TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tàu sân bay Trung Quốc chỉ là hổ giấy

Khi các nhà hoạt động Nhật Bản đổ bộ lên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng này, một trong những nhà bình luận quân sự diều hâu nhất của Trung Quốc đã có phản ứng nhẹ nhàng một cách bất thường.
 
Thiếu tướng nghỉ hưu La Viện đã đưa ra đề nghị đặt tên chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Điếu Ngư theo tên gọi của quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Theo giải thích của ông La Viện, mục đích của việc đặt tên này là để nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư được Nhật Bản gọi là Senkaku này.
 
Đối với một người nổi tiếng là hiếu chiến và cứng rắn như ông La Viện, lời đề nghị trên rõ ràng là một trong những phản ứng ít hung hăng nhất mà ông này từng đưa ra trong một loạt các cuộc đối đầu vì tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong những tháng gần đây. Còn nhớ, hồi tháng 4, trong cuộc tranh chấp với Philippines ở bãi cạn Scarborough, Thiếu tướng La Viện từng tuyên bố, Hải quân Trung Quốc “sẽ đáp trả mạnh mẽ” nếu bị tấn công.
 
Lý giải về phản ứng mang đầy tính kiềm chế của Thiếu tướng La Viện với Nhật Bản ở trên, giới phân tích quân sự tin rằng, đó là do ông La Viện biết rõ, Trung Quốc sẽ chưa thể thực sự triển khai chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình đến quần đảo tranh chấp hay bất kỳ điểm nóng nào cho đến cuối thập kỷ này.
 
Bất chấp những dự đoán ồn ào trong dân chúng Trung Quốc về việc chiếc tàu sân bay của họ sẽ sớm trở thành con tàu chỉ huy của Hải quân, các chuyên gia quốc phòng khẳng định, con tàu được kỳ vọng đó thiếu máy bay tấn công, vũ khí, thiết bị điện tử, các thiết bị đào tạo và cung cấp hậu cần để có thể trở thành một chiếc tàu chiến thực sự có khả năng chiến đấu.
 
Tàu sân bay của Trung Quốc vốn là một chiếc tàu cũ được nước này mua lại từ Ukraine cách đây hơn một thập kỷ. Trung Quốc đã tiến hành nâng cấp, đại tu con tàu này để biến nó trở thành tàu sân bay đầu tiên của họ. Tên ban đầu của nó là Varyag.
 
Hiện tại, tàu sân bay của Trung Quốc đang trong cuộc thử nghiệm lần thứ 10 trên biển. Một số nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc trước đó dự đoán, tàu sân bay của họ sẽ được đưa vào biên chế của lực lượng hải quân trong năm nay.
 
Tuy nhiên, các sĩ quan cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã “dập tắt” những kỳ vọng trên, nói rõ rằng, chiếc tàu có trọng tải 60.000 tấn này còn lâu mới sẵn sàng hoạt động và nó cần phải trải qua những cuộc thử nghiệm và huấn luyện ở mức cao nữa.
 
"Vạn Lý Trường Thành không phải chỉ xây dựng trong một ngày", Đại tá Lin Bai thuộc Tổng cục Vũ khí Trung Quốc đã nói như vậy trên các website chính thức của chính phủ Trung Quốc.
 
Kể cả khi Varyag được đưa vào hoạt động, nó cũng chỉ có một vai trò rất hạn chế, chủ yếu là để huấn luyện và đánh giá trước khi Trung Quốc trình làng chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên của họ sau năm 2015, các nhà phân tích quân sự nhận định.
 
Theo các nguồn tin trên các trang blog và website quân sự không chính thức của Trung Quốc, nước này đang có kế hoạch đóng tàu sân bay ở căn cứ đóng tàu trên đảo Chanxing thuộc xưởng đóng tàu Jiangnan, gần Thượng Hải.
 
Tuy nhiên, các nhà phân tích chuyên nghiệp và không chuyên qua tìm hiểu những hình ảnh thu được từ vệ tinh tại các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đã không phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ, Trung Quốc đang tự đóng tàu sân bay.
 
Trong bản báo cáo thường niên về vấn đề quân sự được đưa ra hồi đầu năm nay, Lầu Năm Góc Mỹ cho rằng, Trung Quốc có thể đã bắt tay vào chế tạo một số bộ phận của tàu sân bay tự chế của nước này.
 
Vũ khí mang tính biểu tượng
 
Việc tàu sân bay Trung Quốc phải trải qua những cuộc thử nghiệm kéo dài đã chứng tỏ, con tàu này chưa có khả năng chiến đấu. Một trong những thách thức lớn mà Trung Quốc gặp phải trong quá trình nâng cấp tàu sân bay đầu tiên của họ là việc tìm kiếm, xây dựng một phi đội máy bay và trực thăng chuyên biệt có thể hoạt động trên boong tàu.
 
Trung Quốc đang nỗ lực phát triển một loại máy bay tấn công mới có tên gọi là J-15 – một phiên bản của Su-33 Nga, để trang bị cho tàu sân bay.
 
Trung Quốc cũng đã nhập khẩu và tự chế tạo những phiên bản tương tự như máy bay chiến đầu của Nga nhưng việc điều chỉnh phần mềm chỉ huy, vũ khí, thiết bị radar, điện tử... cho thích hợp với hoặt động của một chiếc tàu sân bay sẽ cực kỳ phức tạp và tốn kém.
 
Trong khi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc còn nhiều năm nữa mới có thể hoạt động hiệu quả thì chương trình phát triển chiếc tàu chiến khủng này trở thành một biểu tượng của công cuộc hiện đại hóa lực lượng hải quân kéo dài 3 thập kỷ qua của nước này. Và rõ ràng, con tàu sân bay này chỉ mang tính biểu tượng chứ chưa có thực chất gì. Đây không phải là lần đầu tiên giới chuyên gia quân sự thế giới đưa ra nhận định này.
 
Hồi năm ngoái, khi một số nước đã tỏ ra quan ngại trước tham vọng hải quân của Trung Quốc qua việc nước này lần đầu tiên trình làng tàu sân bay Varyag. Nhiều chuyên gia đã nhanh chóng lên tiếng dập tắt nỗi lo ngại này.
 
Chuyên gia Ashley Townshend thuộc Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney nhận định, Trung Quốc sẽ cần phải có ít nhất 3 tàu sân bay nếu nước này có ý định “nghiêm túc” trong việc thiết lập một hạm đội tàu sân bay có khả năng chiến đấu. Theo ông Townshend, để làm được điều đó, Trung Quốc sẽ phải đóng một loạt tàu và máy bay hỗ trợ. Công việc này sẽ phải mất đến 10 năm.
 
Trong khi đó, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cũng bác bỏ việc Trung Quốc đã có bước nhảy lớn trong chương trình phát triển tàu sân bay của nước này. Phát ngôn viên Mỹ cho rằng, đó chỉ là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc. 

 

Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo VNMedia

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te