TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung - Ấn: 'Bệnh tưởng Malacca' và 'thế tiến thoái lưỡng nan Hormuz'

Không mấy ngạc nhiên, các quan hệ song phương giữa các gã khổng lồ châu Á, theo lời đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Zhang Yan, vẫn “rất mong manh, rất dễ bị tổn thương, và rất khó hàn gắn”.
 

 

Cả hai đều có các nguồn nhân lực khổng lồ, một cơ sở công nghiệp và khoa học bền vững, và các lực lượng quân đội hàng triệu binh lính. Lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua, cả hai nước cùng lúc tiến lên trên hành trình quyền lực tương đối của mình. Là một quốc gia nòng cốt ở Nam Á, Ấn Độ nhìn vào mình cũng giống như Trung Quốc có thói quen tự đề cao trong quan hệ với Đông Á.

Cả hai đều muốn một môi trường an ninh hòa bình để tập trung phát triển kinh tế và tránh công khai kình địch hay xung đột. Tuy nhiên, các nhân tố bất ổn như chủ nghĩa dân tộc, lịch sử, tham vọng, sức mạnh và quy mô đang tạo ra một hợp chất kỳ lạ. Không nước nào thấy hài lòng trước sự nổi lên của nước kia. Cả hai đều tìm cách bao vây các nước láng giềng bằng các nền kinh tế quốc gia của mình. Cả hai đều là các cường quốc về hạt nhân và không gian với những tham vọng ngày càng lớn. Cả hai đều ước ao một thế giới đa cực sẽ tạo cho mình không gian tăng trưởng và tự do hành động. Cả hai đều ganh đua để có vị rí lãnh đạo trong các tổ chức khu vực và toàn cầu, và có ý định xây dựng một dạng Học thuyết Monroe trong các quan hệ láng giềng của mình - và đều chưa đạt thành công nhiều.

Và cả hai đều nghi ngờ về các ý định dài hạn của nhau. Bên này cho là bên kia đang theo đuổi chủ nghĩa bá quyền và có các tham vọng đế quốc. Cả hai đều là các nước không nguyên trạng: Trung Quốc thì về mặt lãnh thổ, quyền lực và ảnh hưởng; Ấn đề thì về quy chế, quyền lực và ảnh hưởng. Cả hai đều tìm cách gia tăng quyền lực và tầm ảnh hưởng ở trong và bên ngoài các khu vực của mình. "Bệnh tưởng Malacca" của Trung Quốc rất xứng với "thế tiến thoái lưỡng nan Hormuz" của Ấn Độ.

Nếu Hải quân Trung Quốc đi sâu về phía Nam tới Ấn Độ Dương, Hải quân Ấn Độ lại tiến về phía Đông tới Thái Bình Dương. Cả hai đều chịu đựng một cái bẫy xuất phát từ xu hướng chia rẽ trong giới lãnh đạo cấp cao nước mình, khiến sự thống nhất chính trị hiện nay của hai nước đều rất mong manh. Sau cùng, lịch sử Trung Quốc và Ấn Độ bị lấp đầy bởi những thời kỳ chia rẽ và rối loạn từ bên trong, khi các lực lượng ly khai lật đổ cả những đế chế hùng mạnh nhất. Mỗi nước đều có những mặt dễ bị tổn thương của mình - xung đột khu vực, nghèo đói, và chia rẽ tôn giáo tại Ấn Độ; sự đối lập giữa một nền kinh tế thị trường và nền chính trị theo chủ nghĩa Lênin ở Trung Quốc. Cả hai đều gặp phải những vấn đề về ngôn ngữ, sắc tộc - tôn giáo, chính trị - kinh tế làm hủy hoại chính họ.

