TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 14-10-2012


Ấn Độ phóng thử tên lửa BrahMos từ tàu ngầm

 BrahMos, tên lửa hành trình siêu thanh do Nga và Ấn Độ phối hợp phát triển sẽ được phóng thử từ tàu ngầm vào cuối năm nay.

Phó giám đốc Tập đoàn NPO Mashninostroyenie – ông Alexander Dergachev cho biết: “Chúng ta cần thực hiện vụ thử này vào cuối năm nay. Quyết định về việc liệu loại vũ khí này có thể được chấp nhận đưa và biên chế của Hải quân Ấn Độ hay không sẽ được đưa ra dựa vào kết quả cuộc thử nghiệm”.

Cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành nhằm mục đích chứng minh sức mạnh của tên lửa này khi nó được phóng đi từ tàu ngầm.

Liên doanh phát triển tên lửa BrahMos giữa Nga và Ấn Độ được thành lập từ năm 1998, sản xuất 3 biến thể tên lửa BrahMos dựa trên loại tên lửa hành trình siêu âm NPO Mashinostroyenie 3M55 Yakhont (NATO SS-N-26) đang được sử dụng trong các Lực lượng Vũ trang Nga hiện nay.

Tên lửa Brahmos được Nga đầu tư công nghệ, còn Ấn Độ bỏ vốn nghiên cứu chế tạo. Tên lửa BrahMos có tầm xa đến 300 km, bay với tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh, tải trọng chiến đấu 250 kg.Với trọng lượng gần 3 tấn, tên lửa BrahMos có thể bay ở độ cao từ 10 đến 14 nghìn mét, và có thể thay đổi đường bay.

 Theo đánh giá của giới chuyên viên, trên thế giới chỉ có tên lửa BrahMos có khả năng bay với tốc độ cao ở tầm xa lớn như vậy. Nếu so sánh với các loại tên lửa khác đang được sử dụng ở nước ngoài thì Brahmos có ưu thế về tốc độ gấp 3 lần, về tầm xa gấp 2,5 lần, về thời gian phản ứng ngắn hơn gấp 3-4 lần.

Lục quân Ấn Độ đã được cung cấp biến thể tên lửa BrahMos phóng từ mặt đất trong khi hải quân cũng đã trang bị biến thể chống tàu cho 10 tàu chiến của họ. Lực lượng Không quân Ấn Độ cũng sẽ sử dụng loại vũ khí này và trang bị cho 42 chiến đấu cơ nâng Sukhoi Su-30MKI nâng cấp (hay còn gọi là Super Sukhoi).

Phiên bản trên không đang được thử nghiệm và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Ấn Độ và Nga còn vừa đạt được thỏa thuận phát triển loại tên lửa vượt thanh BrahMos-2, có khả năng bay với tốc độ gấp 5-7 lần tốc độ âm thanh

Đan Khanh - (Theo RIA, VNmedia)
---------------
Iraq tăng cường mua khí tài quân sự

Chính phủ Iraq vừa đồng ý mua 28 chiến đấu cơ hạng nhẹ L-159 của CH Czech với tổng trị giá 1 tỉ USD. Dự kiến, Baghdad sẽ sớm nhận chiếc L-159 đầu tiên.

Quyết định này được đưa ra trong chuyến thăm Czech của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki ngày 12.10, theo AFP. Trước đó 3 ngày, trong chuyến đến thăm Nga, ông Maliki cũng đã xác nhận Iraq vừa ký nhiều hợp đồng mua vũ khí từ Moscow với tổng giá trị lên đến 4,2 tỉ USD. RIA-Novosti dẫn nội dung từ các hợp đồng trên cho hay Nga sẽ cung cấp 30 trực thăng chiến đấu Mil Mi-28NE và 50 hệ thống phòng không Pantsir-S1 cho Iraq.

Với những hợp đồng này, Nga chỉ đứng sau Mỹ về giá trị trong danh sách các nhà cung cấp vũ khí cho Iraq, theo AFP. Trước đó, Baghdad ký hợp đồng mua 36 chiến đấu cơ F-16 trị giá 12 tỉ USD từ Washington. Dự kiến, quân đội Iraq bắt đầu nhận F-16 vào tháng 9.2014.

