Hãng tin AFP đưa tin 78 tàu cá Đài Loan (Trung Quốc) đã ra khơi đi về hướng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ chiều 24-9 và dự kiến đến quần đảo tranh chấp này vào sáng sớm 25-9.
Các tàu cá Đài Loan đổ bộ về Senkaku trong ngày 24-9 - Ảnh: Reuters |
Các tàu cá khởi hành từ cảng cá Nam Phương ở miền bắc Đài Loan. Có ba phóng viên tham gia cuộc hành trình này. 10 tàu tuần tra được phái theo để bảo vệ tàu cá.
Hãng tin CAN (Đài Loan) dẫn lời ông Wang Jinn Wang, người đứng đầu Lực lượng cảnh sát biển Đài Loan (CGA), rằng đội tàu tuần tra thậm chí có thể sử dụng vũ khí để đáp trả nếu bị tấn công trước.
Đây là chuyến đi đến quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật)/Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) quy mô lớn đầu tiên của ngư dân Đài Loan nhằm khẳng định quyền được đánh bắt trong vùng biển dồi dào thủy sản xung quanh quần đảo.
Những tàu cá mang theo các biểu ngữ có nội dung “Điếu Ngư đài (cách Đài Loan gọi Senkaku) thuộc về Đài Loan”, “Chúng ta phải đấu tranh bảo vệ quyền đánh bắt để tồn tại” và “Ngư trường truyền thống không thể bị cướp mất”.
Ông Chen Chun Sheng, chủ tịch Hội ngư dân xã Tô Áo, quận Nghi Lan, cho biết chuyến đi rất tốn kém nhưng họ không còn lựa chọn nào khác. “Đối với ngư dân thì quyền được đánh bắt còn quan trọng hơn các vấn đề chủ quyền. Tôi hi vọng các chính trị gia sẽ nỗ lực hơn vì sự tồn tại của ngư dân”.
Hội đồng quận Nghi Lan từng lên kế hoạch tổ chức một chuyến đi ra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng trước để khẳng định tuyên bố chủ quyền của Đài Loan, nhưng chính quyền Đài Loan đã từ chối hỗ trợ tài chính.
Ông Lin Chui Shan, thành viên hội đồng quận Nghi Lan, cho biết kế hoạch của các ngư dân là chỉ đến gần vùng tiếp giáp - tức vùng biển bên ngoài phạm vi 12 hải lý từ quần đảo - chứ không tiến vào vùng biển do Nhật Bản kiểm soát.
Đài Loan và Nhật Bản sẽ sớm tổ chức các cuộc đàm phán về thủy sản. Ông Chen cho rằng chuyến đi ngày 24-9 không ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc hội đàm này, mà còn tăng cường sự tự tin của chính quyền Đài Loan trên bàn đàm phán.
TẤN KHOA (Theo AFP, Kyodo, Tuổi Trẻ)