APEC 2012 - Cơ hội giúp Nga thay đổi hình ảnh
Ngày mai (7-9), Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20 sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Vladivostok của Nga. Đây là lần đầu tiên Nga đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC đúng vào thời điểm nước này vừa chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Đây là cơ hội mở ra những triển vọng và thị trường mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Sibir của Nga nói riêng.
Một phiên họp cấp Bộ trưởng APEC
Trong bối cảnh những thành tựu hội nhập của Nga trong Không gian SNG và Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc Nga đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APEC năm 2012 là vô cùng đúng lúc. Nga chủ trương sử dụng vai trò Chủ tịch APEC để tăng cường vị thế hội nhập và sự hiện diện kinh tế của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, huy động tiềm lực khu vực để phục vụ lợi ích hiện đại hóa và phát triển đổi mới nền kinh tế đất nước.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin thành công khi đưa địa điểm tổ chức hội nghị APEC lần này về thành phố cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông, chứ không phải ở Moscow hay Saint Petersburg, cho thấy Kremlin kỳ vọng chất lượng cuộc sống ở các khu vực biên giới phía đông của Nga sẽ được cải thiện và đây cũng được xem là điểm kết nối giữa châu Á-Thái Bình Dương và Nga.
Những ưu tiên của Nga trong APEC cho năm 2012 tập trung vào 4 lĩnh vực: tự do hóa thương mại và đầu tư, hợp tác kinh tế khu vực; tăng cường an ninh lương thực; xây dựng mạng lưới vận tải – kho vận ổn định; tăng cường hợp tác để đảm bảo tăng trưởng, đổi mới. Cho tới nay Nga đã chuyển cho các đối tác xem xét khoảng 100 đề xuất và dự thảo sáng kiến. Gần một nửa sáng kiến của Nga đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan công tác chuyên ngành, các cuộc họp bộ trưởng và đã được thông qua để thực hiện.
Trong lĩnh vực tự do hóa thương mại – đầu tư và làm sâu sắc hơn tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, các đối tác đã đồng ý với sự cần thiết của những bước đi tập thể chống lại hình thức "bảo hộ mậu dịch xanh” (green protectionism) và chuyển sang khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Một thành công lớn nữa là việc tán thành đề xuất của Nga tập trung sự chú ý của APEC tới nội dung đảm bảo tính minh bạch khi ký kết các hiệp định về tự do thương mại (AFT) như một chủ đề cấp bách nhất trong số những chủ đề không được đưa vào chương trình nghị sự của WTO.
Những ý tưởng của Nga về các vấn đề an ninh lương thực đã được nêu trong Tuyên bố chung Kazan được thông qua tại cuộc gặp bộ trưởng chuyên trách. Trong số đó có các sáng kiến cụ thể của Nga về thu hút đầu tư và công nghệ đổi mới vào nông nghiệp, phát triển thị trường lương thực và nâng cao tính ổn định của thị trường này. Mục đích nhằm đảm bảo các tầng lớp dân chúng nghèo được tiếp cận với lương thực, thông qua các cam kết chống nạn khai thác và buôn bán trái phép nguồn tài nguyên sinh vật biển.
Những kết quả thảo luận chủ yếu về các sáng kiến của Nga và phương châm thực hiện những sáng kiến đó đã được đưa vào dự thảo các văn kiện tổng kết của cuộc gặp nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Thương mại trong "Tuần lễ Hội nghị Thượng đỉnh APEC” đang diễn ra tại Vladivostok (từ 2 đến 9-9).
Theo đại diện của Nga tại Hội nghị APEC, ông Gennady Ovechko, thị phần thương mại của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương chỉ khoảng 1% và điều này không tương xứng với vị thế chính trị cũng như lợi ích kinh tế của Nga. Ông Gennady Ovechko cho rằng, tiềm năng thương mại giữa Nga và khu vực này là rất lớn và Nga đang tìm cách đa dạng hóa trong lĩnh vực xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, trong khi các nền kinh tế đang trỗi dậy ở châu Á tích cực tìm kiếm đối tác cung cấp dầu khí. "Nga sẽ sử dụng Hội nghị này như là một cơ hội để thay đổi hình ảnh của mình và Nga sẽ xuất hiện tại đây không chỉ với tư cách là một nước châu Âu mà còn là một quốc gia thuộc châu Á – Thái Bình Dương”, ông Vasily Mikheyev thuộc Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (IMEMO) nhấn mạnh./.
Châu Giang
Theo Đại Đoàn Kết