Chiến hạm tàng hình “Boikii” của Nga tiến ra biển
Chiến hạm tàng hình hiện đại “Boikii” của Nga do nhà máy đóng tàu phía Bắc, thuộc Công ty cổ phần St Petersburg sản xuất theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng đã bắt đầu đợt thử nghiệm đầu tiên trên biển.
Trung tá Hải quân Vladimir Matveyev, phát ngôn viên Hạm đội Baltic - Nga, cho biết quá trình thử nghiệm sẽ kiểm tra hoạt động của các thiết bị động lực, hệ thống lái, máy móc thiết bị phụ trợ, phương tiện liên lạc và định hướng cũng như các thiết bị neo của chiến hạm “Boikii”.
Ngoài ra cũng tiến hành kiểm tra thử nghiệm vận tốc, tính cơ động và độ rung của tàu.
Siêu tàng hình “Boikii” bắt đầu đợt thử nghiệm trên biển.
Nhà máy đóng tàu phía Bắc sử dụng công nghệ giảm tầm phát hiện “Stealth” trong thiết kế và đóng mới chiến hạm “Boikii”, hạn chế tới mức tối thiểu khả năng phát hiện tàu bằng hệ thống radar.
Theo chương trình vũ trang nhà nước, đến năm 2018, nhà máy đóng tàu phía Bắc sẽ chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Nga 6 chiến hạm theo dự án 20.380 và 20.385, và đến năm 2020 thêm 6 tàu khu trục nhỏ theo dự án 22.350.
Được biết, chiến hạm siêu tàng hình “Boikii” thuộc dự án 20.380, thiết kế cho các hoạt động trong vùng biển gần và tác chiến chống tàu nổi và tàu ngầm của đối phương cũng như hỗ trợ pháo binh cho quân đổ bộ trong các hoạt động hàng hải.
(Theo Tiền Phong)
---------------------
Lockheed Martin nhận hợp đồng nâng cấp 93 máy bay F-35
Hãng chế tạo hàng không Mỹ Lockheed Martin có thể sẽ nhận nâng cấp 93 chiến đấu cơ F-35 Lighning II lên chuẩn Block 2B, 3i và 3F.
Hãng chế tạo hàng không Mỹ Lockheed Martin có thể sẽ nhận nâng cấp 93 chiến đấu cơ F-35 Lighning II lên chuẩn Block 2B, 3i và 3F được sản xuất theo các lô hàng sản xuất quy mô hạn chế hiện nay của dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 này.
Tổng giá trị của hợp đồng trên không được hé lộ, nhưng Giám đốc Viện Phân tích Lexington, Dan Goure, khẳng định, số tiền để thực hiện chương trình nâng cấp sẽ rất đáng kể.
Nhiều khả năng, giá thành nâng cấp máy bay F-35 sẽ phụ thuộc yêu cầu nâng cấp của quân đội Mỹ. Theo đó, quân đội Mỹ có thể hạn chế mua máy bay F-35 giai đoạn sản xuất hạn chế để trong tương lai nhận được các đơn vị F-35 nâng cấp có tính năng vượt trội so với thế hệ chiến đấu cơ F-16.
Theo chương trình Máy bay tấn công liên quân (JSF), Lockheed Martin dự kiến sẽ chế tạo khoảng 3.000 máy bay F-35, bao gồm 3 phiên bản: F-35A (không quân), F 35B (cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng) và F-35C (hoạt động trên tàu sân bay).
Quân đội Mỹ có thể sẽ mua 2.000 máy bay thế hệ 5 này, số còn lại là do quân đội Anh, Italia, Hà Lan, Na Uy, Nhật Bản... đặt mua.
( GDVN)
--------------
Thái Lan mua thêm trực thăng quân sự mới
Trong hợp đồng trên, AgustaWestland cũng nhận đào tạo phi công cho phía Thái Lan. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về hợp đồng không được tiết lộ.
Thái Lan vừa đặt mua thêm 2 máy bay trực thăng đa nhiệm AW139 do hãng trực thăng Italia AgustaWestland chế tạo.
Theo thông tin đăng tải trên website hãng AgustaWestland, đơn hàng trên sẽ được thực hiện trong năm 2014.
Trong hợp đồng trên, AgustaWestland cũng nhận đào tạo phi công cho phía Thái Lan. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về hợp đồng không được tiết lộ.
Theo Flightglobal, quân đội Thái Lan hiện có khoảng 200 trực thăng các loại, bao gồm: Bell UH-1, 206, 212/412; Boeing CH-47, Sikorsky S-70, Mi-17 và 2 trực thăng UH-60M Black Hawk mới chuyển giao từ tháng 7-2012.
Hiện tại, trực thăng AW139 đang nằm trong biên chế quân đội nhiều quốc gia trên thế giới như: Italy, Qatar, Ai Cập, Ireland và Nhật Bản. Quân đội Nhật Bản mới đây đã loại bỏ hoàn toàn 24 máy bay trực thăng loại này trong biên chế hải quân và cảnh sát.
Tuy nhiên, tới ngày 9-10, lực lượng cảnh sát Nhật vẫn tiếp tục đặt mua thêm 2 trực thăng AW139 và chúng sẽ được chuyển giao trong năm 2014.
Được thiết kế đa nhiệm với dải nhiệm vụ phụ thuộc vào thiết bị mang theo, trực thăng AW139 có thể đạt tốc độ bay tới 310km/giờ và tầm hoạt động đạt 2.000km. AW139 có thể chở theo 2,5 tấn hàng hóa hoặc 15 người.
(GDVN)
----------------
Nga lén chuyển vũ khí cho Syria bằng máy bay chở hàng?