Minh Trung// Thanh Niên
--------------------
Nhật Bản và Mỹ dự định tập trận tái chiếm đảo

 Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao ngày 13-10 cho biết, Nhật Bản và Mỹ đang xem xét việc tiến hành một cuộc tập trận chung tại tỉnh Ô-ki-na-oa vào tháng 11 tới, với tình huống giả định là tái chiếm một hòn đảo không người ở. Trong khuôn khổ cuộc tập trận này, binh sĩ hai nước sẽ diễn tập đổ bộ từ thuyền và trực thăng lên hòn đảo giả định bị nước ngoài chiếm đóng để giành lại quyền kiểm soát. Địa điểm diễn tập dự kiến sẽ là đảo I-ru-xu-ma (Irisuna) ở Ô-ki-na-oa, cách Trung Quốc 550km về phía Đông. Cuộc diễn tập dự kiến này là một phần của cuộc tập trận chung giữa hai nước kéo dài từ ngày 5 đến 16-11. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc, liên quan đến quần đảo tranh chấp mà Tô-ki-ô gọi là Xen-ca-cư còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Châu Anh// QĐND
----------
Mỹ ủng hộ can thiệp quân sự có điều kiện vào Mali

Chính phủ Mỹ tuyên bố ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali để đánh đuổi các nhóm vũ trang khỏi miền Bắc quốc gia châu Phi này nhưng đưa ra bốn điều kiện kèm theo.

Theo tạp chí Focus ngày 13/10, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách châu Phi Johnnie Carson công bố lập trường trên của Chính phủ Mỹ sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trước đó một ngày thông qua nghị quyết cho phép các nước châu Phi can thiệp quân sự vào Mali.

Chính phủ Mỹ muốn cuộc khủng hoảng Mali cần được giải quyết đồng thời trên bốn phương diện, đó là tái lập quyền lực nhà nước trên toàn bộ lãnh thổ, đối phó với mối đe dọa của al Qaeda tại Bắc Phi (AQMI) và các nhóm có liên quan, khôi phục chính phủ dân chủ ở Bamako từ nay đến tháng 4/2013, và giải quyết vấn đề người Touareg và cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định vấn đề khủng bố ở Bắc Mali sẽ được giải quyết bằng biện pháp quân sự do các nước châu Phi tiến hành. Trước đó, Mỹ tỏ ý lo ngại trước việc AQMI định mở rộng hoạt động từ hang ổ của chúng ở Bắc Mali./.

(Vietnam+)
---------
Thái Lan nhập xe thiết giáp từ Ukraine

 Hãng tin TNA của Thái Lan ngày 13.10 đưa tin nước này đã mua xe thiết giáp từ Ukraine, vốn sẽ được chuyển giao theo nhiều giai đoạn đến năm 2016.

Tướng Prayuth Chan O-cha, tư lệnh Lục quân Thái Lan, cho biết giai đoạn đầu bao gồm 96 chiếc BTR-3E1 đã được giao và hơn 50 chiếc trong số này đã được đưa vào sử dụng.

Ông Prayuth tiết lộ thông tin trên với báo giới khi đang chủ trì một buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 38 năm thành lập Sư đoàn Bộ binh số 2 (Vệ binh Quốc vương) của Quân đội Hoàng gia Thái Lan tại Trại Prom Yothee ở tỉnh Pachiburi, miền đông Thái Lan, hôm 12.10.

Tướng Prayuth xác nhận 121 chiếc BTR-3E1 khác nhập từ Ukraine sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2014.

Ông này cũng cho biết một đội xe thiết giáp Oplot khác cũng từ Ukraine đang trong giai đoạn thương lượng và dự kiến sẽ về Thái Lan “theo từng giai đoạn một, đến năm 2016”.

Trùng Quang// Thanh Niên
---------------
Máy bay Nga gặp nạn ở Ukraine

Một máy bay lưỡng cư chống tàu ngầm của Nga phục vụ trong Hạm đội biển Đen đã bị tai nạn ở Ukraine làm ba người chết và 1 người bị thương, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Máy bay Beriyev Be-12 rơi trong khi hạ cánh tại sân bay Kacha, cách 50 km từ căn cứ hải quân Nga tại Sevastopol trên bán đảo Crimean.

"Có 4 thành viên, nhưng máy bay không mang theo bất kỳ loại vũ khí nào", phát ngôn viên BQP Nga, Đại tá Igor Konashenkov, cho biết.
Các chuyến bay của Be-12 đã bị đình chỉ trong khi các nhà điều tra xác minh nguyên nhân của vụ việc. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, chiếc máy bay đã có thể gặp phải vấn đề về động cơ trước khi tai nạn.

"Chiếc máy bay đã lộn trái đột ngột và bị rơi gần đoạn đầu của đường băng", một nguồn tin tại sân bay Kacha nói với RIA Novosti.

Be-12 đã phục vụ trong Hải quân Nga kể từ đầu những năm 1960. 9 chiếc máy bay Be-12 còn lại là một bộ phận của trung đoàn không quân hỗn hợp được giao cho Hạm đội biển Đen.

Được biết, chiếc máy bay bị rơi đã phục vụ trong Hải quân Nga hơn 30 năm.

Đàm Thuận (theo RIA, Bee)
--------------------
Không quân Israel không kích ba vị trí ở Dải Gaza

Quân đội Israel cho biết không quân nước này sáng 13/10 đã tấn công ba vị trí ở Dải Gaza, vài giờ sau khi một quả rốckét bắn từ khu vực duyên hải này phát nổ gần một ngôi nhà ở miền Nam Israel.

Tuyên bố của quân đội Israel nêu rõ “máy bay của lực lượng này đã nhằm vào một địa điểm hoạt động khủng bố ở phía Bắc Dải Gaza cùng hai địa điểm hoạt động khủng bố ở miền Trung. Các cuộc tấn công nhằm vào những vị trí này nhằm trả đũa vụ bắn rốckét vào miền Nam Israel."

Trước đó hôm 11/10, máy bay Israel cũng đột kích một trại huấn luyện của Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, cánh vũ trang của phong trào Hồi giáo Hamas, vài giờ sau khi các tay súng ở Dải Gaza bắn hai quả rốckét vào miền Nam Israel.

Hôm 10/10, không quân Israel đã oanh tạc các mục tiêu ở phía Bắc Dải Gaza song không gây thương vong. Một nhóm nhỏ những người Salafy cấp tiến cho biết đã bắn rốckét để trả đũa các cuộc không kích tại Dải Gaza./.

(Vietnam+)
------------
Thủ lĩnh của Al Qaeda kêu gọi tấn công Mỹ và Israel

Thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahri đã hối thúc người Hồi giáo tiến hành cuộc thánh chiến nhằm vào Mỹ và Israel liên quan đến bộ phim báng bổ Nhà tiên tri Muhammed của đạo Hồi.

Trong thông điệp ghi âm do nhánh truyền thông As-Sahab của Al-Qaeda công bố và đăng tải trên các trang web phiến quân sáng 13/10, al-Zawahri ca ngợi những người biểu tình “thật thà và nhiệt huyết” đã xông vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Cairo của Ai Cập cũng như những người đã tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi của Libya hôm 11/9 khiến Đại sứ Mỹ và ba người khác thiệt mạng trong làn sóng bạo lực liên quan đến bộ phim nói trên.

Al-Zawahri đồng thời khẳng định Mỹ đã cho phép sản xuất bộ phim này với cái cớ tự do ngôn luận “nhưng quyền tự do đó không ngăn cản họ tra tấn các tù nhân Hồi giáo.”

