Dường như đang có một cuộc chạy đua vũ trang trên nóc nhà của thế giới, giữa hai người khổng lồ châu Á - mỗi nước có hơn 1 tỉ dân.
Dọc theo con đường khúc khuỷu, binh lính có thể ngắm bắn mục tiêu khá dễ dàng. Những kho chứa đạn dược nằm ở phía sau hàng rào kẽm gai trên cao nguyên lạnh giá. Các kho chứa nhiên liệu và những căn cứ nhỏ bắt đầu mọc lên.
Hai cường quốc châu Á đang đối mặt ở phía đông dãy Himalaya. Trung Quốc đang nhanh chóng cải thiện đường sá và xây dựng hay mở rộng các sân bay ở phần biên giới Tây Tạng. Họ thiết lập hệ thống tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại đây và triển khai khoảng 300.000 quân trên khắp cao nguyên Tây Tạng, theo một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2010.
Ấn Độ đang trong giai đoạn thực thi kế hoạch 10 năm để mở rộng phạm vi khu vực. Tại bang Arunachal Pradesh, các đơn vị tuần tra bộ binh mới đã bắt đầu hoạt động ở vùng biên giới từ hồi tháng 5, trong một phần nỗ lực tăng khoảng 60.000 quân (lên 120.000 người) trong khu vực. Họ cũng điều động hai phi đội máy bay chiến đấu Sukhoi và sẽ triển khai tên lửa hành trình Brahmos tới đây.
"Nếu họ có thể gia tăng sức mạnh quân sự của họ ở đây, thì chúng ta cũng có thể gia tăng sức mạnh quân sự của mình trên mảnh đất của chúng ta”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Anthony nói trước quốc hội gần đây.
Ấn Độ và Trung Quốc đã có cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng vào năm 1962 và bản đồ của người Trung Quốc vẫn thể hiện toàn bộ Arunachal Pradesh thuộc biên giới nước này. Bế tắc tiếp tục diễn ra sẽ là phép thử về việc hai người khổng lồ châu Á - mỗi nước hơn 1 tỉ dân, có quan hệ thương mại chặt chẽ và có tham vọng trở thành những cường quốc toàn cầu - có thể gia tăng hoà bình cùng nhau hay không.
Trung Quốc vẫn có tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Ảnh: AP |
Với việc Mỹ nỗ lực đặt vai trò quan trọng của Ấn Độ trong chiến lược trục xoay châu Á, thì câu hỏi trên lại được đặt ra hơn bao giờ hết.
Chỉ huy quân đội Ấn Độ, tướng V.K. Singh đã cảnh báo: “Vấn đề nếu không được giải quyết có thể nảy sinh những chuyện khác”. Các nhà phân tích và hoạch định chính sách Ấn Độ đã đi xa hơn trong một báo cáo đưa ra năm nay. Báo cáo thúc giục Ấn Độ “không thể hoàn toàn bác bỏ khả năng một cuộc tấn công quân sự lớn ở Arunachal Pradesh" và cho rằng New Delhi nên chuẩn bị nếu bị tấn công.
"Chúng ta cần phát triển cơ sở hạ tầng biên giới, tăng cường hệ thống thông tin liên lạc biên giới, phát triển toàn diện và đưa ra chọn lựa về việc phản ứng thế nào với hành động xâm nhập biên giới trong trường hợp căng thẳng leo thang”, Rajiv Kumar, một trong những tác giả của báo cáo nói trong cuộc phỏng vấn.
Truyền thông Ấn Độ thường xuyên cảnh báo về các âm mưu của Trung Quốc, quân đội hai nước thường tiến hành diễn tập gần biên giới. Trong tháng 3, khi ngoại trưởng Trung Quốc ở thăm Delhi, thì không quân và bộ binh Ấn Độ đã tổ chức cuộc tập trận mang tên “Hủy diệt” ở dãy núi của Arunachal. Ba tuần sau đó, Trung Quốc cho hay, các máy bay chiến đấu J-10 của họ đã thực hiện diễn tập ném bom laze dẫn đường ở cao nguyên Tây Tạng nhằm đối phó với khả năng tấn công mặt đất tầm xa.
