Phía Nga khẳng định, Mỹ đã biết về việc linh kiện vi điện tử nước này được bí mật cung cấp sang Nga từ nhiều năm.
Người Mỹ phá "luật"
Các doanh nhân Nga bị bắt ở Mỹ có thể đã bị bắt giữ vì buôn bán các linh kiện làm bằng ferrit, loại vật liệu không cho phát xạ tần số cao truyền qua.
Do tính chất này mà các linh kiện ferrit thường được ứng dụng trong chế tạo vệ tinh và trang bị kỹ thuật quân sự, những thứ cần được bảo vệ chống tia vũ trụ và chống nhiễu điện tử.
Giáo sư bộ môn Vật liệu học vật lý, ĐH Thép và Hợp kim Moscow, ông Alex Lele nói với Izvestia, ferrit, cũng như các vật liệu từ khác (cobalt, nickel…), có loại từ mềm và từ cứng. Trong công nghiệp vũ trụ, người ta dùng cả hai loại. Loại mềm dễ nhiễm từ lại nhiều lần dùng làm anten và biến áp, loại cứng – duy trì mômen từ lâu hơn – được dùng trong các hệ thống bảo vệ chống phóng xạ và phong toả truyền tín hiệu.
Đại diện cấp cao của tổ hợp công nghiệp quốc phòng DIC Nga cho Izvestia biết: “Nếu mạch các linh kiện bán dẫn được phân bố trên bề mặt ferrit thì chúng không bị tổn thương vì tác động của tia vũ trụ hoặc phát xạ của các hệ thống phát sóng của tác chiến điện tử”.
Theo ông này, trên thực tế, mọi linh kiện vi mạch trong công nghiệp vũ trụ và quân sự Nga đều thuộc loại nhập khẩu. Trong đó, gần 90% linh kiện vi mạch nhập từ Mỹ. Trong đó, 50% sản phẩm đến từ Mỹ là bất hợp pháp, dưới hàng hóa dân sự, người tiếp chuyện Izvestia cho biết.
Trong trường hợp này, người Mỹ không có ý kiến gì với những thương vụ làm ăn như vậy. Đồng thời, đã từ nhiều năm, Mỹ biết người Nga dùng các linh kiện vi mạch của họ trong các sản phẩm vũ trụ và quân sự. "Điều đang xảy ra nói lên rằng Mỹ cố ý phá vỡ luật chơi”, người tiếp chuyện Izvestia nhận định.
Mưu đồ đẩy Nga tụt hậu thêm?
Theo ông này, hiện nay, Nga hoàn toàn lạc hậu trong việc chế tạo cơ sở linh kiện vi điện tử và “khó có thể đuổi kịp các nước tiên tiến”. Vì vậy, việc ngừng cung cấp các linh kiện vi điện tử có thể phá hỏng chương trình nghiên cứu chế tạo các hệ thống vũ khí có triển vọng.
Đại diện tổ hợp công nghiệp quốc phòng DIC nhận định: “Có thể mua thiết bị sản xuất vi mạch, nhưng không có chuyên gia để khai thác sử dụng nó. Cho đến khi chu trình sản xuất của Nga được đưa vào nền nếp, sẽ mất nhiều năm. Chúng ta tự mình, thậm chí, không làm nổi những sản phẩm đơn giản thì nói gì đến kỹ thuật phức tạp, hơn thế lại là kỹ thuật quân sự”.
Ông này nói thêm, ở Nga các linh kiện vi mạch bằng ferrit chỉ được sản xuất ở nhà máy MIT-Kuznetsk. Nhưng danh mục sản phẩm của nhà máy không đáp ứng hết nhu cầu của công nghiệp vũ trụ và quốc phòng Nga.
Nguồn tin ở tổ hợp công nghiệp quốc phòng nhận định: “Chắc là, những doanh nhân bị bắt ở Mỹ đã cung cấp các chi tiết ferrir cho các nhà máy quân sự, điều mà theo luật Mỹ không được làm”.
Viện công tố quận Brooklyn, New York, Mỹ buộc tội 11 công dân Mỹ bán cho Nga các sản phẩm là bí mật quân sự.
Manh mối từ trang mạng đối tác
Theo FBI, nhóm này hoạt động dưới sự chỉ đạo của người đứng đầu công ty Mỹ - Nga Arc Electronic, ông Alexander Fishenko, đã 46 tuổi. Các linh kiện vi điện tử công nghệ cao liên quan đến vụ tố giác này dự kiến được giao cho ngành quân sự và đặc nhiệm của Nga, cho radar, hệ thống quan sát và kíp nổ...