Bộ phim nói trên có tiêu đề "Innocence of Muslims," do một người Mỹ gốc Ai Cập sản xuất. Sau khi được tung lên mạng Internet, bộ phim đã dấy lên làn sóng biểu tình lan rộng khắp thế giới Hồi giáo. Nhiều vụ xung đột, tấn công đã xảy ra, mà đỉnh điểm là vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Libya, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Các phái bộ ngoại giao phương Tây ở các nước Hồi giáo đều tạm thời bị đóng cửa. Pháp đã đóng cửa các đại sứ quán, lãnh sự quán, trung tâm văn hóa, trường học,... ở 20 quốc gia Hồi giáo do lo ngại sự giận dữ của người biểu tình sẽ chuyển từ các mục tiêu Mỹ sang Pháp sau khi tạp chí Charlie Hebdo cho đăng tranh biếm họa mang tính báng bổ Nhà tiên tri Mohammed./.

(Vietnam+)
--------------
 Nga phóng thành công 2 vệ tinh định vị toàn cầu của Châu Âu

Cơ quan Không gian Nga cho biết tên lửa đẩy Soyuz – ST- B của nước này đã hoàn thành sứ mệnh đưa 2 vệ tinh định vị Galileo-IOV của Châu Âu  vào quỹ đạo theo kế hoạch.

Soyuz rời bệ phóng lúc 18h 15 tối thứ Sáu (giờ địa phương) ngày 12/10  từ bãi phóng Kourou ở Guuina, Pháp. 2 giờ sau khi bay vào không trung, 2 vệ tinh đã tách khỏi tên lửa.

Đây là vệ tinh thứ 3 và thứ 4 được bổ sung vào hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Galileo của Châu Âu. Dự định hệ thống Galileo sẽ được tăng cường đến 30 vệ tinh. 2 vệ tinh đầu tiên được đưa vào quỹ đạo năm 2011 cũng trên tên lửa đẩy Soyuz.

Gelileo được hy vọng sẽ hoạt động vào năm 2015 và cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh vào năm 2020.
Song Hà (Theo Ria Novosti, ĐVO)
-------------------
 LHQ 'bật đèn xanh' việc can thiệp quân sự vào Mali

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 12/10 đã nhất trí thông qua nghị quyết cho phép các nước Tây Phi và các tổ chức khu vực trong vòng 45 ngày đưa ra một kế hoạch quân sự "chi tiết và khả thi" nhằm hỗ trợ quân đội Mali giành lại vùng lãnh thổ phía Bắc đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng.

Nghị quyết trên nêu rõ kế hoạch quân sự này phải là kết quả của "các cuộc tham vấn mật thiết" giữa LHQ, Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), Liên minh Châu Phi (AU) với Mali cũng như các nước láng giềng trong khu vực, các đối tác song phương có liên quan và các tổ chức quốc tế. HĐBA cũng yêu cầu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trong vòng 45 ngày sau khi nghị quyết được thông qua cần tiến hành tham vấn với các đối tác trên để trình "các đề xuất chi tiết và khả thi", bao gồm các biện pháp và cách thức cụ thể nhằm chuẩn bị cho việc triển khai các lực lượng quân sự quốc tế tại Mali.

Bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh bất ổn đang ngày càng gia tăng cũng như sự trỗi dậy của các phần tử khủng bố nguy hiểm và các nhóm Hồi giáo cực đoan tại quốc gia Tây phi này, nghị quyết của HĐBA kêu gọi chính quyền Mali, các nước láng giềng, các tổ chức khu vực và quốc tế cần tăng cường hợp tác nhằm đối phó với những mối đe dọa trên, đồng thời giải quyết vấn đề tội phạm có tổ chức tại quốc gia này. HĐBA cũng kêu gọi chính quyền chuyển tiếp Mali, các nhóm phiến quân và các đại diện hợp pháp của cư dân địa phương ở miền Bắc Mali nhanh chóng tham gia tiến trình đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị bền vững, đồng thời hối thúc các lực lượng nổi dậy ở Mali cắt đứt mọi quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế. HĐBA cũng nhấn mạnh chính quyền Mali cần đảm bảo an ninh và thống nhất trên lãnh thổ nước này cũng như đảm bảo sự an toàn cho người dân theo luật nhân quyền quốc tế.

