Diễn đàn Đại hội đồng LHQ tại New York đang trở thành nơi đấu khẩu "nảy lửa" về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của các đại biểu đến từ hai nước Trung - Nhật. Trong khi đó, Mỹ kêu gọi cả hai bên hãy "tỉnh táo" giải quyết tranh chấp một cách hoà bình...
Trung - Nhật đấu khẩu nảy lửa tại LHQ
Đêm 27/9 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Trung Quốc (TQ) Dương Khiết Trì đã đăng đàn phát biểu tại diễn đàn Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ). Hãng tin Kyodo (Nhật) cho biết ông đã tố Nhật “đánh cắp” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của TQ và sáp nhập vào Nhật hồi năm 1895, giai đoạn cuối của cuộc chiến Trung-Nhật.
Ông nói Nhật đã buộc chính quyền TQ lúc đó ký một hiệp ước không bình đẳng để nhượng lại quần đảo trên và các phần lãnh thổ khác của TQ. Ông cho rằng sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, theo các hiệp ước quốc tế, đúng ra, Nhật phải có nghĩa vụ trao trả các lãnh thổ này cho TQ.
Ông chỉ trích Nhật mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là hành động bất hợp pháp và động thái đơn phương quốc hữu hóa các đảo tranh chấp của Nhật đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế thời hậu chiến tranh thế giới. Ông kêu gọi Nhật dừng ngay mọi hoạt động vi phạm chủ quyền TQ và trở lại đàm phán giải quyết tranh chấp.
Đáp trả Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, Phó Đại sứ Nhật tại LHQ Kazuo Kodama phát biểu Nhật đã khảo sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 10 năm trước khi sáp nhập vào lãnh thổ Nhật hồi năm 1895 và không có bằng chứng cho thấy quần đảo thuộc về TQ.
Ông khẳng định quần đảo này là lãnh thổ không thể tách rời của Nhật căn cứ theo lịch sử và luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh mãi đến những năm 1970, sau khi LHQ công bố nghiên cứu cho thấy có trữ lượng khí đốt lớn ở gần quần đảo, TQ và lãnh thổ Đài Loan mới bắt đầu đòi chủ quyền.
Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì (trái) và Phó Đại sứ Nhật Kazuo Kodama đấu khẩu tại LHQ
Đại sứ TQ tại LHQ Lý Bảo Đông phản pháo rằng Phó Đại sứ Nhật Kazuo Kodama lập luận ngụy biện và phi lý. Ông chỉ trích động thái mua quần đảo tranh chấp của Nhật là hợp pháp hóa việc “ăn cắp và chiếm đóng” lãnh thổ TQ thông qua phương cách bất hợp pháp nhằm lừa dối dư luận quốc tế.
Tại cuộc họp báo ở Nhật trong ngày 28/9, Chánh Văn phòng nội các Osamu Fujimura tuyên bố phát biểu của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì là hoàn toàn vô căn cứ.
Trong khi đó, quan hệ kinh tế giữa hai nước tiếp tục xấu. Các doanh nghiệp xuất khẩu đồng tinh luyện của Nhật đã đồng ý giảm 10% giá năm ngoái trong hợp đồng năm 2013 nhưng các đối tác mua đồng của TQ vẫn không mua.
Hôm 27/9, theo hãng tin Kyodo (Nhật), Đại sứ quán TQ ở Tokyo đã nhận được một phong bì bên trong có một vật giống đạn súng trường. Phong bì được gửi qua đường bưu điện và ghi tên người gửi là Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda. Cảnh sát Tokyo đang điều tra.
Mỹ kêu gọi Nhật – Trung “tỉnh táo”
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton hôm 28/9 tiếp tục kêu gọi nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp lãnh hải căng thẳng với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
"Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan hãy giữ “cái đầu lạnh”. TQ và Nhật Bản cần phải đối thoại với nhau để làm yên vùng biển tranh chấp. Chúng tôi tin, Nhật Bản và TQ có thể ngồi lại với nhau và làm dịu căng thẳng hiện nay”, vị quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Hillary đã nhấn mạnh với người đồng cấp TQ Dương Khiết Trì về tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp giữa nước này với Nhật Bản quanh quần đảo Senkuku/Điếu Ngư và với các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.
Bà Hillary đã gây sức ép với Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì về vấn đề tranh chấp biển đảo trong cuộc gặp riêng giữa hai vị quan chức ngoại giao hàng đầu này bên lề một cuộc họp của Đại hội đồng LHQ. Nữ Ngoại trưởng Mỹ được cho là cũng sẽ gây sức ép với người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba khi hai nhà ngoại giao này có cuộc hội đàm ở New York.
Mỹ được cho là đang rất khó xử trong cuộc tranh chấp giữa TQ với Nhật Bản. Về lý thuyết, Mỹ sẽ phải đứng về phía Nhật Bản bởi Mỹ là đồng minh lớn nhất của cường quốc Châu Á này. Hơn nữa, hai nước Mỹ và Nhật Bản còn có ràng buộc với nhau bởi một hiệp ước phòng thủ chung. Tuy nhiên, xét trên thực tế, Mỹ hoàn toàn không muốn gây căng thẳng quá mức với Trung Quốc bởi điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ.
Vì lý do trên, Mỹ đã và đang nỗ lực tìm cách tháo “ngòi nổ” cuộc tranh chấp căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi tuần trước đã có chuyến công du Châu Á để xoa dịu cả hai nước này. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Mỹ, cả Tokyo và Bắc Kinh đều tỏ ra rất quyết liệt và không ai chịu lùi bước trong cuộc tranh chấp. hiện nay.
Tổng hợp từ Vn Media, PLTPHCM, Petrotimes