Taliban sẽ lật đổ chính phủ Afghanistan năm 2014?
Trong bài phân tích công bố tuần qua, một học giả quốc tế có tiếng đã dự báo sau khi Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014, chính phủ nước này sẽ sụp đổ và phiến quân Taliban nhiều khả năng sẽ giành lại chính quyền.
Ông Gilles Dorronsoro, chuyên gia về Afghanistan của Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, cho rằng việc lực lượng binh sĩ quốc tế rút khỏi Afghanistan, ở một khía cạnh nào đó, sẽ khiến tình hình nước này tồi tệ hơn trước khi lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu lật đổ Taliban 11 năm trước.
Chuyên gia này dự đoán: "Sau năm 2014, sự ủng hộ của Mỹ với chế độ Afghanistan sẽ rất hạn chế và sau một giai đoạn nội chiến mới, chiến thắng nhiều khả năng sẽ thuộc về Taliban."
Phân tích của ông Dorronsoro trái ngược với dự báo của các chính phủ phương Tây - vốn muốn rút khỏi cuộc chiến lâu dài, tốn kém này, trong đó cho rằng lực lượng chính quyền Afghanistan sẽ đủ khả năng tiếp quản cuộc đấu tranh chống Taliban./.
Theo Vietnam+
---------------
Trung Quốc bác tin làm hỏng tàu sân bay Ấn Độ
Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ thông tin từ phía Nga cho rằng gạch chịu lửa Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới sự cố nồi hơi trên tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ..
Nhật báo Beitsin Chenbao của Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này, ông Dương Vũ Quân cho hay: "Chúng tôi đã kiểm tra việc này và nhận thấy rằng những viên gạch chịu lửa của Trung Quốc dùng trong các hệ thống đẩy của hải quân chưa bao giờ được xuất khẩu tới Nga".
Trước đó, truyền thông Nga dẫn lời ông Andrei Dyachkov, chủ tịch tập đoàn Đóng tàu Thống nhất Nga, cho rằng các nồi hơi của tàu sân bay INS Vikramaditya đã bị hư hại vì sự cố đối với lớp cách ly bằng gạch chịu lửa, vốn được sử dụng để ngăn cách các nồi hơi với các cấu trúc khác trên tàu. Ông Dyachkov cho rằng đơn vị đóng tàu đã sử dụng "những viên gạch chịu lửa Trung Quốc không đạt chuẩn".
Một quan chức Nga khác tham gia vào việc chuẩn bị cho INS Vikramaditya chạy thử trên biển, cho hay nguyên nhân trục trặc ở nồi hơi còn vì Ấn Độ đã từ chối sử dụng amiăng chịu nhiệt để bảo vệ phần cấu trúc quanh các nồi hơi. Ấn Độ cho rằng amiăng chịu nhiệt có thể gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn. Quan chức trên khẳng định các nhà thiết kế nồi hơi sau đó buộc phải dùng gạch chịu lửa, loại vật liệu đã được chứng minh là chống nóng không hiệu quả.
Hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya gặp trục trặc ở hệ thống đẩy trong đợt chạy thử tại biển Barents tháng trước. Đây là chiếc tàu sân bay được Nga làm mới để bán lại cho Ấn Độ. Theo dự kiến, Nga sẽ giao chiến hạm này cho Ấn Độ vào ngày 4/12 sau các cuộc chạy thử trên biển. Mốc thời gian này vốn cũng đã bị lùi quá lâu sau rất nhiều trì hoãn khiến chi phí làm mới con tàu bị đội lên.
Sau sự cố nồi hơi mới đây, hạn chót cho việc giao tàu lại bị trì hoãn tới tháng 10/2013. Chi phí sửa chữa các nồi hơi vẫn chưa được tiết lộ. Trong quá khứ, sự cố nồi hơi vốn không phải là vấn đề xa lạ với tàu INS Vikramaditya.
Ấn Độ ký kết thỏa thuận trị giá 947 triệu USD năm 2005 để mua lại INS Vikramaditya, vốn là tàu sân bay Đô đốc Gorshkov của hải quân Nga. Tuy nhiên, việc bàn giao tàu bị trì hoãn hai lần đã đẩy chi phí tân trang lên đến 2,3 tỷ USD. Giáp đốc xưởng đóng tàu Sevmash, ông Vladimir Pastukhov đã bị sa thải năm 2007 vì quản lý yếu kém đối với dự án này.
