Không một nước nào được hưởng nhiều lợi ích từ UNCLOS hơn Mỹ
Biển Đông, nơi tình hình bị làm trầm trọng thêm bởi sự gia tăng các hành động gây hấn của Trung Quốc
"Tôi thấy thật mỉa mai" - ông Armitage nói với tờ The Epoch Times tại một diễn đàn ở Washington DC ngày 15/8. "Chúng tôi tuân thủ các quy ước về Luật biển nhưng chúng tôi lại không nhận được sự bảo vệ của nó vì chúng tôi không ký kết vào đó. Tôi nghĩ điều đó thật vô lý".
|
Richard Armitage, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ |
UNCLOS hiện được coi là khuôn khổ pháp lý thích hợp nhất để giải quyết các tranh chấp lãnh hải quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ là thành viên duy nhất của Hội đồng Bảo an LHQ không phê chuẩn UNCLOS.
Theo UNCLOS, một quốc gia sẽ có quyền chủ quyền đối với các tài nguyên nằm trong vùng lãnh hải rộng tới 200 hải lý (370 km) tính từ bờ biển của mình.
Mỹ là nước có bờ biển dài thứ 2 trên thế giới, và theo UNCLOS, Mỹ có chủ quyền đối với 600 dặm ở Bắc Cực, tính từ Alaska - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết trong bài phát biểu trước Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Thượng viện hồi đầu năm nay.
"Không một nước nào được hưởng nhiều lợi ích từ UNCLOS hơn so với Mỹ" - bà Clinton nói thêm
UNCLOS cũng đảm bảo cho sự an toàn đối với các hoạt động thương mại và cung cấp khuôn khổ pháp lý cho các công ty để đầu tư vào hoạt động thăm dò dầu và khí đốt, theo đuổi các hợp đồng khai thác khoáng sản hiếm và đặt cáp ngầm viễn thông dưới đáy biển.
Việc tham gia ký kết UNCLOS là một vấn đề "quan trọng đối với giới chức và an ninh của Mỹ" - bà Clinton nhấn mạnh.
|
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry ngày 24-5 trình bày các quan điểm ủng hộ phê chuẩn UNCLOS. Ảnh: Defense.gov. |
Sự cấp bách cần phải tham gia UNCLOS trở nên rõ ràng hơn sau khi xuất hiện một loạt các tranh chấp hàng hải trên khắp thế giới thời gian gần đây, đặc biệt là Biển Đông, nơi tình hình bị làm trầm trọng thêm bởi sự gia tăng các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Bush, ông Donald Rumsfeld, các tướng lĩnh Hải quân Mỹ cùng nhiều nghị sĩ tên tuổi của khác của Mỹ cũng đã lên tiếng thúc giục Washington tham gia UNCLOS nhằm bảo vệ "lợi ích cho nước Mỹ".
Theo Thượng nghị sĩ John Kerry (D-Mass.), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng viện Mỹ sẽ sớm tổ chức phiên điều trần rộng rãi và chờ đến sau cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tới sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu về việc Mỹ có tham gia UNCLOS hay không.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ sự quan tâm và nhấn mạnh với tiệc cần thiết phải gia nhập UNCLOS.
UNCLOS ra đời năm 1982, có hiệu lực chính thức từ năm 1994 và đến nay đã có 164 nước phê chuẩn. Cả Philippines và Trung Quốc đều đã phê chuẩn UNCLOS. Tuy nhiên, lâu nay Thượng viện Mỹ đều phản đối việc phê chuẩn UNCLOS vì lo ngại nó có thể ảnh hưởng tới chủ quyền của Mỹ và gây hạn chế trong việc khai thác đáy biển cũng như cản trở hoạt động của Hải quân Mỹ đang hoạt động trên toàn cầu.
Nguyễn Hường (nguồn Epoch Times)
(theo báo Giáo Dục Việt Nam)