TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với Myanmar

Myanmar sẽ được mời tham gia cuộc tập trận đa phương lớn do Mỹ và Thái Lan đồng tổ chức, một cử chỉ mang tính biểu tượng cho thấy sự đánh giá lại quan hệ của phương Tây với quốc gia Đông Nam Á đang tiến hành mạnh mẽ các cải cách chính trị này.

 

 

Các sĩ quan Myanmar sẽ được mời với tư cách quan sát viên - Ảnh: timeslive.co.za

Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức quốc phòng ở những nước tham gia cuộc tập trận nói Myanmar được đề nghị cử quan sát viên tới tham gia cuộc tập trận Cobra Gold (Rắn hổ mang vàng) bao gồm hàng nghìn quân Mỹ, Thái Lan và có sự tham gia của một loạt các nước châu Á.

“Đây sẽ là bước đầu tiên trong tiến trình Mỹ hợp tác quân sự trở lại với Myanmar và lôi kéo nước này dần khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc”, Reuters dẫn lời nhà phân tích Jan Zalewski tại IHS Global Insight, một công ty nghiên cứu chiến lược.

Đây cũng được coi là bước đầu tiên trong việc nối lại các quan hệ quân sự Mỹ - Myanmar, đã bị cắt đứt từ năm 1988 sau khi chính quyền quân đội đàn áp những cuộc biểu tình chống đối và quản thúc tại nhà đối với nhà hoạt động dân chủ Aung San Suu Kyi.

Lời mời được đánh giá là chưa có tiền lệ này còn nhờ vào sự tác động mạnh mẽ từ Thái Lan, Reuters dẫn các nguồn ngoại giao. Người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little nói ở Washington rằng việc Myanmar tham gia Cobra Gold sẽ tập trung vào các nỗ lực cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai và y tế. Little cũng nói các cuộc trao đổi giữa Thái Lan và Mỹ về vấn đề này đang tiếp tục và sắp tới Myanmar có thể cử ba sĩ quan tham gia cuộc tập trận.

Lời mời cũng được đưa ra sau chuyến thăm trong tuần này của đoàn đại biểu Mỹ do thượng nghị sĩ Michael Posner dẫn đầu tới Naypyitaw, thủ đô Myanmar. Trong phái đoàn có phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Vikram Singh và các quan chức quân đội Mỹ khác. “Nếu chính phủ quyết định thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác quân đội với Myanmar, chúng tôi sẽ sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực đó ở mức tối đa” - Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, đô đốc Samuel Locklear, nói với các phóng viên tại Bangkok tuần trước.

Động thái với Myanmar còn là một dấu hiệu khác của chính quyền Obama trong một năm mà Mỹ đang rút dần khỏi các can dự tại Iraq và Afghanistan để chuyển sự tập trung sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Cuộc tập trận Cobra Gold do Mỹ - Thái Lan đồng tổ chức và có sự tham gia của hàng loạt nước châu Á - Ảnh: euronews.com

Cuộc tập trận Cobra Gold sẽ diễn ra ở tỉnh Chon Buri phía đông Bangkok, nơi quân Mỹ từng tập trung với số lượng lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Cuộc tập trận được bắt đầu từ năm 1980. Năm ngoái, khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ đã tham gia cùng 3.400 binh sĩ Thái Lan. Năm nước khác cử quân tham dự là Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc. Chín nước, bao gồm Trung Quốc, cử quan sát viên.

Trong quá khứ, từng có khoảng 255 sĩ quan trong quân đội Myanmar được đào tạo tại Mỹ giai đoạn 1980-1988 theo chương trình hợp tác huấn luyện quân sự quốc tế. Chương trình này bị đình lại sau năm 1988.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, gần 1.000 binh sĩ Mỹ và 600 máy bay đã mất tích ở Myanmar vì thời tiết xấu và vì giao tranh với quân Nhật. Hiện khoảng 730 lính Mỹ còn mất tích ở đây, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Chương trình tìm kiếm lính Mỹ mất tích POW/MIA có trụ sở tại Hawaii từng tiến hành ba cuộc tìm kiếm tại Myanmar cho tới trước năm 2004 và các hoạt động này dự kiến sẽ được nối lại.


HẢI MINH
Theo Tuổi Trẻ

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te