Hôm qua, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã leo lên một nấc thang mới khi Thủ tướng nước này Recep Tayyip Erdogan nói rằng, số thiết bị và đạn dược quân sự của Nga chuyển cho Bộ Quốc phòng Syria đã bị tịch thu từ một chiếc máy bay mà Ankara buộc phải hạ cánh trước..
Cáo buộc trên của ông Erdogan cũng làm bùng phát thêm mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vốn đã rạn nứt nghiêm trọng khi cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad kéo dài 19 tháng đã mở rộng thành một cuộc nội chiến, đe dọa tới sự ổn định ở khu vực Trung Đông.
Tuyên bố của Thủ tướng Erdogan được hãng thông tấn Anatolia đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ lục soát bất hợp pháp chiếc máy bay và yêu cầu nước này phải giải thích về hành động này.
Trước đó, đêm hôm thứ Tư (10/10), Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động hai chiến đấu cơ F-16 buộc chiếc máy bay Airbus A-320 của hãng Syrian Air phải hạ cánh xuống thủ đô Ankara sau khi nhận được tin tình báo rằng phi cơ này đang vận chuyển hàng hoá quân sự cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
“Từ Nga, một tổ chức tương tự như Viện Công nghiệp Cơ khí và Hóa học của chúng tôi đã chuyển các dụng cụ quân sự, thiết bị và đạn dược cho Bộ Quốc phòng Syria”, ông Erdogan nói.
Viện Công nghiệp Cơ khí và Hóa học mà Thủ tướng Erdogan đề cập là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng hàng đầu cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
“Theo thông tin tình báo nhận được, công tác tìm kiếm đã được tiến hành và thật không may mắn, chúng tôi lại phát hiện thấy những thiết bị như vậy bên trong”, Thủ tướng Erdogan cho biết thêm, tuy nhiên ông không nói rõi chi tiết những gì được tìm thấy.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã từng có nhiều bất đồng về cuộc khủng hoảng Syria, trong đó Ankara liên minh với phương Tây và nhiều quốc gia Ả Rập khác hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy lật đổ Tổng thống Assad, còn Moscow đã liên tục bảo vệ ông Assad, đồng minh chính của nước này ở khu vực.
Dù tồn tại những khác biệt như vậy và từng trải qua lịch sử thù địch thời chiến tranh lạnh nhưng trong những tháng gần đây Nga đã cố gắng vun đắp mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Moscow và một nước đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị khu vực.
( Soha)
-------------
Mỹ: Nguy cơ khủng bố bao trùm New York
Giám đốc Công an thành phố New York, Mỹ Raymond Walter Kelly vừa công khai bày tỏ lo ngại về nguy cơ thành phố này bị tấn công khủng bố trong trường hợp Israel mở cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran.
Ông Kelly nói rằng, New York là nơi cư trú của hơn 1,5 triệu người gốc Do Thái và đó rất có thể sẽ là nguyên nhân để Iran và các phe phái, tổ chức đồng minh mở các cuộc tấn công khủng bố vào thành phố này một khi Iran bị Israel, (đồng minh chiến lược của Mỹ), không kích vào các cơ sở hạt nhân của họ.
Ông Kelly cũng cho biết thêm, lực lượng an ninh ở New York đã được tăng cường và cả cảnh sát mặc đồng phục và thường phục đều được triển khai trên tất cả các đường phố. Tuy nhiên mối lo ngại nhất hiện nay là các loại vật liệu nổ được chế tạo và vận chuyển hết sức tinh vi và có thể vận chuyển đến bất kỳ nơi nào.
( Dân Việt)
-----------------
Ấn Độ chặn âm mưu đánh bom trước lễ hội Hindu
Một quan chức cảnh sát New Delhi cho biết, các đối tượng trên bị bắt giữ khi vừa đặt chân tới thủ đô New Delhi.
Ngày 11/10, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 3 tay súng Hồi giáo tình nghi có âm mưu đánh bom thủ đô New Delhi trong mùa lễ hội Hindu sắp tới.
Cả ba đối tượng này đều là thành viên của tổ chức Mujahideen, lực lượng từng tiến hành các vụ đánh bom hồi tháng 8 vừa qua tại thành phố Pune ở phía Tây Ấn Độ.
Các đối tượng bị bắt giữ theo thông tin cảnh sát đã khai thác được từ Syed Zabiuddin, kẻ bị bắt hồi tháng 6 do dính líu đến các vụ tấn công khủng bố ở thành phố Mumbai năm 2008 làm 166 người thiệt mạng.
Cảnh sát Ấn Độ cho rằng Zabiuddin là thành viên của nhóm Lashkar-e-Taiba, hoạt động tại Pakistan.
Điều này đang làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tồn tại sợi dây liên hệ giữa tổ chức Mujahideen ở Ấn Độ với lực lượng Lashkar-e-Taiba ở nước láng giềng Pakistan./.
Theo TTXVN
--------------
Mỹ gạ gẫm bán 245 quả tên lửa Stinger cho Ấn Độ
Theo tin chiều 11/10 của PTI, Mỹ đang đề nghị bán cho Ấn Độ 245 tên lửa Stinger, một phần trong gói mua máy bay trực thăng tấn công Apache từ Mỹ của Không quân Ấn Độ (IAF).
Các quan chức của Raytheon, hãng chế tạo tên lửa Stinger, cho biết 245 tên lửa Stinger không đối không và 56 bệ phóng nằm trong gói mua máy bay trực thăng Apache.
Các tên lửa Stinger trang bị cho máy bay Apache sẽ tăng thêm khả năng phòng thủ không đối không cho IAF. Hiện hai bên đang đàm phán về thương vụ này.
