Kinh tế Trung Quốc ngày càng đi xuống
Chỉ số PMI Trung Quốc xuống thấp nhất ba năm do nhu cầu trong nước giảm, điều kiện bên ngoài không thuận lợi và chính sách kém hiệu quả.
Theo HSBC, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 8 đã rơi xuống 47,6, thấp nhất từ tháng 3/2009. Cuộc khảo sát tương tự của cơ quan thống kê nước này cũng cho kết quả 49,2, thấp nhất từ tháng 11 năm ngoái. PMI là thước đo hoạt động sản xuất của một quốc gia và mức dưới 50 đã được coi là suy giảm.
Các nhà phân tích cho biết kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi do cả nhu cầu trong nước và thế giới sụt giảm. PMI trung bình của 17 nước eurozone đều nhỏ hơn 50, Ireland là nước duy nhất đạt 50,9. Chỉ số này tại Anh cũng nằm dưới mốc 50. Nhà phân tích Alistair Thornton của IHS Global Insight cho biết: "Sản xuất của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do nhu cầu trong nước giảm, điều kiện bên ngoài không thuận lợi và chính sách kém hiệu quả".
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh những năm qua phần lớn là do ngân hàng cho vay kỷ lục. Tuy nhiên, việc này lại đẩy giá nhà tăng cao, khiến nhiều người lo ngại bong bóng nhà đất và nghi ngờ liệu tăng trưởng nhờ cho vay có bền vững trong dài hạn.
Việc này đã thôi thúc các nhà hoạch định chính sách đưa ra hàng loạt biện pháp kiềm chế tín dụng. Các nhà phân tích cho biết tuy động thái này đã góp phần kiểm soát giá bất động sản, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. GDP nước này chỉ tăng 7,6% trong quý II và là mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Ông Thornton nhận định: "Chính phủ Trung Quốc đã đánh giá thấp tốc độ của cuộc khủng hoảng".
Sau đó, lo ngại kinh tế sẽ giảm sâu hơn nữa, Trung Quốc thực hiện hàng loạt biện pháp kích thích tăng trưởng. Gần đây, ngân hàng trung ương nước này đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ ba trong vòng vài tháng để thúc đẩy tín dụng. Cơ quan này cũng hạ lãi suất cơ bản để giảm chi phí đi vay cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các biện pháp này dường như vẫn chưa có tác động đáng kể lên tăng trưởng.
Giới phân tích nhận định việc này là do các nhà băng Trung Quốc không muốn cho vay. Mark Matthews tại Ngân hàng Julius Baer cho biết: "Họ không sẵn sàng cho các khoản vay lớn và dài hạn vì vẫn còn lo ngại sức khỏe của nền kinh tế".
Thêm vào đó, việc các ngân hàng cho vay với tốc độ kỷ lục những năm qua còn có thể gia tăng nợ xấu và ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ông Wei Guoxiong - Giám đốc bộ phận Quản lý rủi ro của Ngân hàng Công thương Trung Quốc cho biết: "Kinh nghiệm những năm qua đã cho thấy khủng hoảng nợ xấu thường xảy ra ba năm sau tăng trưởng tín dụng vượt bậc. Có nghĩa là, nợ xấu sẽ tăng rõ rệt trong năm nay".
Những lo ngại trên đã làm các ngân hàng "thận trọng hơn khi cho vay trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn". Điều này cũng chỉ ra rằng các chính sách của ngân hàng trung ương hiện tại vẫn không có hiệu quả, ông Mathews cho biết.
Theo Hà Thu
VnExpress