Indonesia đang mua các tàu ngầm từ Hàn Quốc và các hệ thống radar bờ biển từ Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, Singapore - nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới - đang bổ sung cho kho vũ khí tinh vi của mình.
Cảnh giác trước Trung Quốc và phấn khích với thành công về kinh tế, Đông Nam Á đang tăng cường chi tiêu cho vũ khí quân dụng hạng nặng để bảo vệ các tuyến vận chuyển hàng hải, các cảng và biên giới biển quan trọng đối với dòng chảy xuất khẩu và năng lượng.
Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, càng được thổi bùng do triển vọng các mỏ dầu khí dồi dào, đã khiến cho Malaysia, Philippines và Brunei cố gắng tìm cách cân bằng trước sức mạnh hải quân đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Ngay cả những nước không dính vào cuộc tranh chấp này như Indonesia, Thái Lan và Singapore thì an ninh biển vẫn là một trọng tâm then chốt.
"Phát triển kinh tế đang khuyến khích họ dành tiền cho quốc phòng để bảo vệ các khoản đầu tư, các tuyến đường biển và các vùng đặc quyền kinh tế của mình", trích lời James Hardy, biên tập viên phụ trách mảng châu Á - Thái Bình Dương của Tuần báo IHS Jane's Defence. "Xu hướng lớn nhất là về tuần tra giám sát bờ biển cũng như trên biển".
Khi các nền kinh tế ở Đông Nam Á bùng nổ, chi tiêu quốc phòng đã tăng 42% trên thực tế từ năm 2002 tới năm 2011, dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết. Đứng đầu danh sách mua sắm là các chiến hạm, các tàu tuần tra, các hệ thống radar và máy bay chiến đấu, cùng với các tàu ngầm và tên lửa chống hạm vốn đặc biệt hiệu quả trong việc chặn giữ tàu thuyền đi vào các tuyến đường biển.
"Tàu ngầm là một thứ lớn", Tim Huxley, giám đốc điều hành về châu Á tại Viện Các nghiên cứu chiến lược quốc tế, đánh giá. "Chúng có thể gây thiệt hại lớn mà không bị phát hiện, không bị chặn trước, và chúng có thể làm điều đó ở bất cứ nơi nào trong khu vực".
Trong nhiều thập niên, phần lớn Đông Nam Á không chú trọng mua các loại vũ khí hạng nặng bằng mua súng ống và xe tăng cỡ nhỏ. Hầu hết các mối đe dọa là từ trong nước, trong khi sự bảo trợ của Mỹ được cho là đủ để tránh bất kỳ một cuộc xâm lược tiềm ẩn nào từ bên ngoài.
Với sức mạnh của Trung Quốc ngày càng tăng và nhờ có thêm nhiều tiền hơn nên danh sách mua vũ khí cũng trở nên ngày càng tinh vi hơn. Hầu hết các nước trong khu vực đều nằm ở ven biển nên phòng thủ trên biển và trên không được chú trọng.
Malaysia có hai tàu ngầm Scorpene. Thái Lan cũng có kế hoạch mua các tàu ngầm còn các chiến đấu cơ Gripen mà nước này mua từ hãng Saab AB của Thụy Điển rồi cũng sẽ được trang bị tên lửa chống hạm RBS-15F của Saab, theo IISS.
Singapore thì đã đầu tư vào các chiến đấu cơ F-15SG của Boeing, Hoa Kỳ, và hai tàu ngầm Archer của Thụy Điển để bổ sung cho đội tàu ngầm bốn chiếc Challenger và sức mạnh không quân cũng như hải quân sẵn có của nước này.
Indonesia, một quốc đảo rộng lớn có các tuyến đường biển then chốt và 54.700km bờ biển, đang sở hữu 2 tàu ngầm và đang đặt mua ba chiếc mới từ Hàn Quốc. Nước này cũng đang hợp tác với các công ty Trung Quốc trong sản xuất các tên lửa đối hạm C-705 và C-802 sau khi thử nghiệm tên lửa đối hạm Yakhont do Nga chế tạo năm 2011.
"Bất ổn chiến lược"
Tuy đây không phải là một cuộc chạy đua vũ trang, giới phân tích cho rằng, việc tăng cường sức mạnh quân sự hiện nay chủ yếu là do các sự kiện ở Biển Đông, những tranh chấp lâu đời giữa các quốc gia láng giềng và một khát vọng hiện đại hóa trong lúc các chính phủ có tiền.
Cướp biển, đánh bắt cá trái phép, khủng bố và cứu trợ thảm họa cũng đóng vai trò, cùng với việc giữ cho quân đội vốn có nhiều ảnh hưởng luôn hài lòng ở những nước như Thái Lan và Indonesia.
Có một "cảm giác chung về bất ổn chiến lược trong khu vực" do sự trỗi dậy của Trung Quốc và những nghi ngờ về khả năng Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở châu Á, theo Ian Storey - một thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. "Các nước Đông Nam Á sẽ không bao giờ có thể bắt kịp sự hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc", ông nói.