Khi đi vào hoạt động, INS Vikramaditya có khả năng vận chuyển 18 chiến đấu cơ Mikoyan MiG-29 và 10 trực thăng hải quân Kamov Ka-28. Tàu sân bay này có trọng lượng rẽ nước là 45.000 tấn, đạt tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ, có thể hoạt động liên tục 13.500 hải lý ở tốc độ hành trình là 18 hải lý/giờ.
Hà Giang// VNexpress
-----------
Chiến hạm hiện đại nhất Đông Nam Á bị thiêu rụi
Vào lúc 3h15 (giờ địa phương, ngày 28/9), một đám cháy cực lớn đã xảy ra trên siêu chiến hạm tàng hình KRI Klewang-625 của Indonesia.
Hỏa hoạn xảy ra khi chiếc tàu này đang đỗ tại cảng Banyuwangi, Đông Java.
Hiện chưa có thông báo chính thức nào về thiệt hại nhân mạng nhưng con tàu trị giá 114 tỉ Rupi (gần 12 triệu USD) đã bị cháy gần như hoàn toàn.
Người phát ngôn của Hạm đội Đông Indonesia (Armatim), Trung tá Yayan Sugiana nói với phóng viên Jakarta Post rằng, chiếc tàu đang trong giai đoạn bảo dưỡng. “Chiếc tàu chưa được bàn giao chính thức cho Hải quân Indonesia”, ông Sugiana cho biết thêm.
Hải quân Indonesia cho biết, sẽ điều tra kỹ lưỡng đám cháy kéo dài hai tiếng đồng hồ này.
Còn Giám đốc tập đoàn PT Lundin Industry, Lisa Lundin cho biết, công ty sẽ có câu trả lời chính thức về tai nạn này vào ngày 1/10.
Ý tưởng đóng chiến hạm tàng hình KRI Klewang 625 bằng vật liệu phức hợp bắt đầu từ 2007, khi PT Lundin Industry tiến hành các nghiên cứu để nhằm đóng được một chiếc tàu hiện đại, có tốc độ cao. Năm 2009, nó chính thức được khởi đóng.
Hiện tại, có 30 thủy thủ của Hạm đội Đông Java được huấn luyện để sẵn sàng vận hành chiếc tàu trong tháng 9/2012.
( Theo ĐVO)
----------------------
Nga sẽ chế tạo ống ngắm MEPRO 21 của Israel
Ống ngắm MEPRO 21 của Israel, sắp được sản xuất tại Nga, có thể giúp tăng tốc độ và độ chính xác khi ngắm bắn.
(ĐVO) Từ năm 2013, công ty FARVIZN (Nga) bắt đầu sản xuất ống ngắm MEPRO 21 theo giấy phép của công ty MEPROLIGHT của Israel.
Tổng giám đốc điều hành công ty FARVIZN Ilya Zylin cho hay bản thỏa thuận sẽ được 2 bên ký kết vào tháng 10/2012. Bộ Quốc phòng Nga cũng đã tỏ ý quan tâm đến sản phẩm này.
Ống ngắm MEPRO 21 khác với ống ngắm thường ở chỗ nó có những điểm sáng màu, giúp xạ thủ ngắm được mục tiêu dễ dàng và chính xác hơn.
Những điểm sáng này là do chất trili (một đồng vị phóng xạ của Hydro) tạo nên. So với những ống ngắm laser, chỉ có xạ thủ mới biết được điểm ngắm bắn trên ống ngắm. MEPRO 21 có 2 điểm sáng như vậy.
Thời gian đầu các chi tiết và vật liệu sản xuất MEPRO 21 đều do Israel sản xuất, nhưng về sau FARVIZN sẽ thay thế bằng sản phẩm của Nga.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là vật liệu sản xuất MEPRO 21 rất đắt nên giá thành của nó cũng sẽ không hề rẻ chút nào.
MEPROLIGHT cũng đã tặng một vài bộ ống ngắm cho lực lượng đặc nhiệm.
