Bị tàu lạ đâm chìm tàu, 5 ngư dân mất tích
Vào đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13-10, một chiếc tàu của ngư dân Kiên Giang bị tàu lạ đâm chìm, trên vùng biển cách đảo Hòn Khoai, 35 hải lí hướng Tây Nam.
Ngày 13-10, Cơ quan nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết, các đồn Biên phòng tỉnh Cà Mau đã thông báo và kêu gọi ngư dân hoạt động gần đảo Hòn Khoai (Cà Mau) tìm kiếm cứu nạn chiếc tàu đánh cá của Kiên Giang bị chìm, vẫn còn 5 ngư phủ mất tích.
Trước đó, vào đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13-10, một chiếc tàu lạ đâm, làm chìm một chiếc tàu của ngư dân Kiên Giang, trên vùng biển cách đảo Hòn Khoai, 35 hải lí hướng Tây Nam. Một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Cà Mau phát hiện và cứu vớt được 9 người, còn 5 người bị mắc kẹt trong ca bin đã chìm theo tàu bị nạn.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau điều 2 tàu cứu hộ, 20 cán bộ, chiến sĩ đến vị trí tàu chìm để tìm kiếm cứu nạn nhưng chưa có kết quả.
Nguyên Hương// Tiền Phong
---------------
Nhật Bản và WB hợp tác về quản lý thảm hoạ
Các thảm hoạ tự nhiên có ảnh hưởng lớn đối với đời sống của người dân và có thể xoá đi nỗ lực phát triển trong nhiều năm.
Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) đồng thời đẩy mạnh sử dụng nguồn nhân lực và công nghệ của mình để đóng góp cho việc quản lý thảm hoạ toàn cầu.
Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc họp ngày 13/10 của Uỷ ban phát triển, một cơ quan chung của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng thế giới.
Tuyên bố cho biết, thảm hoạ động đất và sóng thần đã nhắc nhở cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro thảm hoạ. Các thảm hoạ tự nhiên có ảnh hưởng lớn đối với đời sống của người dân và có thể xoá đi nỗ lực phát triển trong nhiều năm. Việc hợp tác với Ngân hàng thế giới là nhằm xây dựng một thế giới phản ứng tốt hơn với các thảm hoạ tự nhiên./.
Thuỳ Linh/VOV-Trung tâm tin
Theo NHK
-------------
Nga và Serbia ký thoả thuận cung cấp khí đốt
Nga và Serbia ngày hôm qua (13/10) đã ký một hiệp định liên chính phủ về việc cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Serbia trong giai đoạn 2012 – 2021.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và người đồng nhiệm Serbia là Zoran Mikhailovich ngày 13/10 đã ký kết tại Belgrade hiệp định cung cấp khí đốt cho giai đoạn 2012 – 2021. Theo hiệp định này, hằng năm, Serbia sẽ được nhận 5 tỷ m3 khí đốt từ nhiên của “gã khổng lồ” năng lượng Nga Gazprom.
Hai bên cũng ký biên bản ấn định bắt đầu công tác xuất khẩu sau khi Serbia thanh toán khoản nợ 30 triệu USD cho khối lượng khí đã mua từ tháng 11/2000 đến tháng 1/2001 và khoảng 10 triệu USD cho khối lượng khí mua từ năm 1995 – 2000. Số nợ tổng cộng là khoảng 40 triệu USD trên phải được hoàn trả trước khi kết thúc năm 2014.
Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính của Serbia. Năm 2011, khối lượng khí đốt mà đất nước Balkan nhập khẩu từ Nga là 1,4 tỷ m3.
Theo hợp đồng hiện tại giữa Công ty khí đốt Srbijagas của Serbia và YugoRosGaz - một công ty con Gazprom ở Serbia, đất nước Balkan hiện phải trả 470USD/1.000 m3 khí đốt mua từ Nga. Tuy nhiên, với thoả thuận vừa được ký, Gazprom và Srbijagas sẽ ký hợp đồng điều chỉnh giá và khối lượng giao hàng mỗi năm trong suốt thời hạn từ 2012 – 2021.
