Pháp: Phát hiện âm mưu đánh bom lớn nhất trong nhiều năm
Các công tố viên Pháp nói đã phát hiện một nhóm khủng bố Hồi giáo đang lên kế hoạch đánh bom lớn nhất trên nước Pháp từ giữa những năm 1990. Cảnh sát đã bắt giữ 12 người trong các vụ bố ráp cuối tuần, trong đó có 1 nghi can bị giết chết khi tên này bắn vào các nhân viên.
5 trong số những kẻ bị bắt giữ đã được thả nhưng vẫn còn 7 tên trong trại giam, với nghi vấn hoạt động khủng bố. Các vật liệu chế tạo bom đã được tìm thấy trong các vụ bố ráp, tiếp theo vụ tấn công vào một cửa hàng Do Thái hồi tháng trước.
Hai nghi can cũng bị nghi liên quan đến một mạng lưới Hồi giáo đang kêu gọi thánh chiến ở hải ngoại – công tố viên Paris, Francois Molins cho biết hôm thứ Năm. Ông nói nhóm nghi can “có lẽ là nguy hiểm nhất” tại Pháp kể từ khi Nhóm Hồi giáo Vũ trang (GIA) có căn cứ tại Algeria từng thực hiện một loạt vụ tấn công hồi 1995-96.
Ông cũng nói những thành phần cấu tạo chất nổ tìm thấy tại một ga-ra ở Torcy, ngoại ô Paris vào đêm thứ Ba có thể đã được làm “giống hệt với thiết bị đã được GIA sử dụng năm 1995”.
Quang Hùng (theo BBC, CAO)
----------------------
Đoàn nhà báo quốc tế tìm hiểu ô nhiễm ở VN
Ngày12-10, đoàn nhà báo quốc tế gồm 9 người đến từ Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tìm hiểu hiện trạng ô nhiễm công nghiệp, ảnh hưởng sức khỏe và tình hình truyền thông về các vấn đề này ở Việt Nam.
Đoàn sẽ tìm hiểu khu vực xung quanh hai nhà máy từng gây ô nhiễm môi trường nặng nề là Vedan và Sonadezi ở tỉnh Đồng Nai, theo James Fahn, nhà báo Mỹ đến từ Internews có trụ sở ở Washington và là trưởng đoàn nhà báo quốc tế, đoàn cũng sẽ trao đổi với các nhà báo Việt Nam chủ đề làm thế nào để thông tin tốt hơn về các vấn đề liên quan ô nhiễm và ảnh hưởng của môi trường tới sức khỏe.
Trước đó, đoàn nhà báo quốc tế có cuộc khảo sát với chủ đề tương tự tại Thái Lan.
(Tiền Phong)
-------------
Nhật gây áp lực với Campuchia về vấn đề biển Đông
Theo Hãng tin Kyodo ngày 11.10, Chánh văn phòng nội các Nhật Tsuyoshi Saito đã nêu chủ đề tranh chấp biển đảo trên biển Đông và biển Hoa Đông với Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong, trong chuyến thăm Phnom Penh từ 8-10.10.
Một số nguồn tin cho biết, Nhật Bản muốn quan điểm của họ về các tranh chấp chủ quyền trong khu vực với Trung Quốc được “thể hiện thích hợp” trong các văn kiện được đưa ra vào tháng 11 tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Phnom Penh, Campuchia - hiện là Chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Trong những tháng vừa qua, Nhật Bản đã gửi một số quan chức chính phủ cấp cao đến Campuchia, trong đó có đặc phái viên của Thủ tướng Noda để thảo luận với giới chức Campuchia phụ trách các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và biển Đông.
Theo Kyodo, Nhật Bản đã bày tỏ sự thất vọng qua các kênh ngoại giao với tuyên bố của chủ tịch hội nghị do Campuchia đưa ra tại cuộc gặp các ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh hồi cuối tháng 7. Nhật Bản than phiền rằng, các điểm chính trong tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cũng như quan điểm của các ngoại trưởng khác tại hội nghị đã không được thể hiện trong các văn kiện, trong đó có các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên biển Đông.
Trong khi đó, Vietnam+ ngày 11.10 cho biết, mạng “Tin tức Trung Quốc” (www.ecns.cn) mới đưa tin phòng khí tượng của cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã chính thức được thành lập tại đảo Vĩnh Hưng thuộc quần đảo Tây Sa - tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định, mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, trái với nhận thức chung của lãnh đạo hai nước và trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký. Các hoạt động này còn đi ngược lại Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.
( Lao Động)
--------------
Phản đối Bắc Kinh lập phòng khí tượng ở Hoàng Sa
Mạng "Tin tức Trung Quốc" (có địa chỉ www.ecns.cn) ngày 10/10 đưa tin phòng khí tượng của cái gọi là "thành phố Tam Sa" ngày 8/10 đã chính thức được thành lập tại đảo Vĩnh Hưng thuộc quần đảo Tây Sa, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây lại là một hành động mới xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đơn vị hành chính thuộc quyền quản lý của thành phố Đà Nẵng.
Mạng tin trên dẫn tuyên bố của Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết, phòng khí tượng "thành phố Tam Sa" được thành lập trên cơ sở các đài khí tượng quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đảm nhiệm các nghiệp vụ về quan trắc bầu trời, mặt đất, radar, mưa axít, bức xạ, tia cực tím, định vị chớp, dự báo khí tượng, xây dựng và bảo vệ hệ thống mạng quan trắc trên các đảo và phát thanh sóng ngắn cảnh báo khí tượng hải dương…
Phòng Khí tượng "thành phố Tam Sa" mới được thành lập sẽ hoạt động dưới sự quản lý của cục khí tượng tỉnh Hải Nam và cái gọi là chính quyền thành phố Tam Sa, trong đó chủ yếu dưới sự lãnh đạo của cục khí tượng tỉnh Hải Nam; thực hiện các chức trách pháp định của cơ quan chủ quản khí tượng khu vực hành chính này, quản lý trạm quan trắc khí tượng trong khu vực, đồng thời phụ trách quản lý nghiệp vụ khí tượng, công tác dịch vụ tương ứng.
Cái gọi là "Thành phố Tam Sa" ngang nhiên thành lập hồi tháng Bảy vừa qua, có "phạm vi quản lý” bao gồm cả huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam).
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, trái với nhận thức chung của lãnh đạo hai nước.
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển./.
(Vietnam+)
----------------
Nhật, Trung nhất trí tìm đột phá tranh chấp lãnh thổ
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết các quan chức chính phủ nước này và Trung Quốc ngày 11/10 đã nhất trí sớm tiến hành các cuộc đàm phán song phương cấp thứ trưởng nhằm tìm kiếm đột phá liên quan đến cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Vụ tranh chấp này đã khiến quan hệ giữa hai nước rơi vào trạng thái căng thẳng cao độ trong những tháng gần đây.
Thỏa thuận trên đạt được tại một cuộc gặp ở Tokyo giữa Vụ trưởng Vụ Châu Á và Châu Đại Dương Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama và ông La Triệu Huy, Vụ trưởng Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo ở biển Hoa Đông nói trên đã leo thang sau khi Chính phủ Nhật Bản mua lại ba trong số năm hòn đảo chính của quần đảo này từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật cách đây một tháng./.
(Vietnam+)
-----------------
Gió tiếp tục đổi chiều trên Biển Đen
Ngày 10-10, Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với ông Bidzina Ivanishvili lãnh đạo đảng đối lập “Giấc mơ Gruzia” sau khi đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội nước này để bàn việc chuyển giao quyền hành pháp trong chính phủ. Đây là cuộc làm việc chính thức đầu tiên giữa hai người đối đầu trong thời gian vận động tranh cử quốc hội.
Có thể Tổng thống Saakashvili-một luật sư học từ Mỹ về không thể tưởng tượng được ngày này, khi một nhân vật thẳng thừng tuyên bố nếu thắng cử sẽ không chỉ bình thường hóa mà còn thiết lập mối quan hệ đặc biệt với Nga, sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ của mình. Tại Mỹ, quốc gia ủng hộ hết mình cho cuộc cách mạng Hoa hồng lật đổ Tổng thống Shevarnadze và tất cả những gì còn “vương vấn” với Liên Xô và nước Nga, có lẽ nhiều người cũng không khỏi lo lắng.
Đây là “đòn ngã ngựa” thứ hai của các lực lượng thân Mỹ trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng với Nga trong khu vực các nước thuộc Liên Xô cũ. Những năm đầu thế kỷ 21, dư luận thế giới chứng kiến những cuộc cách mạng lật đổ các nhà lãnh đạo thân Nga hay còn “gốc gác” từ Liên Xô ở Gruzia, Ukraine và còn dự báo những quân cờ domino tiếp theo. Sau đó là những tuyên bố, những chính sách đoạn tuyệt với người từng là anh em trong Liên bang Xô Viết.
Đối với Mỹ, giành được ảnh hưởng trong vùng Biển Đen, mà các triều đại Sa Hoàng của Nga từ Peter Đại đế đã từng đổ xương máu mới mở được đường ra vùng biển chiến lược này, quả là thắng lợi không nhỏ. Chưa đầy 10 năm sau, tại Ukraine ông Victor Yanukovich thân Nga đã vượt qua các lực lượng cách mạng Cam để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010. Chiến thắng của ông Ivanishvili và đảng Giấc mơ Gruzia cũng tiếp tục làn gió đang đổi chiều trong vùng Biển Đen-bình thường hóa quan hệ với người láng giềng Nga.
Tedo Japaridze, cố vấn của Ivanishvili nhận định thất bại của ông Saakashvili bắt nguồn từ việc ông áp dụng nguyên mẫu mô hình dân chủ mà cựu Tổng thống Mỹ G.W.Bush đã giới thiệu trong chuyến thăm Gruzia năm 2005. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Washington đang “chờ xem” những diễn biến tiếp theo ở Gruzia và đất nước này vẫn còn nhiều điều cần làm để tiến tới một nền dân chủ. Nước Mỹ, đất nước thường lấy tiêu chí mà họ gọi là dân chủ để đánh giá đối tác, không chấp nhận thực tế là nền dân chủ kiểu Mỹ mà ông Saakashvili đang rập khuôn ở Gruzia đang thất bại.
Theo các chuyên gia phân tích, ông Ivanishvili có vẻ nhận thức được việc đoạn tuyệt với nước Nga giúp Gruzia có thêm một số đồng minh, trong đó có Mỹ, nhưng đó là thảm họa của Gruzia. Gruzia, từng mấy mươi năm kề vai sát cánh với Nga trong Liên bang Xô Viết cũng thấm câu ngạn ngữ Nga: một người bạn cũ tốt hơn hai người bạn mới.
Tuy vậy, Ivanishvili dường như cũng không muốn đối đầu với phương Tây khi ông nói muốn Gruzia phải là chiếc cầu nối chứ không phải là “Bức tường Berlin” giữa Nga và phương Tây như Tổng thống Gruzia Saakashvili từng gọi.
Dù Ivanishvili vẫn còn là con số bí ẩn đối với dư luận thế giới, nhưng nhận thức của ông có vẻ phù hợp với xu thế của thời đại mới: hợp tác thay đối đầu. Và trên hết đó là vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự thịnh vượng của đất nước, chứ không phải vì những cái nhìn thiển cận hay thế giới quan cực đoan. Bằng chứng về sự thất bại của đảng cầm quyền thân Mỹ tại Gruzia cũng cho thấy người dân Gruzia đang thực sự muốn thay đổi như nhận định của Thủ tướng Nga Medvedev.
Việt Trung// SGGP
--------------------
In-đô-nê-xi-a xây dựng Bảo tàng Hải quân trên tàu chiến
Vụ trưởng Bảo tồn di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa và Giáo dục In-đô-nê-xi-a Xu-ri-a Hen-mi (Surya Helmy) cho biết, nước này sẽ sớm có Bảo tàng Hải quân và bảo tàng này sẽ nằm hoàn toàn trong một chiếc tàu chiến của Hải quân In-đô-nê-xi-a neo đậu tại cảng thuộc khu vực biển An-con ở Gia-các-ta. Bộ Văn hóa và Giáo dục In-đô-nê-xi-a hiện đang hợp tác với Hải quân về dự án xây dựng bảo tàng và Hải quân cam kết sẽ cung cấp một tàu chiến cho mục đích này. Ông Hen-mi cho biết, In-đô-nê-xi-a là đất nước quần đảo và đang nỗ lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến hàng hải cũng như tăng cường sức mạnh hải quân, vì vậy, việc xây dựng một bảo tàng hải quân là cần thiết. Theo ông Hen-mi, Chính phủ In-đô-nê-xi-a sẽ bổ nhiệm 66 đại sứ bảo tàng trong cả nước trong khuôn khổ Chương trình bảo tồn di sản quốc gia.
TTXVN, QĐND
----------------
Ông Thaksin đã "câu kết thao túng ngành ngân hàng"
Như tin đã đưa, tòa án Tối cao Thái Lan ngày 11/10 đã phát lệnh bắt cựu Thủ tướng nước này, ông Thaksin Shinawatra trong cáo buộc mới nhất liên quan tới tội lạm quyền.
Theo đó, ông Thaksin đã liên quan tới vụ cho vay trái phép 11,58 tỷ baht (gần 375 triệu USD) của ngân hàng nhà nước Krung Thai Bank.
Tòa cho rằng, Thaksin đã cố tình trốn tránh việc xét xử khi vắng mặt không lý do trong buổi triệu tập thẩm vấn các bị cáo diễn ra cùng ngày.
Theo cáo trạng của Văn phòng công tố, Thaksin cùng 26 người khác, gồm cả cựu Chủ tịch ngân hàng Krung Thai Bank Viroj Nualkair, đã có hành vi lạm quyền, câu kết với nhau để phê duyệt nhiều khoản vay lớn cho các công ty con của tập đoàn Krissadanakhon, bất chất việc tập đoàn này đã bị xếp vào diện nợ khó đòi.
Dự kiến phiên xử tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 25/1/2013. Các bị cáo phải tập hợp và nộp các chứng cứ trước 14 ngày. Tòa sẽ tạm dừng xét xử đối với Thaksin cho tới khi bắt được ông này.
Ông Thaksin từng bị phế truất hồi năm 2006 sau cuộc đảo chính quân sự và vẫn sống lưu vong ở nước ngoài nhằm trốn tránh án tù vì tội tham nhũng. Ông vẫn được coi là nhân tố gây chia rẽ lớn trên chính trường Thái Lan, nơi em gái ông là bà Yingluck Shinawatra đang nắm giữ chức Thủ tướng./.
Lê Minh Hưởng/Bangkok (Vietnam+)
-----------------
Nhật Bản xóa nợ cho Myanmar
Tokyo sẵn sàng tái cấp vốn để giúp Myanmar nâng cao môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng của nước này.
Nhật Bản đang lên kế hoạch nối lại hoạt động cấp vốn vay mới cho Myanmar càng sớm càng tốt vào năm tới, sau khi mới đây cũng đã xóa khoảng 60% khoản nợ cho Myanmar.
Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima đưa ra trong phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương nhóm các nước công nghiệp phát triển - G7 diễn ra ở thủ đô Tokyo hôm 11/10.
Ông Jojima nói: “Tôi vui mừng được thông báo với Myanmar rằng chính phủ Nhật Bản đã quyết định hoàn tất những hoạt động cuối cùng nhằm xóa nợ cho Myanmar vào năm 2013. Tôi cũng xin thông báo rằng: khoản nợ của Myanmar được xem như khoản vay ưu đãi mà chúng tôi đã gia hạn từ những năm 1987 cũng sẽ được xỏa bỏ”.
Vào tháng 4 vừa qua, phía Nhật Bản cũng đã xóa khoản nợ trị giá hơn 3,7 tỷ USD cho Myanmar nhằm gửi đi một thông điệp rằng Tokyo sẵn sàng tái cấp vốn để giúp Myanmar nâng cao môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng của nước này.
Bộ trưởng Tài chính và ngân khố Myanmar U Thein Sein đã ngay lập tức bày tỏ cảm ơn và hoan nghênh động thái này của Nhật Bản: “Nhật Bản đã mở đường để các chủ nợ khác xóa nợ cho Myanmar. Thay mặt chính phủ và người dân Myanmar, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc của chúng tôi tới chính phủ Nhật Bản. Chúng tôi cam kết sẽ xây dựng Myanmar trở thành một quốc gia dân chủ, toàn diện, hòa bình và tăng trưởng kinh tế bền vững cũng như thực thi sứ mệnh một cách có trách nhiệm để xây dựng một châu Á hòa bình và ổn định”.
Myanmar cùng các nước láng giềng khu vực đã kêu gọi dỡ bỏ tất cả những cấm vận quốc tế với nước này khi Myanmar đang tiến vào “làn sóng thứ hai” của các chương trình cải cách kinh tế. Myanmar đang được xem là thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư với những lợi thế như tài nguyên phong phú, lực lượng lao động chi phí thấp, tiềm năng tăng trưởng cao và vị trí chiến lược nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ./.
Hồng Nhung/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
-------------
Thương mại Mỹ - Trung lại căng thẳng
Mỹ đã tăng mạnh mức thuế nhập khẩu đánh vào các sản phẩm năng lượng mặt trời trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc vì cho rằng đối tác châu Á đang “bán phá giá”, tin tức từ Reuters ngày 10.10.
Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc các công ty Trung Quốc đang “bán phá giá” tấm pin năng lượng mặt trời tại Mỹ, theo Reuters.
Các sản phẩm năng lượng mặt trời của Trung Quốc tại thị trường Mỹ được bán với mức giá thấp hơn giá tiêu chuẩn cho phép từ 18,32% đến 249,96%, mặc dù một số công ty Trung Quốc được hưởng thuế ưu đãi chống phá giá theo thỏa thuận đạt được giữa hai nước hồi đầu năm 2012, Reuters trích dẫn báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ.
Vì vậy, Bộ Thương mại Mỹ đã thiết lập các thuế suất bổ sung, từ 14,78% đến 15,97%, cho các mặt hàng năng lượng mặt trời từ Trung Quốc nhằm đối phó với tỷ lệ trợ giá của chính phủ Trung Quốc, được cho là cao hơn rất nhiều so với mức thỏa thuận trước đây giữa hai nước.
Trong năm 2011, Mỹ đã nhập một lượng pin và tấm năng lượng mặt trời trị giá khoảng 3,1 tỉ USD từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ đã bác bỏ đề xuất áp mức thuế bổ sung cho các tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc sử dụng pin không phải do Trung Quốc sản xuất, Retuers cho hay.
Quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang căng thẳng sau khi một ủy ban điều tra của Quốc hội Mỹ hôm 8.10 đề nghị các doanh nghiệp Mỹ không nên làm ăn với hai tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc vì mối quan ngại về an ninh quốc gia.
Hoàng Uy// Thanh Niên
--------------
Tòa Thái Lan phát lệnh bắt cựu Thủ tướng Thaksin
Tòa án Tối cao Thái Lan ngày 11/10 đã phát lệnh bắt cựu Thủ tướng nước này, ông Thaksin Shinawatra trong cáo buộc mới nhất liên quan tới tội lạm quyền.
Ông Thaksin - người từng bị phế truất hồi năm 2006 sau cuộc đảo chính quân sự và vẫn sống lưu vong ở nước ngoài nhằm trốn tránh án tù vì tội tham nhũng - là một trong 27 bị cáo bị triệu ra trước tòa do dính líu tới các khoản vay của ngân hàng nhà nước Krung Thai Bank.
“Tòa án quyết định ban bố lệnh bắt giam chỉ với bị cáo thứ nhất (Thaksin) và phiên tòa xử ông ta sẽ được tạm hoãn cho tới khi các công tố viên điệu ông ta ra trước tòa,” vị chủ tọa trên cho biết.
Ông Thaksin vẫn được coi là nhân tố gây chia rẽ lớn trên chính trường Thái Lan, nơi em gái ông là bà Yingluck Shinawatra đang nắm giữ chức Thủ tướng.
Ông Thaksin phải đối mặt với 5 cáo buộc gồm lạm quyền và thao túng luật ngân hàng cùng với ba bị cáo khác, gồm cả các lãnh đạo của ngân hàng Krung Thai.
Những người này bị cáo buộc sử dụng vị trí của họ để cho phép ngân hàng duyệt khoản vay dành cho các công ty đang lâm vào cảnh khó khăn trong thời điểm ông Thaksin vẫn còn đang nắm quyền.
Tội lạm dụng quyền lực có khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù giam và các công tố viên nhà nước đang truy nguyên khoản tiền bồi hoàn lên tới 10,5 tỷ baht (340 triệu USD).
Đã có 6 lệnh bắt được đưa ra đối với ông Thaksin kể từ khi rời khỏi Thái Lan năm 2008, bao gồm cả một cáo buộc về lạm dụng quyền lực để mua bán đất đai và 4 cáo buộc tham nhũng khác./.
(Vietnam+)
------------
Ông Putin: Nga vẫn bảo đảm tốt an ninh lương thực
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng bất chấp điều kiện thời tiết phức tạp và hạn hán kéo dài trong năm 2012, nhưng Nga vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ về bảo đảm an ninh lương thực và nông sản.
Tuyên bố trên đã được ông Putin đưa ra tại Hội nghị bàn về vụ thu hoạch ngũ cốc năm nay và tình hình thị trường nông sản Nga, diễn ra tối 10/10 tại dinh thự Novo Ogarevo ở ngoại ô Mátxcơva.
Nhà lãnh đạo của Nga cho biết mặc dù năm nay, nông dân Nga chỉ thu hoạch khoảng 70-71 triệu tấn ngũ cốc, thấp hơn so với mức 94 triệu tấn năm 2011, nhưng ngành nông nghiệp Nga vẫn duy trì tốt khả năng cạnh tranh.
Lượng ngũ cốc dự phòng trong các kho của Nga vẫn duy trì ở mức 20 triệu tấn, cộng thêm hơn 70 triệu tấn thu hoạch năm nay là đủ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn.
Tổng thống Putin nêu rõ năm nay ngành nông nghiệp thế giới gặp nhiều khó khăn và đang đối mặt với nguy cơ giá ngũ cốc-lương thực tăng trên toàn cầu.
Ông đã chỉ thị cho Chính phủ Nga và chính quyền các cấp chỉ đạo thu hoạch, tránh thất thoát lớn và bảo quản tốt ngũ cốc dự phòng, đồng thời có biện pháp tác động để tránh sự chênh lệch về giá giữa các khu vực trong toàn liên bang; hỗ trợ giá vận chuyển ngũ cốc cho nông dân và các cơ sở sản xuất nông nghiệp từ năm 2013, đặc biệt cho khu vực Siberia và Viễn Đông; ngăn chặn kịp thời và đấu tranh hiệu quả với tình trạng đầu cơ lương thực-thực phẩm.
Ông Putin thông báo Nhà nước Liên bang Nga đã quyết định cấp 14,20 tỷ rúp (gần 460 triệu USD) để bù lỗ cho những khu vực nông nghiệp thất thu do hạn hán./.
Đình Lanh (TTXVN)
------------------
Iran cáo buộc Trung Quốc và Israel tấn công mạng máy tính của mình
Iran cho biết họ đã thành công trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công mạng máy tính của các giàn khoan ngoài khơi, đồng thời cáo buộc Trung Quốc và Israel đứng sau vụ tấn công này.
Mohammad Reza Golshani, người đứng đầu bộ phận IT của công ty dầu Iran cho biết, vào ngày 8/10, có một cuộc tấn công nhằm vào hệ thống điện thoại kết nối một chiều của công ty, bộ phận công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của công ty đã vô hiệu hóa được các cuộc tấn công.
"Trong hai tuần qua, các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch và thực hiện chủ yếu bởi Israel và Trung Quốc, nhưng nó cũng được bắt nguồn từ cả các địa điểm khác", Golshani nhận xét.
Đây không phải là lần đầu tiên Iran trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Trong năm 2010, máy li tâm làm giàu uranium của Iran đã bị ảnh hưởng bởi vi rút Stuxnet, mà họ tin rằng đã được tiến hành bởi Israel và Mỹ.
Iran cũng bị Mỹ cáo buộc tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và nhiều nước đồng minh. Mặc dù nhóm hacker Izz ad-Din al-Qassam Cyber Fighters đã nhận trách nhiệm cho cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DoS) nhằm vào các ngân hàng lớn của Mỹ hồi tháng trước. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Joe Lieberman tin rằng các cuộc tấn công đã được nhà nước Cộng hòa hồi giáo Iran tài trợ. Ông cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế ngày càng mạnh mẽ mà Mỹ và các đồng minh châu Âu đã đưa ra nhằm vào các tổ chức tài chính của Iran là nguyên nhân của các cuộc tấn công này.
(TTCN)
--------------
Nhật Bản chịu nhiều áp lực từ tranh chấp với Trung Quốc
Làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản lan rộng đã khiến tình hình kinh doanh nhiều mặt hàng của Nhật tại Trung Quốc giảm mạnh.
Ngày 11/10 là tròn một tháng kể từ khi chính quyền của Thủ tướng Noda tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp ngoài khơi biển Hoa Đông - sự việc làm bùng lên làn sóng phản đối dữ dội từ Trung Quốc và khiến quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản rơi vào tình trạng được cho là căng thẳng nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.
Tuy một tháng đã trôi qua, nhưng căng thẳng giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài việc thể hiện thái độ kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền thông qua việc liên tiếp điều tầu tuần tra đi lại tại vùng biển tranh chấp, thậm chí đi vào vùng biển 12 hải lý, Trung Quốc còn dùng nhiều biện pháp khác, như kinh tế nhằm gây sức ép lên chính phủ của Thủ tướng Noda với mong muốn Nhật Bản phải “sửa chữa sai lầm, quay lại bàn đàm phán” như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này nhiều lần tuyên bố.
Làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản lan rộng đã khiến tình hình kinh doanh nhiều mặt hàng của Nhật tại Trung Quốc giảm mạnh. Ba hãng xe hơi lớn nhất của Nhật là Toyota, Honda và Nisan cho biết, tình hình tiêu thụ xe của các hãng tại Trung Quốc trong tháng 9 lần lượt giảm 49%, 41%, 35%, và nhiều khả năng sẽ không hoàn thành mục tiêu tiêu thụ xe trong năm 2012. Lượng du khách Trung Quốc sang Nhật Bản cũng giảm.
Bên cạnh việc phải chịu sức ép của giới doanh nghiệp trong nước do tình hình kinh doanh giảm sút, chính quyền của Thủ tướng Noda cũng đang phải đương đầu với nhiều áp lực khác từ phía Trung Quốc. Việc Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố không tham dự Hội nghị thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới được tổ chức ở Tokyo vào ngày 14/10 tới không chỉ là dấu hiệu cho thấy căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ đã và sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, mà đây còn được coi là hành động tẩy chay Nhật tại các diễn đàn đa phương, hòng buộc chính quyền Thủ tướng Noda phải thay đổi hành động của mình.
Trong khi đó, cho đến hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ nhượng bộ Nhật Bản trong đợt căng thẳng này./.
Xuân Dần/VOV-Bắc Kinh
------------------
Romney: Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ"
Hôm 10-10, ứng viên tổng thống Mỹ của phe Cộng hòa Mitt Romney tiếp tục chỉ trích Bắc Kinh vì những hoạt động thương mại mà ông cho là bất công với Mỹ.
Ông nói ông sẽ coi Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống nếu ông đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 6-11.
“Ngay ngày đầu tiên, tôi sẽ làm gì đó theo những nguyên tắc, luật pháp của chúng ta, để khẳng định Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ và sẽ chỉ đạo áp các loại thuế mới khi họ đang tìm cách ăn cắp công nghệ và tấn công hàng hóa của chúng ta để hạ giá hàng hóa của họ” - AP dẫn lời ông Romney trong một sự kiện tranh cử tại bang Ohio.
Trả lời một câu hỏi từ khán giả, Romney nói nước Mỹ dưới quyền ông sẽ cạnh tranh với Trung Quốc và sẽ chiến thắng nhờ vào những con người có năng suất cao và sáng tạo nhất thế giới. Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc lấy mất những việc làm của người Mỹ thông qua các hoạt động thương mại thiếu công bằng.
Ông Romney ý thức rằng hiện Trung Quốc đang là nhà sản xuất số một thế giới, nền kinh tế đã vươn lên thứ hai thế giới và sắp vượt qua Mỹ: “Quý trước kinh tế của chúng ta tăng trưởng 1,3%. Họ tăng trưởng ở mức 7-8%. Họ cũng là một dân tộc thông minh, chăm chỉ và năng suất cao. Nhưng họ cũng đã lợi dụng thương mại không công bằng… Trung Quốc còn tỏ ra hung hăng và làm không ít việc khiến mọi thứ trở nên khó khăn cho chúng ta”.
HẢI MINH // Tuổi Trẻ
-------------
Nga phản đối sử dụng vũ lực nhằm vào Iran
Ngoại trưởng Nga cho rằng các nhà hòa giải quốc tế nên khuyến khích Israel và Iran đối thoại thay vì gây khích động đôi bên.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 10/10 cảnh báo, Nga phản đối việc sử dụng vũ lực nhằm vào Iran vì điều này sẽ phá hỏng những nỗ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Nga tin rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là thông qua đàm phán giữa nhóm P5+1 ( bao gồm 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) với Iran.
Ông Lavrov cũng cho biết một giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran đang đến rất gần. Cộng đồng quốc tế có thể công nhận quyền làm giàu urani của Iran trong trường hợp Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế giải quyết được những bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.
Ngoại trưởng Nga cũng khẳng định, các nhà hòa giải quốc tế nên khuyến khích Israel và Iran đối thoại thay vì đưa ra những thông tin gây tổn hại đến mối quan hệ giữa hai bên.
Mỹ và Israel hiện vẫn chưa bác bỏ khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng cảnh báo sẽ đáp trả nếu các cơ sở hạt nhân của họ bị tấn công./.
Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
-----------------
Nhật đưa bằng chứng Trung Quốc công nhận Senkaku
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 10-10 đưa ra các bằng chứng công nhận chủ quyền của nước này với quần đảo tranh chấp mà họ gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông.
Ông Gemba trưng ra một tấm bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1960, trong đó ghi nhận quần đảo này, hiện do Tokyo kiểm soát, là một phần lãnh thổ Nhật Bản.
Hai tàu của lực lượng tuần duyên Nhật “kè” tàu hải giám 66 của Trung Quốc (giữa) trên vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư -
Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Gemba nói Trung Quốc chỉ bắt đầu đòi chủ quyền quần đảo này từ những năm 1970. Ông cũng dẫn lại một bức thư của nhân viên ngoại giao tại tòa lãnh sự Nagasaki của Trung Quốc năm 1920 gửi một người Nhật trong đó nói rõ quần đảo này “thuộc quận Yaeyama, tỉnh Okinawa”.
( Tuổi Trẻ)
---------------
Quan hệ nguội lạnh, cả Nhật và Trung cùng thiệt
Trả lời phỏng vấn kênh thời sự "Bloomberg News" ngày 10/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhận định rằng, quan hệ kinh tế nguội lạnh giữa Nhật Bản và Trung Quốc xuất phát từ những căng thẳng về quần đảo tranh chấp, sẽ gây phương hại cho cả hai nước.
Bình luận trên của ông Noda được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người lo ngại rằng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc xấu đi sẽ tác động xấu đến nền kinh tế hai nước cũng như đến hoạt động thương mại giữa hai nước này với thế giới. Theo Thủ tướng Noda, để tránh những ảnh hưởng bất lợi trên, hai nước có nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này cần tổ chức các cuộc tham vấn. Ông cũng khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ có hành động quyết liệt nếu đồng yên bị ảnh hưởng và vượt mức kiểm soát.
Trung Quốc đã quyết định không cử các quan chức tài chính hàng đầu tới dự Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 10/10 đã kêu gọi Nhật Bản trở lại đàm phán với Trung Quốc về vấn đề quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.
Trong khi đó, Hãng tin Kyodo cho biết Nhật Bản đang xem xét các cách thức nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước, đồng thời tiếp tục khẳng định quan điểm của Tokyo là không có tranh chấp chính thức về lãnh thổ đối với quần đảo này.
TTXVN/Tin tức
-------------------
Nhật Bản tính xoa dịu Trung Quốc vụ Senkaku/Điếu Ngư
Nhật Bản đang cân nhắc kế hoạch thừa nhận “tuyên bố chủ quyền” của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông nhằm xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh, theo tin tức từ hãng tin Kyodo ngày 10.10.
Kế hoạch trên đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ có đôi chút thỏa hiệp với Trung Quốc mà không thay đổi lập trường từ lâu của mình.
Tuy nhiên, Tokyo vẫn bảo lưu lập trường cho rằng không có tồn tại tranh chấp lãnh thổ chính thức nào đối với quần đảo này.
Bắc Kinh từ lâu kêu gọi Tokyo thừa nhận sự tồn tại tranh chấp quần đảo Senkaku do phía Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Nhưng vẫn chưa rõ liệu động thái này của Nhật Bản có thể tạo ra động lực để Trung Quốc cải thiện mối quan hệ tồi tệ giữa hai nước hay không, Kyodo trích dẫn một số nguồn tin liên quan.
Trong cuộc gặp với một phái đoàn gồm các nghị sĩ và các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản ở Bắc Kinh cuối tháng trước, ông Giả Khánh Lâm, một quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã hối thúc Nhật Bản công nhận sự tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
“Nhật Bản phải nhận thấy tình hình hiện tại rất nghiêm trọng, và nên thẳng thắn đối diện với vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Điếu Ngư, sửa chữa sai lầm càng sớm càng tốt, để tránh hủy hoại quan hệ Trung - Nhật”, Tân Hoa xã trích lời ông Giả.
Theo Kyodo, Tokyo cho rằng tuyên bố của ông Giả cho thấy mục đích hiện thời của chính phủ Trung Quốc là muốn Nhật Bản thừa nhận sự tồn tại của việc tranh chấp lãnh thổ, vì thế Nhật Bản bắt đầu cân nhắc có thể làm được gì để dỡ bỏ những trở ngại cho việc cải thiện quan hệ song phương.
Kyodo cho biết Nhật Bản vẫn luôn ghi nhớ thông cáo chung Trung - Nhật năm 1972, theo đó Nhật Bản cam kết "hiểu đầy đủ và tôn trọng" lập trường của Trung Quốc về chủ quyền của Đài Loan.
Đối với quần đảo Senkaku, Tokyo sẽ chỉ "thừa nhận" các “tuyên bố chủ quyền” đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, chứ không thừa nhận “chủ quyền” của Trung Quốc tại quần đảo này, đồng thời vẫn giữ nguyên lập trường cho rằng không tồn tại tranh chấp lãnh thổ chính thức nào đối với quần đảo này.
Phúc Duy// Thanh Niên
-------------------------
Mỹ bỏ lệnh hạn chế vay mượn quốc tế cho Myanmar
Theo AP, ngày 10/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dỡ bỏ những hạn chế của Mỹ đối với các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) cho Myanmar vay mượn để ghi nhận cho sự tiến bộ hướng tới dân chủ của quốc gia Đông Nam Á này.
Tổng thống Obama đã ủy quyền cho Ngoại trưởng Hillary Clinton ủng hộ sự hỗ trợ như trên.
Hiện chính quyền của ông Obama đã nới lỏng hầu như tất cả các lệnh trừng phạt từng áp đặt lên quốc gia này trong nhiều thập kỷ dưới sự cầm quyền của chính quyền quân sự.
Cuối tháng Chín vừa qua, Quốc hội Mỹ đã thông đạo luật cho phép Tổng thống chấm dứt ngăn chặn tự động của Mỹ đối với hoạt động vay mượn từ các thể chế, trong đó có cả Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
WB cho biết đang phối hợp với ADB để hỗ trợ Myanmar xóa khoản nợ khoảng 900 triệu USD của cả hai ngân hàng vào đầu năm 2013 tới, theo đó sẽ cho phép hoạt động vay mượn được khởi động.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 19/9 đã thông báo dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Myanmar là Tổng thống Thein Sein và Chủ tịch Hạ viện Thura Shwe Mann.
Theo đó, hai nhà lãnh đạo này sẽ không còn có tên trong danh sách của Bộ Tài chính Mỹ cấm các cá nhân tiến hành giao dịch hay sở hữu tài sản trên đất Mỹ./.
(Vietnam+)
------------------
Ahmadinejad: Israel sẽ "tự sát" nếu tân công Iran
Tổng thống Iran - Mahmoud Ahmadinejad hôm qua (9/10) tiếp tục lên tiếng đe dọa Israel, tuyên bố thể chế Do Thái của Israel sẽ tự sát nếu tiến hành tấn công nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, Đài truyền hình Press TV hôm nay đưa tin.
Press TV dẫn lời Tổng thống Ahmadinejad cho biết: “Tôi nghĩ rằng tất cả những người khôn ngoan trên thế giới này đều hiểu rằng, một động thái như vậy của Israel (tấn công Iran) đồng nghĩa với một vụ tự sát”.
Ông Ahmadinejad chỉ ra rằng, Iran không bao giờ khơi mào một cuộc chiến và cũng sẽ không làm vậy, nhưng sẽ phản kháng mạnh mẽ để bảo vệ lãnh thổ của mình trước những hành động hiếu chiến.
Ông đe dọa thêm rằng: “Sự đáp trả của Iran đối với bất kỳ hành động xâm lược nào cũng sẽ rất ác liệt”.
Israel, Mỹ và một số nước phương Tây nghi ngờ Iran đang ngầm sản xuất vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc của chương trình hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, Iran đã một mực bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình là sản xuất điện năng.
Để gây sức ép buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân, Liên Hợp Quốc và các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với nước này.
Mới đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lệnh trừng phạt áp đặt lên ngành xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Theo đó, các nước thuộc EU sẽ không được phép nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia Hồi giáo này. Lệnh trừng phạt có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua.
Để gây thêm sức ép, Israel đã nhiều lần lên tiếng đe dọa sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, bất chấp những đe dọa trên, Iran vẫn khẳng định sẽ theo đuổi chương trình hạt nhân đến cùng và dọa sẽ khiến cho Israel phải “hối hận”.
( Theo VNmedia)