Theo vài sĩ quan trong đội đặc nhiệm ống ngắm này ít khi bị hỏng, tốn ít công sức khi sử dụng và không bị vệt sáng làm ảnh hưởng đến việc ngắm bắn.
Các điểm sáng hiển thị trên ống ngắm 24/24h, không phụ thuộc vào pin. Ngoài ra, ống ngắm cho phép nâng cao tốc độ ngắm bắn lên 4 lần so với ống ngắm thường.
Việc chuyển chế độ từ ngắm bắn ban ngày sang ngắm bắn đêm có thể được điều chỉnh một cách tự động hoặc bằng tay.
Chất Trili có thể hoạt động ở nhiệt độ 40-50 độ, với thời gian sử dụng khoảng 8 năm.
Hiền Thảo (theo Izvestia, ĐVO)
---------------------
Tổ hợp LD-2000 Trung Quốc tập bắn
LD 2000 là biến thể mặt đất của tổ hợp pháo phòng không Type -730, được cho là có khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc và có khả năng hoạt động trong môi trường gây nhiễu.
(ĐVO) Tổ hợp LD-2000 gồm có 1 khẩu pháo 7 nòng 30mm, được đặt trên xe 16 bánh hạng nặng, giúp xe di chuyển dễ dàng hơn trên nhiều địa hình. 4 cọc thăng bằng trên xe sẽ được hạ xuống khi hệ thống chuyển sang chế độ chiến đấu.
Tháp pháo 30mm được đặt ở phía sau xe, có tốc độ bắn khoảng 4.600 đến 5.800 phát/phút. 2 hộp đạn chứa tổng cộng khoảng 1.000 viên đạn. Trong đó, một hộp đạn chứa đạn sabot (đạn xuyên dưới cỡ), một hộp chứa đạn thuốc nổ mạnh. Vỏ đạn rỗng được tống ra ngoài thông qua phần thấp của giá súng.
Tuy có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 3.000 m nhưng thường tổ hợp chỉ ngắm mục tiêu ở khoảng cách 1.000 đến 1.500 m.
Tổ hợp này có 6 tên lửa TY-90. Tên lửa TY-90 được thiết kế đầu dò đặc biệt để truy tìm trực thăng hoạt động trong khu vực quanh đó trong điều kiện bị gây nhiễu.
Với 3kg thuốc nổ cực mạnh tại đầu nổ, tên lửa được giới thiệu là có khả năng hạ bất cứ trực thăng vũ trang nào. Tầm hoạt động của tên lửa là từ 300m đến 6 km.
Hệ thống radar Type 347G được đặt trên đỉnh của tháp pháo, cùng với hệ thống quan sát ban ngày và bằng nhiệt độ. Hệ thống này được kết nối với một máy đo khoảng cách bằng laser. Pháo được một pháo thủ ngồi phía trong cabin điều khiển.
( Theo ĐVO)
---------------
Romania trang bị máy bay chiến đấu cho quân đội
Ngày 27/9, Hội đồng Quốc phòng tối cao Romania đã thông qua quyết định trang bị các máy bay chiến đấu đa chức năng mới cho lực lượng không quân của nước này.
Tham gia Hội đồng Quốc phòng tối cao có Tổng thống, các thành viên chính phủ và lãnh đạo các cơ quan an ninh tình báo nước này.
Trả lời báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Romania Corneliu Dobritsa cho biết, Chính phủ Romania sẽ mua lại 12 máy bay chiến đấu đa chức năng F-16 đã qua sử dụng của lực lượng vũ trang Hà Lan và Bồ Đào Nha, nhằm thay thế dần dần loại máy bay chiến đấu cũ MiG-21.
Không đề cập đến vấn đề giá cả, nhưng theo thông tin truyền thông Romania, hợp đồng mua bán này có giá khoảng 600 triệu euro.
Theo ông Dobritsa, loại chiến đấu cơ F-16 phù hợp với tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu và có thể phục vụ quân đội nước này ít nhất 20 năm nữa.
Theo Bộ trưởng Dobritsa, việc Romania mua máy bay chiến đấu mới không chỉ nhằm nâng cao từng bước khả năng phòng không cho nước này, mà còn theo cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó quốc gia Đông Âu này là một thành viên.
