TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung Quốc đang điểm “huyệt” ASEAN?

Để đạt được tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đang tìm cách khai thác triệt để những “huyệt yếu” của ASEAN, chia rẽ tổ chức này để dễ bề giành lợi thế trong các cuộc tranh chấp “tay đôi” với các nước thành viên ASEAN.
 
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có âm mưu xác định chủ quyền trên phần lớn Biển Đông bằng cách vẽ ra cái gọi là bản đồ “9 đoạn” hay còn gọi là “đường chữ U”, “đường lưỡi bò”. Trung Quốc định dùng “đường lưỡi bò” này để “liếm” trọn hơn 80% vùng Biển Đông.
 
“Đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc không chỉ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông mà còn không được bất kỳ nước nào trên thế giới công nhận. Trong suốt thời gian qua, nhiều học giải nổi tiếng quốc tế đã lên án, phê phán kịch liệt “đường lưỡi bò” không có căn cứ pháp lý của Trung Quốc.
 
Trong tình trạng đuối lý và thiếu căn cứ để xác lập chủ quyền trên phần lớn Biển Đông nhưng nhất quyết không chịu buông tay, Trung Quốc đã tìm nhiều cách thức, từ bất chấp dư luận như lập thành phố trên vùng lãnh thổ của nước khác, đưa tàu thuyền đến khai thác trong khu vực tranh chấp, quấy nhiễu tàu bè đối phương... đến việc đi con “đường ngầm” như "len lỏi" vào các nước thành viên ASEAN nhằm dễ bề có đối sách với từng nước nhỏ có tranh chấp. Mục đích cuối cùng mà Trung Quốc muốn vẫn là chiếm trọn Biển Đông.
 
Trong thời gian gần đây, người ta bắt đầu chú ý đến việc dường như muốn chia rẽ ASEAN của Trung Quốc. 
 
Có tới 4 thành viên của ASEAN gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, và Malaysia đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc. Bắc Kinh hiểu rất rõ, nếu phải đối diện với một ASEAN thống nhất thì nước này sẽ khó có khả năng đạt được mong muốn ở Biển Đông. Vì thế, trong thời gian qua, nước này đã đẩy mạnh các hoạt động đối sách với từng nước ASEAN. Để làm được điều đó, Bắc Kinh đã tìm đến những điểm "huyệt yếu" của ASEAN.
 
Với sức mạnh kinh tế thuộc hàng đầu thế giới, Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng kinh tế của mình để thiết lập quan hệ thân thiết với các nước ASEAN đang có nhu cầu phát triển kinh tế cao. Điều này được thể hiện rất rõ qua trường hợp các nước như Campuchia, Myamar và Lào.
 
Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào các nước, nhất là Campuchia. Theo con số chính thức được công bố, riêng trong năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia lên tới con số 1,9 tỉ USD, cao gấp hai lần tổng đầu tư của các nước ASAEN và 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia.
 
Không phải vô cớ mà giờ đây, số người Campuchia học tiếng Trung Quốc tăng vọt không ngừng. Ở đâu đâu trên đất nước Campuchia, người ta cũng thấy treo những dòng chữ, biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc.
 
Song song với việc đổ tiền vào các nước ASEAN đang có nhu cầu phát triển kinh tế cao, Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt với các nước ASEAN không có tranh chấp trên Biển Đông hoặc nếu có thì cũng không lớn lắm. Đây chính là bước đi được Trung Quốc thực hiện trong chuyến công du của Ngoại trưởng nước này hồi tuần trước.
 
Hồi cuối tuần vừa rồi, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đến thăm 3 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia và Brunei.
 
Indonesia được Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết trì chọn là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du này bởi Indonesia đóng vai trò là một nước lớn trong tổ chức ASEAN. Tại đây, ông Dương Khiết Trì đã khẳng định sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương về thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh, đồng thời đưa mối quan hệ Trung Quốc-Indonesia sang thời kỳ phát triển mới.
 
“Quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cả hai nước đều gặt hái được những thành quả lớn lao qua hợp tác thành công về kinh tế, thương mại, quốc phòng và an ninh”, Bộ trưởng Dương Khiết Trì cho biết.
 
Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, ông Dương Khiết Trì vẫn “dùng bài cũ” khi nhấn mạnh, việc duy trì hoà bình và ổn định tại Biển Đông là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Indonesia và các nước ASEAN để triển khai đầy đủ và hiệu quả tuyên bố về quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trung Quốc luôn “nhai đi nhai lại” luận điệu này nhưng thực tế trong thời gian qua cho thấy, lời nói và hành động của họ không đi  song hành cùng nhau.
 
Sau Indonesia, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đến thăm chính thức Brunei và Malaysia. Ở cả hai nước này, ông Dương Khiết Trì đều tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Brunei và Malaysia trên mọi lĩnh vực, nhất là trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
 
Những toan tính của Trung Quốc trong một loạt động thái trên là rất rõ. Trung Quốc muốn phân nhỏ các mối quan hệ trong ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông để họ có thể giải quyết những cuộc tranh chấp của mình một cách riêng lẻ với từng nước thành viên ASEAN.
 
Trung Quốc, với tư cách là nước lớn, nước mạnh, nếu giải quyết song phương trực tiếp với từng nước một họ chắc chắn sẽ giành lợi thế. Đây chính là lý do Bắc Kinh trong thời gian qua luôn phản đối kịch liệt mong muốn của nhiều nước trong việc quốc tế hoá vấn đề Biển Đông.

 

Kiệt Linh
(Vnmedia)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te