Tên lửa Stinger đất đối không của Mỹ được sử dụng trong cuộc chiến tranh Afghanistan vào những năm 80 của thế kỷ trước và cũng được quân đội Pakistan sử dụng để bắn hạ một máy bay Mi-17 của IAF trong cuộc chiến Kargil giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1999./.
(Vietnam+)
-------------
Hàn Quốc mặc cả với Mỹ đổi tầm bắn lấy trọng lượng đầu đạn tên lửa
Hàn Quốc có thể đổi việc giảm tầm bắn tên lửa xuống 550 km để tăng trọng lượng đầu đạn lên 1 tấn.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 11/10 đưa tin, sau những cuộc đàm phán bắt đầu từ năm 2010, mặc dù Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận hôm Chủ nhật về việc tăng tầm bắn tên lửa Hàn Quốc từ 300 km lên 800 km, song khối lượng đầu đạn của những tên lửa này vẫn bị hạn chế ở mức 500 kg.
Seoul cho rằng tên lửa của mình phải có tầm bắn tối đa ít nhất là 1000 km mới có thể phá hủy được các mục tiêu chiến lược của Triều Tiên trong tình huống khẩn cấp, thế nhưng Washington đã phản đối mạnh mẽ và chỉ giới hạn tầm bắn trong phạm vi 800 km. Mãi tới giai đoạn sau của các vòng đàm phán, các quan chức Hàn Quốc mới có thể nêu vấn đề tăng trọng lượng đầu đạn tên lửa của nước này.
Ngoài ra, Seoul cũng sẽ tiếp tục bị cấm phát triển tên lửa đẩy nhiên liệu rắn sử dụng cho mục đích dân sự vì Mỹ lo ngại rằng công nghệ này có thể được chuyển sang sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Thành tựu duy nhất trong các cuộc đàm phán này là phía Mỹ cho phép Hàn Quốc phát triển phương tiện bay không người lái có thể mang theo đầu đạn 2,5 tấn tương tự như chiếc Global Hawk của Mỹ.
Các quan chức chính phủ cho rằng Hàn Quốc có thể đổi việc giảm tầm bắn tên lửa xuống 550 km để tăng trọng lượng đầu đạn lên 1 tấn. Đầu đạn có trọng lượng nặng hơn giúp Hàn Quốc có khả năng phá hủy các cơ sở tên lửa và bệ phóng của Triều Tiên trong phạm vi 500 đến 600 km trong trường hợp Triều Tiên phát động tấn công.
Trong đối đầu quân sự, phương thức phòng ngừa thái độ hiếu chiến hiệu quả nhất là cho đối phương thấy rằng nếu mình tấn công trước sẽ nhận lại hậu quả khủng khiếp. Triều Tiên có những hành động khiêu khích đối với Hàn Quốc như đánh đắm tàu chiến Cheonan và pháo kích đảo Yeonpyeong là vì nước này đánh giá thấp khả năng trả đũa của Hàn Quốc.
Hàn Quốc sẽ tiếp quản toàn quyền chỉ huy các hoạt động quân sự từ Mỹ vào năm 2015, nhưng nước này vẫn thiếu khả năng giám sát trên không để có thể xác định chính xác các địa điểm phát động tấn công của Triều Tiên. Đây chính là điểm yếu mà các hành động khiêu khích của Triều Tiên có thể nhắm vào.
Tên lửa Hàn Quốc với tầm bắn 800 km vẫn chưa là gì nếu so sánh với tên lửa Musudan của Triều Tiên có tầm bắn 3000-4000 km mang theo đầu đạn nặng 650 kg. Trung Quốc cũng sở hữu những tên lửa xuyên lục địa có tầm bắn xa hơn, còn Nhật Bản cũng có thể nhanh chóng biến các loại tên lửa nhiên liệu rắn của mình thành tên lửa đạn đạo tầm xa.
Chosun Ilbo kết luận, nếu chính phủ hiện nay của Hàn Quốc chấp nhận những khả năng hạn chế này của tên lửa nước mình thì hãy để nhiệm vụ đó cho chính quyền tiếp theo đảm đương, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chạy đua tên lửa đang ngày càng nóng lên ở Đông Bắc Á.
Bảo Thành (Nguồn: Chosun Ilbo, GDVN)
------------------
Tổng thống Assad đã ở Nga hay đang chỉ huy quân đội?
Trong cuộc nội chiến đẫm máu ở đất nước Syria hiện nay, người được dư luận quan tâm, chú ý nhiều nhất có lẽ là Tổng thống Bashar al-Assad. Vì thế, không có gì lạ khi ngày nào, tin về Nhà lãnh đạo đang gặp khó khăn này cũng xuất hiện trên khắp các mặt báo. Và tất nhiên, không phải thông tin nào cũng là chính xác.
Cách đây 2 ngày, UPI có đưa tin, Tổng thống Assad đang chuẩn bị kế hoạch đưa cả nhà sang Nga. Tuy nhiên, một ngày sau đó, hãng tin Reuters lại khẳng định, Tổng thống Assad đang trực tiếp chỉ huy quân đội Syria chiến đấu chống lại phe nổi dậy và ông này vẫn tự tin sẽ giành chiến thắng.
Tổng thống Assad sẽ sang Nga?
Theo UPI cho biết, ông Abdullah al-Omar - một cựu nhân viên của văn phòng báo chí của Tổng thống Assad vừa đào tẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, đã tiết lộ, Nhà lãnh đạo Syria và gia đình đang chuẩn bị chạy sang Nga.
Ông al-Omar đã nói với đài truyền hình al-Jazeera rằng, ông này biết rất nhiều bí mật của chính quyền Tổng thống Assad trước khi thực hiện cuộc “đào ngũ” hồi tháng 9 vừa rồi.