SIPRI cho biết, các nước như Indonesia, Campuchia và Thái Lan đã dẫn đầu trong việc gia tăng ngân sách quốc phòng ở mức 66% và 82% từ năm 2002 đến năm 2011. Tuy nhiên, nước chi tiền nhiều nhất trong khu vực, với một quân đội được trang bị tốt nhất, là Singapore - một quốc đảo nhỏ bé nhưng có cảng container tấp nập thứ hai trên thế giới, một trung tâm tài chính toàn cầu và một trung tâm lớn về dầu khí và hóa dầu. Đất nước giàu có này, cùng với Malaysia và Indonesia, nằm trên Eo biển Malacca nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Là một tuyến vận tải bận rộn, Eo biển này cũng là một huyết mạch có nhiều ý nghĩa chiến lược lớn về năng lượng, vật liệu thô và lưu thông hàng hóa đông - tây.
Ở mức 9,66 tỷ USD, ngân sách quốc phòng năm 2011 của Singapore vượt xa con số 5,52 tỷ USD của Thái Lan, 5,42 tỷ USD của Indonesia, 4,54 tỷ USD của Malaysia - IISS cho hay.
Tình hình ít căng thẳng hơn nhiều ở Bắc Á, nơi liên quan tới Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và hai nước trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng Đông Nam Á dường như đang đi theo xu hướng theo đuổi các hệ thống quân sự mà có thể được sử dụng để tấn công.
"Đó là một quá trình không giới hạn", theo Huxley ở IISS. "Các chính phủ rất có thể sẽ tiếp tục dành các nguồn lực - mà đang ngày càng gia tăng trên thực tế - cho quốc phòng và hiện đại hóa quân đội".
Số liệu chính thức về số lượng và mục đích chi tiêu thường không rõ ràng - chẳng hạn mức chi phí được dùng để mua đạn dược, để trả lương hay để mua vũ khí tiên tiến mà có thể phóng chiếu được sức mạnh.
Các con số chi tiêu quốc phòng cũng không nói lên toàn bộ câu chuyện. Các nước như Indonesia đã sử dụng nhiều thỏa thuận tín dụng hoặc nguồn thu từ việc bán quyền thăm dò năng lượng trước kia để cấp tiền cho việc nhập khẩu vũ khí mà không có trong ngân sách quốc phòng, giới phân tích cho hay.
Mua và tăng cường sức mạnh
Khi mà ngân sách quốc phòng ở nhiều quốc gia phương Tây đang phải hứng chịu áp lực thì châu Á lại là thị trường hấp dẫn cho các nhà sản xuất vũ khí, thiết bị thông tin liên lạc và các hệ thống giám sát. Bộ phận sản phẩm quốc phòng của Lockheed Martin và Boeing đều trông chờ khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đem lại khoảng 40% doanh thu xuất khẩu vũ khí của họ.
"Môi trường biển là Thái Bình Dương thu hút sự chú ý của tất cả mọi người", Jeff Kohler, một phó chủ tịch của Quốc phòng Boeing, nói tại Triển lãm Hàng không Singapore hồi tháng 2.
Philippines, vốn dựa vào Mỹ để có được 90% vũ khí của nước này, đang có kế hoạch chi 1,8 tỷ USD để nâng cấp vũ khí trong vòng 5 năm tới khi nhận thấy một mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc về những tranh chấp ở Biển Đông. Trọng tâm được dồn vào sức mạnh hải quân và không quân của nước này, lực lượng mà nhà phân tích Sam Bateman nhìn nhận là "khá yếu kém".
"Yêu cầu đặc biệt của Philippines là giám sát trên không", theo ông Bateman thuộc Trung tâm Các nguồn lực Đại dương và An ninh quốc gia Australia.
Một nhà lập kế hoạch thuộc Bộ Quốc phòng Philippines cho hãng tin Reuters hay rằng một trong những ưu tiên của nước này là các năng lực chống tàu ngầm.
Thái Lan, quốc gia có lực lượng quân đội đã tổ chức 18 cuộc đảo chính từ năm 1932 đến nay, đã xây dựng một đội tàu tuần tra theo thiết kế của BAE System, Anh. Nước này có kế hoạch hiện đại hóa một tàu khu trục nhỏ, và trong vòng 5 năm tới sẽ mua chiếc đầu tiên trong hai chiếc tàu mới.
"Chúng tôi không nói chúng sẽ thay thế các tàu ngầm song chúng tôi hy vọng chúng có thể có giá trị tương xứng với Thái Lan", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thanathip Sawangsaeng nói với Reuters.
Singapore mua chủ yếu vũ khí từ Mỹ, Pháp và Đức nhưng cũng có ngành quốc phòng riêng của mình, tập trung vào ST Engineering. Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước này là nguồn cung cấp vũ khí cho các lực lượng vũ trang Singapore và có rất nhiều khách hàng ở nước ngoài.
"Hầu hết các nước hoặc quan tâm hoặc tích cực theo đuổi ngành vũ khí trong nước của chính mình", trích lời Storey. "Rẻ hơn so với mua từ nước ngoài, về dài hạn họ sẽ tìm cách phát triển các thị trường xuất khẩu riêng, chắc chắn điều này đúng với Indonesia, như vậy giúp họ tránh được các lệnh cấm vận từ những nước như Mỹ".
Thanh Hảo Theo Reuters
Theo Tuần Việt Nam