Linh Phương (Theo RIA, Petrotimes)
------------------
Ba Lan sẽ đầu tư 15,5 tỷ euro thăm dò khí đá phiến sét
Đến năm 2020, Ba Lan sẽ đầu tư 50 tỷ zloty (15,5 tỷ euro) vào thăm dò khí đá phiến, Bộ trưởng Tài chính Mikolaj Budzanowski cho biết hôm 13/10.
Phát biểu với giới báo chí, ông Budzanowski cho biết, tổng đầu tư trong 2 năm tới vào khí đá phiến của Ba Lan sẽ là 5 tỷ zloty (1,2 tỷ euro hay 1,6 tỷ USD), trong đó đã bao gồm một thoả thuận khí 409 triệu euro được phê duyệt vào tháng 7/2012 với 5 tập đoàn năng lượng và khoáng sản Ba Lan.
Theo ông Budzanowski, trước khi thoả thuận mua khí đốt của Nga chấm dứt vào cuối năm 2022, Ba Lan phải có sự chuẩn bị tích cực đẩy mạnh khai thác các mỏ khí đốt của mình từ cách đấy 3 năm. Đồng thời, ông nói thêm rằng, tiền của Nhà nước hay đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực này đều được hoan nghênh.
Ba Lan có trữ lượng khí đá phiến có thể khai thác được ước tính khoảng 1.929 tỷ m3, theo một con số chính thức công bố hồi tháng 3/2012. Và theo Viện Địa lý Quốc gia Ba Lan, nước này đứng thứ 3 châu Âu về trữ lượng khí đá phiến sau Na Uy và Hà Lan.
Mặc dù vấp phải nhiều ý kiến phản đối trong nước vì cho rằng việc khai thác khí đá phiến sẽ gây ra ô nhiễm nước ngầm nhưng khai phá được nguồn tài nguyên độc đáo này được kỳ vọng có thể giúp đất nước 38 triệu dân thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga. Bởi, hiện nay, tiêu thụ khí đốt của Ba Lan ở mức 14 tỷ m3 khí/năm và 2/3 trong số đó đến từ Nga.
Chính phủ Ba Lan dự kiến bắt đầu khai thác khí đá phiến vào năm 2014.
Linh Phương (Theo AFP, Petrotimes)
-----------
Nhật Bản cân nhắc mua các trái phiếu của châu Âu
Ngày 13/10, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima cho biết nước này đang cân nhắc mua các trái phiếu của châu Âu để hỗ trợ các nỗ lực đối phó với "bão" nợ công của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Jojima đã đề cập tới khả năng Tokyo sẽ đóng góp vào Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) sau khi cân nhắc độ tin cậy của trái phiếu châu Âu.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, bên lề Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Tokyo (Nhật Bản), Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) đã nhóm họp, thảo luận các chủ đề tăng cường hợp tác tài chính trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về đà suy giảm kinh tế tại châu Á và cuộc khủng hoảng nợ công tiếp tục hoành hành châu Âu.
Giới chức Nhật Bản cho biết các bộ trưởng sẽ trao đổi quan điểm về kinh tế và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tài chính. Đây là cuộc gặp thứ hai của người đứng đầu ngành tài chính các nước thành viên EAS, tiếp sau hội nghị đầu tiên hồi tháng 5/2010.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EAS ở Bali (Indonesia) hồi tháng 11 năm ngoái, lãnh đạo các nước đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác đa phương trong lĩnh vực tài chính. Khi đó, hội nghị đã có sự tham dự của Mỹ và Nga, nâng tổng số thành viên lên 18 nước, gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ./.
(TTXVN)
---------------------------
Thế giới đối mặt với bài toán khó rủi ro thiên tai
15 quốc gia có nguy cơ cao nhất đều nằm ở các vùng nhiệt đới và ven biển.
