Việt – Trung nhất trí phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ
Trong hai ngày 26 – 27/9/2012, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đã diễn ra đàm phán vòng II cấp chuyên viên Việt Nam – Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Đàm phán diễn ra trong không khí hữu nghị, thẳng thắn và xây dựng. Hai bên khẳng định quyết tâm cùng nỗ lực thúc đẩy đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc đã được xác định trong “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký tháng 10 năm 2011, vững bước thúc đẩy phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này.
Hai bên nhất trí nguyên tắc chỉ đạo phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ là căn cứ vào Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan.
Hai bên thỏa thuận tiến hành đàm phán vòng III cấp chuyên viên Việt Nam – Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào nửa đầu năm 2013 tại Việt Nam.
H.A // ĐVO
-----------
Thủ đô Bangkok đứng trước trận lụt lớn nhất 50 năm qua
Thủ đô Bangkok vào mùa thu này có nguy cơ sẽ bị lũ lụt rất lớn. Theo dự báo khí tượng, đây có thể là trận lụt lớn nhất trong vòng 50 năm qua.
Các phương tiện truyền thông Thái Lan thông báo rằng hiện nay lượng mưa ở Bangkok đã đạt tới mức nguy kịch. Trong những ngày cuối cùng, lượng mưa đổ xuống thủ đô Thái Lan đã nhiều gấp hai lần so với khả năng xử lý của hệ thống thoát nước. Nhiều khu vực bị ngập lụt nặng. Trong hơn 20 khu vực của thành phố đã tuyên bố báo động do mực nước tăng cao theo dự báo. Giao thông trên các đường phố bị tê liệt.
Tháng 10/2011, sông Chao Phraya đã làm ngập lụt khu vực trung tâm Bangkok và Cung điện Hoàng gia. Khi đó đã thực hiện sơ tán hàng ngàn cư dân thành phố và khách du lịch ra khỏi Bangkok. Tại thời điểm hiện nay, không có cư dân cũng như khách du lịch nào rời thủ đô Bangkok./.
Theo VOR, ĐVO
---------------
Mỹ cảnh báo an ninh tại Philippines
Ngày 28.9, Mỹ bất ngờ ban hành cảnh báo về nguy cơ xảy ra một vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Manila của Philippines nhằm vào công dân nước này.
AFP dẫn thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Manila kêu gọi công dân Mỹ “hết sức thận trọng và nên hủy bỏ các cuộc tụ họp ở Vùng đô thị Manila, đặc biệt là khu vực Pasay”. Theo sứ quán, cảnh báo này có hiệu lực tới ngày 10.10.
Đại sứ Harry Thomas cũng đã ra lệnh tăng cường an ninh đối với tất cả các cơ sở của Mỹ tại Manila nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Pasay là nơi đặt một khu phức hợp của ngoại giao đoàn Mỹ cũng như trụ sở Bộ Ngoại giao Philippines. AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez tuyên bố chính quyền Manila đang phối hợp với phía Mỹ để bảo đảm an toàn cho mọi công dân nhưng cũng từ chối cho biết chi tiết.
Lê Loan // Thanh Niên
--------------------
Chính phủ Thái bị kiện vì trợ giá gạo
Một nhóm nhà khoa học, giảng viên đại học, sinh viên và một số nông dân Thái Lan nộp đơn lên Tòa Hiến pháp yêu cầu buộc chính phủ ngưng trợ giá gạo. Đơn kiện cáo buộc chương trình này vi phạm hiến pháp và sai lầm, gây thiệt hại hàng triệu USD, đồng thời yêu cầu chính phủ điều chỉnh mức trợ giá thấp hơn còn không phải ngưng hẳn.
Chương trình trợ giá gạo bắt đầu từ vụ mùa năm 2011-2012 và được gia hạn trong giai đoạn 2012-2013. Chính sách này nhận được sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và gây nhiều tranh cãi ở Thái Lan. Đa số nông dân trồng lúa cũng ủng hộ vì đây là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất.
Trong một diễn biến khác, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Yongyuth Wichaidit tuyên bố từ bỏ mọi chức vụ liên quan tới cáo buộc cố ý làm trái trong một cuộc mua bán đất đai hồi năm 2002.
Minh Quang // Thanh Niên
(VP Bangkok)
-------------------
Myanmar kêu gọi quốc tế ủng hộ
Tổng thống Myanmar Thein Sein đã nhấn mạnh các cam kết cải cách lâu dài và đề nghị cộng đồng quốc tế hãy “thấu hiểu và ủng hộ”.
