Trung-Mỹ nhiều lần bày tỏ công khai rằng phải tìm kiếm câu trả lời mới cho con đường chung sống hòa bình giữa nước mới trỗi dậy và cường quốc hiện có. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình Biển Đông thì có thể thấy rằng câu trả lời trên vẫn chưa xuất hiện và cũng không dễ để tìm được nó.
Tranh chấp chủ quyền hải đảo và vùng biển ở Biển Đông không ngừng diễn ra, từ cuộc khẩu chiến năm 2010 đến việc chặn bắt tàu cá của đối phương năm 2011 và đối đầu giữa Trung Quốc và Philíppin ở đảo Hoàng Nham/bãi cạn Scarborough cùng việc Việt Nam thông qua Luật Biển và Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa trong năm 2012 này. Ngay cả Mỹ, nước nằm ở một cực khác của Thái Bình Dương cũng bị cuốn vào cuộc khẩu chiến liên quan tới Biển Đông.
Dư luận Trung Quốc cho rằng tiếng nói ủng hộ của Mỹ đã khích lệ các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Mục đích của Mỹ là nhằm đưa trọng tâm quân sự trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương với lý do tình hình nơi đây mất ổn định. Mỹ biện hộ rằng do căng thẳng ở Biển Đông gia tăng, nhằm bảo vệ tự do hàng hải có lợi cho Mỹ cũng như cho lợi ích kinh tế của các bên, Mỹ đành phải can dự vào vấn đề Biển Đông. Ở một góc độ nào đó, trên thực tế, Biển Đông đang dần trở thành đấu trường của Trung Quốc và Mỹ và các nhà quan sát chính trị cho rằng trong tương lai gần, vấn đề Biển Đông sẽ trở thành nút thắt khó gỡ trong quan hệ giữa hai nước này.
Theo báo trên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ nhiều lần bày tỏ công khai rằng phải phá vỡ lôgíc truyền thống trong lịch sử về sự đối kháng và xung đột lẫn nhau giữa các nước lớn, tìm kiếm câu trả lời mới cho con đường chung sống hòa bình giữa nước mới trỗi dậy và cường quốc hiện có. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào tình hình Biển Đông thì có thể thấy một điều rất rõ ràng rằng câu trả lời trên vẫn chưa xuất hiện và cũng không dễ để tìm được nó.
Trước khi Trung Quốc và Mỹ xây dựng được quan hệ mới giữa các nước lớn, e rằng tình hình Biển Đông khó có được một ngày bình yên theo đúng nghĩa. Giống như định luật về lực và phản lực của nhà bác học Newton , các nước tranh chấp rầm rộ áp dụng các biện pháp phòng - chống lại nhau, khiến tình hình liên tục leo thang. Phe cứng rắn ở các nước thường kêu gào phải tiến hành chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Khi trả lời phỏng vấn báo chí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn nói: “Biển Đông vừa là vấn đề địa chính trị vừa là vấn đề quyền đi lại trên biển. Trong tương lai, ai khống chế được Biển Đông, người đó sẽ nắm trong tay chủ quyền và tài nguyên Biển Đông. Ngoài Mỹ, các nước lớn khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ đều nối tiếp nhau can dự vào vấn đề Biển Đông thông qua các phương thức như khai thác tài nguyên dầu khí hay điều chỉnh chiến lược ở Biển Đông”.
Biển Đông dần trở thành đấu trường giữa Mỹ và Trung Quốc
Biển Đông được coi là “con đường tơ lụa” trên biển với khoảng 50% lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường biển đi qua. Hàng năm, kim ngạch thương mại của Mỹ đi qua “con đường tơ lụa” này lên tới 1.200 tỉ USD. Ngoài ra, Biển Đông còn được biết đến là nơi có lượng tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên phong phú.
Do liên quan tới lợi ích thiết thân, nên dù không phải là nước tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, nhưng Mỹ vẫn cao giọng bày tỏ sự quan tâm chú ý chặt chẽ đối với tình hình nơi đây. Ở một góc độ nào đó, trên thực tế, Biển Đông đang dần trở thành đấu trường của Trung Quốc và Mỹ: Một bên nỗ lực củng cố sức ảnh hưởng của mình trong khu vực; một bên tìm cách đẩy đối phương ra bên ngoài cửa nhà mình hoặc chí ít là không để đối phương bao vây mình.
