Lại một lần nữa, Trung Quốc lên tiếng cảnh báo Philippines và Nhật Bản xung quanh những tranh chấp biển đảo. Việc này thực sự khiến dư luận trong và ngoài khu vực lo lắng về những động thái tiếp theo của 3 quốc gia kể trên, cũng như các nước hữu quan tại biển Đông và biển Hoa Đông.
Từ cảnh báo đối với Philippines
Ngày 27/9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã cảnh báo Philippines không nên dùng hành động quân sự để tấn công các máy bay không người lái của Trung Quốc hoạt động tại biển Đông. Ông Dương Vũ Quân cho rằng, Trung Quốc dùng máy bay không người lái để giám sát các đảo tranh chấp là “hợp lý và hợp pháp" bởi Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi tại bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough. Trung Quốc đưa ra tuyên bố kể trên sau khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez cảnh báo, máy bay do thám không người lái của Trung Quốc có thể bị bắn hạ nếu đi vào không phận thuộc bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham bởi khu vực này đang nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Theo ông Peter Paul Galvez, việc máy bay Trung Quốc đi vào không phận của nước khác mà không được phép sẽ là một tính toán sai lầm và có thể làm trầm trọng thêm tình hình thay vì đóng góp giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp hiện nay. Trước đó (26/9), Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, tàu thuyền của Trung Quốc vẫn tiếp tục lượn lờ ở khu vực tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham. Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh, Philippines đang theo dõi, đánh giá tình hình và xem xét biện pháp đáp trả nếu Trung Quốc tiếp tục vi phạm quyền chủ quyền của Philippines.
Ngày 28/9, tại New York, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan trong cuộc gặp ba bên để giải quyết cuộc tranh chấp tại quần đảo Dokdo/Takeshima. Trước đó (27/9), bà Hillary Clinton cũng đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải giảm căng thẳng tại Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời yêu cầu Trung - Nhật cần đối thoại để “giảm nhiệt”.
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Trung - Nhật dùng “cái đầu lạnh” để giải quyết sự việc. Khi phát biểu tại Hội nghị Xã hội châu Á (27/9), Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khẳng định, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có thể giúp kinh tế thế giới đang gặp khủng hoảng, nhưng cũng cảnh báo không để cuộc xung đột ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc làm chệch hướng phát triển. Theo đó, phải giải quyết tình trạng đối đầu giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng liên quan đến các đảo tranh chấp.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. |
Tới thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Ngày 28/9, tờ Japantimes của Nhật Bản đưa tin, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Genba tiết lộ, Tokyo đã quyết định thay đổi chính sách đối ngoại nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên ông Koichiro Genba đề cập tới lập trường mới của Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ sau khi Trung Quốc thể hiện sự quyết liệt ngày càng tăng trong tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ông Koichiro Genba cho rằng, sự thay đổi chính sách này nhằm mục đích lôi kéo sự ủng hộ của quốc tế đối với xung đột chủ quyền lãnh thổ tại biển Hoa Đông đang ảnh hưởng xấu đến quan hệ kinh tế của Nhật Bản với Trung Quốc và Đài Loan. Được biết, các đại sứ quán của Nhật Bản trên khắp thế giới đang chuẩn bị thông báo lập trường mới của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên website bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Nhật Bản sẽ tìm cách phát đi thông điệp: động thái quốc hữu hóa 3 hòn đảo tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Tokyo là phương án tối ưu nhất để bảo vệ quan hệ song phương. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi cũng vừa thừa nhận, Tokyo chưa đạt được mục tiêu “quản lý ổn định và bền vững” tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Tại buổi họp báo ngày 27/9, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, Tokyo không có ý định sử dụng Tòa án Công lý Quốc tế để giải quyết vấn đề Senkaku/Điếu Ngư vì đó là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản. Ông Osamu Fujimura đã phản ứng trước tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương bởi “hoàn toàn vô căn cứ, không phù hợp và là một cáo buộc trắng trợn”. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cũng bác bỏ những chỉ trích của Trung Quốc đối với bài phát biểu của Thủ tướng Yoshihiko Noda tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Cũng trong ngày 27/9, tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, các quan chức Nhật Bản và Trung Quốc đã có cuộc gặp nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Phái đoàn Nhật Bản do cựu Ngoại trưởng Yohei Kono dẫn đầu, còn phái đoàn Trung Quốc do Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc Giả Khánh Lâm làm trưởng đoàn. Tại buổi gặp, ông Yohei Kono đã bày tỏ quan ngại về những cuộc biểu tình chống Nhật Bản tại Trung Quốc liên quan tới vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời hy vọng hai nước sẽ sớm có biện pháp giải quyết tranh chấp hiện nay.
Ngày 27/9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân xác nhận tin nói rằng, các tàu hải quân Trung Quốc đang hoạt động quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, đồng thời nhấn mạnh, sự hiện diện này là "hoàn toàn hợp lý và hợp pháp". Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tàu khu trục tới vùng biển tranh chấp bởi trước đó chỉ có tàu hải giám. Cũng trong ngày 27-9, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cáo buộc Tokyo “ăn cắp” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Nhật Bản đã lừa Trung Quốc ký bản hiệp ước nhượng lại quần đảo này vào năm 1895. Ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh: Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản dừng ngay các hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
Ngày 28/9, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc có bài xã luận về tranh chấp giữa Bắc Kinh và Seoul tại dải đá ngầm Ieodo sau khi Cục Quản lý Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố Ieodo nằm trong số những nơi được các tàu tuần tra và máy bay Trung Quốc giám sát, theo dõi. Tờ Chosun Ilbo cho rằng, Trung Quốc muốn biến dải đá ngầm Ieodo của Hàn Quốc thành vùng tranh chấp, đồng thời cảnh báo, Trung Quốc cần suy nghĩ thận trọng về hậu quả tham vọng lãnh thổ của mình. |
Lê Trịnh - Trọng Hậu
Theo CAND