TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Cạnh tranh Trung - Ấn tại Ấn Độ Dương

Không ồn ào, căng thẳng như Biển Đông nhưng Ấn Độ Dương cũng không hề “lặng sóng” khi hai gã khổng lồ châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm mọi cách để khẳng định vị thế và ảnh hưởng của mình ở khu vực này.

Ấn Độ Dương có vị trí chiến lược không kém phần quan trọng so với Biển Đông. Đây là điểm yết hầu của toàn cầu, khu vực lãnh hải nằm giữa lòng những “canh bạc địa chính trị” của cả hành tinh. Bên cạnh sự bảo trợ của Mỹ, khu vực này còn lộ rõ tham vọng của Bắc Kinh và New Dehli. Đây là điểm liên thông giữa châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á, một điểm trung chuyển hàng hóa, để nuôi sống cả thế giới. Mặt khác, mọi nguồn tài nguyên khai thác từ châu Phi và Trung Đông để đến Ấn Độ và Trung Quốc, buộc phải đi ngang qua eo biển Malacca, khu vực trung chuyển 1/4 hàng hóa thế giới và đến 80% dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc. Đây chính là điểm liên thông giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa biển Andaman và Biển Đông. Với New Dehli, từ lâu Ấn Độ Dương đã được xem là sân nhà. Tuy nhiên, hiện nay, ảnh hưởng và vị thế của nước này tại Ấn Độ Dương đang bị Trung Quốc “nhòm ngó” và cạnh tranh quyết liệt.


Trên mặt trận kinh tế

Sự hiện diện của Trung Quốc tại các quốc gia ven Ấn Độ Dương không ngừng tăng lên thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, sân bay, thành phố kinh tế và thương mại ở Maurtius; xây dựng sân bay quốc tế và cảng thương mại Hambantota, mở rộng và hiện đại hoá cảng Colombo, sửa chữa và xây dựng đường bộ và đường sắt ở Sri Lanka; xây dựng hải cảng mới tại Kyaukryu tới tỉnh Vân Nam để có thể chuyển khí đốt và dầu mỏ sản xuất tại Myanmar cũng như dầu mỏ do các tàu chở dầu chuyển từ khu vực Tây Á và châu Phi thẳng về Trung Quốc mà không cần phải đi qua eo biển Malacca; và xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc kết nối Rangoon với Vân Nam.

Trung Quốc cũng đang thương lượng với Bangladesh về hiện đại hoá cảng Chitagong và kết nối hệ thống đường sắt của Bangladesh với hệ thống đường sắt của Myanmar. Trong chuyến thăm Maurtius hồi tháng 2/2009, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố cho nước này vay 260 triệu USD với lãi suất thấp để hiện đại hoá và mở rộng sân bay ở nước này. Ngoài ra, ông còn công bố khoản cho vay không tính lãi trị giá 5,9 triệu USD và viện trợ không hoàn lại 30 triệu nhân dân tệ.

Mặt trận quân sự

Tuy nhiên, chỉ sử dụng công cụ kinh tế chưa đủ để đảm bảo và mở rộng lợi ích, ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các nước Ấn Độ Dương. Lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc cần có một căn cứ quân sự để làm bàn đạp thâm nhập sâu hơn vào khu vực. Ngày 1/12/2011, trong chuyến thăm quốc đảo Seychelles, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đạt được thỏa thuận xây dựng một căn cứ hải quân hỗ trợ các chiến dịch chống cướp biển với quốc đảo này. Seychelles là một trong những địa điểm chiến lược tại Ấn Độ Dương, nằm trên những tuyến hàng hải quan trọng kết nối châu Á, châu Âu và Trung Đông. Trước đó, Bắc Kinh đã tặng hai máy bay do thám Y-12 cho đảo quốc Seychelles trong khuôn khổ một thỏa thuận hỗ trợ quốc phòng năm 2004. Ngoài ra, Bắc Kinh còn thông qua các dự án  cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự để tăng cường quan hệ với Pakistan, Sri Lanka và Myanmar.