"Nga đang chuẩn bị hơn 300 căn hộ cho đại gia đình Tổng thống Assad. Tôi biết rằng, sau 60 ngày nữa, gia đình ông Assad sẽ dần trốn khỏi đất nước”, ông al-Omar cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình nói tiếng Ả-rập ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc phỏng vấn này vừa được thực hiện trong tuần này.
Tổng thống Assad sẽ là người cuối cùng rời khỏi đất nước và ông ấy chỉ làm vậy sau khi đã nhận được sự đảm bảo của quốc tế rằng ông ấy sẽ không phải chịu bất kỳ sự truy tố nào, ông al-Omar nói thêm.
Thông tin mà ông al-Omar đưa ra ở trên hoàn toàn chưa được kiểm chứng và người ta nghi ngờ về độ xác thực của nó.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Assad hay gia đình của ông bị đồn chạy sang nước ngoài, mà cụ thể là chạy sang Nga – đồng minh thân cận của chính quyền Syria. Hồi tháng 7, sau vụ tấn công bằng bom của phe nổi dậy vào một trụ sở an ninh của chính quyền ở thủ đô Damascus, có nhiều nguồn tin khẳng định, Tổng thống Assad đã chạy ra nước ngoài. Người vợ gốc Anh xinh đẹp của Tổng thống Assad cũng được đồn là đã chạy sang Nga.
Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Syria đã xuất hiện đầy thách thức và giễu cợt những tin đồn thất thiệt về ông. Tổng thống Assad tuyên bố, những kẻ thù mà chính quyền Syria đang chiến đấu chống lại đã và sẽ không thể thành công trong việc tiêm nhiễm nỗi sợ hãi vào trái tim ông cũng như trái tim của những người dân Syria.
Tổng thống Assad trực tiếp chỉ huy chiến trường
Đúng một ngày sau khi có tin Tổng thống Assad chuẩn bị chạy sang Nga, tờ Reuters lại đưa một thông tin hoàn toàn khác hẳn. Theo đó, Tổng thống Assad đã tiếp nhận quyền chỉ huy các lực lượng vũ trang Syria và đang trực tiếp chỉ huy các trận đánh của lực lượng này với phe nổi dậy. Ông Assad được cho là đang rất tự tin rằng, chính quyền của ông sẽ giành chiến thắng quân sự trước phe nổi dậy.
Sau khi xảy ra làn sóng những cuộc đào ngũ và một vụ đánh bom thảm khốc nhằm vào trụ sở an ninh chính của chính quyền khiến 4 quan chức an ninh hàng đầu thiệt mạng hồi tháng 7, những người ủng hộ Tổng thống Assad cho biết, Nhà lãnh đạo 47 tuổi này đã bắt đầu trực tiếp chỉ huy chiến trường. Ông Assad đã trở nên rất tự tin và quyết chiến.
"Ông ấy không còn là một tổng thống phụ thuộc vào các nhân viên cấp dưới và chỉ đạo thông qua các cố vấn. Đây là một sự thay đổi căn bản trong suy nghĩ của Tổng thống Assad. Hiện giờ, ông ấy đang tham gia trực tiếp vào việc chỉ huy chiến trường”, một chính khách người Li-băng có mối quan hệ thân thiết với chính quyền Syria cho Reuters biết.
Theo vị chính khách trên, người Iran và người Nga có thể đang hậu thuẫn cho các chiến dịch hàng ngày của quân đội Syria và giúp giữ vững tinh thần chiến đấu cho lực lượng này. Quân đội Syria hiện đang tập trung hoả lực vào các khu vực then chốt như thủ đô Damascus, trung tâm thương mại Aleppo và các con đường chính của đất nước.
Niềm tin của ông Assad không phải không có cơ sở khi mà phe nổi dậy Syria đến nay vẫn không thể giành được bất kỳ chiến thắng mang tính đột phá nào trước hoả lực mạnh hơn của quân chính phủ. Thay vào đó, khi cuộc chiến càng kéo dài, phe nổi dậy càng trở nên yếu thế hơn. Lực lượng này đã đánh mất nhiều căn cứ mà họ từng giành được ở khu vực ngoại ô thủ đô Damascus và nhiều nơi khác. Thất vọng trước tình hình này, các chiến binh nổi dậy hiện giờ dường như đang chuyển hướng tập trung sang các chiến thuật sử dụng những vụ đánh bom tự sát hay các cuộc tấn công kiểu du kích.
Tuy nhiên, dù đang thắng thế nhưng quân đội Syria được cho là cũng không thể nhanh chóng hạ gục được phe nổi dậy. Cuộc chiến giữa hai lực lượng này được cho là sẽ còn tiếp tục kéo dài dai dẳng và nạn nhân phải hứng chịu nhiều nhất vẫn là những người dân thường vô tội. Cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 18 tháng qua ở Syria đã biến thành một cuộc nội chiến toàn diện với số người thiệt mạng được ước tính lên tới xấp xỉ 20.000 người.
Trong khi đó, các cường quốc vẫn còn mâu thuẫn sâu sắc với nhau về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng đáng lo ngại ở Syria. Cộng đồng quốc tế đang rất muốn tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột ở Syria để tránh tiếp tục xảy ra thêm các vụ đổ máu.
Kiệt Linh - (theo UPI, Reuters, AP, VNmedia)
----------------
Nổ bom tại miền Nam Philippines gây thương vong
Sáng 11/10, một vụ nổ bom đã xảy ra tại thành phố Cagayan de Oro, trên đảo Mindanao, miền Nam Philippines, làm hai người thiệt mạng và một cảnh sát bị thương.
Theo ông Gil Hitosis, Chánh thanh tra cảnh sát khu vực Bắc Mindanao, quả bom được để trong một túi nilon và đặt gần một cửa hiệu bán xe đạp phía trước khách sạn Maxandrea.