Trong một thông báo đưa ra cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh việc thông qua nghị quyết trên mang ý nghĩa chính trị nhằm kêu gọi các nhóm vũ trang chấm dứt các hoạt động tấn công và nhanh chóng tham gia vào tiến trình hòa giải. Ông Hollande khẳng định cộng đồng quốc tế luôn sát cánh cùng Mali trong công cuộc giải phóng miền Bắc khỏi các nhóm phiến quân Hồi giáo.

Trước đó, Thủ tướng Mali Mobido Diarra đã kêu gọi các nước Phương Tây, đứng đầu là Pháp, can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali bằng việc gửi máy bay chiến đấu và lực lượng đặc nhiệm tới nước này. Trong khi đó, ECOWAS và Mali cũng đã đạt được thỏa thuận, theo đó các lực lượng Tây Phi sẽ hỗ trợ quân đội Mali giành lại vùng lãnh thổ phía Bắc.

Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng 3 khi các binh sĩ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren sau đó đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt luật Hồi giáo (Sharia).

TTXVN/Tin tức
----------------
Giao tranh ác liệt diễn ra khắp Syria

Hôm 12.10, quân nổi dậy vẫn cố gắng bám trụ đường cao tốc bắc nam chính của syria khi lực lượng chính phủ chiến đấu tại một vài mặt trận trên khắp cả nước.

Quân nổi dậy đã chiếm một căn cứ không quân phía đông thành phố Alepo, thành phố lớn nhất Syria và các lực lượng của chính phủ đã phản công lại bằng đạn pháo ở thành phố Homs – các nhà hoạt động cho biết.

Trên biên giới với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra 2 chiến đấu cơ sau khi một trực thăng quân sự của Syria ném bom thị trấn biên giới Azmarin của Syria, nơi diễn ra giao tranh ác liệt giữa quân nổi dậy và lực lượng của chính phủ trong tuần này.

Căng thẳng giữa Ankara và Damascus đang trở nên tồi tệ tại thời điểm khi cuộc giao tranh đã kéo dài 19 tháng đang căng thẳng mà không có dấu hiệu của một bước đột phá về mặt ngoại giao và xuất hiện những lo lắng rằng bạo lực có thể lan tỏa khắp Trung Đông.

Tổ chức quan sát nhân quyền Syria đưa ra số người chết hôm thứ 5 là hơn 260 người, bao gồm thường dân của cả 2 phía khi giao tranh diễn ra ở thủ đô, phía bắc, tây và đông đất nước. Họ cho biết 92 lính đã thiệt mạng, đây là một trong những con số thương vong lớn nhất của phía chính phủ kể từ khi cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad nổ ra vào tháng 3 năm 2011.

Hãng tin SANA đưa tin về giao tranh trên khắp cả nước và nói rằng hàng chục quân nổi dậy đã bị giết chết.

Ở Idlib, các nhà hoạt động cho biết phe đối lập đã bắt được 400 lính và quân nhân trung thành của chính phủ ở Jisr al-Shoughour – một khu vực nông nghiệp có nhiều đồi núi.

Phương Hà (Theo Reuters, GDTĐ)
---------------------------
 Xa vời phi hạt nhân Trung Đông

Trung Đông với những cuộc tranh cãi, đối đầu, xung đột... liên miên luôn được xem là một "thùng thuốc súng" đầy hiểm nguy với hoà bình và an ninh không chỉ khu vực này mà còn là vấn đề liên quan đến cả thế giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu các quốc gia trong khu vực nóng bỏng này còn có thêm vũ khí hạt nhân?

Chính vì thế mà Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 12-10 đã lên tiếng thúc giục tổ chức Hội nghị quốc tế đầu tiên về phi hạt nhân Trung Đông dự kiến được tổ chức vào trung tuần tháng 12 tới tại Thủ đô Helsinki của Phần Lan. Theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, sự tham dự đầy đủ của tất cả các quốc gia khu vực Trung Đông cũng như Liên đoàn Arab sẽ đóng góp vào thành công của hội nghị.
Hội nghị này vốn được “thai nghén” suốt gần 40 năm qua khi Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết thành lập khu vực phi hạt nhân ở Trung Đông do Iran đề xuất năm 1974. Phải đến năm 2010, các nhà ngoại giao khu vực và quốc tế mới thống nhất được với nhau về việc tổ chức Hội nghị phi hạt nhân Trung Đông vào trung tuần tháng 12-2012 tại Helsinki.

