Tuy diễn biến đã và sẽ còn rất phức tạp, chuyện chính trị an ninh trên biển Đông chưa làm tổn hại đến những cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đang mở ra giữa các nước trong khu vực với nhau và giữa họ với các đối tác bên ngoài khu vực.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tiếp tục trì trệ và khủng hoảng tài chính vẫn dai dẳng ở Mỹ và EU, khu vực Đông Nam Á được nhìn nhận chung là thị trường hấp dẫn và có triển vọng phát triển, trở thành trung tâm tăng trưởng mới ở Châu Á - Thái Bình Dương cùng với Trung Quốc và Nhật Bản. Tiến triển của ASEAN trong những dự án hợp tác và liên kết nội khối đã được thông qua và triển khai thực hiện, đặc biệt là Hiệp ước về mậu dịch tự do, đã tạo thêm cơ sở vững chắc cho những triển vọng sáng sủa và cơ hội mới ấy.
Chẳng hạn như số dân trong ASEAN chỉ bằng khoảng một nửa của Ấn Độ, nhưng khối lượng đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào các nước thành viên ASEAN hiện đã lớn gấp ba lần so với đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Ấn Độ. Báo cáo mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới đánh giá về môi trường kinh doanh ở các nền kinh tế trên thế giới cũng đã cho thấy môi trường ấy ở các nước thành viên ASEAN tiếp tục được cải thiện và đặc biệt là ở Singapore, Malaysia và Thái Lan, thậm chí đã nổi trội hơn ở nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới. Thêm vào đó là triển vọng có được tốc độ cao trong tăng thu nhập.
Tất cả những điều đó mở ra cơ hội hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, để tranh thủ và tận dụng được cơ hội mới ấy, các nước trong khu vực nói chung và ASEAN nói riêng hiện có không ít khó khăn và rủi ro phải khắc phục và vượt qua. An ninh và ổn định trên biển Đông phải được đảm bảo.
Ổn định chính trị nội bộ ở một số quốc gia phải được nhanh chóng gây dựng để cả khu vực có được ổn định chính trị. Cải cách kinh tế tiếp tục phải được kiên định. Hợp tác và liên kết khu vực phải được đẩy mạnh hơn nữa. Và các nước trong khu vực phải hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong việc mở ra và tận dụng cơ hội mới.
Theo Lao Động