Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có chuyến công du đến một loạt các nước châu Á, và Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên, giới truyền thông Trung Quốc thì cho rằng Mỹ là nguồn gốc của mọi vấn đề giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Bắc Kinh (Ảnh: Reuters) |
Hãng tin Xinhua vẽ hình ảnh Mỹ “ngồi phía sau các nước trong khu vực lén lút tạo ra các rắc rối và giật dây”. Một chuyên gia thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thì cho rằng, Mỹ đang “gây căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng”.
Giáo sư Kim Sán Vinh của trường đại học Nhân dân lập luận rằng, Washington muốn "chiếm đa số chương trình nghị sự chính trị của khu vực, xây dựng quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc, cũng như tiếp tục củng cố lợi thế cạnh quân sự của mình”.
Tờ Atlantic có bài bình luận về vấn đề này. Bài báo cho rằng, may mắn là, các phuơng tiện truyền thông và các nhà phân tích đã đưa ra một câu trả lời tương đối đơn giản cho vấn đề này, đó là “Mỹ còn nợ Trung Quốc một lời giải thích thuyết phục về chính sách Trục châu Á”, Mỹ cần phải chứng minh rằng, Mỹ “quay trở lại châu Á như một sữ giả hòa bình, chứ không phải là gây rối”.
Bài báo viết, khi vấn đề được tuyên bố sai lệch, thì giải pháp có khả năng cũng vậy. Vấn đề của Trung Quốc trong khu vực không phải là với Hoa Kỳ, mà là với các nước láng giềng của mình.
Trước tiên, đó là vấn đề biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Nam Hải). Đây có lẽ là vấn đề lớn nhất của Bắc Kinh hiện nay. Những tranh chấp trong khu vực giữa Trung Quốc và Việt Nam, giữa Trung Quốc với Philippines đã căng thẳng hơn trước nhiều. Tuy vậy, xung đột giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại biển Đông đã tồn tại trong còng 40 năm qua.
Chính sách Trục châu Á của Mỹ không tạo ra thêm vấn đề và cũng không làm vấn đề trầm trọng thêm. Chính sách của Mỹ được nhất chí từ năm 1995, Washington đã ủng hộ Tuyên bố biển Đông của ASEAN vào năm 1992, và ủng hộ những nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp trong hòa bình.
Sau hơn 15 năm, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nói rõ chính sách của Mỹ như sau: “Nước Mỹ không đẩy nơi nào vào tranh chấp kịch liệt về chủ quyền lãnh thổ... nhưng chúng tôi tin rằng các quốc gia trong khu vực sẽ hợp tác để giải quyết tranh chấp, không bị ép buộc, không bị đe dọa, và chắc chắn là không sử dụng vũ lực”.
Thứ hai, Mỹ không phải là một người múa rối “ngồi sau các nước khác” và “giật dây”. Các quốc gia châu Á có các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao thông minh tài giỏi, họ hoàn toàn có khả năng tranh luận về các vấn đề xung quanh chính sách của Mỹ, và tự đa ra quyết định của mình để có thể quan hệ hài hòa với cả Trung Quốc và Mỹ. Hai thập kỉ trước, Philippines đã đá Mỹ ra khỏi vịnh Subic, nhưng nếu bây giờ họ muốn cho phép một số tàu ngầm Mỹ được neo đậu tại đây, thì Trung Quốc phải tự đặt câu hỏi là điều gì đã khiến Philippines thay đổi chính sách của mình.
Thứ ba, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không phải là ý đồ để chống lại Trung Quốc. Các cuộc đàm phán về vấn đề này được bắt đầu từ năm 2007, trước khi xảy ra những căng thẳng hiện nay và trước cả chính sách Trục châu Á của Mỹ (thậm chí Mỹ còn không tham gia các cuộc đàm phán ban đầu). TTP là một cố gắng của Mỹ để nhận thấy lợi ích kinh tế và tham gia ngày càng sâu vào khu vực có kinh tế sôi động nhất thế giới này, cũng giống như những nỗ lực của Trung Quốc đã thực hiện trong nhiều thập kỉ qua. Hơn nữa, Trung Quốc cũng có thể tham gia TPP theo điều kiện tương tự như với các thành viên khác của tổ chức này, bao gồm cả Mỹ.
Thứ tư, các mối quan hệ an ninh châu Á không loại trừ ai. Trung Quốc và Mỹ từng có mối quan hệ quân sự-quân sự với nhiều nước châu Á, và các nước này cũng có quan hệ với nhau. Trung Quốc thậm chí còn bán vũ khí cho 18 quốc gia Mỹ Latinh từng là sân sau của Mỹ như Venezuela, Argentina, Bolivia, Ecuador. Rõ ràng là Mỹ không thể ép buộc điều khoản cam kết ràng buộc nào với các láng giềng của mình, và Trung Quốc cũng không nên làm như vậy đối với các nước trong khu vực.
Trung Quốc đã bỏ ra 30 năm xây dựng kinh tế lớn mạnh, để nhận được sự tôn trọng của các nước, là một phần quan trọng trong sự tăng trưởng của khu vực. Đâu là nguyên nhân thực sự gây nên khủng hoảng trong khu vực, điều này không làm thay đổi chính sách của Mỹ. Một khi Trung Quốc thừa nhận nguồn gốc căn bản của vấn đề, thì sẽ xác định được giải pháp chính xác. Đó không phải là việc Mỹ làm dịu những lo lắng của Trung Quốc, mà là Trung Quốc làm dịu những lo lắng của khu vực.
Hòa Phong
Theo InfoNet