Hôm qua, Tổng thống Thein Sein trở thành nguyên thủ đầu tiên của Myanmar phát biểu trước Đại hội đồng LHQ tại New York (Mỹ), theo AFP. Ông nhấn mạnh Myanmar đang tích cực cải cách và đưa ra một số ví dụ như các cuộc bầu cử gần đây, phóng thích tù chính trị và gỡ bỏ kiểm duyệt truyền thông. Tuy nhiên, theo Tổng thống Myanmar, nước này đang thiếu hụt nguồn vốn, nhân lực và hỗ trợ kỹ thuật. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường đầu tư nhằm giúp Myanmar duy trì ổn định và thúc đẩy tăng trưởng. Ông Thein Sein cũng thúc giục người Myanmar ở nước ngoài quay về góp phần phát triển đất nước. Tổng thống cũng cam kết sẽ tăng cường đối thoại với các lực lượng vũ trang ly khai trong nước, đặc biệt là Quân đội Độc lập Kachin (KIA) tại miền bắc. Dẫn chứng là chính phủ đã ký kết 10 thỏa ước với các nhóm vũ trang, nhà lãnh đạo cho hay và nói thêm “các cuộc đàm phán hòa bình sẽ được tiếp tục để đạt được thỏa thuận cuối cùng với mục tiêu chấm dứt hoàn toàn xung đột”, theo Bloomberg.
Trong bài phát biểu, ông còn gây bất ngờ khi khen ngợi nghị sĩ đối lập Aung San Suu Kyi. “Là một công dân Myanmar, tôi muốn chúc mừng bà San Suu Kyi vì những nỗ lực của bà cho nền dân chủ đã được vinh danh tại Washington”, AFP dẫn lời Tổng thống Thein Sein phát biểu. Ông có ý nhắc tới việc bà Aung San Suu Kyi được đón tiếp nồng nhiệt nhân chuyến thăm Mỹ từ ngày 19.9. Từ khi nhậm chức hồi đầu năm ngoái, chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã nhanh chóng xúc tiến cải cách chính trị - kinh tế cũng như hòa giải dân tộc. Quan hệ giữa Tổng thống Thein Sein và nghị sĩ San Suu Kyi cũng được cải thiện đáng kể. Việc cả ông Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi đều cùng lúc đến Mỹ với nỗ lực quảng bá hình ảnh mới của Myanmar cho thấy sự hợp tác của mọi lực lượng chính trị vì một tương lai mới cho nước này.
Một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo với Tổng thống Thein Sein rằng Washington sẽ từng bước xóa lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Myanmar, các công ty của Nga đang nỗ lực thương thuyết với nước này với hy vọng tăng cường quan hệ trong lĩnh vực dầu và khí đốt, theo Bloomberg.
Lan Chi // Thanh Niên
--------------
Phó Thủ tướng Thái Lan từ chức vì vụ bê bối hối lộ
AFP/Tân Hoa xã đưa tin, Phó Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch Đảng Vì nước Thái (Puea Thai) cầm quyền Yongyuth Wichaidit chiều 28/9 đã tuyên bố từ nhiệm tất cả các chức vụ đang nắm giữ trong nội các vì vụ bê bối liên quan tới cáo buộc nhận hối lộ và lo ngại gây ra hậu quả chính trị cho chính phủ.
Ông Yongyuth, người kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan, hiện đảm nhận vị trí quyền thủ tướng trong thời gian Thủ tướng Yingluck Shinawatra đi Mỹ dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Ngoài ra, ông cũng giữ nhiều vị trí cấp cao khác trong một số cơ quan chính phủ.
Ông Yongyuth, 70 tuổi, đã bị Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia Thái Lan kết tội phê chuẩn trái phép vụ bán lô đất thuộc sở hữu của hoàng gia cho một nhà phát triển sân golf khi còn là Phó Thư ký Thường trực Bộ Nội vụ hồi năm 2000. Song ông bác bỏ mọi cáo buộc này.
Phát biểu với báo giới tại Bangkoj, ông Yongyuth nói: "Tôi quyết định tự nguyện từ chức phó thủ tướng và bộ trưởng nội vụ." Tuy nhiên, ông Yongyuth vẫn tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Đảng vì nước Thái và là nghị sĩ của đảng này tại quốc hội.
Quyết định từ chức sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10./.
(Vietnam+)
-------------
Liên Hợp Quốc tiếp tục thảo luận các vấn đề nóng
Các vấn đề Trung Đông, Bắc Phi và tiến trình cải cách tại nhiều nước trên thế giới vẫn là chủ đề “nóng” được thảo luận.
Lãnh đạo 193 nước trên thế giới hôm qua (27/9) bước vào ngày họp thứ 3 phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 67 tại thành phố New York (Mỹ).
Trong ngày họp thứ 3 của phiên họp Đại hội đồng LHQ khóa 67, khoảng 30 nhà lãnh đạo thế giới thừa nhận, thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức, trong đó có cuộc xung đột Israel-Palestine, vấn đề hạt nhân của Iran, cuộc khủng hoảng tại Syria. Bên cạnh đó, cũng có nhiều điểm sáng như quá trình cải cách tại Tunisia, Libya, Nam Sudan hay Myanmar.
Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua lần lượt có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ. Nếu như Tổng thống Abbas nhấn mạnh tính cấp thiết phải cứu vãn hòa bình và thành lập nhà nước Palestine, thì Thủ tướng Israel lại dành phần lớn bài diễn văn của mình cho những mối nguy cơ từ chương trình hạt nhân của Iran.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, cần phải thiết lập một ranh giới đỏ nhằm ngăn cản quyết tâm của Iran làm giàu urani, đồng thời cảnh báo, Iran đã hoàn thành bước đầu tiên trong 3 bước tiến tới sản xuất vũ khí hạt nhân.
Cuộc khủng hoảng tại Syria một lần nữa trở thành chủ đề nóng trong ngày họp thứ 3 của phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 67 này. Tổng thống Bosnia-Herzegovina còn so sánh “những gì xảy ra tại Syria như vụ thảm sát tại Srebrenica ở miền Đông nước này hồi năm 1995. Theo ông, cách tốt nhất để chấm dứt tình trạng hiện nay là không lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Vì thế cần hành động ngay lúc này và hành động một cách quyết liệt.
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra kêu gọi giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 18 tháng qua tại Syria: "Tình hình tại Syria đang tiếp tục xấu đi. Thái Lan lo ngại sâu sắc về ảnh hưởng nhân đạo của các vụ bạo lực nhằm vào dân thường và lên án mạnh mẽ những hành vi này. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay việc sử dụng vũ lực nhằm vào dân thường. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên ngồi vào bàn đối thoại nhằm tìm ra một giải pháp chính trị. Điều này chỉ có thể đạt được bằng nỗ lực của chính người dân Syria.”
Bên cạnh những căng thẳng tại Trung Đông và Bắc Phi, ba ngày họp vừa qua của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Đây là dịp để Phó Tổng thống Nam Sudan Duagon xác nhận thỏa thuận đã ký mới đây giữa Tổng thống Sudan và Nam Sudan, mà theo ông là cho phép 2 nước tiếp tục công cuộc phát triển đất nước trong bầu không khí hòa bình bền vững, mở đường cho việc giải quyết các vấn đề liên quan tới an ninh, biên giới và chia sẻ tài nguyên dầu mỏ.
Tại châu Á, Myanmar đang dần đạt được những bước tiến trên con đường dân chủ. Tại phiên họp, Tổng thống Myanmar Thein Sein nhấn mạnh, Myanmar đang bước vào một kỷ nguyên mới và chính phủ nước này vẫn đang nỗ lực thực hiện các cải cách tích cực, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tích cực hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này trong công cuộc phát triển kinh tế nhằm đảm bảo sự thành công của tiến trình cải cách.
Tổng thống Myanmar Thein Sein cho biết: “Myanmar đang thực hành chính sách đối ngoại không phân biệt Đông Tây. Chúng tôi muốn xây dựng quan hệ tốt với tất cả các nước. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, tôi khẳng định, các quyết định đưa ra sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của đất nước và mong muốn của người dân.”
Hôm nay, lãnh đạo 193 nước thành viên Liên hợp quốc bước vào ngày họp thứ 4, với cuộc họp cấp cao về chủ nghĩa khủng bố hạt nhân./.
Thu Hoài/VOV – TTTin/Tổng hợp
---------------------
Mỹ lại gây sức ép với Trung Quốc về tranh chấp biển đảo
(VnMedia) - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton hôm nay (28/9) tiếp tục kêu gọi nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp lãnh hải căng thẳng với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Hillary đã nhấn mạnh với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì về tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp giữa nước này với Nhật Bản quanh quần đảo Senkuku/Điếu Ngư và với các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan hãy giữ cái đầu lạnh. Trung Quốc và Nhật Bản cần phải đối thoại với nhau để làm yên vùng biển tranh chấp. Chúng tôi tin, Nhật Bản và Trung Quốc có thể ngồi lại với nhau và làm dịu căng thẳng hiện nay”, vị quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Bà Hillary đã gây sức ép với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì về vấn đề tranh chấp biển đảo trong cuộc gặp riêng giữa hai vị quan chức ngoại giao hàng đầu này bên lề một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nữ Ngoại trưởng Mỹ được cho là cũng sẽ gây sức ép với người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba khi hai nhà ngoại giao này có cuộc hội đàm ở New York.
Mỹ được cho là đang rất khó xử trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản. Về lý thuyết, Mỹ sẽ phải đứng về phía Nhật Bản bởi Mỹ là đồng minh lớn nhất của cường quốc Châu Á này. Hơn nữa, hai nước Mỹ và Nhật Bản còn có ràng buộc với nhau bởi một hiệp ước phòng thủ chung. Tuy nhiên, xét trên thực tế, Mỹ hoàn toàn không muốn gây căng thẳng quá mức với Trung Quốc bởi điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ.