Việc tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm hoạch định những bước đi đầu tiên nhằm hướng tới mục tiêu biến Trung Đông thành khu vực không có các vũ khí hủy diệt hàng loạt càng trở nên cấp thiết khi chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đang trở thành ngòi nổ nguy hiểm trong khu vực. Một số quốc gia như Mỹ và Israel đã úp mở về khả năng sẽ tấn công phủ đầu để phá huỷ các cơ sở hạt nhân của Iran trong khi Tehran tuyên bố một hành động quân sự như vậy sẽ dẫn tới “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”.

Quá chú ý vào chương trình hạt nhân của Iran khiến thế giới và khu vực quên rằng chính  Israel mới hiện là quốc gia duy nhất ở Trung Đông nhiều khả năng nhất đã có vũ khí hạt nhân. Bản thân Nhà nước Do thái này luôn duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược”, không thừa nhận cũng không phủ nhận về khả năng vũ khí hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế cho rằng Israel đã bí mật phát triển chương trình hạt nhân từ những năm 1960 tại cơ sở hạt nhân Negev trên sa mạc gần thành phố Dimona và hiện nay quốc gia này sở hữu từ 100 đến 200 vũ khí hạt nhân có thể mang trên máy bay, tàu ngầm và tên lửa tầm trung. Trên thực tế, Israel từ chối tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cũng như phản đối kịch liệt việc cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào giám sát chương trình hạt nhân của nước này.

Trong khi đó, cho tới lúc này, cả Israel và Iran đều không khẳng định có kế hoạch tham gia Hội nghị quốc tế về phi hạt nhân Trung Đông giữa tháng 12 tới hay không. Nếu Israel và Iran không tham dự thì hội nghị tại Helsinki nếu có diễn ra cũng chẳng có ý nghĩa và kết quả gì bởi thiếu vắng cả hai “nhân vật” quan trọng nhất.

HOÀNG HÀ // ANTĐ
-------------------
Những vũ khí thông minh giá rẻ

Vấn đề là tiền, như Cicero đã dự kiến từ cách đây hơn hai ngàn năm. Điều đó vẫn đúng đối với hiện nay. Một tên lửa tuần tra Tomahawk giá khoảng 1,5 triệu USD và thậm chí một Hellfire, tên lửa không đối đất nặng chỉ 50kg, giá là 115.000USD một lần bắn. Đổi lại là một xe tăng của phe địch, có thể đó cũng là cái giá công bằng phải trả. Tuy nhiên, muốn bắn hạ một chiếc xe tải của một đám phiến quân vũ trang, dường như quá tốn kém. Còn việc sử dụng người anh em của nó, tên lửa Javelin, giá 147.000USD, chỉ để bắn hạ những người lính trong những hố cá nhân được xem là quá hoang phí. Vậy mà loại tên lửa này vẫn thường được dùng thường xuyên ở Afghanistan.

Rõ ràng có một điều gì đó phải thay đổi. Dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi này xuất hiện vào tháng 3, với sự triển khai ở Afghanistan về APKWS II (Hệ thống những vũ khí hiện đại tiêu diệt chính xác) được chế tạo bởi BAE Systems và Northrop Grumman. APKWS II là một phiên bản đổi mới của loại tên lửa 70mm kiểu cũ, từng được các lực lượng vũ trang Mỹ sử dụng từ năm 1948. Giá thành nó cũng rẻ, loại tên lửa dẫn đường này giá 18.000USD một lần bắn.

