TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 25-9-2012


Iran sẽ nhắm Mỹ làm mục tiêu nếu bị Israel tấn công

Một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hồi cuối tuần qua đã lên tiếng đe dọa, Iran sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực nếu Israel tấn công nước Cộng hòa Hồi giáo.

Tuyên bố trên của Tướng Amir Ali Hajizadeh, người đứng đầu Sư đoàn Không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran đang gia tăng và Israel tuyên bố có thể sẽ đơn phương tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran mà không cần sự đồng thuận của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Hajizadeh lại cho rằng, Israel sẽ không thể tấn công Iran nếu thiếu đi sự hỗ trợ của đồng minh quan trọng nhất – Mỹ, bởi vậy Iran sẽ nhắm tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực là mục tiêu tấn công.

“Vì lý do đó, chúng tôi sẽ bắt tay vào đối đầu với cả hai bên và chắc chắn cuộc chiến tại các căn cứ Mỹ sẽ bùng nổ”, ông Hajizadeh nói trong một tuyên bố được đăng trên website của Đài truyền hình nhà nước Al-Alam của Iran.

Ông nói cụ thể thêm rằng, các căn cứ quân sự của Mỹ ở Bahrain, Qatar và Afghanistan sẽ là mục tiêu tấn công của Iran.

“Sẽ không có nước trung lập nào trong khu vực. Đối với chúng tôi, các căn cứ này cũng được coi là lãnh thổ của Mỹ”.

Cảnh báo trên của Iran được coi là một nỗ lực nhằm một lần nữa nhấn mạnh hậu quả khôn lường mà Israel và đồng minh sẽ phải hứng chịu nếu tấn công Iran. Thông điệp đó không chỉ nhằm vào Washington mà còn hướng đến các nước đồng minh của Israel trong vùng Vịnh Ả-Rập, những quốc gia rất lo sợ về một cuộc xung đột khu vực sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và nền kinh tế của mình.

Đan Khanh - (theo AP, VNmedia)
-----------------
Siemens cài mìn phá hoại chương trình hạt nhân Iran?

Chủ tịch Ủy ban về chính sách đối ngoại và an ninh, Quốc hội Iran, Alaeddin Boroujerdi tuyên bố Thiết bị do công ty Đức Siemens cung cấp cho chương trình hạt nhân Iran bị cài mìn.

Tuyên bố của ông Alaeddin Boroujerdi được đưa ra hôm 22/9/2012.

Theo ông Boroujerdi, các chuyên gia an ninh Iran đã phát hiện và vô hiệu hóa các thiết bị nổ cực nhỏ trong thiết bị do Siemens sản xuất mà Tehran mua cho chương trình hạt nhân Iran.

“Thiết bị sẽ phát nổ khi người ta định bật lên và như vậy sẽ đồng thời làm tê liệt tất cả các hệ thống của chúng tôi. Nhưng nhờ sự tỉnh táo của các chuyên gia của chúng tôi, các kế hoạch của kẻ thù đã bị phá vỡ”, ông Boroujerdi nói.

Thư ký báo chí của Siemens đã cương quyết bác bỏ mọi cáo buộc: “Công ty hoàn toàn không có liên quan gì với việc cung cấp thiết bị cho chương trình hạt nhân Iran”. Ông này nhấn mạnh rằng, công ty đã ngừng mọi giao dịch với Iran từ năm 1979, sau cuộc Cách mạng Hồi giáo.

"Có thể thiết bị được mua qua bên thứ ba", ông Boroujerdi không nói rõ các thiết bị này được mua bao giờ và ai là nhà cung cấp.

Cần lưu ý rằng, Liên Hợp Quốc đã áp đặt biện pháp trừng phạt cấm bán cho Iran các công nghệ có thể sử dụng vào mục đích quân sự.

Tuần báo Anh Sunday Times cũng đưa tin vào tháng 8/2012, một “thiết bị gián điệp” ngụy trang như một cục đá đã phát nổ gần mục tiêu hạt nhân bí mật của Iran ở Fordow.

Thiết bị này bị một đội tuần tra phát hiện, sau đó phát nổ. Phần lớn thông tin gián điệp thu được có thể đã bị tiêu hủy. Các chuyên gia tình báo Iran đang cố nghiên cứu các mảnh vỡ của “thiết bị gián điệp này”.