Cảnh sát đã nghi ngờ trong túi này có bom và tiến hành kiểm tra, nhưng bom đã phát nổ làm hai người chết và một cảnh sát bị thương. Sức công phá mạnh của quả bom còn làm vỡ cửa kính một số phòng trong khách sạn.
Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, song hiện cảnh sát chưa xác định được chất nổ được sử dụng để chế tạo quả bom này.
Trước đó, ngày 10/10, tại đảo Mindanao cũng xảy ra một vụ nổ súng làm một quan chức cảnh sát địa phương thiệt mạng.
Nạn nhân là người phát ngôn của cảnh sát vùng Caraga, vừa cho nổ máy chiếc thuyền của mình ở cảng Poblacion thì hai đối tượng xuất hiện và rút súng bắn nhiều phát vào ông này khiến ông tử vong ngay tại chỗ.
Sự việc đang được tiếp tục điều tra./.
(TTXVN)
--------------
Máy bay Syria bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt có chứa vệ tinh quân sự?
Thổ Nhĩ Kỳ cho hay sẽ tiếp tục điều tra các phi cơ Syria bay vào không phận nước này.
Kênh truyền hình nhà nước TRT của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/10 cho biết, có các thiết bị viễn thông quân sự trên chiếc máy bay của Syria buộc phải hạ cánh tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 10/10.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khẳng định trên máy bay của Syria có chứa những hàng hóa bất hợp pháp đối với một máy bay dân sự bình thường, và những hàng hóa này đã bị tịch thu trước khi tiếp tục trở về Damascus.
Tuy nhiên ông Davutoglu không cho biết thêm thông tin về các loại hàng hóa này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết sẽ tiếp tục điều tra những máy bay của Syria bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, hãng tin Itar-Tass của Nga dẫn lời một quan chức Đại sứ quán Nga tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, những hàng hóa trên máy bay của Syria không có nguồn gốc từ Nga. Đại sứ quán Nga tại Ankara đã lên tiếng phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ chặn máy bay của Syria và yêu cầu Ankara đưa ra lời giải thích về việc này.
Trước đó, vào ngày 10/10, các chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ áp sát chiếc Airbus A320 của Syria , khi đó đang trong hành trình từ Moscow tới Damascus vì nghi ngờ nó hàng hóa bị cấm trên khoang. Máy bay của Syria sau đó đã buộc hạ cánh xuống thủ đô Ankara.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang với các vụ đọ pháo qua lại ở biên giới./.
Lệ Chi/VOV-Trung tâm tin
Theo AP, BBC
------------
Hàn Quốc phát triển UAV có thể 'trừng phạt' Triều Tiên trong 4 phút
Một UAV cảm tử có khả năng tấn công Triều Tiên đang được Hàn Quốc nghiên cứu phát triển.
UAV mới dài khoảng 152 cm, sải cánh 121 cm (cánh có thể gập lại), có tên “Kẻ giết người tàn độc” có có thể đạt được tốc độ trung bình là 400km/h.
Đây là công trình nghiên cứu phối hợp của Cục hàng không Hàn Quốc, ĐH Hanyang và ĐH Konkuk.
Tờ Korea Times đưa tin Cục hàng không Hàn Quốc vừa báo cáo tiến trình của dự án UAV tại Hội nghị phát triển hệ thống vũ khí liên hợp. Hội nghị này diễn ra tại Yongsan, Seoul, với sự tham gia của các công ty quốc phòng Hàn Quốc cùng 400 quan chức quân sự, những công ty buôn bán và các chuyên gia vũ khí.
UAV được tái lập trình với chỉ một tuyến đường, sử dụng camera và thiết bị GPS,có thể tự động phân biệt được mục tiêu.
Nhà sản xuất UAV này cho biết nó có thể tự động tiến hành một cuộc tấn công, hoặc cũng có thể đươc điều khiển từ xa.
Giống như UAV Switchblade của công ty Aerovironment, nếu “Kẻ giết người tàn độc” không thể nhận định được mục tiêu, nó sẽ tự động chuyển sang thực hiện nhiệm vụ mới.
Căng thẳng trong quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên tiếp tục leo thang. Năm 2010, Triều Tiên đã nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, khiến 16 lính thủy đánh bộ Hàn và 3 dân thường tử vong.
Có tin đồn rằng Kẻ giết người tàn bạo có thể tấn công mục tiêu cách nó 40 km trong vòng 10 phút. Nếu lời đồn này đúng thì Hàn Quốc có thể tấn công căn cứ Kaemori của Triều Tiên, cách cảng Yeonpyeong 4 phút bay.
Dự kiến, UAV này có thể được trang bị cho quân đội Hàn Quốc vào năm 2015.
Cũng có một số tin tức nói rằng Triều Tiên cũng đang có ý định phát triển một UAV có khả năng “cảm tử”.
Một vài nhà nghiên cứu cho rằng chương trình của Triều Tiên có thể dựa trên nguyên mẫu MQM-107D Streaker của Mỹ.
Đầu năm 2012, Yonhap đưa tin Hàn Quốc đã nhận được một phi đội Streaker.
HIền Thảo (theo Foxnews, ĐVO)
---------------
Triều Tiên: Mỹ châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Đông Bắc Á
Theo Tân Hoa xã, CHDCND Triều Tiên ngày 10/10 đã cáo buộc Mỹ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Đông Bắc Á, phá hủy nền tảng đối thoại và thương lượng khi thỏa thuận với Seoul nâng tầm bắn tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc để có thể tấn công bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Triều Tiên.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng việc Bình Nhưỡng tuyên bố tăng cường năng lực tên lửa để tấn công trước sự xâm lược của Mỹ là “điều hiển nhiên”. Bình Nhưỡng đã sở hữu lực lượng tên lửa chiến lược có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ. Một phát ngôn viên của bộ này nói: "Mỹ đã dội gáo nước lạnh vào nỗ lực nhằm ổn định bán đảo Triều Tiên và các khu vực xung quanh, phá hủy nền tảng đối thoại cũng như thương lượng".