Trước đó, vào năm 2009, Romania cũng đã dự định mua lại 24 chiến đấu cơ F-16 cũ của Mỹ, tuy nhiên do ngân sách hạn hẹp, nên kế hoạch này đã bị hủy bỏ./.
(TTXVN)
------------
Campuchia thành lập Hội đồng quốc phòng tối cao
Ngày 28/9, Hội đồng Bộ trưởng Campuchia đã thông qua một dự luật được chờ đợi từ lâu về thiết lập Hội đồng quốc phòng tối cao (SCND).
Theo thông cáo báo chí công bố sau cuộc họp của Chính phủ Campuchia, quyết định thành lập SCND phù hợp với Hiến pháp Campuchia được ban hành năm 1993.
SCND sẽ chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ Hiến pháp, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc của Campuchia, đồng thời cũng đảm bảo việc thực thi những nhiệm vụ, vai trò và nghĩa vụ của Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia.
Dự thảo luật quy định Quốc vương, hiện là Quốc vương Norodom Sihamoni, sẽ giữ chức Chủ tịch, Thủ tướng giữ chức Phó Chủ tịch và các nhân vật cấp cao của chính phủ là thành viên trong SCND./.
(TTXVN)
-------------
Đạn pháo xe tăng kiểu mới
Các loại xe tăng chủ lực hiện đại được trang bị phổ biến 4 loại đạn pháo chính gồm: Đạn nổ phá; đạn xuyên động năng; đạn xuyên lõm; đạn tên lửa có điều khiển. Từ thực tế trên chiến trường những năm gần đây, nhằm mở rộng khả năng tác chiến của xe tăng và đối phó hiệu quả hơn với các loại mục tiêu như máy bay bay thấp; nhóm phục kích sử dụng vũ khí chống tăng cá nhân... một số quốc gia như I-xra-en, Mỹ, Nga, Đức... đã và đang nghiên cứu phát triển một số loại đạn pháo tăng mới (đạn nổ phá mảnh tác động dọc trục; đạn tấn công gần; đạn caset và đạn xuyên giáp với đầu nổ tự tạo thành) với các cỡ 105mm, 120mm, 125mm để đưa vào trang bị cho các loại xe tăng chủ lực như: Merkava; M1A1/A2; T-90 và Leopard 2.
Đạn nổ phá mảnh tác động dọc trục (đạn tạo dòng mảnh định hướng) là loại đạn pháo mà trong đầu đạn ngoài khối thuốc nổ mạnh (HE) còn bố trí ngăn chứa các phần tử sát thương chuẩn bị sẵn (GPE). Đó là các viên bi hình cầu, hình trụ hoặc khối đa giác sắc cạnh hoặc đinh nhọn... có khối lượng xác định, làm bằng thép hợp kim cứng. Khi đầu đạn nổ trên đường bay sẽ tạo ra dòng các phần tử sát thương có hướng dọc trục đầu đạn với vận tốc từ 400m/s đến 500m/s để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất hoặc trên không. Ngòi nổ của đạn hầu hết là ngòi nổ không tiếp xúc, được điều chỉnh thời điểm phát nổ phù hợp với tình huống chiến đấu. Với khối lượng của khối GPE là 2,5kg; góc mở của trường mảnh định hướng là 100; đạn nổ cách mục tiêu 20m; vòng cung tạo mảnh 3,5m thì diện tích sát thương rộng 38m2 để tiêu diệt các mục tiêu có cấp độ bảo vệ khác nhau.
Đạn tấn công gần: Đây là loại đạn chuyên dùng để sát thương, tiêu diệt bộ binh và các tay súng chống tăng nằm bắn trong công sự hở khi xe tăng chiến đấu ở khoảng cách gần từ 200m đến 500m. Viên đạn tấn công gần giống như các loại đạn pháo tăng khác nhưng bên trong chứa hơn 1000 viên bi thép hợp kim vonfam hoặc tungsten có độ cứng cao. Cụ thể, viên đạn dài 780mm, khối lượng 22,9kg (riêng đầu đạn nặng 11kg). Sau khi đầu đạn được bắn ra khỏi miệng nòng pháo với vận tốc hơn 1.400m/s, ngòi nổ của đạn được điều chỉnh sẵn phát nổ ở cự ly từ 200m đến 500m để phóng hộp bằng nhôm chứa các viên bi thép ra khỏi đầu đạn. Với vận tốc cao, chùm các viên bi bị văng về phía trước để sát thương mục tiêu. Đạn pháo tăng tấn công gần cỡ 120mm do quân đội Mỹ nghiên cứu phát triển đã được sử dụng thử tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan và I-rắc.