Căn cứ vào thông cáo báo chí của FBI, nguyên nhân làm cho cơ quan này để mắt tới Arc Electronics chính là trang mạng đối tác của nó là Công ty đại chúng Apex. Hãng này đã nhận được giấy phép làm việc với các chi tiết điện tử lưỡng dụng.
Khi kiểm tra trang mạng này, Vụ Thương mại Hoa Kỳ phát hiện có từ “vũ khí” và hình ảnh máy bay, tên lửa phòng không. Sau đó Vụ này đã thông báo cho FBI.
Ngoài Công ty đại chúng Apex, Arc Electronic còn hợp tác với Công ty đại chúng Atrilor, đăng ký kinh doanh ở Moscow, địa chỉ nhà 36 phố Mitinskaya, toà nhà 1 Trung tâm kinh doanh Ark, văn phòng số 406. Ngay cạnh Trung tâm kinh doanh này là chợ điện tử lớn nhất Nga - chợ vô tuyến điện tử Mitin, nơi bán các loại linh kiện lắp ráp cho dân vô tuyến điện nghiệp dư.
Trên trang mạng của Atrilor cũng nói rõ họ là đối tác của Bộ Quốc phòng Nga, Rosatom (Cơ quan nguyên tử Nga) và các xí nghiệp của MIC (Tổ hợp công nghiệp quốc phòng), cũng như Roscosmos (Cơ quan vũ trụ Nga).
Theo tin từ FBI, khi kiểm tra các thương vụ làm ăn của hãng này đã xác định được là trong các giấy tờ có các dữ liệu không đáng tin cậy. Điều đó có nghĩa là trên giấy tờ, hàng hoá là cho dân sự, nhưng trên thực tế thì người ta đã bán vi mạch cho tên lửa và vũ khí có độ chính xác cao.
Cũng theo FBI, Arc Electronic cung cấp cho phía Nga không chỉ vi mạch và các con chip, mà cả các loại cáp và dây dẫn và linh kiện bán dẫn. Những cáp và đầu nối này được sử dụng trong công nghiệp vũ trụ, ví dụ trong các vệ tinh hiện đại nhất của hệ thống trinh sát liana hệ thống này sẽ phải bắt đầu hoạt động từ năm 2013.
"Không ảnh hưởng tới CNQP Nga"
Phó chủ tịch Uỷ ban về quốc phòng của Duma Quốc gia, Franz Klintsevich tin chắc là vụ bê bối gián điệp này sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện đặt hàng quốc phòng nhà nước.
Ông Klintsevich giải thích: “Trong tất cả các sản phẩm quan trọng chúng tôi đều lắp linh kiện của mình. Ví dụ, tên lửa có cánh của Nga ưu việt hơn các mẫu của phương Tây đến cả chục lần, và mọi “bộ não” của chúng đều là hàng nội". "Phải nói, về mặt hàng thông dụng thì chúng ta hãy còn thiếu, nên phải mua thêm ở nước ngoài”, ông này cho biết thêm.
Theo ông Klintsevich, vụ bê bối gián điệp ở Mỹ lần này “là một chiến dịch tiếp theo của CIA và FBI” có tính chất vận động bầu cử.
“Họ chẳng chứng minh được cái gì cả, mà toà cũng chưa xử, tất cả đều là dấu đầu hở đuôi. Họ đã đạt được mục đích là tạo ra dư luận xã hội mà họ cần", ông này nói.
Mọi xí nghiệp của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng mà Izvestia hỏi đều từ chối trả lời về việc các linh kiện vi điện tử nhập khẩu, nhất là từ Mỹ được dùng trong vũ khí cụ thể nào của Nga?
Tại cơ quan truyền thông của Almaz-Antey (nơi sản xuất ra tên lửa chống tàu Club, Onyx, BrahMos), người ta đã yêu cầu phải thoả thuận câu hỏi với FSB (Ngành an ninh liên bang).
Cơ quan báo chí của KBM (Phòng thiết kế Chế tạo máy) Coloma (nơi sản xuất các tổ hợp chiến dịch– chiến thuật Iskander, cả của NGOs (Liên hợp khoa học sản xuất) Lavochkin, xí nghiệp hàng đầu về sản xuất và nghiên cứu chế tạo vệ tinh và các vật thể vũ trụ cũng đưa ra yêu cầu như vậy.
Nguyễn Vũ (theo Izvestia, ĐVO)