Vì lý do trên, Mỹ đã và đang nỗ lực tìm cách tháo “ngòi nổ” cuộc tranh chấp căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi tuần trước đã có chuyến công du Châu Á để xoa dịu cả hai nước này. Bất chấp những nỗ lực của Mỹ, cả Tokyo và Bắc Kinh đều tỏ ra rất quyết liệt và không ai chịu lùi bước trong cuộc tranh chấp hiện nay.
Kiệt Linh - (tổng hợp)// VNmedia
----------
Sứ quán Trung Quốc ở Nhật nhận được bom thư
(VTC News)- Sứ quán Trung Quốc tại Tokyo hôm 27/9 đã nhận được một bom thư rất đáng ngờ, trang mạng điện tử Nhân dân Nhật báo dẫn nguồn tin của Nhật hôm 28/9.
Ngay sau đó, website chính thức của sứ quán Trung Quốc tại Tokyo cũng đã lên tiếng xác nhận thông tin trên.
Theo đó, hôm 27/9, sứ quán Nhật đã nhận được lá thư bên trong có chứa một viên đạn thật. Trên lá thư này có ghi người gửi là "Yoshihiko Noda"- tên của Thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản.
Vì lý do an toàn, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu cơ quan an ninh Nhật tăng cường đảm bảo an toàn cho các nhân viên, doanh nghiệp và các cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Nhật Bản.
Theo lời cảnh sát Tokyo, bom thư đầy ác ý trên được cho là nhằm vào tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Cảnh sát Tokyo đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Căng thẳng Trung - Nhật leo thang kể từ sau khi Nhật tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hôm 11/9, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra ở các thành phố của Trung Quốc.
Truyền thông hai nước liên tiếp có những cuộc khẩu chiến nảy lửa, cả Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố sẽ không nhượng bộ trong tranh chấp liên quan chủ quyền Điếu Ngư/Senkaku.
( Theo VTC)
---------------------------
Iran thề trả đũa nếu bị tấn công
TTO - Ngay sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi thiết lập “đường ranh đỏ” để ngăn Iran chế tạo bom hạt nhân, nước cộng hòa Hồi giáo này tuyên bố sẽ “đáp trả” lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ bên ngoài.
Theo BBC ngày 28-9, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 27-9, ông Netanyahu nói Iran có thể có đủ vật liệu để chế tạo bom hạt nhân vào giữa năm tới, và quốc tế cần phải gửi một thông điệp rõ ràng để ngăn chặn Tehran tiếp tục con đường của mình.
Cụ thể theo ông Netanyahu, cần phải thiết lập “đường ranh đỏ” đối với chương trình hạt nhân Iran. “Đường ranh đỏ không dẫn tới chiến tranh mà ngăn chặn chiến tranh - ông nói - Không gì gây nguy hiểm cho thế giới bằng một Iran có vũ khí hạt nhân”.
Đáp lại, phó đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Eshagh al-Habib nói Iran đủ mạnh để tự vệ, và sẽ “đáp trả toàn lực bất kỳ cuộc tấn công nào”.
Ông cũng cáo buộc Thủ tướng Netanyahu đưa ra những “cáo buộc vô căn cứ” chống lại chương trình hạt nhân “vì mục đích hòa bình” của Iran.
The Australian cho biết sau bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, ông Netanyahu đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong hơn một giờ. Phía Mỹ sau đó tuyên bố hai bên đã “chia sẻ mục tiêu” ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân và sẽ tiếp tục hợp tác để đạt được mục tiêu đó.
Trước đó hôm 25-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ “làm những gì phải làm” để ngăn chặn bom hạt nhân của Iran.
MINH ANH// Tuổi trẻ
---------------------
Israel: 'Thế giới sẽ lâm nguy vì Iran'
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua cảnh báo rằng Iran sẽ đủ khả năng chế tạo bom hạt nhân trong năm sau và kêu gọi thế giới vạch ra "giới hạn đỏ" để ngăn chặn kế hoạch của Tehran.
Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Israel tuyên bố việc ngăn chặn Iran tiến hành sản xuất vũ khí hạt nhân đã rất gấp, và tương lai của thế giới đang bị đe dọa bởi Tehran, Telegraph cho hay.
Theo ông Netanyahu, Iran chắc chắn sẽ trở thành quốc gia hạt nhân trừ khi được ngăn chặn, chậm nhất là vào mùa hè năm sau. Thủ tướng Israel nói rõ ông muốn Mỹ đưa ra "giới hạn đỏ" cho Iran, nếu Iran vượt qua giới hạn đó, quân đội Mỹ sẽ hành động, mặc dù ông hy vọng Tehran không đi quá giới hạn.
"Giới hạn đỏ sẽ ngăn chặn chiến tranh. Trên thế giới, không gì nguy hiểm hơn việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân", ông Netanyahu vừa nói vừa dùng một bức tranh minh họa quá trình sản xuất bom của Iran và vẽ lên đó đường đỏ, là giới hạn mà Iran cần dừng lại.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vạch ra giới hạn đỏ cho Iran. Ảnh: AP
Theo Israel, Iran đã hoàn tất giai đoạn đầu của việc làm giàu uranium. "Iran đã đi được 70% quãng đường và đang bước vào giai đoạn hai. Đến mùa hè năm sau, với mức làm giàu uranium hiện tại, họ sẽ hoàn thành mức làm giàu trung bình và đi vào giai đoạn cuối cùng. Đến thời điểm đó, sẽ chỉ mất vài tuần để chế tạo ra một quả bom", người lãnh đạo Israel nói.
