Cách đây 2 tuần, những người sở hữu Senkaku/Điếu Ngư đã bán 3 đảo thuộc quần đảo này cho Chính phủ Nhật với số tiền khoảng 26 triệu USD. Tuy nhiên, giờ đây họ lại cho rằng đó là một sai lầm.
Đấu "súng" nước
Ngày 25/9, các tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã dùng vòi rồng để xua khoảng 40 tàu cá cùng 8 tàu tuần tra Đài Loan ra khỏi vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura, lực lượng bảo vệ bờ biển đã phải dùng tới súng nước và các biện pháp khác để làm tàu Đài Loan đổi hướng. Hình ảnh phát sóng trên Đài NHK cho thấy, tàu tuần tra Đài Loan cũng phun nước đáp trả lại tàu Nhật Bản. Tuy nhiên, sau đó tất cả các tàu Đài Loan đều rời khỏi vùng biển tranh chấp.
Senkaku/Điếu Ngư là vấn đề chủ chốt trong mâu thuẫn giữa Nhật Bản - Trung Quốc. Đa phần quần đảo này từng thuộc về nhà Kurihara, một gia đình Nhật Bản giàu có. "Hơn 40 năm qua chúng tôi đã bảo vệ các đảo cho quốc gia", ông Hiroyuki Kurihara, phát ngôn của gia đình nói, "Tuy nhiên, giờ đây chúng tôi đã quá già".
Cách đây 2 tuần, gia đình này đã bán 3 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho Chính phủ Nhật Bản với số tiền khoảng 26 triệu USD. Tuy nhiên, giờ đây ông Kurihara lại cho rằng đó là một sai lầm. Thỏa thuận ấy đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc bạo động tại Trung Quốc làm tổn hại tới nền kinh tế Nhật Bản.
Ông Kurihara cho biết, anh trai ông là người đã quyết định bán đảo cho Chính phủ. Nếu lựa chọn thuộc về ông thì ông sẽ bán cho chính quyền vùng Tokyo, khu vực chịu sự quản lí của ông Shintaro Ishihara, người lâu nay vẫn tỏ ra gay gắt với Trung Quốc.
Cuộc chiến nước giữa tàu tuần tra Nhật Bản và tàu cá Đài Loan. |
Không thể nhượng bộ
Trong khi mâu thuẫn trên diễn ra, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai và người đồng cấp phía Trung Quốc, ông Zhang Zhijun đang có cuộc gặp tại Bắc Kinh để đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Giới chức tại Hiệp hội Kinh tế Nhật Bản - Trung Quốc cho biết, các đại diện Tập đoàn Nhật Bản - Trung Quốc vẫn sẽ tham dự một sự kiện tại Bắc Kinh vào 27/9 mặc dù lễ kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đã bị hủy bỏ.
Tranh chấp diễn ra đúng vào thời điểm cả Nhật Bản và Trung Quốc đều phải đối mặt với những thay đổi chính trị. Vì vậy, đôi bên không thể tỏ ý nhượng bộ.
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda không được đánh giá cao trong cuộc trưng cầu dân ý và chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử trong vài tháng tới. Trong khi đó, Đại hội Đảng tại Trung Quốc sắp diễn ra, báo hiệu nhiều thay đổi trong hàng lãnh đạo chủ chốt.
Tới Bắc Kinh vào ngày 24/9, ông Kawai nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương: "Do tình thế khó khăn hiện tại, tôi dự tính sẽ đưa ra những điều Nhật Bản đang cân nhắc và lắng nghe ý kiến của Trung Quốc". Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hong Lei phát biểu: "Trung Quốc sẽ đề nghị Nhật Bản sửa chữa lỗi lầm của họ và cố gắng cải thiện quan hệ".