Truyền thông Indonesia ngày 13/10 cho biết, báo cáo mới về "Chỉ số rủi ro của thế giới đối với các thảm họa" cảnh báo rằng rủi ro từ thảm họa thiên tai đang ngày một tăng do biến đổi khí hậu mà bắt nguồn chính từ việc môi trường tự nhiên bị xâm hại.
Báo cáo này là công trình hợp tác của Liên minh Đức vì hoạt động phát triển (GADW), Viện Môi trường, an ninh con người, bảo tồn tự nhiên của Đại học Liên Hợp Quốc được công bố nhân "Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai 11/10" vừa qua.
Theo báo cáo, nhóm 15 quốc gia có nguy cơ cao nhất đều nằm ở các vùng nhiệt đới và ven biển, nơi môi trường sống ven biển như các bãi đá ngầm và rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống của người dân. Chẳng hạn như các bãi đá ngầm có thể giảm tới 85% năng lượng sóng đánh vào bờ biển.
Theo nhận xét của các quan chức phụ trách chương trình phòng chống thảm họa thiên tai Indonesia, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, là nơi tập trung đông người nhất có nguy cơ hứng chịu rủi ro bởi sinh sống ở độ cao thấp so với mực nước biển và các bãi đá ngầm khu vực cũng bị đe dọa nhiều nhất.
Những quốc gia có đông người nhất trong nhóm rủi ro bị giảm thiểu lợi ích từ các bãi đá ngầm (những người sinh sống ở độ cao dưới 10m và trong phạm vi 50km của các bãi đá ngầm) là Indonesia và Ấn Độ với hơn 35 triệu người mỗi nước trong nhóm nguy hiểm. Tiếp đến là Philippines với hơn 20 triệu người, Trung Quốc với hơn 15 triệu người trong khi Brazil, Việt Nam và Mỹ có hơn 7 triệu người trong nhóm nguy hiểm ở mỗi nước. Báo cáo trên còn lưu ý tình trạng gia tăng đáng báo động các thảm họa tự nhiên và thiệt hại do chúng gây ra. Trong vòng 10 năm, từ 2002 đến 2011, đã xảy ra 4.130 thiên tai trên toàn thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người và gây tổn thất kinh tế ít nhất là 1.195 tỷ USD./.
Theo TTXVN
-------------
Nhật - Trung kín đáo đối thoại về đảo tranh chấp
Quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tuần qua bí mật đến Tokyo để thương lượng nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước về nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả hai bên cùng tuyên bố chủ quyền.
Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, Osamu Fujimura, hôm qua nói rằng ông Luo Zhaohui, vụ trưởng vụ châu Á, Bộ ngoại giao Trung Quốc, có cuộc gặp với ông Shinsuke Sugiyama, Tổng vụ trưởng vụ châu Á-Thái bình dương tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản tối 10/10.
Cuộc gặp dường như đã phát đi một tín hiệu về sự sẵn sàng của hai nước, chí ít cũng là bắt đầu thảo luận về bất đồng song phương, thường rất nhạy cảm, về quyền kiểm soát đối với nhóm đảo được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật, các nhà ngoại giao đã “trao đổi ý kiến” về việc giải quyết tranh chấp và tổ chức các cuộc đàm phán chuẩn bị cho một cuộc họp cấp cao hơn giữa hai nước sẽ tổ chức vào một thời điểm chưa được xác định, New York Times cho hay.
Cả Nhật Bản và Trung Quốc không cho biết thêm chi tiết, nhưng cuộc gặp cho thấy hình ảnh đầu tiên về động thái ngoại giao kín đáo, nhằm làm dịu cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng, vốn đã đẩy hai cường quốc châu Á ngày càng mâu thuẫn nhau, và bắt đầu gây thiệt hại rộng lớn đến mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Thực tế, chính việc tổ chức được cuộc họp dường như báo hiệu rằng hai nước muốn rút khỏi cuộc đối đầu đã dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố ở Trung Quốc, cũng như các cuộc "vờn nhau" giữa các tàu tuần tra của hai bên.
