Xinhgapo đánh giá cao về giá trị của sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, quan hệ quốc phòng gần gũi của Xinhgapo với Mỹ không có nghĩa rằng Xinhgapo sẽ ủng hộ bất kỳ một chiến lược nào của Mỹ trong tương lai nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Xinhgapo và Mỹ gắn kết với nhau không chỉ bởi các mối quan hệ kinh tế quan trọng và còn bởi một mối quan hệ quốc phòng đang đâm chồi nảy lộc. Gần đây nhất là tuyên bố hồi tháng 6/2012 của Mỹ rằng nước này sẽ triển khai 4 tàu chiến duyên hải tới Xinhgapo. Các mối quan hệ an ninh giữa hai nước bắt nguồn từ cuối những năm 1960, khi Xinhgapo tích cực ủng hộ cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam . Cùng với sự ủng hộ liên tục đó, sự gần gũi và độ sâu của các mối liên hệ quốc phòng ngày nay có thể cho thấy rằng Xinhgapo là một đồng minh của Mỹ nhưng các chính phủ của nhà nước thành phố này luôn tìm cách né tránh tình trạng quan hệ đó, và luôn mong muốn có một sự tự trị chiến lược bắt nguồn từ một mối quan hệ quốc phòng ít chính thức nhưng vẫn mạnh mẽ với Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Xinhgapo.
Giáo sư Tim Huxley, Giám đốc Điều hành phụ trách về châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh), cho rằng rằng trong khi những nhà quan sát nông cạn có thể cho rằng Xinhgapo là đồng minh của Mỹ thì thực tế các chính phủ từ trước tới nay của Xinhgapo lại có vẻ ưa thích tình trạng tự trị và ít chính thức hơn trong quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Xinhgapo.
Sự ủng hộ vai trò an ninh và sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực của Xinhgapo bắt nguồn từ sự nhận thức của giới lãnh đạo nước này dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, Ngoại trưởng S. Rajaratnam và Bộ trưởng Quốc phòng Goh Keng Swee rằng các lợi ích của đảo quốc nhỏ, bị kẹp giữa các láng giềng lớn hơn và hiếu chiến hơn cũng như bị đe dọa bởi các quốc gia cộng sản, chỉ có thể có được bằng cách ngăn cản sự thống trị khu vực của bất kỳ một cường quốc nào. Như Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nói năm 1966 rằng điều sống còn đối với Xinhgapo là phải có một cường quốc vượt trội đứng về phía mình. Xinhgapo khi đó đã xây dựng lực lượng quân đội riêng của mình chủ yếu là để ngăn chặn Inđônêxia và Malaixia thống trị mình, nhưng ở quy mô khu vực rộng hơn thì thực lực quân sự cũng như ảnh hưởng ngoại giao còn khá hạn chế đã buộc nước này phải dựa vào chiến lược cân bằng quyền lực thông qua việc nhờ cậy tới sức mạnh của các cường quốc bên ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ.
Chiến thắng của phe cộng sản tại Đông Dương năm 1975 và cuộc chinh phục Campuchia của Việt Nam năm 1978 đã tái củng cố quan điểm của Xinhgapo về Mỹ với tư cách là nguồn ảnh hưởng bên ngoài sống còn đối với an ninh Đông Nam Á. Bất chấp những xích mích trong các mối quan hệ thương mại, nhân quyền và việc cung cấp thiết bị quân sự, các nền tảng được thiết lập trong những năm 1980 cho các mối quan hệ an ninh song phương ngày càng gần gũi - mối quan hệ một lần nữa được thúc đẩy khi các lực lượng Mỹ bị hất cẳng khỏi Philíppin được tiếp cận với mức độ lớn hơn tại các căn cứ quân sự của Xinhgapo.
Tuy nhiên, lịch sử đó không có nghĩa là Xinhgapo sẽ ủng hộ bất kỳ một chiến lược nào trong tương lai của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Một sự đối đầu chiến lược ngày càng cứng rắn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể chia rẽ các quốc gia Đông Á thành các phe đối lập và đặt Xinhgapo vào một tình thế không dễ chịu. Bất chấp quan điểm nghiêng về phương Tây một cách rõ ràng trong nhiều vấn đề quốc tế, các lý do chính trị nội bộ khiến việc Xinhgapo đứng về phía Mỹ trong cuộc xung đột hoặc khủng hoảng trong tương lai với Trung Quốc là điều rất khó có thể xảy ra. Xinhgapo có 78% là người gốc Hoa thiểu số, và có thêm hàng trăm nghìn người nhập cư từ Đại lục những năm gần đây. Đặc biệt là khi động lực lợi ích thay thế cho chủ nghĩa cộng sản trong hệ tư tưởng định hướng của Trung Quốc thì phần lớn các chính trị gia, các quan chức, doanh nghiệp Xinhgapo cảm thấy khó có thể coi Trung Quốc là một mối đe dọa. Đồng thời, Xinhgapo cũng cảm thấy hết sức cần thiết phải thể hiện một mức độ nhạy cảm đối với các nước láng giềng của mình.
Năm 2003, Xinhgapo đã không chấp nhận lời đề nghị của Mỹ về việc trở thành đồng minh ngoài NATO (lời đề nghị này được Philíppin và Thái Lan chấp nhận). Tuy nhiên, tháng 10/2003, Thủ tướng Xinhgapo Goh Chok Tong và Tổng thống George W.Bush tuyên bố về ý định muốn ký Thỏa thuận Khung Chiến lược về Quan hệ Đối tác Hợp tác Gần gũi hơn về Quốc phòng và An ninh (SFA). Thỏa thuận này mới được ký hồi tháng 7/2005, và nó cho thấy sự phức tạp trong quá trình đàm phán. Chi tiết của SFA tới nay vẫn được giữ bí mật, nhưng thông tin được tiết lộ là nó bao gồm cả Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA), tạo nền tảng cho sự hợp tác trên các lĩnh vực mới và tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác, chia sẻ kỹ thuật quốc phòng giữa Xinhgapo và Mỹ. SFA cũng mở rộng thỏa thuận trước đó liên quan tới việc tiếp cận của các tàu chiến và máy bay Mỹ đối với các căn cứ quân sự của Xinhgapo.
Kể từ khi SFA được ký, sự hợp tác quốc phòng song phương đã được tăng cường đáng kể, và các đơn vị quân sự của Xinhgapo đã được triển khai tới chiến trường Ápganixtan tham gia vào lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu tại đây, cũng như cử các tàu hải quân tới Vịnh Aden tham gia nhiệm vụ chống cướp biển. Các mối quan hệ quốc phòng song phương sẽ mang lại lợi ích an ninh cho Xinhgapo dưới nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, đôi khi nó cũng tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan cho nhà nước thành phố này. Điều gì xảy ra nếu Mỹ muốn sử dụng căn cứ hải quân Changi trong một cuộc khủng hoảng với Trung Quốc liên quan tới Đài Loan, hay nếu Hải quân Mỹ phái các tàu chiến đấu duyên hải từ Xinhgapo để hỗ trợ cho Philíppin trong cuộc đối đầu mới với Trung Quốc? Các viễn cảnh như vậy sẽ đòi hỏi sự khéo léo vô cùng từ giới lãnh đạo chính trị và các nhà ngoại giao Xinhgapo để có thể bảo đảm rằng đối tác an ninh mở rộng với Mỹ không tạo ra những ràng buộc và mất mát mà chỉ có đồng minh của Mỹ mới thường chịu chấp nhận mà thôi.
Theo The Strategist
Trần Quang (gt)
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông