"Họ muốn thắng mà không cần đánh. Đây là binh pháp Tôn Tử" - Kunihiko Miyake giám đốc nghiên cứu tại Viện toàn cầu Canon ở Tokyo
Cuộc đụng độ giữa tàu phòng vệ bờ biển Nhật Bản - Đài Loan hôm thứ ba (25/9) khó có thể coi là một trận đối đầu hải quân lớn - bởi vũ khí duy nhất được triển khai là vòi rồng và tàu Đài Loan đã lui bước sau ít giờ đồng hồ.
Tuy nhiên, cuộc đụng độ hàng hải được phát sóng trên truyền hình chắc chắn đã đẩy cao bầu không khí nóng bỏng xung quanh Senkaku/Điếu Ngư - quần đảo do Nhật kiểm soát nhưng Đài Loan đưa ra tuyên bố chủ quyền và nguy hiểm hơn cũng nằm trong phạm vi khẳng định chủ quyền của người hàng xóm lớn là Trung Quốc.
Những vết rạn nứt đáng lo ngại đã xuất hiện trên con đường ngoại giao hầu hết là khá yên bình trong nhiều thập niên, và thu hút các tranh luận sôi nổi từ giới phân tích quốc tế về khả năng có thể xảy ra một cuộc chiến tranh Trung - Nhật.
Những rủi ro chắc chắn là cao. Hiến pháp hoà bình của Nhật Bản có thể nghiêm cấm chiến tranh xâm lượng, nhưng tại Tokyo tồn tại sự đồng thuận chính trị cao độ rằng, Senkaku là một phần lãnh thổ quốc gia, và cần được bảo vệ bằng vũ lực nếu cần thiết.
Tuy nhiên, Trung Quốc, nước gọi quần đảo tranh chấp với Nhật là Điếu Ngư dường như ngày càng sẵn sàng thử nghiệm sự kiểm soát của Nhật bằng cách điều các tàu chính phủ, tàu cá tới vùng tranh chấp.
Tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật, bên phải và phía sau, bên trái là tàu Hải giám số 66 Trung Quốc, ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP |
Và sắc thái cũng như ngôn ngữ muốn "diễu võ dương oai" trong các cuộc biểu tình ở Trung Quốc phản đối việc Nhật mua ba trong số nhóm đảo tranh chấp cho thấy rõ rằng, một số người Trung Quốc ít nhất đang hăm hở cho một cuộc chiến.
Động thái điều tàu chính phủ và tàu cá của Trung Quốc, Đài Loan thách thức khả năng kiểm soát của Nhật có thể dẫn tới các sự cố mà nhiều nhà phân tích nói nó có thể làm leo thang sự thù địch từ Trung Quốc.
Theo Kunihiko Miyake, giám đốc nghiên cứu tại Viện toàn cầu Canon ở Tokyo thì, một sự leo thang nói trên không chắc sẽ xảy ra trong tương lai gần, nhờ sức mạnh của hải quân Nhật Bản - tên gọi chính thức là Lực lượng Phòng vệ Hàng hải - và nhờ liên minh của nước này với Mỹ.
Trong khi Washington tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư thì họ cũng nhắc lại rằng, Mỹ sẽ sát cánh với Nhật Bản trong phòng thủ đảo. "Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực, vì họ sẽ tổn thất", Miyake nói.
Thay vào đó, ông nhận định, kế hoạch của Bắc Kinh là tiếp tục sử dụng lực lượng phi quân sự để thách thức việc kiểm soát của Nhật với nhóm đảo. Đây là chiến lược mà các nhà hoạch định Trung Quốc học từ nhà chiến lược Tôn Tử thời xa xưa. "Họ muốn thắng mà không cần đánh", Miyake cho biết. "Đây là binh pháp Tôn Tử".
Tuy vậy các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản nhận thức một cách sâu sắc rằng, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự phát triển của quân đội Trung Quốc có thể thu hẹp hay thách thức bất kỳ ưu thế quân sự nào trong khu vực. Hôm thứ ba, hải quân Trung Quốc đã chính thức tiếp nhận con tàu sân bay đầu tiên đi vào hoạt động. Những tiến bộ khác trong các hệ thống vũ khí hiện đại của Trung Quốc như tên lửa chống hạm tầm xa đã đặt ra khả năng thách thức thậm chí lớn hơn nhiều.
Căng thẳng Senkaku/Điếu Ngư sẽ củng cố quyết tâm của Nhật Bản trong việc sắp xếp lại lực lượng quân sự hướng tới việc phòng thủ mạnh mẽ hơn với nhóm đảo phía nam và tạm thời không tập trung nhiều về phía bắc như từng triển khai chống lại Liên Xô.
Theo một chính sách quốc phòng mới đưa ra năm 2010, Nhật Bản sẽ tăng cường số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc, trong khi số xe tăng - rất nhiều đóng ở hòn đảo phía bắc Hokkaido - sẽ cắt giảm từ 830 chiếc xuống còn 400 chiếc.
Tranh chấp đảo cũng minh chứng cho sự đúng đắn của quyết định đầu tư ấn tượng các trang thiết bị cho lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản.
Các ứng viên trong cuộc bầu chọn lãnh đạo của đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản - đảng mà qua các cuộc thăm dò cho thấy sẽ lật đổ sự cầm quyền của đảng Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra mùa hè tới - đã kêu gọi hành động để tăng cường khả năng phòng vệ bờ biển.
Trong bản đề xuất chính sách đưa ra hôm thứ hai, Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản - một tổ chức cố vấn - đã kêu gọi "những nâng cấp đáng kể" với "khả năng và thiết bị" của lực lượng phòng vệ bờ biển cũng như triển khai thêm nhiều tàu tuần tra lớn tới khu vực Senkaku/Điếu Ngư và coi đó như "vấn đề ưu tiên".
Theo viện này, căng thẳng cũng có thể tạo ra một cơ hội thúc đẩy Mỹ chính thức xác nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Nhật như một phần nỗ lực để đảm bảo một liên minh vững chắc.
Washington có vẻ không muốn can dự vào tranh chấp chủ quyền, nhưng tình hình căng thẳng ở Senkaku thực sự làm chệch hướng bất đồng trong liên minh Mỹ - Nhật, ví dụ như các quan ngại ửo Nhật về độ an toàn trong kế hoạch triển khai Osprey, loại máy bay mới của Mỹ.
Tranh chấp cũng khiến nhiều người Nhật đánh giá lại tầm quan trọng của một liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ, cũng như yêu cầu cấp thiết của một chính sách quốc phòng mạnh mẽ hơn. "Tôi chắc chắn Trung Quốc đang phạm sai lầm lớn. Họ càng cứng rắn, càng quả quyết bao nhiêu, thì càng đẩy chúng tôi về phía Mỹ bấy nhiêu", Miyake nhấn mạnh.
Tác giả: Nguyễn Huy theo Washingtonpost
Nguồn Tuần Việt Nam