Đạn caset (APAM): Là loại đạn pháo xe tăng lưỡng dụng (còn gọi là đạn chùm), do Tập đoàn IMI của I-xra-en phát triển. Đạn sử dụng để tiêu diệt, sát thương đội hình bộ binh đang xung phong hoặc ẩn nấp, mai phục sau công sự sử dụng vũ khí chống tăng cá nhân; bắn máy bay trực thăng đang bay treo hoặc bắn phá công sự bê tông, tường dày của tòa nhà. Hình dáng đạn APAM giống như một viên đạn pháo thông thường, nhưng có 6 mô-đun đạn con được xếp sát nhau trong đầu đạn. Phần đầu được lắp ngòi nổ không tiếp xúc kiểu điện tử. Phía sau là hạt nổ để tạo áp suất đẩy pit-tông về phía sau tác động vào chùm các đạn con làm nổ hạt nổ phía đuôi đạn, đẩy bung đế đạn và phóng rải các mô-đun đạn con. Nhờ ngòi nổ kiểu áp điện, các đạn con bị kích nổ tạo các chùm mảnh văng với tổng khối lượng gần 5kg để sát thương mục tiêu ở phía dưới. Riêng kiểu đạn APAM cỡ 120mm có thể phóng rải tạo mảnh trên diện tích 50m x 20m. Đạn APAM cỡ 105mm đã được trang bị cho xe tăng M60 và các xe tăng trang bị pháo cỡ 105mm của I-xra-en. Đạn APAM cỡ 120mm được trang bị cho xe tăng Merkava và M1 Abrams.
Đạn xuyên giáp với đầu nổ tự tạo thành (EFP): Là một dạng đặc biệt của đầu đạn xuyên lõm được thiết kế để xuyên phá giáp dày đến 100mm ở khoảng cách 200m. Khi lượng nổ lõm của đầu đạn nổ cùng với lớp kim loại ốp trên bề mặt sẽ tạo ra lõi xuyên dạng hình chày. Khối lượng và năng lượng của chày phụ thuộc vào góc mở của kim loại ốp. Để tạo thành chày xuyên đầy đủ góc này phải lớn hơn 1000 hoặc có hình chỏm cầu và độ dày của lớp kim loại phải dày hơn so với lớp kim loại của đầu đạn xuyên lõm. Thông thường, khối lượng của luồng phụt đạn xuyên lõm chiếm 75% khối lượng kim loại ốp, nhưng ở đầu đạn EFP khối lượng của chày xuyên chiếm đến 95% khối lượng kim loại ốp. Sau khi bị nén, chày có đường kính bằng khoảng 1/4 đường kính ban đầu của đầu đạn và chiều dài gần bằng đường kính chày. Vận tốc của chày đạt đến 2,5km/s, thậm chí đến 3,5-5,0km/s vượt đáng kể vận tốc của đạn xuyên động năng. Đầu đạn EFP được ứng dụng cho các loại đạn pháo, tên lửa và bom chống tăng chuyên dùng để tấn công vào nóc xe tăng của đối phương. Đầu đạn EFP thường được chế tạo ở dạng mô-đun đạn con gắn với thiết bị tự động phát hiện mục tiêu bằng ra-đa sóng milimet hoặc sen-sơ hồng ngoại.
Thiều Chí Đáng// QĐND
-------------------
UAV trực thăng vận tải K-Max
Hải quân đánh bộ Mỹ cùng nhà thầu Lockheed Martin đã nghiên cứu phát triển loại trực thăng không người lái (UAV) K-Max trên cơ sở mẫu trực thăng vận tải có người lái Kaman K-Max. Trực thăng sử dụng để vận chuyển lương thực, vũ khí… phục vụ các đơn vị đồn trú ở địa hình hiểm trở. UAV trực thăng vận tải K-Max đã bay tổng cộng gần 490 chuyến với hơn 520 giờ bay, vận chuyển được gần 800 tấn hàng hóa các loại đến các căn cứ hải quân đánh bộ Mỹ ở các khu vực biên giới xa xôi trên địa hình phức tạp của Áp-ga-ni-xtan. K-Max đã chứng tỏ được sự hữu dụng của mình khi vừa bay lượn vòng vừa sử dụng cáp treo để cẩu thành công hàng hóa. Hơn nữa, nó còn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, giúp giảm thiểu các rủi ro cho binh sĩ.
