Tuần này, Đông Bắc Á lại nóng lên với các cuộc tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan liên quan đến Senkaku/ Điếu Ngư và với Hàn Quốc liên quan đến Takeshima/ Dokko.
Trong bối cảnh đó, 2 tàu hải quân của Nga chuẩn bị tới Kurils- quần đảo tranh chấp với Nhật Bản tại Thái Bình Dương, được cho là một động thái sẽ làm gia tăng căng thẳng quan hệ Nga-Nhật.
Nhật chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản Shigeru Iwasaki đã lệnh cho lực lượng phòng vệ bờ biển, không, hải quân chuẩn bị cho cuộc xung đột trên quần đảo tranh chấp mà Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Trước đó Thủ tướng Nhật Noda cho biết cả Hải quân và không quân đều được nhận lệnh ngăn chặn bất kỳ hoạt động trái phép nào trên vùng biển Hoa Đông. Tờ Sankei Shimbun cho biết lực lượng thủy đánh bộ Nhật sẽ được phái tới quần đảo nếu lực lượng phòng vệ bờ biển không đối phó được vấn đề.
Tàu của lực lượng phòng vệ Nhật Bản (phải) trong một cuộc truy đuổi tàu cá Trung Quốc gần Senkaku/Điếu Ngư
Tuyên bố này của các lãnh đạo Nhật Bản được đưa ra sau khi đài phát thanh Hongkong đưa tin về một nhóm người Trung Quốc xuất phát từ Hongkong bắt đầu hành trình tới Senkaku từ hôm Chủ nhật. Họ sẽ gặp gỡ trên biển với các tàu khác từ Hạ Môn, Phúc Kiến và cảng Keelung, Đài Loan, để cùng đến quần đảo tranh chấp. Nhóm hoạt động trên thuộc Ủy ban Hành động bảo vệ đảo Điếu Ngư của Hongkong, dự kiến sẽ đến Senkaku trước khi 50 nghị sĩ Nhật Bản đến đây tưởng niệm các nạn nhân một con tàu đắm hồi thế chiến thứ hai vào ngày 19/8.
Đáp lại những tuyên bố cứng rắn của Nhật Bản, ngày 14/8, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) yêu cầu Tokyo phải bảo đảm an toàn cho các nhà hoạt động Trung Quốc ra thăm quần đảo Senkaku vì đó là tập tục từ quá khứ. “Nếu Nhật Bản phái tàu chiến ra ngăn chặn, tức là buộc Trung Quốc phải phái tàu chiến đến vùng biển Điếu Ngư. Xung đột giữa nhà hoạt động của các nước liên quan có thể leo thang thành cuộc “nói chuyện” bằng tàu chiến, làm xấu đi an ninh Đông Á” - báo này viết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Weiming cũng đã cảnh báo Tokyo nên cẩn trọng trong cách đối phó với bất kỳ chiến dịch nào do dân thường Trung Quốc thực hiện mà theo lời người phát ngôn này là để “bảo vệ” quần đảo. Điều này có thể dẫn đến cuộc đối đầu toàn diện giữa hai quốc gia. Và người phát ngôn cũng cho biết an toàn của các nhà hoạt động Đài Loan tham gia vào chiến dịch cũng sẽ được giới chức đại lục bảo vệ.
Trong một diễn biến khác, nguồn tin chính phủ Nhật Bản ngày 13/8 tiết lộ Tokyo đang cân nhắc thay thế đại sứ của nước này tại Trung Quốc Uichiro Niwa khi Bắc Kinh thay đổi lãnh đạo vào tháng 10 tới.
Theo hãng tin Kyodo, việc thay đổi nhân sự này dường như có liên quan đến những nhận xét gây tranh cãi về tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một quan chức thuộc Đảng Dân chủ cầm quyền cho rằng động thái trên đồng nghĩa với “việc cách chức”. Một số nguồn tin cho biết nhiều khả năng ông Niwa sẽ bị triệu hồi trước hoặc ngay sau khi Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kế nhiệm Chủ tịch đương nhiệm Hồ Cẩm Đào. Dự kiến, ông Niwa sẽ tham dự lễ kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao ở Bắc Kinh vào cuối tháng 9.
Ông Niwa bị dư luận Nhật Bản phản đối gay gắt sau khi trả lời phỏng vấn tờ Financial Times của Anh hồi tháng 6 rằng nếu được thực hiện, kế hoạch mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ dẫn đến nguy cơ rất lớn đối với quan hệ Nhật - Trung.
Hàn Quốc yêu cầu được xin lỗi
Không chỉ vướng vào tranh chấp với Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang căng thẳng với Hàn Quốc quanh quần đảo Takeshima/ Dokko. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 14/8 tuyên bố dứt khoát rằng Nhật hoàng Akihito nên “xin lỗi chân thành” về khoảng thời gian chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910 - 1945) nếu có ý định viếng thăm Hàn Quốc. Tổng thống Lee từng mời Nhật Hoàng đến Hàn Quốc năm 2010 trong động thái hàn gắn nhân lễ kỷ niệm 100 năm ngày quân đội Nhật thôn tính bán đảo Triều Tiên, song Nhật Bản đã không có phản hồi chính thức.
Tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc đưa ra không lâu sau khi ông ra thăm Dokko ngày 10/8, khiến Nhật Bản nổi giận. Giải thích về chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc đến quần đảo tranh chấp này, ông Lee Myung-bak nhấn mạnh nó đã được lên kế hoạch 2 - 3 năm trước chứ không phải là quyết định ngẫu hứng và mục đích là để Tokyo nhìn nhận lỗi lầm quá khứ một cách thật tâm.
Chưa dừng lại ở đó, Seoul sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình mang tên “Bia biểu tượng bảo vệ Dokko” vào hôm nay, 15/8, đúng dịp kỷ niệm 67 năm ngày Hàn Quốc giành lại độc lập từ Nhật Bản. Tấm bia bằng đá cao 1,2 m được đặt ở đảo cực Đông của quần đảo, mặt trước khắc chữ “Dokko” bằng tiếng Hàn Quốc, mặt sau có dòng chữ “Cộng hòa Hàn Quốc”. Hàn Quốc cho biết bia đá này là lời tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với nhóm đảo nhỏ, hầu như không có người sinh sống.
Trước đó, phía Nhật Bản tuyên bố sẽ cân nhắc việc đưa tranh chấp với Hàn Quốc ra tòa án quốc tế nhưng Seoul cực lực phản đối. Một số nguồn tin cũng cho biết, Nhật Bản đang xem xét hủy cuộc gặp thượng đỉnh song phương với Hàn Quốc bên lề Hội nghị APEC tại Nga vào tháng tới như cách phản ứng với việc ông Lee đến đảo Dokko.
Nga điều tàu tới quần đảo tranh chấp với Nhật
Trong lúc tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc đang gia tăng, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua tuyên bố sẽ điều hai tàu tới quần đảo tranh chấp mang tên Kurils, việc chắc chắn sẽ gây ra phản đối từ Nhật Bản.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Đô đốc Nevelskoi và tàu kéo Kalar sẽ tới ba trong 4 hòn đảo tranh chấp để tham dự các buổi lễ vinh danh các thủy thủ Xô viết tử trận tại đây vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ II. Các tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga dự kiến ghé thăm quần đảo này trong khoảng thời gian từ 25/8 tới 17/9.
Tranh chấp đối với quần đảo Kurils đã khiến quan hệ hai nước căng thẳng kéo dài kể từ Thế chiến thứ hai. Khi đó, lực lượng Xô viết đã chiếm 4 hòn đảo trong chuỗi đảo. Mâu thuẫn này cũng chính là nguyên nhân làm cản trở một hiệp ước hòa bình giữa hai nước sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Căng thẳng leo thang từ năm 2010 sau khi Dmitry Medvedev trở thành tổng thống Nga đầu tiên tới thăm quần đảo mà phía Nga gọi là Kurils còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ Phương Bắc./.
PV (Tổng hợp)
(Theo Tổ Quốc)