Vũ khí hạt nhân
Một số nhà hoạch định chính sách đã giảm nhẹ khả năng xảy ra xung đột ở nóc nhà thế giới. Vũ khí hạt nhân của cả hai bên sẽ ngăn chặn cuộc chiến tranh toàn lực, địa hình hiểm trở vùng núi sẽ khiến tác chiến thông thường gặp khó khăn. Một đường dây nóng quốc phòng và các cuộc gặp thường xuyên giữa quan chức Trung - Ấn kể cả gặp gỡ tại khu vực biên giới đã góp phần vào việc làm dịu áp lực. Thương mại song phương tăng tới 74 tỉ USD năm 2011 từ vài tỉ đô la một thập niên trước cũng khiến quan hệ hai bên có nhiều ràng buộc hơn.
Từ góc nhìn của Trung Quốc, tranh chấp biên giới với Ấn Độ không được xếp ngang hàng như các tranh chấp biên giới hay quan ngại quân sự khác, kiểu như vấn đề Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân từng phát biểu khá lạc quan: "Trung Quốc và Ấn Độ đồng thuận về vấn đề biên giới, sẽ làm việc cùng nhau để bảo vệ hoà bình và yên bình ở khu vực biên giới, và cũng tin tưởng rằng, bằng nỗ lực cùng làm việc hướng tới mục tiêu chung, các cuộc đàm phán về biên giới sẽ mang lại kết quả”.
Hồ Thế Thăng, một chuyên gia Trung - Ấn tại Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc cho hay, các phương tiện truyền thông Ấn Độ đã thổi phồng về tranh chấp biên giới với Trung Quốc. "Quân đội Trung Quốc có thể dùng vũ lực chiếm giữ lãnh thổ, nhưng duy trì lợi thế về dài hạn là cực kỳ khó khăn”, vị này viện dẫn địa hình khắc nghiệt ở Himalaya.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích an ninh, với việc cả hai quốc gia đều nỗ lực nhanh chóng hiện đại hoá hải quân và có nhiều lợi ích chồng lấn khắp Nam Á cũng như ở Biển Đông, thì những rủi ro tranh chấp âm ỉ bấy lâu sẽ trở thành chất xúc tác để bạo lực bùng phát.
Chuỗi hạt trai
Trong hàng nghìn năm, các vương triều ở Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tách rời nhau bởi dãy Himalaya. Sau những năm phát triển kinh tế nhanh chóng, hai nước giờ đây đã có nhiều nguồn lực để củng cố và kiểm soát các khu vực xa xôi hẻo lánh nhất.
Ấn Độ cảm thấy bị rào giậu bởi các thỏa thuận của Trung Quốc với một số nước láng giềng, dù những thỏa thuận ấy không nghiêm trọng về mặt quân sự nhưng có thể là đòn bẩy trong một cuộc xung đột.
Người Ấn Độ đôi lúc nhắc tới cái gọi là “chuỗi hạt trai” bao gồm việc Trung Quốc triển khai lực lượng ở Tây Tạng, tiếp cận một căn cứ hải quân tại Myanmar và một công trình xây dựng của Trung Quốc ở cảng nước sâu Hambantota (Sri Lanka), Gwadar (Pakistan).
Trong khi đó, một số người trong chính phủ Trung Quốc lại lo lắng rằng, Ấn Độ đang trở thành một phần trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ. Mỹ đã bán 8 tỉ USD vũ khí cho Ấn Độ - nước dự kiến chi tiêu 100 tỉ USD trong vòng 10 năm để hiện đại hoá quân sự.
Hai quốc gia có lẽ sẽ không đi đến chiến tranh, nhưng sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự ở vùng biên giới khi sức mạnh và sự chồng chéo lợi ích của họ gia tăng.