Tuyên bố của Bình Nhưỡng được đưa ra vài ngày sau khi Chính phủ Hàn Quốc thông báo kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo với tầm bắn 800 km, trên cơ sở một thỏa thuận với Mỹ. Tầm bắn này - vượt trội hơn hẳn so với tầm bắn của các thế hệ tên lửa hiện nay (chỉ là 300 km), có thể vươn tới toàn bộ Bán đảo Triều Tiên và tạo điều kiện cho Seoul đáp trả mọi đe dọa về tên lửa từ phía Triều Tiên.
TTXVN/Tin tức
------------
Nổi dậy Syria nhận vũ khí từ Ukraine?
Một quan chức quân sự cấp cao Ukraine cho biết nước này cần mở cuộc điều tra trước các báo cáo cho rằng quân nổi dậy Syria đang sở hữu vũ khí có nguồn gốc từ nước này.
BBC cho biết, có bằng chứng cho thấy vũ khí dự định dùng cho Quân đội Saudi Arabia đã được chuyển sang cho quân nổi dậy Syria.
Theo báo cáo, ba thùng hàng quốc phòng từ một nhà máy sản xuất vũ khí Ukraine xuất hiện tại một căn cứ của quân nổi dậy ở thành phố Aleppo.
Các thùng vũ khí tìm thấy trong một nhà thờ Hồi giáo do một công ty Ukraine có tên Dastan sản xuất. Công ty này chuyên về vũ khí hải quân và các tổ hợp tên lửa.
Ông Anatoliy Kinakh, người đứng đầu Tiểu ban hợp tác công nghệ quốc phòng thuộc Ủy ban an ninh và quốc phòng quốc gia Ukraine cho biết, nước này có hệ thống kiểm soát xuất khẩu vũ khí rất hiệu quả. “Hiện chưa có thông tin gì về việc các loại vũ khí của Ukranie không được phê chuẩn đã lọt vào Syria”, ông này nói. Đồng thời, ông này nhận xét: “báo cáo của BBC cần phải được xem xét”.
Ông Anatoliy Kinakh cho rằng: “Trong tình hình này, tôi chắc rằng cần có một cách tiếp cận công bằng. Mọi thứ cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Sau đó, chúng tôi sẽ đưa ra kết luận. Tuy nhiên thông tin đó cho thấy người nào đó ở vùng Vịnh đang ngầm giúp đỡ quân nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad”.
Phan Anh (theo Rian, ĐVO)
--------------
Nhật - Hàn - Mỹ nhóm họp về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
Các quan chức dự kiến sẽ tái khẳng định hợp tác trong việc giải quyết vấn đề này.
Nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đang có kế hoạch tổ chức một cuộc họp tại Tokyo vào đầy tuần tới để thảo luận về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc họp sẽ có sự tham dự của người phụ trách các vấn đề châu Á và châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Lim Sung-nam và Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Glyn Davies.
Các quan chức dự kiến sẽ tái khẳng định sự hợp tác trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông Sugiyama cũng sẽ thông báo về kết quả cuộc họp của Nhật Bản với Triều Tiên vào tháng 8 vừa qua và thảo luận những bước tiếp theo để tiến hành các cuộc đối thoại sâu hơn./.
Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin
Theo NHK
--------------
Nga ''giải cứu' tàu ngầm hạt nhân ở Bắc Cực
Trong bản dự thảo sửa đổi Chiến lược phát triển Bắc Cực, Nga đã lên kế hoạch trục với và xử lí cạn 2 tàu hạt nhân đã bị đắm là K-27 và K-159.
Thông tin trên được Báo Tiếng nói nước Nga đưa ra dựa trên nguồn tin từ chính phủ, bài báo cũng cho biết ngoài các tàu ngầm bị đắm ở Bắc Băng Dương, Nga còn tập trung đặc biệt vào xử lí các loại chất thải hạt nhân còn sót lại ở khu vực này từ thời Liên Xô.
K-27 là tàu ngầm được trang bị động cơ nguyên tử làm mát bằng chất lỏng hạ thủy năm 1962. Nó chỉ có được 3 chuyến đi, hành trình cuối là năm 1968 trước khi nó gặp phải thảm họa do lò phản ứng.
Sau đó, chính phủ Liên Xô đã có nhiều kế hoạch để trùng tu, nâng cấp K-27 để tái sử dụng. Tuy nhiên, dự án này đã không thành công và nhà chức trách quyết định dùng cách đơn giản nhất để loại bỏ nó là đánh đắm xuống khu vực dùng để thử nghiệm hạt nhân tại biển Kara năm 1981.
Mặc dù các hướng dẫn quốc tế khuyến cáo các tàu hạt nhân ngừng hoạt động phải được chôn sâu ít nhất 3.000m nhưng Hải quân Liên Xô (cũ) chỉ đánh đắm nó ở vùng biển sâu 75m.
Trong khi đó, năm 2003, tàu K-159 đã bị chìm ở biển Barents khi đang trên đường kéo về cảng xử lí. Nếu K-27 bị đắm ở độ sâu 75m có thể dễ dàng trục vớt và xử lí thì các chuyên gia đang tỏ ra lo ngại về trường hợp của K-159.
Hiện nay, không ai biết chính xác độ sâu vị trí của tàu K-159 đắm mà chỉ dự đoán vào khoảng 170m đến 250m dưới mực nước biển.