Chủ nhiệm Cao cấp Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới, ông Patrick Cronin chỉ rõ: Sở dĩ hải quân Trung Quốc thể hiện năng lực tại vùng biển bên ngoài Trung Quốc, một mặt là muốn cho thấy năng lực bảo vệ lãnh hải, nhưng mặt khác dường như còn muốn đẩy sức mạnh của hải quân Mỹ ra cách xa đường bờ biển của Trung Quốc. Cronin nói: “Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hải quân Mỹ luôn là lực lượng trên biển chủ yếu trong khu vực này. Nếu như Mỹ rút hoặc giảm bớt quân lực trong khu vực, quyền lực mới sẽ được bố trí ra sao? Từng quốc gia trong khu vực sẽ tính toán chiến lược như thế nào? Các nhân tố không xác định này khiến các nước phải cạnh tranh và ai cũng đều muốn làm người chi phối quy tắc hành vi trong khu vực để nắm chắc diễn biến của tình hình Biển Đông”.
Theo Cronin, việc Mỹ công khai chỉ trích Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa làm gia tăng căng thẳng khu vực và lên tiếng ủng hộ nước đồng minh Philíppin, chính là nhằm mục đích gây sức ép với Trung Quốc, bảo đảm việc xử lý tranh chấp Biển Đông sẽ dựa trên căn cứ luật pháp quốc tế. Cũng đúng vào lúc này Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược quân sự sang phía Đông. Sự trùng hợp về thời gian đã khiến Mỹ bị cho là “kẻ đầu têu” làm tình hình Biển Đông leo thang.
Tiếng nói ủng hộ của Mỹ đã khích lệ thái độ cứng rắn của các nước tranh chấp
Dư luận Trung Quốc phổ biến cho rằng tiếng nói ủng hộ của Mỹ đã khích lệ thái độ cứng rắn của các nước tranh chấp khác. Mục đích của Mỹ là nhằm đưa trọng tâm quân sự trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương với lý do tình hình nơi đây mất ổn định. Điều này cũng đảm bảo cho Mỹ không bị bỏ rơi khi kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương cất cánh.
Ngô Sĩ Tồn thẳng thắn nói rằng cho dù Mỹ thực sự giữ thái độ trung lập, vấn đề Biển Đông cũng sẽ không thể được giải quyết ngay tức khắc. “Muốn giải quyết triệt để cần phải có thời gian. Nhưng nếu không có sự can dự của Mỹ, vấn đề Biển Đông sẽ không leo thang, trở nên phức tạp như hiện nay, từ điểm nóng khu vực biến thành điểm nóng toàn cầu. Mỹ luôn nói rằng họ không có ý kiềm chế Trung Quốc, nhưng theo tôi, đúng là Mỹ muốn bao vây Trung Quốc. Những từ mà Mỹ thường dùng như ngăn chặn và phòng chống rủi ro chỉ là sự khác nhau trong cách dùng từ tiếng Anh. Chính xác hơn là Mỹ đang ngăn chặn Trung Quốc”.
Mỹ phủ nhận đã can thiệp vào tình hình Biển Đông
Cronin cho rằng do tình hình căng thẳng ở Biển Đông gia tăng, nhằm bảo vệ tự do hàng hải có lợi cho lợi ích của Mỹ cũng như cho lợi ích kinh tế của các bên, Mỹ đành phải can dự vào vấn đề Biển Đông. Theo Cronin, trong quá trình bày tỏ sự quan tâm chú ý của mình đối với vấn đề Biển Đông, có lúc Mỹ cho thấy sự cứng rắn quá mức, có lúc Mỹ thiên về biện pháp quân sự, nhưng việc người dân Trung Quốc nói bất hòa là do Mỹ gây ra là không có căn cứ. “Quan hệ ngoại giao giữa hai nước lúc lên lúc xuống, luôn bất ổn định. Trong hoàn cảnh đó, thái độ ngoại giao mà mỗi nước đưa ra chắc chắn không phải là lần nào cũng chính xác”.
Nhưng dù Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông một cách chủ động hay bị động, có một điều không thể phủ nhận được là cuộc chiến giành giật Biển Đông của hai lực lượng lớn – Trung Quốc và Mỹ - trở thành nhân tố then chốt quyết định việc bố trí quyền lực biển ở Biển Đông có phải sắp xếp lại hay không. Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể loại bỏ được sự nghi kỵ của đối phương về mục đích chiến lược của mình ở Biển Đông, quy tắc ứng xử của khu vực này sẽ khó đạt được nhận thức chung.