Hiểm trở
Con đường tới Tawang miền biên giới là một trong những tuyến đường cung cấp quân sự chiến lược nhất của Ấn Độ. Những đoàn xe tải mang theo binh lính, lương thực và nhiên liệu đi qua Himalaya trên chặng đường 320km tới các trại đóng quân dọc theo biên giới tranh chấp.
Trong một chuyến đi cuối tháng 5, đầu tháng 6, các phóng viên của Reuters đã thấy con đường trên độ cao chênh vênh này khá nguy hiểm, thường xuyên bị tắc nghẽn vì lở đất hay bão tuyết.
Lính Ấn Độ ở gần một căn cứ quân sự trên đường Tezpur-Tawang, bang Arunachal Pradesh. Ảnh: Reuters |
Bắt đầu ở vùng đồng bằng bang Assam, đường Tawang được binh lính bảo vệ cẩn trọng với súng trường Israel và rocket vác vai. Ở những điểm cao hơn, đoàn xe hậu cần phải vật lộn trên con đường bao quanh các thung lũng đá gần đường biên giới với Trung Quốc. Đó là đường độc đạo, hàng hoá hậu cần chuyển tới những đồn quân sự xa xôi thậm chí phải dùng la vận chuyển cả ba ngày trời.
Dọc theo con đường khúc khuỷu, binh lính có thể ngắm bắn mục tiêu khá dễ dàng. Những kho chứa đạn dược nằm ở phía sau hàng rào kẽm gai trên cao nguyên lạnh giá. Các kho chứa nhiên liệu và những căn cứ nhỏ bắt đầu mọc lên. Ngoài việc triển khai thêm quân, tên lửa và máy bay chiến đấu ở Arunachal, Ấn Độ dự kiến mua thêm trực thăng hạng nặng để vận chuyển pháo lên vùng núi.
Xây dựng sân bay
Trung Quốc quản lý Tây Tạng với “bàn tay sắt”, hạn chế tối đa những chuyến thăm viếng của báo chí nước ngoài khiến cho những đánh giá độc lập về sự hiện diện quân sự trong khu vực gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mọi dấu hiệu đều cho thấy ngày càng có nhiều cơ sở hạ tầng tinh vi mọc lên ở biên giới phía Trung Quốc.
Trong một chuyến thăm do chính phủ Trung Quốc tổ chức tới Tây Tạng vào năm 2010, một phóng viên của Reuters đã thấy 6 chiếc máy bay chiến đấu Su-27 và một số máy bay hiện đại nhất của Trung Quốc sở hữu hoạt động ở sân bay Gonggar của Lhasa. Trung Quốc đã hoặc đang mở rộng các sân bay ở khắp Tây Tạng, tất cả đều được sử dụng hai mục đích dân sự và quân sự.
Trong khi đó, các cư dân ở biên giới phía Ấn Độ thông tin rằng, Trung Quốc đã xây dựng những con đường bằng phẳng kéo dài tới thủ phủ Lhasa của Tây Tạng. Những đồn bốt biên giới của Trung Quốc, giống như Ấn Độ hiện tại, từng chỉ có thể tiếp cận bằng ngựa hay la. Giờ đây, đã có đường nhựa nối đến.
Xa hơn vùng biên giới, quá trình nâng cấp cơ sở hạ tầng của Trung Quốc còn bao gồm việc rải nhựa con đường lịch sử xuyên khu vực Aksai Chin mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Công trình xây dựng con đường Tân Cương - Tây Tạng 50 năm trước đây từng khiến Ấn Độ bất ngờ và con đường ấy cũng đóng góp vào chiến tranh biên giới 1962.
Đường sắt Trung Quốc cũng được cải thiện không ngừng: Bắc Kinh đã mở một tuyến đường sắt từ Tây Tạng đến khu vực này trong năm 2006 và lên kế hoạch mở rộng tới vùng biên giới Arunachal.
