Trong Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng diễn ra tại Manila từ 3-4/10, Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận về tuyên bố chủ quyền “hung hăng” của nước này với 4 quốc gia thành viên ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Diễn đàn hàng hải ASEAN lần thứ 3 vừa diễn ra tại Manila, Philippines trong 2 ngày 3/10-4/10. |
Theo Washingtontimes, là một trong 8 nước ngoài ASEAN được mời đến tham dự diễn đàn, Trung Quốc đã tìm cách “làm đẹp” cho sự xuất hiện của mình cũng như mong nhận được sự tiếp đón thân thiện của các quốc gia ASEAN bằng cách đề nghị viện trợ gần 500 triệu USD với lý do "hợp tác phát triển hàng hải" trong khối.
Tuy nhiên, nếu quá nhấn mạnh đến khoản tiền đó thì Trung Quốc sẽ chỉ khiến dư luận càng chú ý đến ý định “mua ảnh hưởng” của Trung Quốc. Ngoài ra, điều đó cũng có thể khiến dư luận trong nội bộ Trung Quốc tức giận và phản đối thỏa thuận trên sau khi chính bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc hàng tháng trời đã rêu rao buộc tội “các quốc gia nhỏ bé” trong nhóm ASEAN đã “cả gan” thách thức chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Kết quả là, tin tức về gói viện trợ này không được thông báo công khai tại Trung Quốc. Thay vào đó, tin tức về gói viện trợ này lại được Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh tuyên bố trong cuộc họp báo sau khi diễn đàn kết thúc.
Gói viện trợ 474 triệu USD được Trung Quốc hứa tài trợ cho “hoạt động hợp tác hàng hải” của ASEAN mà không hề được đưa ra kèm theo nội dung chi tiết về gói viện trợ. Cũng không có lời giải thích nào về việc khoản tiền này sẽ được chi tiêu ra sao và nước nào trong nhóm ASEAN sẽ quản lý khoản viện trợ này.
Đến nay, Trung Quốc đã bị cô lập trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển với nhiều nước láng giềng gồm Brunei, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Chiến lược then chốt của Trung Quốc là ngăn chặn tất cả các đối thủ của mình trong các cuộc tranh chấp nói trên liên minh chống lại nước này.
Hiện tại, Trung Quốc đang dấn sâu vào một cuộc tranh chấp chủ quyền căng thẳng với Nhật Bản về quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, và không đủ khả năng tham gia vào một cuộc đối đầu khác với các đối thủ khác trong khối ASEAN, đáng chú ý là Philippines và Việt Nam.
Trung Quốc muốn ngăn cản các nước có tranh chấp chủ quyền với nước này liên kết để chống lại Trung Quốc. |
Cơn ác mộng về ASEAN của Trung Quốc có lẽ sẽ trở nên tồi tệ hơn do trong 2 tháng nữa, một quan chức Việt Nam, rất có khả năng là nhà ngoại giao kì cựu Lê Lương Minh, sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng thư ký ASEAN với nhiệm kỳ 3 năm.
Vị trí này được các nước ASEAN đảm nhiệm luân phiên theo thứ tự bảng chữ cái. Trong 3 năm qua, đại diện của Thái Lan là ông Surin Pitsuwan đã giữ chức Tổng thư ký ASEAN. Nhiệm kỳ của ông sẽ hết vào ngày 1/1/2013.
Không giống như các cuộc họp khác, hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của ASEAN có các đại diện đến từ 8 quốc gia khác theo cái được gọi là Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng. Các quốc gia ngoài ASEAN đến tham dự bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ.
Chớp thời cơ hiếm hoi mà tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền hàng hải tụ họp chung vào một diễn đàn, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề xuất rằng diễn đàn này nên được tổ chức thường niên để giải quyết các cuộc tranh chấp hàng hải và chủ quyền trong khu vực.
Các quan chức ASEAN đã nhiệt tình đón nhận đề xuất này của Mỹ.
Theo tuyên bố chính thức của ASEAN được công bố hôm 7/10,“Các nước thành viên ASEAN đề xuất rằng tổng thư ký ASEAN nên tiến hành một cuộc nghiên cứu và đưa ra các đề xuất về việc thể chế hóa diễn đàn hàng hải ASEAN”.
Tâm điểm chú ý của diễn đàn là giải pháp tránh một cuộc xung đột với Trung Quốc.
“Các nước thành viên ASEAN đã đưa ra một bản đánh giá tình hình hợp tác và an ninh hàng hải trong khu vực vào thời điểm hiện này và chia sẻ các quan điểm về triển vọng và thách thức đối với vấn đề hợp tác hàng hải”, tuyên bố này cho biết.
“Các nước đặc biệt nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và các sáng kiến của ASEAN trong Tuyên bố Bangkok 1967, Hiệp ước Bali, Hiệp ước hợp tác hữu nghị Đông Nam Á 1976, Tuyên bố ứng xử trên biển của các bên trên Biển Đông 2002 và Các nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông vừa được thông qua”.
Trung Quốc vẫn kiên quyết bác bỏ việc áp dụng luật quốc tế hay luật lệ của khu vực để giải quyết tuyên bố chủ quyền của mình về Biển Đông. Bắc Kinh cũng phản đối kịch liệt bất kỳ nỗ lực nào đưa các cuộc tranh chấp của các thành viên ASEAN với Trung Quốc trở thành vấn đề chung của ASEAN trong khi có tới 4 trong số 10 thành viên ASEAN đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Trung Quốc mong muốn giải quyết tranh chấp với từng quốc gia một.
TÙNG LÂM
Theo Infonet