Chuyên gia an toàn hạt nhân Nilsen cho biết: "Thách thức lớn nhất hiện nay của công việc này là đưa tàu lên mặt nước mà không làm rung động mạnh lò phả ứng. Nếu không sẽ xảy ra một phản ứng hạt nhân dây chuyền không thể kiểm soát và phóng xạ sẽ rò rỉ ra toàn bộ khu vực Bắc Cực".
Theo tài liệu lưu trữ của Nga, đáy biển Bắc Băng Dương đang có 17.000 thùng chất thải phóng xạ, 19 tàu bị nhiễm xạ, 14 lò phản ứng hạt nhân gặp trục trặc và đa số đều được chôn xuống đáy biển từ thời Liên Xô.
( VTC)
-------------------
Nga lùi thời hạn sản xuất hàng loạt PAK FA 5 năm
Theo RIA Novosti, Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố: Sản xuất hàng loạt máy bay tiêm kích triển vọng thế hệ năm của Nga T–50 PAK FA sẽ bắt đầu trước năm 2020.
Trước đây, việc sản xuất hàng loạt máy bay T-50 dự định sẽ được tiến hành vào năm 2015. Trong đó, sản xuất loạt nhỏ thì ngay từ năm 2013. Những máy bay đầu tiên loại này cũng được dự tính đưa vào trang bị năm 2016.
Ông Anatoly Serdyukov không tiết lộ điều gì đã khiến việc sản xuất T-50 bị chậm lại.
Máy bay tiêm kích T-50 do phòng thiết kế Sukhoi nghiên cứu thiết kế chế tạo và đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2010. Tháng 8/2012 đã có ba mẫu máy bay PAK FA tham gia bay thử.
Cuối tháng 8/2012, mẫu thử thứ hai của máy bay tiêm kích, T–50–2 đã thực hiện thành công việc kết nối thử với máy bay tiếp dầu Il–78 của Không quân Nga.
T–50–2 đã trải qua thử nghiệm độ ổn định, tính dễ điều khiển và độ bền trong một phổ rộng các chế độ bay cận âm và vượt âm với các thuật bay khác nhau.
Mẫu nghiên cứu đầu tiên, T– 50–1 đã trải qua sự chuẩn bị cho các chuyến bay với góc tấn công lớn sau tới hạn và thử tính cơ động.
T–50 được nghiên cứu chế tạo phù hợp với các yêu cầu đối với máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm và theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng sẽ thay cho các máy bay tiêm kích Su–27 trong Không quân Nga. PAK FA có thể đạt tốc độ đến 2.600 km/h. Tầm bay của nó là 4.300 km, với trần bay 20 km.
Máy bay có khối lượng cất cánh lớn nhất 37 tấn và có thể mang 10 tấn vũ khí, gồm pháo 30 mm GSh– 30-1, cũng như các loại tên lửa có điều khiển và bom có điều khiển.
Trên máy bay có đến 8 điểm treo vũ khi bên ngoài thân và đến 10 điểm treo vũ khí trong khoang máy bay. Tổng cộng T– 50 sẽ nhận hơn 10 mẫu vũ khí mới.
Nguyễn Vũ (theo Lenta, ĐVO)
--------------
Nga ngừng hiệp định hợp tác cắt giảm vũ khí với Mỹ
Báo Nga Kommersant hôm 10-10 nói rằng, Mátxcơva sắp từ bỏ việc tham gia chương trình hợp tác với Mỹ kéo dài nhiều thập kỷ qua về cắt giảm vũ khí giết người hàng loạt.
Báo này dẫn các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, Nga không còn quan tâm chương trình Nunn - Lugar hay còn gọi là Chương trình Hợp tác Cắt giảm Đe dọa (CTR) mà hai bên đạt được thỏa thuận hồi những năm đầu thập kỷ 1990.
Chương trình này đã giúp loại bỏ nhiều vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Các quan chức Mỹ nói với báo Nga rằng, Matxcơva đã thông báo cho Washington trong một cuộc họp mới đây rằng Nga không còn nhu cầu về các khoản trợ giúp tài chính nữa, mà thay vào đó Nga hiện rất cần bảo vệ bí mật quốc gia của mình.
Đây là hành động mới nhất trong việc Nga xem xét lại quan hệ giữa Mátxcơva và Washington.
Điều này diễn ra ngay sau khi Nga trục xuất Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) khỏi lãnh thổ Nga hồi đầu tháng này.
Tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bình luận: “Chính sách cài đặt lại quan hệ giữa Nga - Mỹ không thể tồn tại mãi mãi”.
Chương trình CTR giữa Nga và Mỹ bắt đầu từ năm 1991 và được gia hạn hai lần vào các năm 1999 và 2006. Đợt gia hạn mới đây sẽ hết hạn vào năm 2013.
Mỹ được cho là đã chi khoảng 8 tỷ USD vào Chương trình CTR. Chương trình CTR bao gồm việc hai bên thiết lập và thực hiện các biện pháp tăng cường an toàn tại các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng thời kỳ Liên Xô và tạo ra những việc làm thay thế cho công nhân và cơ sở sản xuất vũ khí giết người hàng loạt ở Nga.
Đ.P
Theo Ria-Novosti, TP
------------------
Mỹ, Israel diễn tập phòng không lớn chưa từng có
Quân đội Mỹ và Israel đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho cuộc diễn tập phòng thủ tên lửa chung, lớn nhất trong lịch sử liên minh giữa hai nước.
Cuộc diễn tập dài 3 tuần, được mệnh danh là Thách thức chân phương 12 (AC12) sẽ bắt đầu vào ngày 21/10, báo Jerusalem Post trích nguồn tin quân sự và đưa tin hôm 10/10.