Nói cách khác, Trung Quốc và Ấn Độ bị mắc kẹt trong một thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh cổ điển: nước này coi các hành động của mình là phòng vệ, nhưng những hành động ấy lại bị nước khác coi là khiêu khích. Bắc Kinh lo ngại một cường quốc Ấn Độ không bị kiềm chế - nhất là khi nó được phương Tây và Nhật Bản ủng hộ - sẽ không chỉ đe dọa an ninh Trung Quốc ở dọc các đường biên giới phía Tây Nam xa xôi (Tây Tạng và Tân Cương), mà còn gây trở ngại cho chiến lược "Nam tiến" - mở rộng xuống phía Nam - của Trung Quốc. Đối diện với sự gia tăng nhanh chóng về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ cảm thấy cần áp dụng các biện pháp đối trọng và đưa ra các sáng kiến chiến lược để nổi lên như một đại cường quốc, nhưng những điều này bị xem là thách thức và đe dọa Trung Quốc.

Việc Trung Quốc sử dụng các tổ chức quốc tế và khu vực để thể chế hóa quyền lực của mình trong khi từ chối sự gia nhập của Ấn Độ vào các tổ chức này hoặc đẩy Ấn Độ ra ngoài lề đã làm tăng thêm mức độ cạnh tranh mới trong quan hệ giữa hai nước này. Trong thập kỷ vừa qua, Ấn Độ đã chủ động chống lại Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an, Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương, Nhóm cung cấp hạt nhân, và Ngân hàng Phát triển châu Á. Năm 2009, Trung Quốc đã bỏ phiếu phủ quyết kế hoạch phát triển Ấn Độ do nước này đưa ra nhằm phát triển bang Arunachal Pradesh đang tranh chấp, từ đó quốc tế hóa một cuộc tranh chấp lãnh thổ song phương. Để trả đũa, New Delhi đã ngăn cản Bắc Kinh tham gia các khuôn khổ đa phương do Ấn Độ đứng đầu như Sáng kiến Vịinh Bengal về Hợp tác Công nghệ đa lĩnh vực và kinh tế, Đối thoại Ấn Độ - Brazil - Nam Phi, và các diễn đàn Hợp tác sông Mekong và sông Hằng, và bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc được tham gia như một quan sát viên hoặc thành viên cộng tác trong Hội nghị chuyên đề hải quân Ân Độ Dương, do Ấn Độ thành lập từ năm 2008.

Tình trạng khan hiếm tài nguyên đã đưa thêm chiều kích biển vào quan hệ đối địch về địa chính trị này. Vì sự phụ thuộc của Trung Quốc và Ấn Độ vào nguồn năng lượng từ Trung Đông và châu Phi ngày càng tăng, nên cả hai nước này hiện đang tìm cách thắt chặt các quan hệ quốc phòng và an ninh với các nước cung cấp tài nguyên (như Arập Xêút và Iran), và phát triển các năng lực hải quân thích hợp để chế ngự các hải trình mà phần lớn hoạt động thương mại của họ lưu thông qua đó.

Vì 77% dầu của Trung Quốc nhập từ châu Phi và Trung Đông, Bắc Kinh đã phải tăng cường các hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương bằng cách đầu tư vào các nền kinh tế quốc gia duyên hải, xây dựng các cầu cảng và cơ sở hạ tầng, cung cấp vũ khí, và mua năng lượng. Gần 90% hoạt động buôn bán vũ khí của Trung Quốc diễn ra với các nước nằm trong khu vực Ấn Độ Dương. Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào phát triển cảng nước sâu ở Pakistan, và các căn cứ không quân ở Sri Lanka, Bangladesh, và Myanmar. Dù gọi như một số người là "chuỗi ngọc trai" hay một loạt các địa điểm mà Hải quân Trung Quốc có thể đặt căn cứ hay đơn giản là tiếp tế, lực lượng hải quân này được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng tại các địa điểm dọc theo các hải trình thông tin giúp họ vô hiệu hóa các lợi thế địa lý của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương.

