Sau khi đun sôi nước Biển Đông trong suốt mấy tháng liên tục, Trung Quốc lại tiếp tục khuấy động biển Hoa Đông, khiến vùng biển này nổi sóng dữ. Với tư cách là siêu cường số 2 thế giới và số 1 khu vực Châu Á, Trung Quốc ngỡ rằng những hành động khiêu khích của họ sẽ không vấp phải bất kỳ thách thức nào. Tuy nhiên, sự thực đã khiến họ bất ngờ.
Philippines không ngại đối đầu với Trung Quốc
Cuộc đối đầu giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines thuộc lớp Hamilton và hai tàu hải giám của Trung Quốc hồi tháng 4 là mồi lửa châm ngòi cho cuộc tranh chấp căng thẳng kéo dài suốt hơn 2 tháng giữa Manila và Bắc Kinh. Trong cuộc đối đầu này, ngoài việc dùng những ngôn từ gay gắt mang đầy tính hăm dọa kiểu nước lớn bắt nạt nước bé, Bắc Kinh đã có rất nhiều hành động khiêu khích, uy hiếp Manila như kéo hàng trăm tàu thuyền đến áp đảo số lượng tàu thuyền nhỏ nhoi của Philippines ở vùng tranh chấp; quấy nhiễu, đâm chìm tàu thuyền của đối phương đồng thời phô trương sức mạnh quân sự để uy hiếp họ.
Bất chấp thực tế Philippines thua xa Trung Quốc về sức mạnh quân sự, nước này không hề tỏ ra nao núng trước cơn mưa “đòn gió” của nước láng giềng. Thậm chí, Manila còn cho thấy họ sẵn sàng đương đầu với người khổng lồ Trung Quốc.
Đối diện với một nước lớn như Trung Quốc, Philippines đã khá khôn khéo khi thể hiện thái độ lúc mềm mỏng lúc lại rất cứng rắn. Nhưng dù thể hiện thái độ mềm mỏng Philippines vẫn cho thấy rõ sự quyết tâm của họ trong việc “bảo vệ chủ quyền” ở bãi cạn Scarborough. Trong khi liên tục bày tỏ mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough, Manila cũng kiên quyết không “bỏ qua” cho bất kỳ hành động “hiếu chiến” hay là “vi phạm chủ quyền” nào của đối phương.
Trong suốt hai tháng xảy ra cuộc đối đầu giữa hai nước, Manila đã không ngần ngại nhiều lần tố cáo Trung Quốc quấy rối tàu thuyền, vi phạm lãnh hải và tìm cách uy hiếp Philippines.
Ngoài đối đầu quyết liệt với Trung Quốc, Philippines còn không ngại thách thức cường quốc số 1 khu vực. Khi Trung Quốc cảnh báo Philippines không được lôi bên thứ 3 vào tranh chấp Biển Đông. Ngay lập tức, Manila đã đáp trả bằng tuyên bố sẽ tiếp tục "trông cậy" vào bên thứ 3 trong nỗ lực giải quyết cuộc tranh chấp ở bãi cạn Scarborough.
Khi Trung Quốc và Philippines đang căng thẳng với nhau ở bãi cạn Scarborough, Manila đã tiến hành tập trận chung với đồng minh Mỹ để thể hiện thái độ cứng rắn, quyết không lùi bước của họ trước nước láng giềng to lớn.
Bản thân việc Philippines tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ trong thời gian diễn ra cuộc đối đầu với Trung Quốc cũng chính là một minh chứng rõ ràng về sự thách thức của nước này đối với cường quốc láng giềng. Sự hậu thuẫn của Mỹ - cường quốc quân sự số 1 thế giới, là một trong những “vũ khí” giúp Philippines trở nên tự tin hơn khi đối đầu với Trung Quốc.
Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough (còn được Manila gọi là bãi cạn Panatag hay đảo Hoàng Nham theo cách gọi của Bắc Kinh). Bãi cạn này nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.
Trung Quốc đối diện với thách thức lớn từ Nhật Bản
Sau khi “hoành hành” ở Biển Đông, Trung Quốc lại khiến biển Hoa Đông nổi sóng dữ bằng một cuộc đối đầu với Nhật Bản vì tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này cũng gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản được châm ngòi từ sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này.
Động thái trên của các nhà hoạt động Trung Quốc đã vấp phải phản ứng vô cùng cứng rắn từ phía Nhật Bản. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã đâm thủng tàu Trung Quốc và bắn súng vòi rồng vào con tàu này. Sau đó, Nhật Bản còn tiến hành bắt giữ tất cả 14 người đi trên tàu Trung Quốc. Sự quyết liệt của Nhật Bản cho thấy, họ sẽ không để cho Trung Quốc dễ dàng bắt nạt họ.
Sau diễn biến trên Bắc Kinh đã có nhiều hành động mạnh mẽ, từ cảnh báo Nhật Bản “phải trả giá” cho đến đe dọa “chiến tranh” nhưng điều đó chẳng khiến Tokyo nao núng. Không những thế, Nhật Bản liên tục có những hành động “ăn miếng trả miếng” đầy thách thức với Trung Quốc.
Nhật Bản đã đáp trả hành động khơi mào căng thẳng của phía Trung Quốc bằng một chuyến đổ bộ và cắm cờ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tiếp đó, Nhật Bản còn tiến hành một cuộc tập trận chung với Mỹ dựa trên giả định đánh chiếm một hòn đảo tranh chấp.
Hôm 2/9, Tokyo tiếp tục thách thức Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Senkaku/Điếu Ngư bằng việc thực hiện một chuyến đi khảo sát đến quần đảo này. Mới đây nhất, Tokyo liên tục tung ra thông tin về việc nước này đang đẩy mạnh các hoạt động mua lại quần đảo tranh chấp với Trung Quốc.
Một loạt những hành động trên của Tokyo đã khiến Bắc Kinh thực sự nổi giận và có phần bối rối. Có lẽ, Trung Quốc vẫn có tư tưởng rằng, với sức mạnh của mình, họ sẽ dễ dàng uy hiếp các nước nhỏ hơn trong khu vực. Tuy nhiên, họ đã nhầm và điều đó đã được thể hiện qua thực tế trong thời gian vừa rồi. Bắc Kinh cần phải hiểu rõ một điều rằng, dù là nước lớn, nếu hành xử không đúng đắn, trái với thông lệ và luật pháp quốc tế thì nước đó cũng sẽ trở thành một nước yếu. Trong khi đó, dù là nước nhỏ, nếu hành động đúng đắn thì nước đó sẽ trở nên lớn mạnh vì có thêm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Sức mạnh luôn nằm ở chính nghĩa.
Kiệt Linh
Theo VNMedia