Ông Netanyahu lặp lại nhiều lần rằng đây là thời điểm cần thiết để thực hiện những hành động ngăn chặn quốc gia Hồi giáo sở hữu vũ khí hạt nhân và các biện pháp trừng phạt cần được xem xét kỹ lưỡng. Theo ông, khi đối mặt với "giới hạn đỏ", Iran sẽ dừng lại và lúc đó sẽ có thêm thời gian cho các biện pháp trừng phạt và ngoại giao.
Israel nhiều lần đề nghị Mỹ ngăn chặn chương trình làm giàu uranium của nước láng giềng nhưng chính quyền của Tổng thống Obama cố gắng kiềm chế Israel sử dụng vũ lực với Iran. Trong bài phát biểu trước Đại Hội đồng hôm 25/9, Tổng thống Obama nói Mỹ muốn giải quyết vấn đề với Tehran qua phương thức hòa bình nhưng cũng cho biết Washington sẽ làm "điều cần phải làm" để ngăn chặn Tehran chế tạo bom hạt nhân.
Trước đó, cũng trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nói Israel không có gốc rễ ở Trung Đông và sẽ bị "hủy diệt". Ông cũng không quan tâm đến lời đe dọa của Israel về việc tấn công vào cơ sở hạt nhân, đồng thời kêu gọi các điều kiện kinh tế tốt hơn cho nước cộng hòa Hồi giáo bởi "Iran không xấu xa như phương Tây miêu tả".
Vũ Hà // VNexpress
--------------------
Rơi máy bay ở Nepal, 19 người thiệt mạng
TPO- 19 người đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay tại khu vực gần Kathmandu ở Nepal
Chiếc máy bay Dornier, thuộc sở hữu của công ty tư nhân Sita Air, gặp tai nạn khi đang bay từ Kathmandu đến Lukla ở khu vực núi Everest.
Phát ngôn viên cảnh sát Binod Sighn nói: “Chiếc máy bay bốc cháy và đâm vào núi khoảng 2 phút sau khi cất cánh từ Kathmandu. Đội cứu hộ đã khẩn trương đến nơi xảy ra tai nạn”.
Truyền hình nhà nước Nepal cho hay chiếc máy bay chở theo 19 người, trong đó có 16 hành khách và 3 người thuộc phi hành đoàn.
“Tất cả số người trên chiếc máy bay xấu số có thể đã thiệt mạng”, theo truyền hình Nepal. Nguyên nhân của vụ tai nạn hiện vẫn chưa được rõ.
Trong số 19 người thiệt mạng có cả người Nhật, Ý và Anh.
“Chiếc máy bay chìm trong lửa khi chúng tôi đến. Số người thiệt mạng mới được nhận dạng gồm 5 người Nhật Bản, 2 người Ý và 1 người Anh”, ông Rajan Adhikari, cảnh sát Nepal cho biết.
Vào tháng 5 vừa qua, 15 người cũng đã thiệt mạng khi một chiếc máy bay rơi xuống một ngọn đồi ở phía bắc nước này.
Phan Yến
Theo Sina// TPO
----------------
Nhật - Hàn thúc đẩy quan hệ trừ vấn đề tranh chấp lãnh thổ
(VOV) - “Hai bên đều khẳng định lập trường của mình và nói những gì phải nói, nhưng cả hai trao đổi hết sức bình tĩnh.”
Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tăng cường quan hệ trên các mặt, ngoại trừ vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với đảo Takeshima (theo cách gọi của Nhật Bản) và Dokdo (theo cách gọi của Hàn Quốc). Đây là quan điểm chung giữa ngoại trưởng hai nước trong cuộc hội đàm được tổ chức ngày 27/9 bên lề Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức hội đàm chính thức kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đến thăm hòn đảo tranh chấp hôm 10/8 châm ngòi cho căng thẳng giữa hai nước.
Trong cuộc hội đàm kéo dài 30 phút, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và Bộ trưởng Ngoại giao Thương mại Hàn Quốc Kim Sung-hwan đã tập trung trao đổi về vấn đề nổi cộm nhất hiện nay trong quan hệ hai nước là chủ quyền đối với hòn đảo tranh chấp. Mặc dù quan điểm hai bên về vấn đề này hoàn toàn chưa có điểm chung nhưng ngoại trưởng hai nước đã thống nhất xây dựng mối quan hệ tích cực hướng đến tương lai trên các lĩnh vực khác như kinh tế, an ninh.
Phát biểu với báo giới sau hội đàm, Ngoại trưởng Nhật Bản Gemba nói: “Tôi không thấy có không khí căng thẳng trong cuộc hội đàm. Hai bên đều khẳng định lập trường của mình và nói những gì phải nói, nhưng cả hai bên đều trao đổi hết sức bình tĩnh.”
Mặc dù cuộc hội đàm không đạt được tiến triển gì đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền nhưng đây được xem là động thái cho thấy cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không muốn tranh chấp chủ quyền ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của quan hệ song phương./.
Hoàng Liên Sơn/VOV-Tokyo
--------------------------
Dân Israel ngày càng lo sợ xảy ra chiến tranh
(GDVN) - Một cuộc khảo sát do tờ Haaretz của Israel thực hiện từ đầu tuần này cho thấy đa phần người Israel được hỏi đều “rất lo ngại” cho sự tồn vong của Israel trong trường hợp cuộc chiến nổ ra.
Press TV ngày 27/9 đưa tin, một cuộc khảo sát do tờ Haaretz của Israel thực hiện từ đầu tuần này cho thấy đa phần người Israel được hỏi đều “rất lo ngại” cho sự tồn vong của Israel trong trường hợp cuộc chiến nổ ra.
Cuộc khảo sát này được Giáo sư Camil Fuchs, chuyên gia thống kê đến từ Đại học Tel Aviv hướng dẫn thực hiện cho thấy chỉ có 1/4 số người được phỏng vấn không lo sợ về tương lai của Israel trong trường hợp xảy ra đối đầu quân sự với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
65% người được phỏng vấn nói rằng Tel Aviv sẽ không dám tiến hành tấn công quân sự chống lại Iran nếu không được Mỹ hậu thuẫn. Tỉ lệ này hồi tháng 6 là 52%.
Khảo sát này cũng cho thấy hơn 83% người Palestine và 77% người Israel tin rằng việc Israel tấn công Iran sẽ dẫn tới một cuộc xung đột lớn trong khu vực.
Gần đây Mỹ, Israel và một số đồng minh đã lên tiếng cáo buộc Iran theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích quân sự, và Israel liên tục đe dọa tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran dựa trên lời cáo buộc không có cơ sở này.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tiến hành nhiều đợt thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran nhưng chưa hề phát hiện được bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ chương trình hạt nhân của Iran phục vụ cho mục đích quân sự.
Trong khi đó, Israel được cho là sở hữu từ 200 đến 400 đầu đạn nguyên tử lại không tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và tiếp tục phớt lờ lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế tham gia vào Hiệp ước này.
Gần đây Tel Aviv đã tăng cường thái độ hung hăng đối với Iran bất chấp cảnh bảo của các quan chức an ninh và tình báo Israel. Iran đã tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ hành động quân sự nào chống lại đất nước này và cảnh báo rằng hành động đó có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh lan rộng trên khắp Trung Đông.
Bảo Thành (Nguồn: Press TV, GDVN)
---------------------
Điều tra 1,6 tỷ USD sử dụng sai mục đích
Ngay trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản vào tháng 11 tới, đài NHK nổi tiếng trung lập đã khiến đương kim Thủ tướng Noda, Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền mất điểm nặng nề trước cử tri khi công bố kết quả cuộc điều tra gây chấn động
Điều tra của Đài truyền hình Quốc gia Nhật Bản NHK đã tiết lộ rằng một phần đáng kể của 19 nghìn tỷ Yên (tương đương 150 tỷ USD) dành cho việc khắc phục thảm họa kép tháng 3/2011 đã bị chi sai mục đích, như tài trợ cho ngành công nghiệp đánh bắt cá voi, đào tạo nghề cho tù nhân hay thậm chí tài trợ cho các nghiên cứu hạt nhân. Vụ việc đang khiến dư luận Nhật Bản phẫn nộ, đặc biệt là các nạn nhân của thảm họa, và làm cho uy tín của Chính phủ Thủ tướng Noda bị suy giảm nghiêm trọng. Bởi để có được khoản tiền tái thiết khổng lồ này, người dân Nhật phải chịu đựng các biện pháp thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo từ năm 2011 đến 2015 như tăng thuế, cắt giảm phúc lợi xã hội.
Cuộc điều tra được tiến hành khi một số công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa kép phàn nàn rằng họ vẫn chưa nhận được quá 60% các khoản trợ cấp như đã hứa hẹn từ phía chính phủ để phục hồi hoạt động. Các khoản chi sai mục đích số tiền mồ hôi nước mắt của dân Nhật được NHK phanh phui với những địa chỉ nhận rõ ràng.
Bộ Tư pháp nước này thì cho biết, khoản tiền 28 triệu Yên mà họ nhận sẽ được dùng để đào tạo nghề và tìm việc cho các tù nhân sau khi ra tù để đảm bảo họ không tái phạm. Nhưng NHK phát hiện các tù nhân này lại không phải ở các khu vực xảy ra thảm họa. Trong khi đó, tỉnh Okinawa được cấp 500 triệu Yên để xây dựng một đoạn đê chắn sóng biển mà theo đài NHK là không thực sự cần thiết bởi đối tượng bảo vệ của đoạn đê này lại là một cánh rừng ngập mặn vốn chịu đựng rất tốt trước các đợt sóng biển.
Một dự án giao lưu văn hóa vốn đã bị Bộ Ngoại giao Nhật Bản hủy bỏ cuối năm 2011 nay lại được khởi động lại. Theo đó, sinh viên từ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ được mời du lịch đến Nhật Bản để thưởng thức văn hóa đất nước Phù Tang bằng 7,2 tỷ Yên (56,9 triệu USD) tiền đóng thuế của người dân Nhật. Thậm chí, hai ngày tham quan hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng Tohoku còn được thêm vào kế hoạch ban đầu. Khi những thông tin này được công bố trên kênh truyền hình NHK, người dân Nhật Bản đã rất giận dữ khi chính họ đang phải làm việc quần quật ngày đêm để cố gắng đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Theo thống kê của NHK, cho đến nay mới chỉ có 77,9 tỷ Yên (615,8 triệu USD) đã được giải ngân cho các doanh nghiệp nhỏ trong ba tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa. Trong khi đó, tổng số tiền được phê duyệt là 202 tỷ yên (1,6 tỷ USD).
Ngày 11/3/2011, một trận động đất kinh hoàng 9 độ richte xảy ra tại các tỉnh miền đông bắc Nhật Bản kéo theo một trận sóng thần khủng khiếp, hủy diệt mọi thứ trên đường đi của nó. Ít nhất 15.854 người đã bị thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương, hơn 3.000 người mất tích. 128.558 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn khi sóng thần, động đất quét qua, hơn 900.000 ngôi nhà khác bị hư hại. Ước tính, thiệt hại vật chất của Nhật Bản vì thảm họa này lên tới 300 tỷ USD.
Thanh Tùng (Theo Nhk.or.jp, NĐT)
-----------------
Chính quyền Iran có thể bị lật đổ
(NLĐO) – Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang gây ra những “tác động thê thảm” đối với kinh tế Iran. Ngoài ra, nước này có nguy cơ đối mặt với làn sóng lật đổ chính quyền tương tự tại một số nước Ả Rập thời gian qua.
Đó là nội dung được nhật báo Haaretz (Israel) trích đăng báo cáo “lưu hành nội bộ” của Bộ Nội vụ Israel hôm 27-9. Theo báo cáo, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng yếu kém của kinh tế Iran hiện nay là do lượng dầu mỏ xuất khẩu giảm 50% và đồng tiền nước này bị mất giá nghiêm trọng.
Tờ Haaretz cũng dẫn lời Ngoại trưởng Israel A. Liberman dự báo trong năm 2013, tình hình Iran sẽ giống như những gì đã xảy ra tại một số nước Ả Rập trong vài năm qua. Ngoài ra, ông Liberman cho biết Israel đang gây sức ép để Liên hiệp châu Âu (EU) trừng phạt Iran mạnh hơn nữa.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng tuyên bố “đang tìm mọi cách” để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo ông Netanyahu, xác suất để Iran đi theo con đường chế tạo vũ khí hạt nhân là 90%. Tuy vậy, Thủ tướng Netanyahu, dù bất đồng với Tổng thống Mỹ Barack Obama về tính cấp thiết của hành động quân sự chống lại Iran, cho rằng Israel sẽ không tấn công Iran ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hôm 26-9 cáo buộc phương Tây chạy đua vũ trang và gia tăng các hành động đe dọa bằng vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt.
H.Bình (Theo AP, Reuters, NLĐ)
----------------
Rơi máy bay ở Nepal, 19 người chết
(SGGPO).- Một chiếc máy bay loại nhỏ đã rơi ngay sau khi cất cánh tại thủ đô Kathmandu, Nepal ngày 28-9 làm toàn bộ 19 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 5 người Nhật, 2 người Italia và 1 người Anh.
Chiếc máy bay 2 động cơ Dornier này dự kiến bay từ vùng núi Everest đến Lukla. Thời tiết lúc xảy sự cố vẫn tốt và chưa rõ nguyên nhân máy bay rơi, theo Reuters. Cảnh sát Nepal cho biết tổ lái dường như cố gắng đáp xuống nhưng không may máy bay đã bốc cháy và rơi xuống bờ sông Manohara.
Mùa thu là mùa du khách tới Nepal đông nhất để leo núi. Đất nước này sở hữu 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, trong đó có đỉnh Everest. Hôm chủ nhật 23-9, ít nhất 11 người chết trong một vụ lở tuyết vùng Tây Bắc Nepal.
K.MINH//SGGP
------------
Mỹ: Trung Quốc hay tấn công mạng Lầu Năm Góc
Ngày 27/9, Giám đốc Cục phản gián quốc gia Mỹ, Phó đô đốc Samuel Cox, cáo buộc Trung Quốc thường xuyên tấn công vào hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc để đánh cắp các bí mật quân sự.
Phát biểu với báo giới sau khi tham dự một hội nghị bàn về nguy cơ của các cuộc tấn công mạng, Phó đô đốc Cox mô tả Trung Quốc thường xuyên thâm nhập các hệ thống máy tính và là thủ phạm đánh cắp bí mật quốc gia lớn nhất thế giới.
Ông Cox cho biết Bộ chỉ huy chiến tranh mạng đang soạn thảo đề nghị nâng cấp đơn vị tác chiến mạng thành một bộ chỉ huy thống nhất với đầy đủ chức năng.
Tướng lục quân Keith Alexander, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy chiến tranh mạng, cho biết các vụ tấn công của tin tặc từ nước ngoài không rõ nguồn gốc vào hệ thống máy tính quốc gia của Mỹ đã tăng 17 lần trong thời gian 2009-2011./.
(Vietnam+)
-------------------
Al-Qaeda đã đến ngày tàn?
(ĐSCT) Ở Yemen, cuộc chiến chống khủng bố thành công của quân đội chính phủ cho thấy nhóm khủng bố Al - Qaeda có thể bị đánh bại.
Người dân Yemen hàng ngày đi qua quảng trường Saba’een ở thủ đô Sana’a, nơi đây vào ngày 21-5-2012, một kẻ đánh bom tự sát (thuộc nhóm Al-Qaeda tại bán đảo Ảrập, còn gọi là AQAP) đã tự cho nổ tung anh ta, kéo theo hơn 100 học viên thuộc lực lượng An ninh trung ương (CSF) thiệt mạng và 300 người bị thương. Ngày nay ở quảng trường Saba’een, khách vãng lai vẫn có thể xem các hình ảnh về vụ khủng bố trên, hoặc xem đoạn clip về vụ đánh bom này.
Người dân Yemen dần dần đã nhận ra kẻ thù của họ. Trong năm qua, thoạt đầu nhóm khủng bố nắm quyền kiểm soát các thị trấn và làng mạc tại tỉnh miền nam Abyan, cho tới đầu mùa hè năm nay, chúng phải triệt thoái sau một cuộc tấn công của các lực lượng vũ trang Yemen. Sau đó là hai vụ nổ bom liều chết ở thủ đô. Ngày 11-7, chỉ bảy tuần sau vụ tàn sát ở quảng trường Saba’een, chín người đã bị giết trong một vụ nổ ở bên ngoài học viện cảnh sát.
Quan điểm chung của người dân Yemen là ủng hộ chính quyền Tổng thống Obama gia tăng các cuộc tấn công AQAP. Những vụ phóng tên lửa từ CIA và những máy bay không người lái đã gia tăng trong năm nay: theo ghi nhận của Long War Journal, một trang web liệt kê những vụ không kích, cho thấy đã có hơn 29 vụ từ tháng 1-2012, so với 10 cho cả năm 2011 và chỉ 4 trong năm trước đó. Chỉ cần một số quân nhỏ thuộc lực lượng Các hoạt động đặc biệt Mỹ trên mặt đất trong nước, đủ để đóng vai trò chủ lực trong hoạt động tiêu diệt phiến quân, giành lại lãnh thổ Abyan từ tay AQAP.
Người Mỹ viện trợ cho Yemen, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, có khả năng lên tới 215 triệu USD trong năm nay, gần gấp đôi tổng số trong năm 2011. Viện trợ chống khủng bố và quân sự sẽ lên tới đỉnh 100 triệu USD. Hiện nay người dân Yemen đã nhận thức được mối đe dọa của AQAP đối với đất nước họ, viễn cảnh “thánh chiến toàn cầu” của Bin Laden chống phương Tây, đã phai nhạt từ lâu trước cái chết của ông ta do cuộc đột kích của nhóm biệt kích SEAL Team 6.
Hiện nay nhóm của ông ta và nhiều bản sao khác đang có khuynh hướng tập trung vào các vấn đề thuộc địa phương, thường là các quốc gia như Afghanistan, Pakistan, Mali hay Nigeria. Nói chung là những cuộc tấn công ở quanh vùng biên giới của họ: nhóm Al-Qaeda ở Mesopotamia thường đánh bom vào người dân hay chính quyền Iraq nhưng gần đây lại xuất khẩu các tay súng sang Syria; nhóm Al-Qaeda ở Maghreb tự hạn chế hoạt động ở miền nam Algeria và miền bắc Mali. Mặc dù những nhóm này vẫn khoa trương đe dọa phương Tây theo kiểu thánh chiến toàn cầu của Bin Laden, nhưng sự thực cho thấy họ đã không còn tham vọng hay khả năng tổ chức được một cuộc tấn công quy mô vào đất Mỹ hoặc châu Âu.
VĂN TOÀN (Time, CAO)