Tương lai tình hình Biển Đông không lạc quan
Cả Cronin và Ngô Sĩ Tồn đều cho rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ không vì Biển Đông mà khai chiến với nhau, nhưng trong tương lai gần, vấn đề Biển Đông sẽ là một nút thắt không thể tháo gỡ.
Ngô Sĩ Tồn nói: Việc dùng vũ lực giải quyết vấn đề Biển Đông xem ra thì dễ, nhưng trên thực tế không phù hợp với lợi ích của bất cứ bên nào. Do vậy, chỉ cần không đụng vào giới hạn của Trung Quốc, Bắc Kinh nhất định sẽ kiên trì cam kết giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, vì vấn đề Biển Đông liên quan tới lợi ích và sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ cho nên hai bên nhất định sẽ không nhượng bộ nhau. Cuộc đấu địa chính trị chắc chắn sẽ tiếp tục và cục diện tương lai của Biển Đông là không thể lạc quan, các nước chỉ có thể ra sức tìm cách ứng phó ổn thỏa, nhưng khó tìm kiếm biện pháp giải quyết triệt để.
Cronin cho rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác, nhưng quan hệ cạnh tranh giữa hai bên vẫn tồn tại, các nước trong khu vực cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm sự cân bằng kiểm soát về mặt quân sự ở một mức độ nào đó. Lý thuyết cân bằng kiểm soát và răn đe lẫn nhau đã xuất hiện cách đây vài thế kỷ và trong thế kỷ 21 vốn đã trở nên phức tạp hơn này, lý thuyết này vẫn không thay đổi.
Vấn đề Biển Đông nới rộng hố ngăn cách giữa Trung Quốc và ASEAN
Bên cạnh việc trở thành nút thắt khó gỡ trong quan hệ Trung-Mỹ, vấn đề Biển Đông còn làm nới rộng hố ngăn cách giữa Trung Quốc và ASEAN. “Mô hình sinh tồn” - muốn hợp tác kinh tế thì tìm tới Trung Quốc, muốn hợp tác an ninh thì tìm tới Mỹ - đang dần hình thành trong các nước ASEAN. Vì thế, các học giả đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc mang đến cho ASEAN cảm giác an toàn hơn.
Nghiên cứu viên Ian Storey đến từ Viện Nghiên cứu Nam Á của Xinhgapo cho rằng là một tổ chức khu vực, ASEAN luôn cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước đối tác. Tuy nhiên, 10 nước thành viên ASEAN vẫn có những tính toán riêng của mình và không thống nhất lập trường trong vấn đề Biển Đông. Trong các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, xu hướng dựa vào Mỹ của Việt Nam và Philíppin là tương đối rõ ràng. Hai nước này còn tiến hành diễn tập chung và tổ chức đối thoại cấp cao với Mỹ. Do đó, vấn đề Biển Đông không chỉ làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền Biển Đông, mà còn khiến ASEAN tiếp tục bị chia rẽ. Đây là một chướng ngại đối với việc xây dựng niềm tin lẫn nhau và phát triển quan hệ lâu dài giữa Trung Quốc và ASEAN. Thực tế cho thấy tháng 7 vừa qua, chính vì không thể ký được thỏa thuận về vấn đề Biển Đông, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đã không thể ra được thông cáo chung. Dù sau đó các nước ASEAN đã bổ khuyết bằng việc ra nguyên tắc 6 điểm giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng cá biệt có một số nước thành viên vẫn tiếp tục vạch mặt và chỉ trích lẫn nhau.
Tình hình buộc các nước ASEAN phải lựa chọn đứng về bên nào
Kỳ thực, các nước ASEAN không muốn lựa chọn đứng về phía Trung Quốc hay Mỹ, nhưng theo Ngô Sĩ Tồn, tình hình hiện nay đã khiến một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philíppin, có xu hướng nghiêng về một bên hoặc là Trung Quốc hoặc là Mỹ. Về mặt kinh tế, các nước này tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc, về an ninh lại tìm kiếm sự bảo vệ của Mỹ. Ngô Sĩ Tồn cho rằng đây là hiện tượng hai mặt mà mọi người không muốn nhìn thấy và cũng là vấn đề khiến Trung Quốc phải suy nghĩ lại.