APKWS II được nạp đạn và khai hỏa theo cùng một cách như những vũ khí đời trước không có hệ thống hướng dẫn, chỉ dùng để bắn thẳng. Cái khác nhau là phiên bản mới có thể bắn chính xác tới một mét vì nó được gắn với đầu laser dò tìm. BAE và Northrop đang dẫn đầu thị trường với loại vũ khí này. Với các hãng ATK, Lockheed Martin và Raytheon đang bám sát theo sau. Cùng lúc, Hải quân Mỹ đã chế tạo được loại tên lửa dẫn đường giá thành hạ tên Thiết bị tìm mục tiêu bằng hình ảnh (LCITS), nó đã được bắn thử thành công hồi năm ngoái.
LCITS là loại vũ khí được nâng cấp từ tên lửa 70mm, nhưng thay vì dẫn đường bằng laser, nó dò tìm mục tiêu bằng hệ thống tầm nhiệt. Vì không dò tìm bằng laser các mục tiêu, nên LCITS có thể bắn một số tên lửa trong cùng lúc, điều này rất hiệu quả trong trường hợp một con tàu lớn bị nhiều tàu nhỏ tấn công.
Spike là loại tên lửa khai hỏa trên vai đã được thử nghiệm thành công và cũng có thể được bắn từ những máy bay không người lái. Nó có một hệ thống dẫn đường quang học thông minh, tầm bắn của nó là 1.500m. Tuy đầu đạn của nó quá nhỏ, không thể phá hủy được xe tăng, nó vẫn có thể phá hủy được các loại xe và các mục tiêu nhẹ khác, với giá thành rẻ hơn nhiều.

Cũng vậy, các tên lửa giá rẻ thường được gắn trên các máy bay không người lái loại nhỏ thay vì các máy bay đắt tiền có phi công. Những tên lửa như vậy giá chỉ khoảng 1.000USD thay vì hơn 1 triệu USD, với giá rẻ, người ta có thể sử dụng chúng để tấn công hầu hết mọi loại mục tiêu.
     
      V.TOÀN (Economist)
----------------
Mối đe dọa bao trùm Nigeria

Kano, thủ phủ của miền bắc, chiếm phần lớn diện tích trong một nửa phía bắc của đất nước, nơi có khoảng 160 triệu người Nigeria đang sống dưới sự vây hãm. Cuộc chiến giữa chính quyền Nigeria và nhóm Boko Haram muốn áp đặt luật Hồi giáo Sharia ngày càng gắt gao. Những phần tử Hồi giáo cực đoan đang tiến hành chiến dịch đánh bom và ám sát khiến cho hơn 1.000 người chết trong năm nay. Nỗi lo sợ lan rộng trong dân chúng. Nền kinh tế suy sụp. Những doanh nhân ở Kano nói rằng doanh số của họ giảm xuống một nửa vì các khách hàng chẳng ai dám mạo hiểm đi ra ngoài. “Bây giờ khi người ta nghe thấy tiếng ồn ào là họ bỏ chạy”, một nhà buôn bất động sản nói. Những vụ nổ xảy ra thường xuyên.

Một số người miền bắc tuyên bố rằng miền nam có thể tìm sự bào chữa cho sự cắt đứt và bố trí duy nhất giếng dầu ngoài khơi của Nigeria. Tương phản, một số thành viên của chính phủ liên bang ở Abuja cho rằng nhóm chính khách quyền lực miền bắc đang vạch kế hoạch bạo lực để làm cho Tổng thống Goodluck Jonathan, một người miền nam, bị mang tiếng xấu trong kỳ bầu cử sắp tới.

“Chúng tôi đã bắt đầu như một nhóm nhỏ trung thực, không muốn can thiệp vào chuyện chính trị”, một người tự nhận là Abdullah nói, là thành viên của Boko Haram, nhóm này tuyên bố chịu trách nhiệm về một số nhưng không phải là tất cả các vụ tấn công. Các thành viên ban đầu đa số là những ngư phủ thuộc sắc tộc Kanuri ở bang Borno, thuộc biên giới Hồ Chad. Cách đây mười năm họ tụ tập để nghe những bài thuyết pháp của Muhammad Yusuf, một thầy tế Hồi giáo lập dị, bảo thủ nhưng không bạo động. Ông ta yêu cầu trung thành triệt để với kinh Koran, bác bỏ thuyết phát triển Darwin và dạy rằng trái đất là một mặt phẳng. Cứ như thế Boko Haram đã lan tràn vào Maiduguri, thủ phủ của Borno, có sức thu hút mạnh mẽ đối với những người nghèo nông thôn trong khu vực.