Tàu hải quân Seychelles cập cảng. Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự tại quốc đảo này

Không chỉ có các động thái “lobby”, đẩy mạnh hợp tác song phương với các quốc gia ven Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự trong nước, và điều này khiến Ấn Độ thực sự quan ngại. Theo nghiên cứu mới đây của hãng ICD Research, chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng 11,5% lên 104,62 tỷ USD trong năm 2012. Trong 5 năm tới, dự kiến Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì tốc độ gia tăng ngân sách quân sự hàng năm; và đến năm 2017 sẽ đạt 174, 9 tỷ USD. Hiện nay, chi phí quân sự của Trung Quốc đang ở mức cao nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.Tính chung, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ chi cho việc mua mới và nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị vũ khí trị giá khoảng 722,4 tỷ USD.

Ấn Độ không ngồi yên

Trước các động thái của Trung Quốc thì gia tăng tiềm lực quốc phòng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ hiện nay. Theo đó nước này không ngừng cải tiến thiết bị quân sự, chẳng hạn mua sắm tàu sân bay của Nga, máy bay giám sát lãnh hải hiệu Boeing loại P-81 hay tăng cường thêm cho đội tàu ngầm chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân (SNA).

Ngày 14/7/2012, Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ công bố báo cáo “Lực lượng hạt nhân Ấn Độ năm 2012” cho biết, hiện Ấn Độ sở hữu từ 80-100 đầu đạn hạt nhân, hệ thống tấn công hạt của các lực lượng Hải, Lục và Không quân cũng đang dần hiện ra. Trong đó, lực lượng tiến công hạt nhân chính của Ấn Độ vẫn là máy bay ném bom tiêm kích của Không quân và tên lửa đạn đạo Agni-1, Agni-2 của Bộ Tư lệnh Lực lượng Chiến lược. Theo báo cáo, Ấn Độ đã chế tạo khoảng 520 kg plutonium dùng cho vũ khí, đủ để sản xuất 100-130 đầu đạn hạt nhân, nhưng hoàn toàn không phải tất cả vật liệu đều chuyển hóa thành đầu đạn hạt nhân.

Ngoài phát triển đầu đạn hạt nhân, Ấn Độ cũng chú trọng xây dựng lực lượng Không quân. Máy bay ném bom chiến đấu đã tạo thành nòng cốt của lực lượng tấn công hạt nhân Ấn Độ. Các máy bay Mirage-2000H, Jaguar IS/IB và MiG-27 đều có thể thực hiện nhiệm vụ hạt nhân. New Dehli đang phát triển 2 hệ thống vũ khí hạt nhân cho hải quân, lần lượt là tàu ngầm động cơ hạt nhân và tên lửa đạn đạo trang bị cho tàu chiến. Từ năm 1984 đến nay, Ấn Độ tập trung vào phát triển tàu ngầm hạt nhân Arihanta. Tháng 5/2012, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Antoni cho biết, tàu ngầm hạt nhân Arihanta sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2013. Được biết, tàu Arihanta có 12 ống phóng, có thể phóng tên lửa đạn đạo Sagarika. Cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, tầm phóng của loại tên lửa này không quá 290 km, trong khi theo truyền thông Ấn Độ con số đó phải là 700 km.

Cuộc chạy đua vũ trang cũng bao hàm cả việc chạy đua về ngân sách. Vào tháng 11 năm 2011, New Delhi công bố kế hoạch tăng thêm 60 tỷ USD, bao gồm cả việc tăng 20% nhân sự để phát huy sức mạnh hải quân. Một tháng trước đây, một tàu hải giám của Trung Quốc đã bị phát hiện ngay trên vùng vịnh Bengal./.

Đại Lâm (Theo các báo nước ngoài)
(Theo Tổ Quốc)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te