K-Max được thiết kế tương tự như trực thăng một chỗ ngồi với trọng lượng không tải 2,7 tấn; trọng lượng cất cánh tối đa 5,5 tấn. Tầm bay của K-Max đạt hơn 200km, khả năng bay liên tục trong 2,6 giờ với tốc độ trung bình 185km/giờ. Máy bay có khả năng mang được 2,8 tấn hàng hóa khi bay trên mặt biển hoặc vận chuyển 2 tấn vật tư bay trên độ cao 4,8km. Đặc tính nổi bật nhất của K-Max là khả năng tự động hóa cao. Thông qua các chương trình được lập sẵn và phần mềm điều khiển bay có thể tự động dẫn đường cho máy bay đến địa điểm dự định, thả hàng, sau đó quay trở về và tự động hạ cánh. Nếu bay theo chế độ điều khiển từ xa, nhân viên thao tác có thể tùy theo tình huống để can thiệp vào hành trình bay.
Với các tính năng ưu việt, không chỉ Hải quân đánh bộ mới quan tâm đến K-Max mà Lục quân Mỹ cũng đã thử nghiệm dùng UAV này để thả dù tiếp tế. K-Max có thể thả hàng ở tầm thấp, tương thích với nhiều loại dù, có thể thả từ trên không với khối lượng từ 36kg đến 273kg. Lục quân Mỹ cũng đang thử nghiệm dẫn đường cho dù bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS để K-Max có thể tiếp tế mặt đất từ tầm cao hơn. Hiện nay, Lục quân và Hải quân đánh bộ Mỹ đều có kế hoạch sử dụng loại trực thăng không người lái này để thả dù tiếp tế cho binh lính ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh.
Nguyễn Ngọc Toàn
QĐND
---------------------
Lính Mỹ dành trọn 1 ngày để huấn luyện chống tự tử
Quân đội Mỹ đã ngừng mọi hoạt động vào ngày 27/9, dành trọn một ngày cho việc luyện tập ngăn chặn tình trạng tự tử, đang đạt đến con số kỷ lục trong thời gian vừa qua.
Trả lời họp báo trước thềm buổi huấn luyện, Thiếu tá Raymond Chandler cho hay: “Quốc gia yêu cầu binh lính phải gánh vác một trọng trách nặng nề suốt 11 năm qua và họ đã không gục ngã. Nhưng tự tử là kẻ thù mà chúng tôi cần phải đánh bại”.
Theo số liệu thống kê của Quân đội Mỹ, 26 binh lính đã tự tử trong tháng 7/2012, một con số kỷ lục.
Đến cuối tháng 7/2012, con số binh lính đang làm nhiệm vụ tự tử trong năm 2012 đã lên đến 116 người, đe dọa sẽ vượt mức 167 trường hợp năm 2011.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta cho biết, việc giảm tỷ lệ tự tử cao như hiện nay là ưu tiên hàng đầu.
Nói với USA Today ông Panetta cho hay: “Chúng tôi đang nói về những người đàn ông và phụ nữ sẵn sàng đặt cuộc sống của mình trước ranh giới để bảo vệ tổ quốc và tôi nghĩ rằng chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể, cố gắng để bảo vệ cho họ”.
Các chuyên gia tin rằng, nhiều vụ tự tử trong quân đội liên quan đến sự căng thẳng chồng chất từ các hoạt động chiến đấu ở Iraq và Afghanistan.
Trong buổi huấn luyện, binh lĩnh Mỹ đóng quân trên khắp thế giới được giáo dục về các chương trình sức khỏe và hành vi khác nhau.
Hoạt động huấn luyện phòng tránh tự tử cũng dành cho gia đình các binh sĩ cũng như các nhân viên quốc phòng của Mỹ.