Theo bức điện tín ngoại giao mật mà Wikileaks công bố năm 2010, một nhà ngoại giao Mỹ kết luận rằng, phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng Lhoka - mà theo Trung Quốc là bao gồm cả Tawang, là một phần cho chiến dịch chuẩn bị “cơ sở hậu phương” trong trường hợp xảy ra xung đột biên giới.
Trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã bỏ quên cơ sở hạ tầng ở Arunachal Pradesh, một phần là để nó trở thành vùng đệm tự nhiên chống lại bất cứ sự xâm lấn nào của Trung Quốc. Chính sách này đã bị bỏ rơi khi mức độ phát triển về phía Trung Quốc trở nên rõ ràng.
Tiếp cận thực tế
Năm 2008, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có chuyến thăm đầu tiên tới Arunachal và hứa hẹn chi 4 tỉ USD để xây dựng con đường dài 1.700km nối kết các thung lũng trong bang cũng như một tuyến đường sắt nối đến New Delhi. Điều này cũng sẽ giúp cho các hoạt động quân sự trở nên dễ dàng hơn.
Cùng thời điểm đó, cựu chỉ huy quân sự J.J. Singh đã được bổ nhiệm làm thống đốc bang và đã nhanh chóng tăng cường các dự án cơ sở hạ tầng, điện và viễn thông. "Khu vực này trong lịch sử trước đây chưa từng có một chương trình phát triển ồ ạt như vậy”, ông nói.
Ông Singh, người đã dành phần lớn thời gian binh nghiệp ở Arunachal, nói rằng, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nhận ra rằng “có đủ chỗ và không gian để cùng phát triển. Cả hai đều có cách tiếp cận rất thành thục và thực tế”.
Tuy nhiên, dù đã trải qua 15 vòng đàm phán cấp cao, vấn đề biên giới vẫn còn khúc mắc hơn bao giờ hết. Truyền thông Ấn Độ thường nói về các vụ xâm nhập biên giới của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nói trước quốc hội về 500 vụ xâm nhập được thông báo trong hai năm qua.
Khó theo kịp mạng lưới giao thông của Trung Quốc, sự tập trung của Ấn Độ giờ đây là duy trì quân đội ở gần biên giới. "Ấn Độ đã vật lộn để tăng cường cơ sở hạ tầng”, Ashley Tellis của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie Endowment, người chuyên nghiên cứu về quan hệ Ấn - Trung, cho biết. "Họ đang cố gắng làm điều này trong 6 hoặc 7 năm qua, và giờ đây, tiến trình ấy vẫn còn chậm chạp. Những gì họ làm trong giai đoạn này là tăng cường sức mạnh quân sự”.
Một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc khó có thể xảy ra, nhưng kiểu chạm trán nhỏ vùng biên giới là không thể bác bỏ trừ phi hai bên kiểm soát các vết trượt trong quan hệ của mình, một số chuyên gia nhấn mạnh. Với việc Trung Quốc trong giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo, còn chính phủ Ấn Độ thì dường như thiếu lãnh đạo trầm trọng, giới phân tích bi quan về tiến triển trước mắt trong quan hệ hai nước.
"Quỹ đạo là đi xuống và không có dấu hiệu nào chứng tỏ nỗ lực giải quyết tranh chấp với cả hai bên", Harsh Pant, nhà thuyết trình thuộc khoa nghiên cứu quốc phòng tại trường King's College London nói. "Trước 2006, thậm chí không có ai nói về sự xung đột Trung - Ấn, và quan hệ kinh tế dường như có nhiều điểm tích cực hơn. Nhưng cảm nhận ấy giờ không còn. "Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, nhưng điều đó không ngăn cản khả năng có những ồn ào hay chạm trán nhỏ ở khu vực biên giới những năm tới", ông nói.
Thái An(theo Reuters)
(VietNamNet)