Borno là một trong những bang quản lý yếu kém nhất ở Nigeria. Không tới 5% phụ nữ ở Borno biết đọc hay biết viết. Thu nhập mỗi đầu người dưới 50% ở phía nam, dưới 75% trẻ em được đến trường học. Trong quá khứ, chính quyền bang đã mang tiếng tham nhũng và những cuộc bầu cử không trung thực. Ngược lại, Yusuf đã cung cấp cho người dân thực phẩm, giáo dục và hy vọng đối với các tín đồ. Nhận thức được mối đe dọa, chính quyền đã giết hàng trăm thành viên theo Boko Haram, kể cả những người bàng quan. Yusuf bị bắn chết. Những thành viên sống sót của Boko Haram chạy ra nước ngoài để thành lập lại.
     
      VĂN TOÀN (Economist, CAO)
----------------
Nguy cơ từ các kho vũ khí quá hạn

Đầu tháng 10, một vụ nổ đã xảy ra tại kho vũ khí gần thành phố Afyonkarahisar thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, làm chết 25 người lính. Những vụ nổ như vậy xảy ra thường xuyên và đầy chết chóc. Chúng đã sát hại 4.600 nhân mạng từ khi có ghi nhận toàn cầu về vụ việc bắt đầu từ năm 1995. Năm ngoái được xem là năm tệ hại nhất với 442 nạn nhân từ 46 vụ nổ kho đạn. Một trong những sự cố lớn nhất xảy ra vào tháng ba năm nay: một tai nạn tại Congo, những kho đạn đã sát hại 250 người trong phạm vi hai dặm.

Có hàng ngàn kho vũ khí không an toàn tại châu Phi và Trung Đông, thường nằm gần các thị trấn và thành phố. Chiến tranh lạnh kết thúc, để lại toàn bộ những vũ khí không còn sử dụng của Liên Xô. Moldova phải sử dụng một phần tư ngân sách quốc phòng để bảo vệ các kho vũ khí đã lỗi thời. Riêng Ukraine đã có nửa triệu tấn.

Phần lớn những vũ khí cao cấp đều trong tình trạng ổn định. Nhưng những loại chất nổ bắn đi từ nòng súng thì không. Qua thời gian, những chất ổn định bị hao mòn, đặc biệt trong thời tiết nóng, cho tới khi những vụ nổ tự phát xảy ra. Trong các quốc gia giàu có và kiểm soát nghiêm nhặt, đạn dược được xét nghiệm và xử lý trước khi điều đáng tiếc có thể xảy ra. Nhiều quốc gia miễn cưỡng loại bỏ các vũ khí, nếu họ không chắc chúng có thể thay thế được.

Đôi khi những sai lầm nhỏ có thể dẫn đến những trả giá đắt về tính mạng lẫn tài sản. Tại một kho vũ khí phế thải ở sa mạc Rajasthan ở Ấn Độ, người ta đã sa thải người làm vườn để tiết kiệm tiền. Sau đó lâu ngày đám cỏ mọc cao không ai chăm sóc đã bắt lửa, kích hoạt tạo thành một vụ nổ vào tháng 4-2000, làm chết hai người lính và phá hủy nguồn đạn dược trị giá 90 triệu USD.

Vấn đề quản lý kém các vũ khí đã khiến chúng trở thành mồi ngon cho bọn trộm đạo. Các quốc gia phương Tây đau đầu vì các vũ khí hiện đại chẳng hạn như loại tên lửa khai hỏa từ trên vai, chúng cũng thích hợp với các phiến quân hay các lực lượng dân quân độc lập. Lường trước được vấn đề này, trước đây đại tá Muammar Gaddafi ở Libya đã phân phối các vũ khí của ông qua hơn 500 điểm cung cấp để tránh những cuộc không kích của NATO.
     
      KIỀU GIANG (Economist, CAO)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te