Những người đang tham gia hoạt động chiến đấu ở Afghanistan hay đang bị thương nằm trong các bệnh viện quân đội sẽ được huấn luyện vào lần tới.
Trước đó, lính Mỹ đóng quân ở châu Âu được huấn luyện từ 20/9.
Phan Anh (theo Rian, ĐVO)
-----------------
Tổng thống Yemen cảnh báo nguy cơ nội chiến
Phát biểu sau hội nghị "Những người bạn của Yemen" bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Yemen Abdrabbu Mansour Hadi ngày 27/9 cảnh báo rằng Yemen có thể lâm vào nội chiến nếu kế hoạch tiến hành đối thoại dân tộc giữa các phe phái không thành công.
Ông Hadi nhấn mạnh rằng cuộc đối thoại dân tộc dự định bắt đầu vào ngày 15/11 tới sẽ quyết định tương lai của Yemen, đất nước nghèo nàn bị chiến tranh tàn phá. Nếu đại diện của tất cả các phe phái tham gia đối thoại không đạt được thỏa thuận, Yemen sẽ rơi vào nội chiến.
Tổng thống Hadi nắm quyền ở Yemen từ tháng Hai sau gần một năm rối loạn chính trị ở nước này. Ông cho rằng bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra ở Yemen cũng có thể trở thành mồi lửa lan ra toàn khu vực vốn đã bất ổn.
Cũng tại hội nghị "Những người bạn của Yemen", Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) cho rằng cộng đồng quốc tế cần ủng hộ việc chuyển giao chính trị một cách hòa bình và trật tự ở Yemen.
Theo ông, vấn đề chuyển tiếp chính trị và tái thiết kinh tế ở Yêmen đã đạt tiến bộ, song nước này vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn và thách thức, nên cần sự ủng hộ và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Ông nêu rõ Trung Quốc luôn ủng hộ Chính phủ Yemen ổn định đất nước và tái thiết nền kinh tế, và sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc giúp Yemen ổn định và phát triển.
Tổng thống Hadi tới New York dự khóa họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 67 và đã có cuộc gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.
Tại cuộc gặp, ông Ban Ki-moon cam kết ủng hộ quá trình quá độ ở Yêmen, đồng thời hoan nghênh vai trò của ông Hadi trong việc lãnh đạo Yemen tiến lên phía trước.
Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi tất cả các phe phái ở Yemen nắm lấy cơ hội đối thoại dân tộc để đạt được cải cách, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho người dân nước này.
TTXVN/ Tin Tức
----------------------
Xảy ra chiến sự chưa từng thấy ở thành phố Aleppo
Các cư dân cũng như một tổ chức phi chính phủ (NGO) cho biết trong ngày 28/9 đã xảy ra chiến sự "chưa từng thấy" làm rung chuyển thành phố lớn thứ nhì của Syria là Aleppo, nơi lực lượng nổi dậy tuyên bố tiến hành một trận chiến quyết định.
"Chiến sự ác liệt chưa từng thấy và kéo dài suốt từ hôm 27/9. Các vụ đụng độ trước đây chỉ ở một vài khu nhà nhưng bây giờ diễn ra trên nhiều trận tuyến," giám đốc Rami Abdel Rahman của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria nói.
Các cư dân cũng nói với hãng tin AFP rằng tình trạng bạo lực là "chưa từng thấy."
Chiều 27/9, hàng nghìn binh sĩ nổi dậy tại Syria đã phát động trận chiến mà lực lượng này nói mang tính quyết định để giành quyền kiểm
Tin tức cho hay chiến sự ác liệt xảy ra ở 14 quận mặc dù người ta chưa xác nhận được về quy mô của các cuộc giao tranh.
Một đoạn video được phe nổi dậy đăng tải trên YouTube cho thấy Abdulqdir al-Saleh, người đứng đầu lực lượng nổi dậy lớn nhất ở Aleppo tên là Tawheed Brigade, mang một chiếc máy bộ đàm và tuyên bố bắt đầu vụ tấn công.
"Cuộc tấn công nhằm vào lực lượng của Assad đã bắt đầu trên tất cả các mặt trận và hôm nay ý Chúa là quyết định ở Aleppo," ông này nói./.