Mới đây Tân Hoa Xã bình luận cho rằng cần thành lập ba tuyến căn cứ tiếp tế cho hải quân tại Bắc Ấn Độ Dương, và Nam Ấn Độ Dương. Hãng tin này viết: "Trung Quốc cần thiết lập các trạm hỗ trợ chiến lược ngoài khơi để cung cấp nhiên liệu cho tàu bè, tiếp tế nhu yếu phẩm, tạo chỗ cho binh sĩ nghỉ ngơi, sửa chữa trang thiết bị và vũ khí tại Pakistan, Sri Lanka và Myanmar, đây sẽ là những căn cứ hỗ trợ cốt yếu trên tuyến cung ứng Bắc Ấn Độ Dương; còn Djibouti, Yemen, Oman Kenya, Tanzania và Mozambique, sẽ là các căn cứ hỗ trợ thiết yếu trên tuyến cung ứng Tây Ấn Độ Dương; quần đảo Seychelles và Madagascar sẽ là các căn cứ hỗ trợ sống còn trên tuyến cung ứng Nam Ấn Độ Dương".

Về phần mình, New Delhi đang theo đuổi chiến lược tương tự như Bắc Kinh và tạo ra mạng lưới quan hệ của riêng mình với các quốc gia duyên hải, cả ở góc độ song phương và đa phương, thông qua Hội nghị chuyên đề hải quân Ân Độ Dương, để đảm bảo rằng nếu quân đội cần, các cơ sở hạ tầng và mạng lưới hỗ trợ cần thiết sẽ có. Ấn Độ thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Oman và Israel ở phía Tây; trong khi nâng cấp các quan hệ quân sự với Maldives, Madagascar, và Myanmar ở Ấn Độ Dương, và với Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Australia, Nhật Bản, và Mỹ ở phía Đông.

Tháng 12/2006, Đô đốc Sureesh Mehta, khi đó là tư lệnh hải quân Ấn Độ, đã mở rộng phạm vi khái niệm "quan hệ láng giềng chiến lược lớn hơn" của Ấn Độ ra bao gồm nhập khẩu các nguồn tài nguyên dầu và khí tiềm năng trên toàn cầu - từ Venezuela tới quần đảo Sakhalin của Nga. Hải quân Ấn Độ hiện có sự hiện diện lớn hơn Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Họ đang tăng cường cơ sở hạ tầng cầu cảng của mình với việc xây thêm các cảng biển mới ở phía Nam, cho phép đưa nhiều lực lượng hơn ra đại dương. Mục tiêu mới là phát triển các năng lực chống tiếp cận và xâm nhập khu vực nhằm ngăn chặn mọi ý định bao vây và chống tiếp cận biển của Trung Quốc.

Tóm lại, cuộc cạnh tranh trên biển đang ngày càng gia tăng khi hải quân Trung Quốc và Ấn Độ giương cờ tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương một cách thường xuyên hơn. Sự kình địch này có thể lan rộng sau một vài thập kỷ, khi một tàu sân bay của Ấn Độ được huy động tới Thái Bình Dương và một tàu sân bay của Trung Quốc tới Ấn Độ Dương - bề ngoài là để bảo vệ các tuyến đường thương mại và năng lượng của từng nước.

Ngược lại, chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ thể hiện của ý định chiến lược của nước này là tranh giành sự ảnh hưởng tại khu vực rộng lớn hơn: châu Á - Thái Bình Dương. Cũng giống như việc Trung Quốc sẽ không chịu nhường cho Ấn Độ vai trò bá quyền ở Nam Á và Ấn Độ Dương, Ấn Độ đường như cũng không sẵn lòng để cho Đông Nam Á và Đông Á nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Giống như sự nổi lên của Trung Quốc được các nước nhỏ ở khu vực Nam Á xung quanh Ấn Độ nhìn vào một cách tích cực vì họ có quan hệ không bằng phẳng với New Delhi, sự nổi lên của Ấn Độ cũng được các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á nhìn vào với một cách tương tự.

Tác giả: Châu Giang theo worldaffairsjournal
Theo Tuần Việt Nam

 

 

 

Tin bài mới hơn
    Luật Biển Việt Nam
    Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
    Mời hợp tác kinh doanh
    Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
    Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
    Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
    Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te