Tranh chấp lãnh hải trở thành nguồn cơn sóng gió vũ đài Đông Bắc Á
CNN đã cảnh báo rằng tất cả những tranh chấp lãnh hải ở Đông Bắc Á này có thể kích động "một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở châu Á".
Thứ Tư vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã kêu gọi Nhật Bản thực hiện trách nhiệm đối với các phụ nữ bị buộc làm nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II. Ông Lee Myung-bak cũng là Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đến thăm nhóm đảo Dokdo đang tranh chấp với Nhật Bản ngày 10/8 vừa qua.
|
Chuyến đi của Bộ trưởng nội các Nhật Bản Jin Matsubara tới thăm đền Yasukuni đã khiến cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều phản đối. |
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Genba hôm thứ Tư cho biết Tokyo kháng nghị chính thức với chính phủ Hàn Quốc về yêu cầu của ông Lee đối với Nhật hoàng. Trước đó, Tổng thống Lee Myung-bak cho hay, Nhật hoàng nên xin lỗi những phụ nữ Hàn Quốc bị buộc làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong Thế chiến thứ 2 nếu Nhật hoàng muốn tới thăm Hàn Quốc.
Cùng ngày, Bộ trưởng nội các Nhật Bản Jin Matsubara đã tới thăm đền Yasukuni tưởng niệm các anh hùng Nhật Bản, trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc coi ngôi đền là biểu tượng của chế độ quân phiệt. Đây là lần đầu tiên các thành viên nội các Nhật Bản đến thăm ngôi đền kể từ khi Đảng Dân chủ lên nắm quyền vào năm 2009.
Trong khi đó, căng thẳng trên biển Hoa Đông vẫn gia tăng khi 14 người Hồng Kông "cưỡi" tàu cá Trung Quốc tìm mọi cách xông lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã bắt giữ nhóm người này hôm qua 15/8 và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kenichiro Sasae đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa để phản đối.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Tokyo phải đảm bảo sự an toàn của các nhà hoạt động bị giam giữ. Bắc Kinh cũng chỉ trích chuyến thăm đền Yasukuni của các thành viên nội các và kêu gọi Tokyo "phải đối mặt với lịch sử xâm lăng các nước khác và tuân theo lời hứa xin lỗi cho các hành động của mình."
|
Tàu cá Trung Quốc chở 14 người Hồng Kông vẫn liều lĩnh lao tới Senkaku bất chấp sự ngăn cản quyết liệt của 2 tàu Cảnh sát biển Nhật Bản |
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc cũng không phải ổn thỏa ở mọi mặt. Năm ngoái đã xảy ra một cuộc đụng độ giữa Cảnh sát biển Hàn Quốc và các ngư dân Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng kinh tế độc quyền của Hàn Quốc. Thậm chí tàu cá Trung Quốc còn tông thẳng vào tàu Cảnh sát biển Hàn Quốc dẫn đến 1 cảnh sát Hàn Quốc thiệt mạng.
Bên cạnh đó là việc Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung Hwan ngày 27-7 yêu cầu phía Trung Quốc mở cuộc điều tra về cáo buộc chính quyền nước này đã tra tấn một nhà hoạt động nhân quyền Hàn Quốc.
Năm nay là năm Bắc Kinh và Seoul kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao nhưng mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia này dường như chưa tiến gần mục tiêu của họ là trở thành "đối tác chiến lược." CNN đã cảnh báo rằng tất cả những tranh chấp lãnh hải ở Đông Bắc Á này có thể kích động "một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở châu Á".
|
Lãnh đạo 3 nước tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lần thứ 5 ở Bắc Kinh tháng 5/2012. |
Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã chiếm 19,6% GDP của thế giới, tăng cao hơn rất nhiều trong 10 năm qua. Theo Ban thư ký hợp tác ba nước, số lượng người Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đến thăm các quốc gia của nhau tăng gần gấp đôi, từ 6,58 triệu người vào năm 1999 lên 16,55 triệu người vào năm 2010.
Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch mậu dịch ba bên cũng đã tăng 3,5 lần từ 129,4 triệu USD lên 588,4 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các quan hệ chính trị lại đang bị tụt lùi. Giới chức cả ba nước thường thể hiện quan tâm nhiều hơn trong việc sử dụng các xung đột khu vực như một biện pháp nhằm củng cố dấu ấn của mình đối với trong nước hơn là cố gắng, ưu tiên giải quyết các tranh chấp với các quốc gia láng giềng.
"Mỗi khi Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản sắp tiến tới bầu cử lại có xu hướng muốn thu hút thêm tình cảm của dân tộc", ông Yun Duk-min đến từ Viện Ngoại giao và An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho hay, "Chúng ta cần một sự thay đổi trong tâm lý về lịch sử và tranh chấp lãnh thổ và cùng nhau phấn đấu hướng tới việc giảm bớt căng thẳng."
Anh Vũ (Nguồn Chosun Ilbo)
(theo báo Giáo Dục Việt Nam)