Ngô Sĩ Tồn cho biết: “Mười năm qua, quan hệ kinh tế song phương giữa Trung Quốc và ASEAN phát triển rất nhanh. Nhưng không vì hợp tác kinh tế phát triển mà quan hệ an ninh giữa hai bên trở nên sâu sắc hơn, và ASEAN giảm nghi ngại cũng như lo lắng đối với Trung Quốc. Bắc Kinh luôn thông qua các phương thức khác nhau cam kết và chứng minh với ASEAN và các nước xung quanh rằng mình sẽ tuân thủ đường lối phát triển hòa bình, không tìm kiếm bá quyền, nhưng muốn để các nước xung quanh tin phục, cần phải có một quá trình. Ngô Sĩ Tồn kiến nghị Trung Quốc cần phải học theo “Hiệp ước Thân hiện và Hợp tác ASEAN” ký năm 2003, đề ra một hiệp ước tương tự, cam kết không dùng vũ lực giải quyết tranh chấp để tăng cường niềm tin an ninh lẫn nhau và để một số quốc gia nêu trên không cần phải tìm đến sự bảo vệ của Mỹ. Biển Đông là một trong những vấn đề trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, nhưng không phải là toàn bộ. ASEAN là hàng xóm quan trọng của Trung Quốc, tạo nên mối quan hệ quan trọng giữa Trung Quốc và các nước xung quanh, do đó, Bắc Kinh nên tìm biện pháp xoá bỏ sự nghi ngại của ASEAN cũng như khỏa lấp hố ngăn cách giữa Trung Quốc và ASEAN.
Nhận thức chung hóa giải tranh chấp Biển Đông khó thành hiện thực
Con đường hóa giải tranh chấp Biển Đông đứng trước rất nhiều thách thức. Các nước vẫn chưa thể đạt được nhận thức chung về con đường giải quyết vấn đề Biển Đông. Hiện nay, có hai biện pháp chủ yếu để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Một là đệ trình lên tòa quốc tế để ra phán quyết. Hai là các bên tranh chấp trực tiếp đàm phán hiệp thương. Nhưng Storey cho rằng cả khả năng thực hiện hai biện pháp này ngày càng thấp.
Storey nói: “Việc đệ trình lên tòa án quốc tế để ra phán quyết đòi hỏi phải có sự đồng ý của các bên, nhưng Trung Quốc thì luôn kiên quyết phản đối trọng tài quốc tế. Trong khi đó, do mấy năm gần đây lập trường về vấn đề Biển Đông của tất cả các nước tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông cũng ngày càng cứng rắn, nên dù muốn họ giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua hiệp thương thì cũng rất khó khăn”.
Ngoài ra, nếu sử dụng biện pháp hiệp thương thì nên áp dụng phương thức đàm phán song phương hay đa phương? Đây lại là một vấn đề gây tranh cãi nữa. Trong tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc luôn nhất quán chủ trương tiến hành đàm phán song phương với nước đương sự. Philíppin, Việt Nam và Mỹ lại ủng hộ cơ chế đàm phán đa phương giải quyết vấn đề Biển Đông.
Theo Cronin, do giữa Trung Quốc và các nước xung quanh có sự chênh lệch về sức mạnh, nên việc lợi ích của nước nhỏ có được đảm bảo một cách công bằng hay không trong đàm phán song phương là vấn đề khiến người ta lo lắng. Trong cơ chế đàm phán đa phương, cái cần đạt được là những quy tắc mang tính lâu dài để giải quyết vấn đề mà các bên đều chấp nhận, nếu không các nước sẽ có cảm giác thiếu an toàn.
Nhưng Ngô Sĩ Tồn cho rằng trong cơ chế đa phương, thế lực bên ngoài khu vực sẽ thừa cơ tìm kiếm lợi ích, khiến mâu thuẫn phức tạp hơn. Lấy việc phân chia lãnh hải vịnh Bắc Bộ làm ví dụ, Ngô Sĩ Tồn nhấn mạnh sự thực đã chứng minh Trung Quốc sẽ không cậy lớn để ức hiếp bé, cộng đồng quốc tế nên có thêm niềm tin đối với Trung Quốc. Ngô Sĩ Tồn cho biết qua nhiều năm đàm phán, cuối cùng vào năm 2000, Trung Quốc và Việt Nam đã dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển phân giới lãnh hải vịnh Bắc Bộ vốn tồn tại tranh chấp, theo đó, Việt Nam quản lý 53% còn Trung Quốc quản lý 47% diện tích.
Theo “Báo Liên hợp Buổi sáng”-Xinhgapo (ngày 19/8)
Lê Sơn (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông