Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây áp lực và hăm dọa cả Philippines lẫn Việt Nam, tìm mọi cách để gieo mầm bất hòa giữa 10 thành viên ASEAN.
Dư luận quốc tế tiếp tục đề cập đến vai trò dấu mặt của Trung Quốc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnôm Pênh tháng 7 vừa qua và cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách phá vỡ sự đồng thuận của ASEAN.
Xinhgapo: ASEAN phải thể hiện mối quan ngại của khối về Biển Đông
Trên tờ Thời báo châu Á (Ôxtrâylia), Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia, nhận định Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa có ý nói rằng ông đã nỗ lực để vượt qua sự bất đồng trong ASEAN khi các ngoại trưởng của tổ chức này không thể tìm được tiếng nói chung trong 4 đoạn nói về Biển Đông được ghi trong dự thảo Thông cáo chung của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN vừa qua. Nhưng lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại, ASEAN đã không ra được Thông cáo chung sau khi kết thúc hội nghị.
Ông Natalegawa đã đứng cạnh Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong khi ông ra Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN. Tuy nhiên, ông Hor Namhong vẫn không ngừng đổ lỗi về sự thất bại của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua cho Việt Nam và Philippines, hai nước ASEAN có tranh chấp công khai nhất với Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong cuộc họp kín của các bộ trưởng ASEAN lại nói lên một câu chuyện hoàn toàn khác.
Theo ghi chép của một người tham dự hội nghị, Campuchia đã hai lần bác bỏ nỗ lực của Philippines, Việt Nam và những nước thành viên ASEAN khác trong việc đưa phần tham khảo về những động thái leo thang gần đây ở Biển Đông vào Thông cáo chung. Mỗi lần bác bỏ Campuchia đều đe dọa sẽ ngăn cản việc ra Thông cáo chung.
Trong phiên họp kín này, vấn đề Biển Đông đã được đưa ra bàn thảo. Philippines phát biểu trước, sau đó đến Thái Lan, Việt Nam , Inđônêxia, Malaixia, Brunây, Lào, Mianma, Xinhgapo và Campuchia. Ông Albert Del Rosario, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, mô tả những hành động “bành trướng và gây hấn” của Trung Quốc trên Biển Đông trong quá khứ và hiện tại đã ngăn cản Philippines thực thi pháp luật trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ trên Biển Đông. Ông Del Rosario nhấn mạnh: “Giá trị thực của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ là gì nếu chúng ta không thể thực hiện được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đạt được lần đầu tiên với Trung Quốc vào năm 2002”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản ánh cam kết tập thể của ASEAN đối với DOC trong Thông cáo chung của hội nghị ngoại trưởng ASEAN. Bốn ngoại trưởng khác công khai ủng hộ quan điểm của Philippines. Việt Nam mô tả quyết định của Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa trên đảo của Việt Nam và việc Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc mời thầu quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là những hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở EEZ và thềm lục địa. Việt Nam đề nghị Thông cáo chung nên phản ánh điều này. Trong khi đó, Inđônêxia nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc ASEAN phải thống nhất trong hành động, đồng thời nhận định những căng thẳng leo thang gần đây là điều đáng lo ngại đối với tất cả các thành viên ASEAN. Inđônêxia tán thành ký kết COC và cam kết “lưu hành một văn kiện không chính thức về các nhân tố bổ sung của COC”.
Malaixia tán đồng ý kiến của Inđônêxia và nhấn mạnh: “Chúng ta phải nói tiếng nói chung, ASEAN phải chứng tỏ một tiếng nói thống nhất, nếu không uy tín của chúng ta sẽ bị xói mòn. Chúng ta phải đề cập tình hình Biển Đông, đặc biệt là bất kỳ hành động nào đi ngược lại luật pháp quốc tế về EEZ và thềm lục địa. Hoàn toàn không thể chấp nhận việc chúng ta không đưa vấn đề này vào Thông cáo chung. Điều quan trọng là ASEAN phải bày tỏ rõ ràng trong Thông cáo chung những lo ngại về vấn đề Biển Đông”.
Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam
Xinhgapo ghi nhận rằng “các diễn biến gần đây là đặc biệt đáng quan ngại” vì làm dấy lên “những cách giải thích kỳ lạ về luật pháp quốc tế, có thể làm suy yếu toàn bộ cơ chế của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)”. Xinhgapo kết luận: “Điều quan trọng là ASEAN phải thể hiện rõ ràng trong Thông cáo chung mối quan ngại của khối về Biển Đông… Sẽ là tai hại nếu chúng ta không nói gì về vấn đề này”.
Sự đồng thuận bị phá vỡ do Campuchia chịu sức ép của Trung Quốc
Trước lúc Campuchia lên tiếng, không một nước nào phản đối quan điểm của Philippines, Việt Nam , Inđônêxia, Malaixia và Xinhgapo. Khi đến lượt Campuchia phát biểu, Ngoại trưởng Hor Namhong thắc mắc là tại sao lại cần phải đề cập đến bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc và Philíppin xung đột nhau trong hai tháng qua. Sau đó ông Hor Namhong bất ngờ tuyên bố: “Tôi cần phải nói thẳng với quý vị, trong trường hợp chúng ta không thể tìm ra lối thoát, Campuchia sẽ không còn phương cách nào khác để xử lý vấn đề này. Khi đó sẽ không có văn bản nào cả. Chúng ta không nên cố áp đặt quan điểm quốc gia, chúng ta nên cố gắng phản ánh quan điểm chung trên tinh thần thỏa hiệp”.
Ngay sau đó bầu không khí trong cuộc họp trở nên nóng hơn, với cả Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam và Philippines đều tiếp tục bày tỏ quan điểm. Các ý kiến bổ sung của Malaixia, Inđônêxia và Xinhgapo cũng được đưa ra. Cuối cùng, phiên họp kết thúc với tuyên bố của ông Hor Namhong: “Chúng ta sẽ không đạt được sự nhất trí ngay cả khi chúng ta tiếp tục ngồi đây thảo luận trong 4 hoặc 5 giờ nữa... Nếu các ngài không đồng ý về nội dung của Thông cáo chung, Campuchia không còn cách nào khác để giải quyết vấn đề với tư cách là Chủ tịch ASEAN”.
Ngoại trưởng Inđônêxia Natalegawa đã chỉ ra rất chính xác rằng mặc dù không ra được Thông cáo chung, song các ngoại trưởng ASEAN đã đạt được sự đồng thuận về những “yếu tố cơ bản” trong COC. Theo ông, vòng ngoại giao con thoi đã có kết quả là các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí “sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông”.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Campuchia đã chủ trì hai cuộc họp không chính thức giữa các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc để thảo luận về tiến trình thiết lập COC. Trung Quốc công khai thông báo rằng họ sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận chính thức với ASEAN “khi điều kiện chín muồi”. Nếu mọi việc diễn tiến theo kế hoạch, ASEAN và Trung Quốc sẽ thảo luận về nội dung cuộc gặp sắp tới. Hai bên vẫn cần phải xác định sẽ gặp nhau ở cấp nào, bao lâu một lần và thông báo tiến trình cho ai. Các cuộc thảo luận chính thức được lên kế hoạch vào tháng 9 tới và các quan chức ASEAN hy vọng sẽ hoàn tất đàm phán vào tháng 11/2012.
Vòng ngoại giao con thoi của ông Natalegawa đã mang lại nhuệ khí cần thiết cho ASEAN. Nỗ lực của ông cũng đã giúp xua tan những suy nghĩ bên ngoài khu vực Đông Nam Á rằng ASEAN đã có sự mất đoàn kết về biện pháp xử lý vấn đề Biển Đông. Quan trọng hơn, sự can thiệp của Inđônêxia là lời cảnh cáo đối với Campuchia rằng dù là Chủ tịch ASEAN năm 2012, Phnôm Pênh không thể đơn phương kiểm soát chương trình nghị sự của ASEAN. Quyết định can thiệp của ông Natalegawa là điều chưa từng thấy vì vai trò đó vốn thường do chủ tịch ASEAN đảm trách. Động thái đó phát đi tín hiệu Inđônêxia sẵn sàng đóng một vai trò chủ động hơn trong các vấn đề khu vực. Điều này trái ngược hẳn với thời Suharto cầm quyền khi Inđônêxia, dù được xem là nhà lãnh đạo tự nhiên của khu vực Đông Nam Á, nhưng vẫn thường đóng một vai trò kín đáo và “mềm mỏng” hơn.
Tuy nhiên, câu nói của ông Natalegawa rằng ASEAN đã “trở lại hoạt động bình thường” có thể có một ý nghĩa khác. Ý nghĩa thứ hai này liên quan ít nhiều đến các hành động mới đây của Trung Quốc nhằm áp đặt quyền tài phán của mình trên Biển Đông. Điều này đã được thực hiện dưới ba hình thức:
Một là, Trung Quốc nâng Tam Sa từ cấp quận lên cấp thành phố và trao cho đơn vị này trách nhiệm quản lý hành chính trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa. Chính quyền tỉnh Hải Nam đã vội vã bổ nhiệm các quan chức địa phương cho đơn vị mới này và tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tại đây.
Hai là, chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã cử ngay 30 chiếc tàu đánh cá và bốn tàu hộ tống xuống đánh bắt cá ở vùng biển quần đảo Trường Sa. Ban đầu đội tàu đánh bắt ngoài khơi đảo Chữ Thập (Fiery Cross Reef), sau đó chuyển sang đảo Gạc Ma, cả hai nơi này đều là khu vực có tranh chấp.
Ba là, cũng là quan trọng nhất, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ban hành chỉ thị thành lập một đơn vị quân sự đồn trú ở thành phố Tam Sa. Đơn vị đồn trú này, với trụ sở chính đặt tại đảo Phú Lâm, sẽ có trách nhiệm bảo vệ quốc phòng trên một vùng biển rộng hai triệu dặm vuông.
“Trở lại hoạt động bình thường”, theo cách hiểu thứ hai đó, có thể có nghĩa rằng trong khi ASEAN đàm phán về COC với Bắc Kinh, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây áp lực và hăm dọa cả Philippines lẫn Việt Nam, và tìm kiếm những cách khác để gieo mầm bất hòa giữa 10 thành viên ASEAN.
Báo Liên hợp buổi sáng của Xinhgapo có bài bình luận cho rằng cuộc chơi của các bên liên quan đến Nam Hải đã đi vào thời đại “quyết đấu thực lực”, trong đó đặc biệt phải đề cập đến cuộc đấu giữa Mỹ và Trung Quốc, đó là cuộc đọ sức toàn diện, nhưng Mỹ không có ý định can thiệp trực tiếp vào tranh chấp Biển Đông. Cái gọi là “quyết đấu thực lực” ở đây là một quá trình “vừa chèn ép vừa đàm phán”, kết quả tùy thuộc vào thực lực của mỗi bên.
Ngày 11/7 Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton đến Phnôm Pênh tham gia Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, tại Hội nghị đã nói rõ lập trường nguyên tắc của Mỹ: “Trong tranh chấp Biển Đông, bất cứ nước nào đều không thể thông qua cưỡng ép, hù dọa, đe dọa, và sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề”./.
Nhật Nam (Gt)
Theo Tổ Quốc