Hôm qua (16/8), một nhóm tư vấn Hoa Kỳ cho rằng Triều Tiên có thể có đủ nguyên liệu cho 48 vũ khí hạt nhân nếu nước này tiếp tục chương trình hạt nhân của mình mà không bị ngăn cản.
Với sự ra đời của lò phản ứng nước nhẹ vào năm 2013, Triều Tiên có thể sở hữu gần 50 vũ khí hạt nhân vào năm 2016. |
Mặc dù chương trình hạt nhân của Triều Tiên được tiến hành bí mật, nhưng Viện khoa học và an ninh quốc tế (Mỹ) đã sử dụng những lượng thông tin có được, dù còn hạn chế, để xây dựng nên các kịch bản cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong những năm tới.
Theo AFP, Triều Tiên thử quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 2006 và nước này được cho là có thể chế tạo từ 6 đến 18 vũ khí hạt nhân bằng nguyên liệu plutonium. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên đã đạt được công nghệ gài đầu đạn hạt nhân lên tên lửa hay chưa.
Trong lúc các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang dừng lại, những hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang thúc đẩy xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ mà nước này tuyên bố nhằm mục đích hòa bình.
Chính quyền Kim Jong Un cũng đang xây dựng một cơ sở làm giàu uranium để lấy nhiên liệu cho lò phản ứng mới này. Các nhà khoa học tin rằng Triều Tiên có thể sẽ sử dụng cơ sở làm giàu này để tinh chế uranium làm giàu ở mức độ cao, giúp nước này có thể chế tạo vũ khí hạt nhân bằng con đường mới là sử dụng uranium.
Nghiên cứu của Viện khoa học và an ninh quốc tế cho rằng nếu lò phản ứng nước nhẹ mới của Triều Tiên không được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân plutonium thì kho vũ khí của nước này sẽ khiêm tốn ở mức 14 đến 25 vũ khí vào năm 2016.
Nhưng nếu Triều Tiên dùng lò phản ứng nước nhẹ này để chế tạo plutonium cho sản xuất vũ khí thì nước này có thể sở hữu 28 đến 39 vũ khí hạt nhân vào cuối năm 2016.
Con số đó sẽ lên tới 37 đến 48 vũ khí nếu Triều Tiên còn bí mật làm giàu uranium để lấy nguyên liệu chế tạo vũ khí.
“Cũng giống như nhiều trường hợp khác, đàm phán là con đường tốt nhất để đối phó với thách thức về an ninh từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Cần phải tiến hành đàm phán một cách bền bỉ, quyết liệt”, báo cáo trên đề xuất.
Tuy nhiên các tác giả cũng cho rằng Hoa Kỳ có thể dùng cách khác để cản trở chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Một cách khác là thuyết phục Trung Quốc – đồng minh chính của Bình Nhưỡng – ngăn chặn các hoạt động buôn lậu và thực thi các lệnh cấm vận.
Vào năm 2005 và 2007, Triều Tiên đã nhất trí chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ và đảm bảo an ninh nhưng các thỏa thuận với Bình Nhưỡng thường nhanh chóng “chết yểu”.
Tùng Lâm
(InfoNet)