(Vietnam+)
-------------
Tuần duyên Nhật Bản cứu hộ thủy thủ Trung Quốc
Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản (JCG) đã cứu được hơn mười thủy thủ Trung Quốc sau khi một chiếc tàu đăng ký tại Panama bị cháy ở biển Nhật Bản.
Hình ảnh của truyền hình cho thấy khói bốc lên từ tàu chở hàng Hao Han, có trọng tải 1.999 tấn, khi con tàu đang ở vùng biển ngoài khơi Osaka, phía Tây Nhật Bản.
Lực lượng cứu hộ Nhật đã cứu được các thủy thủ và đưa đến nơi an toàn trước khi ngọn lửa kịp bùng lên.
Người phát ngôn của JCG cho biết không có ai bị thương trong vụ cháy xảy ra vào đêm ngày 27/9.
Chiếc tàu nói trên đã rời cảng Kagoshima phía Nam Nhật Bản vào thứ Sáu tuần trước, đã cập vào 2 cảng khác ở Nhật trước khi lên đường quay về Trung Quốc, chở theo 1.000 tấn phế liệu.
Đài NHK đã truyền hình trực tiếp vụ cứu hộ con tàu này, với cảnh lực lượng JCG dùng vòi rồng để dập tắt ngọn lửa.
JCG cũng chính là lực lượng đã sử dụng vòi rồng để đối phó với các tàu cá và tàu tuần duyên Đài Loan bị cáo buộc xâm phạm vùng biển nước này ở khu vực gần quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) cách đây vài ngày./.
(Vietnam+)
---------------
Syria: Quân nổi dậy mở trận quyết chiến tại Aleppo
(NLĐO) - Hàng ngàn binh sĩ nổi dậy tại Syria chiều 27-9 đã phát động một trận quyết chiến nhằm giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Aleppo, miền Bắc Syria.
"Đêm nay, Aleppo sẽ là của chúng tôi, hoặc chúng tôi sẽ bị đánh bại” - Abu Furat, một chỉ huy quân nổi dậy tuyên bố. Lời tuyên bố được đưa ra sau khi 300 người bị giết hại trong ngày đẫm máu nhất trong cuộc khủng hoảng kéo dài 18 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này.
Một video đăng tải trên YouTube cho thấy Abdulqdir al-Saleh, người đứng đầu lực lượng nổi dậy lớn nhất ở Aleppo tên là Tawheed Brigade, tuyên bố bắt đầu vụ tấn công.
Thành phố Aleppo trở thành điểm nóng của cuộc xung đột từ tháng 7 khi quân nổi dậy phát động một cuộc phản công lớn và kiểm soát phần lớn trung tâm thương mại của đất nước này. Sau một số thắng lợi ban đầu, quân nổi dậy có phần chững lại do thiếu vũ khí, đạn dược. Ít nhất 7 người thiệt mạng tại đây hôm 27-9 khi quân chính phủ tràn vào các quận ở phía đông và tây nam, cơ quan giám sát nhân quyền cho biết.
Được biết, bạo lực nổ ra sau một vụ đánh bom xe gần cứ điểm quân sự trong đêm ở tỉnh Idlib, cách Aleppo 25 km. Riêng trong ngày 27-9, ít nhất 59 người thiệt mạng trên toàn Syria, trong đó có 38 dân thường, 16 quân chính phủ và 5 người thuộc lực lượng nổi dậy.
Trong khi đó, tại Damascus, theo PressTV, quân chính phủ Syria đã quét sạch bóng quân nổi dậy ở quận Jobar. Ngoài ra lực lượng chính phủ cũng giành lại nhiều trang thiết bị y tế bị quân nổi dậy chiếm giữ ở các bệnh viện công cộng. Đồng thời đài này cũng khẳng định rằng phóng viên Press TV Maya Naser mới thiệt mạng tại Syria thực ra là một mục tiêu ám sát nhằm chống lại các cán bộ báo chí của nước này.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng cáo buộc chính sách của các nước phương Tây đang gây rối tại nhiều vùng lãnh thổ và quốc gia trên thế giới, trong đó có Syria.
Đỗ Quyên (Theo Nation, PressTV, NLĐ)