PM (theo Irib.ir, Newsru, VZ, ĐVO)
----------------------
Iran trình làng xe bóc thép, máy bay khủng tự chế

Kênh Press TV đưa tin ngày 24/9, Iran đã giới thiệu xe bọc thép siêu nhẹ Hoveyzeh và xe bọc thép chở quân Talaeiyeh, được Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng của nước này thiết kế và chế tạo.

Theo Press TV, hai mẫu xe trên được chính thức công bố tại một buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Ahmad Vahidi.

Vị bộ trưởng này cho biết Hoveyzeh có thể sử dụng trong nhiều nhiệm vụ khác nhau và có khả năng trang bị nhiều loại vũ khí, tiến hành các nhiệm vụ ban đêm, dễ bảo dưỡng và có thể được dễ dàng chuyên chở bằng máy bay, trực thăng. Theo ông Vahidi, xe bọc thép này có thể thực hiện nhiều chiến dịch của quân đội cũng như cảnh sát.

Trong khi đó, Chuẩn tướng Amir Hajizadeh, Tư lệnh không gian vũ trụ thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Iran phụ trách hệ thống phòng thủ tên lửa, cũng công bố một loại máy bay không người lái mới có tên gọi là Shahed 129 có phạm vi hoạt động 2.000 km.

Máy bay này có thể mang theo bom, tên lửa và có khả năng bay liên tục trong 24 giờ. Shahed 129 sẽ thực hiện sứ mệnh trinh sát./.

(Vietnam+)
---------------
Băng trôi Bắc Cực giúp Mỹ theo dõi tàu ngầm Nga

Hãng tin CNews cho biết Mỹ đang lập mạng lưới cảm biến phục vụ giám sát quanh năm tình hình Bắc Cực. Cụ thể, Mỹ có kế hoạch sử dụng các núi băng nổi có gắn cảm biến từ trên đỉnh và cảm biến âm thanh dưới đáy.

Mỗi ngày, các núi băng có thể di chuyển trong cự li 6 km, biến chúng thành phương tiện tuần tra phù hợp.

Chương trình với tên gọi Đảm bảo cảnh giác tại Bắc Cực (Assured Arctic Awareness - AAA) của Cơ quan Các nghiên cứu triển vọng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) có nguy cơ gây trở ngại cho hoạt động tuần phòng của tàu ngầm hạt nhân đa năng mang tên lửa đạn đạo của Nga.

Theo một số thông tin, mạng lưới tương tự đã được tập đoàn Science Applications International nghiên cứu từ năm 1990 mặc dù công việc chủ yếu tập trung thiết lập những phao nổi cảm biến giá rẻ.

Băng Bắc Cực đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh, điều này hứa hẹn sự xuất hiện nhiều hoạt động quân sự và thương mại trong vùng biển Bắc Cực.

Ngoài ra, khu vực này là vị trí lý tưởng cho các tàu ngầm mang vũ khí chiến lược, dễ ẩn náu dưới lớp băng dày và trong tiếng va chạm, rạn nứt của băng trôi.

Trong khi đó, theo hãng Interfax ngày 24/9, Thủy quân lục chiến của Hạm đội Biển Bắc và lữ đoàn tổng hợp các binh chủng Quân khu miền Tây của Nga đã bắt đầu cuộc tập trận tại một số khu vực xa xôi ở Bắc Cực.

Interfax dẫn lời đại diện quân khu, Đại tá Andrei Bobrun, cho biết các hoạt động diễn tập chủ yếu là tiến hành nhiệm vụ phản công từ phía biển, bảo vệ tàu chống hải tặc trên các tuyến hàng hải phía Bắc. Ngoài ra, còn có diễn tập vô hiệu hóa các cuộc không kích nhằm vào chủ thể công nghiệp và khoa học ở Bắc Cực cũng như hỗ trợ tàu bị nạn./.\

(Vietnam+)
-----------------
Tàu sân bay Trung Quốc khó dậy sóng Biển Đông

Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã được chuyển giao cho Lực lượng Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa trong ngày hôm qua (23/9). Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang leo thang vì tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng.
 
Lễ chuyển giao chiếc tàu sân bay đầu tiên cho Hải quân Trung Quốc diễn ra ở cảng Đại Liên, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết. Mặc dù Hải quân Trung Quốc đã đón nhận chiếc tàu sân bay đầu tiên nhưng thông tin về việc khi nào chiếc tàu này chính thức được đưa vào hoạt động vẫn chưa được công bố.
 
Hiện tại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra lời bình luận nào về sự kiện trên.
 