Các sĩ quan Mỹ được cho là đã có mặt tại Israel để quản lý hàng trăm binh sĩ và vũ khí công nghệ cao sẽ có mặt vào ngày 14/10, truyền thông địa phương cho hay.
Ước tính 3.000 binh sĩ sẽ tham gia cuộc diễn tập nhằm mô phỏng phản ứng đối với các cuộc tấn công chồng lấn của Iran và Syria vào Israel với hàng trăm tên lửa.
Một trong các mục tiêu của cuộc diễn tập là tạo thuận lợi cho Mỹ nhanh chóng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tới Israel và thử khả năng hoạt động của nó khi phối hợp với hệ thống của Israel trong trường hợp xung đột nổ ra.
Cuộc diễn tập chung sẽ gồm cả đánh chặn thực tế của một tên lửa Patriot.
Quân đội Israel từ chối tiết lộ thông tin về hệ thống sẽ tham gia diễn tập. Tuy nhiên, Israel được kỳ vọng sẽ đưa ra một loạt hệ thống phòng không của nước này, gồm cả tên lửa đạn đạo đánh chặn Arrow 2 và Iron Dome - một hệ thống được thiết kế để bắn hạ tên lửa tầm ngắn.
Về phía Mỹ, nước này sẽ cung cấp hệ thống Patriot 3 và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hàng hải Aegis và THAAD.
Đầu năm nay, AC12, dự kiến được tiến hành vào tháng 4, đã bị trì hoãn theo yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barack vì lý do ngân sách. "Đó không phải là thông báo vào phút chót. Tôi đã bàn với phía Mỹ về vấn đề này".
Trong khi cả hai chính phủ trước đó đều cho rằng cuộc diễn tập là bằng chứng cho thấy quan hệ không gì lay chuyển được giữa hai bên, hồi đầu tháng 9 Mỹ tuyên bố quyết định giảm số lượng quân tham gia, từ 5.000 xuống còn khoảng 1.500. Lầu Năm Góc cũng cho biết, hệ thống Patriot sẽ tới Israel mà không có toàn bộ thủy thủ và nước này cũng chỉ gửi một tàu chiến có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis thay vì hai chiếc.
Hoài Linh (Theo Xinhua, Jpost, VNN)
---------------
Triều Tiên tiếp tục tuyên bố phát triển tên lửa
Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên ngày 10-10 lại ra tuyên bố không ngừng phát triển tên lửa để phá vỡ các thành trì của Mỹ và coi Mỹ là nguyên nhân của cuộc đua tên lửa ở Đông Bắc Á.
Hãng thông tấn chính thức của CHDCND Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết “việc Bình Nhưỡng không ngừng phát triển tên lửa là điều tự nhiên để chống lại sự hiếu chiến của Mỹ”.
Bộ Ngoại giao nước này cũng cho rằng Mỹ đã mở đường cho Hàn Quốc phát triển tên lửa có khả năng đánh phủ đầu CHDCND Triều Tiên, do đó đã đẩy Đông Bắc Á vào một cuộc chạy đua tên lửa.
“Mỹ đã giội gáo nước lạnh vào nỗ lực tìm kiếm sự ổn định ở bán đảo Triều Tiên và các khu vực xung quanh, phá hủy nền móng đối thoại và đàm phán” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nói.
Trước đó, Bình Nhưỡng tuyên bố tên lửa của họ có khả năng bắn tới các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Guam và cả lục địa của Mỹ sau khi Mỹ và Hàn Quốc đạt một thỏa thuận phát triển tên lửa lên tầm bắn 800km. Tầm bắn này có thể bao quát toàn bộ bán đảo Triều Tiên và được coi là mối đe dọa tới Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho rằng việc Seoul theo đuổi kế hoạch nâng cấp tầm bắn là hoàn toàn hợp pháp để đối phó với chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Theo Yonhap, các quan chức ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ sẽ gặp gỡ ngày 16 và 17-10 tại Tokyo để đưa ra chính sách đối phó với CHDCND Triều Tiên.
PHAN ANH// Tuổi Trẻ
---------------
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp trả mạnh hơn nếu tiếp tục bị tấn công
Tuyên bố này được đưa ra sau khi một loạt đạn pháo từ Syria rơi cạnh thị trấn biên giới Azmarin sáng 10/10.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn nếu lãnh thổ nước này còn bị tấn công từ Syria. Đây là tuyên bố hôm 10/10 của Tướng Necdet Ozel, Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyên bố này đưa ra sau khi một loạt đạn pháo bắn từ Syria vào khu vực xung quanh thị trấn biên giới Azmarin của Thổ Nhĩ Kỳ trong sáng sớm 10/10. Phía Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó đã đáp trả bằng loạt đạn mạnh mẽ. Vụ việc đánh dấu 1 tuần căng thẳng leo thang và đấu pháo giữa 2 nước vốn là láng giềng thân cận.
“Như các bạn thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả lại ngay lập tức các cuộc tấn công từ Syria và gây nhiều tổn thất”, Tướng Necdet Ozel nói. “Nếu các cuộc tấn công từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ còn tiếp diễn, chúng tôi sẽ sử dụng hỏa lực mạnh hơn nữa để đáp trả”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường quân đội tại dọc biên giới 900km với Syria kể từ sau vụ Syria tấn công Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/10 làm 5 người thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương.
Tổng Thư ký NATO Rasmussen cũng khẳng định, 28 nước thành viên NATO sẵn sàng kế hoạch để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong căng thẳng với Syria. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Mỹ cũng cho biết, NATO sẽ có hành động nếu nhận được yêu cầu hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ./.
Hoàng Lê/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters