Gia tăng tiềm lực quân sự, mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực, Ấn Độ tìm cách đối trọng với sự trỗi dậy và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Bất chấp những ngôn từ ngoại giao tốt đẹp của giới lãnh đạo hai nước dành cho nhau, New Dehli vẫn không khỏi bất an trước sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ và lối hành xử cứng rắn của Bắc Kinh trong các xung đột, tranh chấp với các nước trong khu vực. New Dehli đang dần sử dụng quân bài kết hợp yếu tố nội tại và bên ngoài nhằm đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc thông qua tăng cường tiềm lực quân sự cả trên bộ lẫn trên biển và tăng cường hợp tác quốc phòng với cả các quốc gia Đông Á cũng như Đông Nam Á.
Gia tăng tiềm lực quốc phòng
Tham vọng đối trọng với sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là một trong những lý do cơ bản khiến Ấn Độ quyết định mức tăng ngân sách quốc phòng 17%/năm cho năm 2012-2013, lên 41 tỷ USD. Các chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Ấn Độ được cụ thể hơn như sau.
Một là, tăng cường khả năng chiến đấu của tất cả các lực lượng, từ Hải, Lục đến Không quân. Gần đây, Ấn Độ đã ký hợp đồng mua 126 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, New Dehli cũng có kế hoạch phối hợp sản xuất với Nga 200 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 cho tới năm 2017.
Tên lửa BrahMos của Ấn Độ được bố trí dọc biên giới phía Đông
Hai là, Ấn Độ tăng cường tiềm lực quân sự tại các khu vực dọc biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Năm 2011, Ấn Độ đã huy động thêm 100.000 quân tới đồn trú tại khu vực tuyến kiểm soát thực tế (Line of Actual Control) cùng với việc bố trí các tên lửa hành trình BrahMos có tầm bắn 300 km dọc biên giới phía Đông. Cùng với việc tái bố trí này, Ấn Độ còn đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có các con đường mới và nâng cấp các sân bay trong khu vực.
Ba là, Ấn Độ đã củng cố tiềm lực hạt nhân với việc thử nghiệm tên lửa Agni-V có thể mang đầu đạn hạt nhân. Với tầm bắn 5.000 km, tên lửa này có thể tấn công các thành phố lớn của Trung Quốc dọc bờ biển phía Đông Ấn Độ.
Ngoài việc hiện đại hóa các lực lượng trên bộ, Ấn Độ còn đẩy mạnh tăng cường tiềm lực Hải quân, trong đó có việc xây dựng cơ sở cảng nước sâu mới Kawar ở bờ biển phía Tây Nam. Cùng với đó là việc tăng cường mua sắm và phát triển trong nước các vũ khí hạng nặng hải quân, chẳng hạn tàu ngầm hạt nhân INS Chakra trong hợp đồng thuê của Nga 10 năm và tàu ngầm hạt nhân INS Airhan do Ấn Độ tự chế tạo. Thêm vào đó, tàu sân bay của Nga Gorshkov, được đổi tên thành INS Vikramaditya, dự kiến cũng sẽ được đưa vào biên chế của Hải quân Ấn Độ trong năm 2012. Những hoạt động tăng cường lực lượng hải quân này là một phần kế hoạch có hạm đội 160 tàu, trong đó có 3 tàu sân bay cho tới giữa những năm 2020 của Hải quân Ấn Độ.
Tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước trong khu vực
Sự hợp tác quốc phòng của Ấn Độ với các nước trong khu vực không chỉ bó gọn ở các vấn đề trên bộ, mà còn mở rộng sang các vấn đề trên biển.
Trên bộ, Ấn Độ đã đẩy mạnh quan hệ với Afghanistan, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hồi tháng 10/2011 và hy vọng sẽ tăng cường vai trò tại nước này sau khi liên quân rút đi vào năm 2014. Với Tajikistan, Ấn Độ cũng đã tăng cường quan hệ với các lực lượng an ninh nước này, hỗ trợ tài chính để nâng cấp các căn cứ không quân Farkhor và Ayni sau khi giúp xây dựng một bệnh viện quân đội và kho hậu cần. Căn cứ không quân Ayni có vai trò rất quan trọng, và hiện Tajikistan, Ấn Độ và Nga đang đàm phán để cùng sử dụng căn cứ này.
Đẩy mạnh hợp tác với Mông Cổ bằng việc ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 2001, lắp đặt các hệ thống rada có thể theo dõi các vụ thử tên lửa của Trung Quốc, tiến hành diễn tập quân sự song phương từ năm 2004. Giới phân tích cho rằng, việc tăng cường quan hệ với Tajikistan và Afghanistan đã giúp Ấn Độ phần nào hóa giải tham vọng muốn lợi dụng Pakistan cô lập Ấn Độ của Trung Quốc.
Trong lĩnh vực hàng hải, động thái của Ấn Độ được thể hiện rõ hơn. New Dehli đã đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng có bất đồng về mặt lịch sử với Trung Quốc. Trước hết, quan hệ Ấn Độ – Singapore đã được nở rộ trong những năm gần đây với thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 2003, theo đó nâng cấp các mối quan hệ và đẩy mạnh diễn tập song phương giữa quân đội hai nước, trong đó đáng chú ý là diễn tập hải quân SIMBEX ở Vịnh Bengal và biển Đông.
Tăng cường quan hệ với Singapore có ý nghĩa quan trọng đặc biệt và địa chính trị với Ấn Độ, bởi đây là cửa ngõ phía Tây để Ấn Độ tiếp cận với biển Đông và cửa ngõ phía Đông để tiếp cận Eo biển Malacca. Theo đó, nếu có quan hệ mật thiết hơn với Singapore, Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với biển Đông, vốn giàu tài nguyên thiên nhiên, đồng thời là tuyến giao thương huyết mạch của thế giới.
Bên cạnh đó, việc Ấn Độ tăng cường quan hệ với Nhật Bản cũng khiến Bắc Kinh hết sức quan ngại, bởi lịch sử hai nước đã nảy sinh nhiều bất đồng. Hơn nữa, Bắc Kinh sẽ càng quan ngại hơn khi hiện nay quan hệ giữa hai nước ngày càng căng thẳng liên quan tới tranh chấp chủ quyền lãnh thổ quần đảo Điếu Ngư.
Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với một số quốc gia khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines đang rất căng thẳng liên quan tới những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, đây là cơ hội tốt để Ấn Độ gia tăng can dự vào khu vực nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng vốn rất mạnh mẽ của Trung Quốc tại khu vực này. Nếu tận dụng được điều đó, cộng với tuyên bố quay trở lại khu vực của Mỹ sau thời gian dài bị “say lầy” ở Trung Đông, Ấn Độ sẽ có vị thế hơn trong cán cân quyền lực so với Trung Quốc tại khu vực./.
Đại Lâm
(Theo Tổ Quốc)