Việc Trung Quốc chuyển giao chiếc tàu chiến lớn nhất cho Lực lượng Hải quân diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với một loạt quốc gia Châu Á đang leo thang vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
 
Mặc dù vậy, chiếc tàu sân bay của Trung Quốc hoàn toàn không phải là thứ vũ khí có thể làm thay đổi cuộc chơi. Bất chấp những dự đoán ồn ào trong dân chúng Trung Quốc về việc chiếc tàu sân bay của họ sẽ sớm trở thành con tàu chỉ huy của Hải quân, các chuyên gia quốc phòng khẳng định, con tàu được kỳ vọng đó thiếu máy bay tấn công, vũ khí, thiết bị điện tử, các thiết bị đào tạo và cung cấp hậu cần để có thể trở thành một chiếc tàu chiến thực sự có khả năng chiến đấu.

Tàu sân bay của Trung Quốc vốn là một chiếc tàu cũ được nước này mua lại từ Ukraine cách đây hơn một thập kỷ. Trung Quốc đã tiến hành nâng cấp, đại tu con tàu này để biến nó trở thành tàu sân bay đầu tiên của họ. Tên ban đầu của nó là Varyag.

Bản thân các sĩ quan cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng phải thừa nhận, chiếc tàu có trọng tải 60.000 tấn của họ còn lâu mới sẵn sàng hoạt động và nó cần phải trải qua những cuộc thử nghiệm và huấn luyện ở mức cao nữa.

Kể cả khi Varyag được đưa vào hoạt động, nó cũng chỉ có một vai trò rất hạn chế, chủ yếu là để huấn luyện và đánh giá trước khi Trung Quốc trình làng chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên của họ sau năm 2015, các nhà phân tích quân sự nhận định.

Kiệt Linh - (tổng hợp)// VNmedia
-------------------------
Tàu sân bay cho Ấn Độ chậm hoàn thành vì gạch Trung Quốc

Ban đầu, dự kiến Nga phải bàn giao cho Ấn Độ tàu sân bay này vào ngày 4/12/2012, sau khi hoàn thành tất cả các thử nghiệm.

Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, do trục trặc với các nồi hơi (3 trong 8 nồi hơi đã không đạt công suất đầy đủ) mà thời hạn bàn giao có thể bị lùi lại ít nhất 1 năm, còn chi phí sửa chữa sẽ tốn 1 tỷ rúp.

Thông tin này nhanh chóng được Chủ tịch Tập đoàn Đóng tàu thống nhất OSK của Nga, ông Andrei Dyachkov xác nhận.

Theo ông Dyachkov, nồi hơi do một viện thiết kế của Nga phát triển và được sản xuất tại Nhà máy đóng tàu Baltyisk.

"Trong lần đầu hoạt động ở công suất lớn đến 100% đã phát hiện hiện tượng sụt một phần lớp gạch chịu lửa trong các lò đốt của các nồi hơi”, ông Dyachkov nói.

Trong quá trình thử nghiệm trên biển, người ta đã dừng hoạt động các nồi hơi để sửa chữa lớp gạch này, tuy nhiên, trong các lần chạy với công suất lớn, lớp gạch lại bị phá hủy một phần.

Khi Phó Thủ tướng Nga phụ trách công nghiệp quốc phòng, Rogozin hỏi về loại vật liệu sử dụng, ông Dyachkov đáp, đó là “gạch samôt do Trung Quốc sản xuất”. Nga đã không còn cơ sở sản xuất các vật liệu này.

Trước đó, đại diện chính thức của tổ chức phi thương mại Khrizotilovaya Assotsyatsya cho biết, các bộ phận của hệ thống động lực tàu sân bay Vikramaditya bị hỏng có liên quan đến việc thay thế lớp cách nhiệt bằng vật liệu chứa amian bằng lớp cách nhiệt bằng gạch chịu lửa.

Báo chí đưa tin, chính phía Ấn Độ đề xuất thay amian trong kết cấu các block cách nhiệt vì vật liệu có amian ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Bê bối mới với tàu Vikramaditya là một đòn nặng giáng vào uy tín của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp đóng tàu Nga, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Ấn thời gian tới.

Tàu sân bay Vikramaditya (tàu Đô đốc Gorshkov cũ) đã được cải tạo quy mô lớn tại hãng đóng tàu Nga Sevmash. Tàu được lắp boong bay và cầu bật để tiêm kích MiG-29K cất cánh.

Tàu được trang bị thiết bị hiện đại, các đường cáp dẫn tổng chiều dài hơn 2.000 km được đặt bên trong và được lắp các hệ thống dẫn đường và radar mới, hệ thống liên lạc và chỉ huy không quân.

PM (theo RIA Novosti, ĐVO)
----------------
Căng thẳng ở biển Hoa Đông, Trung-Nhật đua nhau tập trận

Khi biển Hoa Đông đang “sôi sục” vì cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng giữa Trung Quốc và Nhật Bản thì hai nước này lại đua nhau tập trận để thị uy lẫn nhau. Hành động “đổ thêm dầu vào lửa” này đã khiến cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á trở nên căng thẳng hơn.
 
Theo báo chí Nhật Bản cho biết, lực lượng Mỹ và Nhật đã khai hoả một cuộc tập trận tấn công đổ bộ chung hôm thứ Bảy vừa rồi (22/9). Đáng chú ý nhất là cuộc tập trận này được thực hiện theo kịch bản tái chiếm một hòn đảo bị các lực lượng kẻ thù chiếm đóng.
 
Cuộc tập trận đổ bộ nói trên là một phần của khoá huấn luyện được khởi động từ cuối tháng 8 với mục đích bảo vệ những hòn đảo xa xôi của Nhật.
 
Khoảng 40 thành viên của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản và 2.200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ, hầu hết đóng ở quận Okinawa, tham gia vào cuộc tập trận tái chiếm đảo. Báo chí đã được cung cấp thông tin về cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Nhật Bản này.
 
Cuộc tập trận tái chiếm đảo rõ ràng là mang đầy hàm ý khi mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp nhau một quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Tuy nhiên, giới quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định, cuộc tập trận của họ đã được lên kế hoạch từ rất lâu trước khi chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 11/9. Theo các quan chức này, khi đưa ra kịch bản tập trận, họ không hề nghĩ đến bất kỳ nước nào hay hòn đảo nào.
 
Tuy vậy, ông Asaho Mizushima – một giáo sư của trường Đại học Waseda ở thủ đô Tokyo, tin rằng, cuộc tập trận được khởi động hôm 22/9 có thể làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng hiện nay trong quan hệ giữa hai nước Trung-Nhật.
 
“Nó có thể khích động thêm tinh thần chống Nhật ở Trung Quốc và thu hẹp những lựa chọn cho việc giải quyết cuộc tranh chấp thông qua các phương tiện ngoại giao”, ông Mizushima nói thêm.
 
Tuy nhiên, không chỉ có mình Nhật Bản tiến hành tập trận mà Trung Quốc cũng góp phần cho sóng gió ở biển Hoa Đông thêm dữ dội. Cùng ngày diễn ra cuộc tập trận Mỹ-Nhật, tờ Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc vừa tổ chức một cuộc tập trận đổ bộ kết hợp 3 lực lượng gồm Hải quân, Không quân và Lục quân. Mục đích của cuộc tập trận này là nhằm tăng cao khả năng phối hợp, tác chiến giữa 3 lực lượng.
 
Ông Jin Hang thuộc Hải quân Trung Quốc cho biết: “Cuộc tập trận này đã phá vỡ phương thức phối hợp truyền thống trước đây của 3 lực lượng. Nó áp dụng một phương thức chiến đấu linh hoạt hơn. Cuộc tập trận đã kiểm tra một cách hiệu quả các khả năng đổ bộ toàn diện của chúng tôi”.

Kiệt Linh - (tổng hợp)// VNmedia
----------------
Tên lửa Nga phá hủy tàu chiến của "kẻ thù"

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển BAL của Nga đã phá hủy thành công tàu chiến của “kẻ thù” ờ cự ly cách nó 100 km trong cuộc tập trận Caucasus 2012 vừa diễn ra ở Nga hôm qua (23/9).
 
Đây là một trong những cuộc tập trận quân sự quy mô lớn nhất của Nga. Cuộc tập trận này diễn ra từ ngày 17 đến ngày 23/9, tại bốn thao trường của Quân khu miền Nam cũng như tại vùng Biển Đen và Biển Caspi. Cuộc tập trận do Tư lệnh trưởng Bộ Tổng tham mưu Liên bang Nga - Đại tướng Nikolai Makarov chỉ huy.
 
Cuộc tập trận quy mô lớn Caucasus 2012 có sự góp mặt của khoảng 8.000 binh lính, 200 máy bay chiến đấu, 100 khẩu pháo, hàng chục chiến hạm và tàu thuyền.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thao trường Rajevski ở Krasnodar để theo dõi cuộc tập trận. Đến đây, ông đã lên đài chỉ huy để trực tiếp giám sát các bài diễn tập quân sự. Ông Putin đánh giá cao hoạt động của các đơn vị tham gia tập trận.

Tổ hợp tên lửa bờ biển BAL được đưa vào hệ thống trang bị của đội tàu Caspian từ năm 2011. Tổ hợp bao gồm trạm chỉ huy điều khiển tự hành và thông tin liên lạc, bệ phóng tự hành và các thiết bị khác.

Tên lửa này có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 120 km, vào bất kỳ thời gian nào và trong mọi điều kiện thời tiết. Thời gian khởi động để sẵn sàng chiến đấu không quá 10 phút. Vận hành dự trữ - 850 km. Tổ hợp đạn gồm 64 tên lửa. Số lượng tên lửa bắn ra đồng loạt - 32 quả. ( VNmedia)
------------------
 I-ran cảnh báo sẽ tiến công các căn cứ quân sự Mỹ

Hãng AP ngày 24-9, dẫn nguồn tin truyền hình Nhà nước I-ran cho biết, một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng I-ran đã cảnh báo, I-ran sẽ tiến công các mục tiêu căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực trong trường hợp xảy ra chiến tranh với I-xra-en, làm tăng khả năng  một cuộc xung đột rộng lớn, lôi cuốn nhiều quốc gia khác tham gia.

Tướng A.Ha-gi-da-đét, người đứng đầu  một đơn vị tên lửa I-ran cho biết, I-xra-en không thể đơn phương tiến công I-ran mà không có sự hỗ trợ của đồng minh quan trọng nhất là Mỹ. Ðây là lý do để Tê-hê-ran sẽ đối đầu với cả hai, trong đó, có việc tiến công các căn cứ quân sự Mỹ tại khu vực ở Ba-ranh, Ca-ta và Áp-ga-ni-xtan khi chiến tranh xảy ra. Trước đó, ông Ha-gi-da-đét  cũng cảnh báo sẽ giáng đòn phủ đầu I-xra-en nếu tin chắc nước này chuẩn bị tiến công I-ran. Tuy nhiên, tuần trước, chỉ huy cấp cao Lực lượng Vệ binh Cách mạng I-ran, Tướng M.Gia-pha-ri cho rằng, Mỹ sẽ không tiến công I-ran vì các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Ðông nằm trong phạm vi tầm bắn của tên lửa I-ran.

* Một nguồn tin ngoại giao cho biết, Anh, Pháp và Ðức đã chính thức kêu gọi Liên hiệp châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với I-ran. Bộ trưởng Ngoại giao ba nước này đã viết thư cho Cao uỷ phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU C.A-xtơn, kêu gọi EU cần có những biện pháp cứng rắn hơn với I-ran bởi chương trình hạt nhân của nước này ngày càng đáng lo ngại. Tuy nhiên, chi tiết về các biện pháp trừng phạt mới sẽ được các Bộ trưởng Ngoại giao EU thảo luận tại cuộc họp ở Brúc-xen, Bỉ vào ngày 15-10 tới. ( Nhân Dân)
--------------------
 Ðánh bom gây nhiều thương vong tại Ni-giê-ri-a

Như Báo Nhân Dân đã đưa tin, ngày 23-9, tại Ni-giê-ri-a xảy ra một vụ đánh bom xe liều chết gần một nhà thờ Công giáo ở thành phố Bau-chi, miền bắc nước này, làm ít nhất hai người chết và 46 người bị thương. Số người chết có thể còn tăng do nhiều người bị thương nặng.

Chưa có cá nhân hay tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tiến công này. Nhưng các nhà chức trách Ni-giê-ri-a nghi thủ phạm là các thành viên giáo phái Hồi giáo cực đoan Bô-cô Ha-ram, đã từng bị tố cáo gây ra nhiều vụ đánh bom đẫm máu ở Ni-giê-ri-a, làm hơn 680 người chết chỉ riêng trong năm nay. ( Nhân Dân)
--------------------
Trung Quốc sẽ cho UAV giám sát các khu vực tranh chấp

Cơ quan quản lý Hải dương học Trung Quốc thông báo ý định kiểm soát những khu vực gồm những quần đảo đang tranh chấp bằng UAV.

Tỉnh Giang Tô, Trung Quốc (màu đỏ).

Quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku và bãi đá Scaroborough/Hoàng Nham có thể là những nơi sẽ sử dụng UAV.

Trung tâm kiểm soát những thiết bị bay không người lái được đặt tại thành phố ven biển Liên Vân Cảng, thuộc tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc.

Dự tính hệ thống căn cứ cho những thiết bị bay không người lái này sẽ được hoàn thành vào năm 2015.

Theo tin mới nhất từ VZ, chiếc tàu tuần tra thứ 3 của Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải của Nhật, sau khi 2 chiếc tàu khác đã đi vào khu vực này.

Trong một động thái mới, Trung Quốc quyết định hủy bỏ buổi lễ kỉ niệm 40 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc-Nhật Bản.

Trong một cuộc họp báo hôm 24/9, Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng Nhật Bản, ông Osamu Fujimura cho biết: “Chính phủ Nhật bản rất lấy làm tiếc về quyết định hủy bỏ buổi lễ của phía Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng không nên để những gì diễn ra trong giai đoạn cụ thể ảnh hưởng đến triển vọng của mối quan hệ Nhật - Trung. Quan trọng là chúng ta cùng nhau củng cố thêm mối quan hệ chiến lược giữa 2 bên”.

Nhật đã quyết định cử đặc phái viên tới Bắc Kinh nhằm thảo luận về việc 3 tàu tuần tra của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải của Nhật.

Hiền Thảo (tổng hợp)// ĐVO
--------------------------
Tên lửa Hàn Quốc được phép 'phủ sóng' toàn bộ Triều Tiên

Washington và Seoul đã đạt thỏa thuận sơ bộ về việc tăng tầm bắn của tên lửa đường đạn Hàn Quốc lên đến 800 km.

 Thỏa thuận quy định cho phép Hàn Quốc tăng tầm bắn của các tên lửa đường đạn do họ đang phát triển từ 300 km hiện nay lên đến 800 km, cho phép tiêu diệt các mục tiêu chính hầu như trên toàn lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, hạn chế về trọng lượng đầu đạn vẫn như cũ là 500 kg.

Như vậy, các tên lửa đường đạn tăng tầm có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên một khi chúng được phóng từ khu vực thành phố Daejeon.

Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên phát triển mạnh kho vũ khí tên lửa, Seoul đã 2 lần vào năm 1979 và 2001 định xem xét lại hiệp định về tên lửa với Mỹ.

Hiện nay, các tên lửa Bắc Triều Tiên có khả năng tiêu diệt bất cứ vị trí nào trên lãnh thổ miền nam.

Dự kiến, thỏa thuận mới về tên lửa giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ được công bố có hiệu lực chính thức vào tháng 10/2012, khi diễn ra cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng hai nước thường niên.

PM (Itar-Tass, RUVR, ĐVO)
------------------------
Tàu sân bay Trung Quốc chính thức được biên chế hải quân

Chiều qua 23/9, tại cảng Đại Liên, quân đội Trung Quốc đã chính thức tiến hành lễ bàn giao tàu sân bay đầu tiên của nước này cho lực lượng hải quân, tàu sân bay được mang số hiệu 16.

Buổi lễ bàn giao tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc cho hải quân nước này được diễn ra từ khoảng 16 giờ đến 17 giờ 20 phút hôm qua 23/9 theo giờ Bắc Kinh (15 giờ đến 16 giờ 20 phút giờ Việt Nam) tại cảng Đại Liên. Con tàu được đánh số hiệu 16, trên treo rợp cờ, phía đầu là cờ của lực lượng quân đội phía đuôi là quốc kì Trung Quốc.

Như vậy là sau hơn 10 lần chạy thử trong nhiều tháng liền, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã được chính thức biên chế cho lực lượng hải quân nước này với số hiệu 16 và có thể được mang tên "Liêu Ninh".

Hòa Phong// Infonet
-----------------
"Iran sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận về hạt nhân"

Theo AFP, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khẳng định ông sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận nhằm hạn chế kho chứa urani đã được làm giàu của nước này, song bày tỏ nghi ngờ thiện chí đàm phán của phương Tây.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Washington công bố ngày 24/9, ông Ahmadinejad nhấn mạnh: "Chúng tôi đã và đang sẵn sàng đưa ra thỏa thuận mà sẽ giải tỏa những quan ngại của phương Tây. Chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều đề xuất đúng đắn. Về cơ bản, chúng tôi không ngần ngại thúc đẩy đối thoại, chúng tôi luôn muốn đối thoại và có lập luận rất rõ ràng: Chúng tôi thực sự tin tưởng rằng nếu mọi người tuân thủ luật pháp và tôn trọng tất cả các bên thì sẽ không xảy ra vấn đề gì."

Tuy nhiên, ông Ahmadinejad không cho rằng chương trình hạt nhân của Iran là mối quan ngại thực sự của phương Tây, cho rằng đó có thể chỉ là cái cớ để phá hoại Chính phủ Hồi giáo của nước này.

Với 90 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 22/9 đã thông qua nghị quyết khẳng định nước này sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Biện pháp không mang tính ràng buộc này nói rằng không nên lý giải nghị quyết như là sự cho phép sử dụng sức mạnh quân sự hay một tuyên bố chiến tranh, song nhấn mạnh Mỹ sẽ không lệ thuộc vào chính sách ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hối thúc Washington giải thích rõ rằng điều gì sẽ dẫn đến một cuộc tấn công quân sự do Mỹ đứng đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran./.
(Theo Vietnam+)
-----------------------
Indonesia mua lựu pháo tự hành tối tân của Pháp

Hai lựu pháo tự hành 155 mm CAESAR do Nexter Systems (Pháp) sản xuất đã được một máy bay vận tải Il-76 (Nga) chở đến sân bay Jakarta ngày 21/9/2012.

Trước đó, việc Indonesia mua sắm lựu pháo tự hành CAESAR 155 mm, nòng dài 52 lần cỡ không được tiết lộ, nhưng theo tin đăng mới đây trên tờ La Tribune (Pháp), hợp đồng cung cấp 37 hệ thống CAESAR đã được ký vào mùa hè năm 2012.

Quân đội Indonesia dự định trang bị số pháo này cho 2 tiểu đoàn pháo binh.

Các lựu pháo CAESAR mà Indonesia mua sử dụng khung gầm bánh lốp (6х6) Sherpa 5 của Renault Trucks Defense, tương tự như khung gầm sử dụng cho CAESAR của quân đội Pháp và cho 6 lựu pháo tự hành chuyển giao cho lục quân Thái Lan vào năm 2010.

Dự kiến, hai hệ thống CAESAR đầu tiên đã được đưa tới Indonesia sẽ tham gia duyệt binh ở Jakarta vào ngày 5/10/2012.

La Tribune cũng cho biết, Đan Mạch cũng đang đàm phán trước hợp đồng về việc mua sắm 18 hệ thống CAESAR trị giá khoảng 90 triệu euro.

Tháng 5/2012, có tin cho biết, vào tháng 9/2011, Nexter Systems đã ký hợp đồng thứ ba bán CAESAR cho Cận vệ quốc gia Saudi Arabia, trị giá 169 triệu euro.

Theo hợp đồng này, Nexter Systems sẽ chuyển giao từ cuối năm 2013 và năm 2014 tổng cộng 32 hệ thống CAESAR, 7 hệ thống huấn luyện, 60 hệ thống máy tính đường đạn Nexter BACARA, đạn pháo 155 mm, kể cả đạn chùm BONUS II mang đạn con tự dẫn.

Trước đó, Lực lượng Cận vệ quốc gia Saudi Arabia đã ký 2 hợp đồng mua tương ứng 80 và 20 lựu pháo tự hành CAESAR vào năm 2006 và 2009, giao hàng từ năm 2009. Như vậy, tổng số pháo CAESAR bán cho Saudi Arabia đã lên tới 132 khẩu. Số pháo này đều dùng khung gầm bánh lốp (6х6) Unimog U5000.

Tháng 4/2012, Bộ Quốc phòng Pháp đã thông báo quyết định đặt mua thêm 64 hệ thống CAESAR cho quân đội Pháp. Hợp đồng bắt đầu thực hiện vào năm 2017 và giao hàng vào năm 2020.

Trước đó, Quân đội Pháp đã nhận được 5 hệ thống CAESAR tiền sản xuất loạt, năm 2008-2011 nhận được 72 hệ thống sản xuất loạt. Như vậy, đến nay, tổng lượng đặt hàng đã hoàn thành, đang thực hiện và đơn hàng dự kiến đối với CAESAR đã lên tới 316 khẩu, trong đó có 175 khẩu xuất khẩu.
PM (Bmpd, ĐVO)
---------------------------
  NATO sẽ không can thiệp quân sự vào Syria?

 Lần đầu tiên, cấp cao quân sự NATO khẳng định không có kế hoạch can thiệp quân sự đối với Syria, cần tiếp tục giải quyết bằng kênh chính trị.

 Tân Hoa xã dẫn lời Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh tối cao quân đồng minh châu Âu NATO Manfred Lange ngày 21/9 cho biết, NATO hiện không có kế hoạch can thiệp quân sự đối với cuộc khủng hoảng Syria.

Đây là lần đầu tiên cấp cao quân sự NATO bày tỏ lập trường đối với vấn đề Syria.

Lange nói với phóng viên rằng, Quân đội NATO cho rằng, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy can thiệp quân sự đối với Syria sẽ cải thiện tình hình an ninh tại khu vực, biện pháp quân sự không thể chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề Syria.

Ngoài ra, do Liên Hợp Quốc khó thông qua được nghị quyết có liên quan, NATO rõ ràng không có bất cứ kế hoạch quân sự nào nhằm vào Syria. Ông nhấn mạnh, cần tiếp tục thông qua con đường chính trị tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Bộ Tư lệnh tối cao quân đồng minh châu Âu là một trong 2 Bộ Tư lệnh cấp cao nhất, phụ trách toàn diện việc chỉ huy và điều phối tất cả các hành động quân sự của NATO.

Trước đó, Tổng Thư ký NATO Rasmussen cũng nhiều lần cho biết, NATO không có ý định can thiệp quân sự tình hình Syria.

Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã, GDVN)
---------------------
Iran: Chiến tranh thế giới III có thể bùng nổ nếu bị Israel tấn công

Iran ngày 23/9 cho biết chiến tranh thế giới thứ III có thể bùng nổ nếu Israel tấn công nước cộng hòa Hồi giáo này.

Ngày 23/9, chuẩn tướng Amir-Ali Hajizadeh, Tư lệnh của Sư đoàn Không gian vũ trụ Iran, đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran có thể gây ra chiến tranh thế giới thứ III.

Israel hiện nay rất quan tâm đến chương trình hạt nhân của Tehran và luôn đe dọa phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran. Iran khẳng định rằng chương trình hạt nhân của mình chỉ nhằm mục đích hòa bình và cảnh báo sẽ trả đũa nếu bị tấn công.

Theo hãng tin Press TV, ông Hajizadeh cho biết trong trường hợp căng thẳng bùng nổ thành một cuộc chiến tranh chống lại Iran, tình hình sẽ trở nên mất kiểm soát.

"Cuộc chiến tranh này có khả năng sẽ biến thành chiến tranh thế giới III" - Hajizadeh nói và bổ sung thêm rằng điều đó có nghĩa là một số quốc gia khác có thể sẽ tham chiến hoặc hỗ trợ hoặc chống lại Iran.

"Cộng hòa Hồi giáo Iran xem xét các căn cứ của Mỹ trong khu vực như là một phần của đất Mỹ và chắc chắn sẽ nhắm vào các mục tiêu đó nếu chiến tranh xảy ra" - ông nói thêm.

Trước đó, vào ngày 22/9, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari, cho biết một cuộc chiến Iran "cuối cùng sẽ xảy ra" nhưng "không rõ ở đâu và khi nào". Tuy vậy, Iran đã sẵn sàng đối đầu với bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào đất nước.

Ông cũng tuyên bố các quan chức Israel hiện đang xem xét chiến tranh là biện pháp duy nhất để đối đầu với Iran và nhấn mạnh rằng nếu họ gây chiến, đó chính là sự hủy diệt và là kết thúc cuộc phiêu lưu của họ.

Ngoài ra, Hossein Salami, một chỉ huy của IRGC cho biết nước này không bắt đầu cuộc chiến chống lại bất kỳ quốc gia nào nhưng trong trường hợp bị tấn công bởi bất cứ quốc gia nào, họ sẽ không bao giờ ngừng phản công cho đến khi kẻ thù thất bại..

Cũng trong ngày 23/9, hãng Press TV đưa tin lực lượng không quân của Iran có kế hoạch tổ chức một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở phía Nam của đất nước vào cuối năm theo lịch hiện tại của Iran (tháng 3 năm 2013).

Anh Vũ (Nguồn Xinhua)


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te