằng, Bắc Kinh không ngừng tăng cường các động thái hung hăng và hiếu chiến tại khu vực Biển Đông. Trước đó (10/9), bà Ilena Ros-Lehtinen cho rằng, những chiến thuật gây hấn, đe dọa và cưỡng chế của Trung Quốc tại Biển Đông là việc làm không thể dung thứ. Đồng tình với quan điểm của bà Ilena Ros-Lehtinen, ông Howard Berman, Nghị si của đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cũng cho rằng, các tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc tại biển Đông thể hiện sự bành trướng quá mức với sự mơ hồ cố tình dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang toàn diện trong khu vực này. Theo ông Howard Berman, Ngoại trưởng Hillary Clinton và các quan chức hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần nói rõ với Trung Quốc rằng, Washington không cho phép Bắc Kinh áp đặt chủ nghĩa bá quyền tại khu vực Biển Đông.
Giới chuyên môn cũng quan tâm tới cuộc hội thảo về Biển Đông mới được Viện Nghiên cứu Đông Á (IEAS) và Trung tâm Nghiên cứu Trung Hoa của Trường đại học Berkeley phối hợp tổ chức trong hai ngày 7 và 8/9/2012. Theo Giáo sư Emmerson, từ năm 2002 đến nay có tất cả 17 lần xung đột, trong đó Trung Quốc can dự tới 12 lần tại khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng ông không tin là chiến tranh sẽ xảy ra và Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ không được ký vào cuối năm nay. Giáo sư Lowell Dittmer của Trường đại học Berkeley cho rằng, việc biểu tình bài Nhật, đốt xe hay bẻ cờ từ xe của Đại sứ Nhật không phải là tự phát mà có chỉ đạo. Giáo sư David Rosenberg đưa ra cách giải quyết xung quanh việc khai thác tài nguyên tại Biển Đông, đó là quản lý chung giống như đã có ở Bắc Hải và eo biển Malacca. Kế hoạch này cần sự hợp tác của nhiều nước và các tổ chức quốc tế. Theo bà Bonnie S. Glaser, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ có vai trò lớn trong việc đối phó với các nguy cơ tiềm tàng ở Biển Đông, do đó chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải hối thúc các bên tuyên bố chủ quyền tuân thủ các quyền về không gian biển theo Công ước LHQ về Luật Biển và đạt được thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông.
Ngày 13/9, Bắc Kinh đã bác bỏ quyết định của Manila về việc đổi tên Biển Đông thành Biển Tây Philippines. Ngày 12/9, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã chính thức gọi vùng biển ngoài khơi phía tây của nước này là “Biển Tây Philippines”. Ngày 10/9, tờ Thời báo Canberra của Australia cho rằng, sở dĩ Trung Quốc có lập trường cứng rắn ở Biển Đông vì có liên quan chặt chẽ đến căn cứ tàu ngầm được hải quân nước này xây dựng ở đảo Hải Nam (căn cứ tàu ngầm Tam Á). Tàu ngầm hạt nhân kiểu mới xuất phát từ đây tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các căn cứ của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình dương. Cũng trong ngày 10/9, tờ Tin tức Quốc phòng của Mỹ tiết lộ, để kiềm chế lực lượng tàu ngầm ngày càng mạnh của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đang cố gắng phát triển tàu chiến không người lái chuyên dùng để dò tìm tàu ngầm.
Ngày 12/9, tờ Pháp chế xuất bản tại Bắc Kinh đăng lại buổi phỏng vấn hôm 1/9 với nhà phân tích James Rogers đến từ tổ chức tư vấn RAND châu Âu khi ông này cho rằng, các nước châu Âu (Pháp và Anh) nên triển khai tàu chiến đến vùng tranh chấp ở Biển Đông nhằm duy trì an ninh và ổn định của khu vực này. Theo ông James Rogers, khu vực Biển Đông có vai trò quan trọng chiến lược đối với sự phát triển của châu Âu bởi các tuyến hàng hải nối vùng Đông Á với châu Âu đã phát triển nhanh chóng sau thời kỳ Chiến tranh lạnh và các nền kinh tế ở vùng Viễn Đông trở thành những đối tác ngày càng quan trọng của các quốc gia châu Âu. Ông James Rogers cảnh báo, nếu châu Âu không quan tâm nhiều hơn tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình dương thì lợi ích của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
(Năng lượng Mới số 156, ra thứ Ba ngày 18/9/2012)