Ông Fujimura bày tỏ hy vọng cuộc họp cấp cao, dự kiến ở cấp thứ trưởng, sẽ là một bước tiến đầu tiên để giảm căng thẳng. “Điều quan trọng là cả Nhật Bản và Trung Quốc cần phải tạo ra một môi trường quan hệ cải thiện bằng cách bắt đầu với một số nỗ lực trao đổi. Chúng tôi hy vọng sẽ có một cuộc trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn”, ông Fujimura nói.
Ngày 12/10, sứ quán Trung Quốc tại Tokyo cũng xác nhận cuộc gặp này và nói rằng nhà ngoại giao Trung Quốc, ông Luo, đã rời Nhật Bản.
Tin tức trên báo chí Nhật Bản nói rằng hai nhà ngoại giao đã nói chuyện với nhau qua điện thoại để dàn xếp cuộc gặp này, sau cuộc gặp tháng trước ở Bắc Kinh không đem lại kết quả. Điều này cho thấy hai nhà ngoại giao có thể đã sử dụng quan hệ cá nhân để thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa hai nước.
Tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nổ ra dữ dội năm nay, sau khi thị trưởng thành phố Tokyo với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tuyên bố muốn mua lại một số hòn đảo từ chủ sở hữu người Nhật Bản. Tin này đã thúc đẩy một số nhà hoạt động ở cả hai nước tổ chức các chuyến đổ bộ lên một hòn đảo đang thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, nhưng cả Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan đều nhận có chủ quyền.
Căng thẳng leo thang tháng trước khi Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihiko Noda, tuyên bố rằng chính phủ Nhật Bản sẽ mua lại các hòn đảo đó. Trong khi ông Noda hy vọng giải quyết sự đối đầu căng thẳng bằng cách ngăn không cho thị trưởng Tokyo sở hữu các đảo, thì động thái này lại gây ra phẫn nộ ở Trung Quốc. Các cuộc tấn công vào các doanh nghiệp Nhật Bản và tẩy chay hàng hóa Nhật đã gây phương hại đến quan hệ kinh tế giữa hai nước vốn có thương mại hai chiều năm ngoái đạt 345 tỷ USD.
Chính phủ Trung Quốc đã gây sức ép lên Nhật Bản bằng cách cử một đội tàu tuần tra không vũ trang đến khu vực biển gần quần đảo. Những chiếc tàu này bị các tàu tuần duyên Nhật theo dõi, xua đuổi và kết quả là đã có những lời lẽ qua lại giữa hai bên, trong đó mỗi bên dùng còi và điện đài buộc tội bên kia xâm phạm chủ quyền của mình.
Các tranh cãi căng thẳng thậm chí đã có lúc dẫn đến khả năng, dù rất nhỏ nhưng rất đáng lo ngại, về việc kéo Mỹ vào một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc. Washington theo nghĩa vụ hiệp ước, buộc phải bảo vệ Nhật Bản nếu Nhật bị tấn công. Các quan chức Mỹ trước đây đã từng nói rằng những đảo này nằm trong trách nhiệm của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Cho đến nay các quan chức Mỹ tránh ủng hộ yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào, đồng thời kêu gọi cả hai nước kiềm chế trong tranh chấp.
Phạm Ngọc Uyển // VNexpress
-------------
Thủ tướng Campuchia cách chức một tướng cảnh sát
Theo Tân Hoa xã , Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 13/10 cho biết đã chấm dứt vị trí và vai trò của tướng cảnh sát, Doeun Sovan, cố vấn Bộ Nội vụ vì tội lạm quyền.
Theo đó, ông Doeun Sovan bị cáo buộc lợi dụng quyền lực buộc nhà chức trách địa phương và những người đo đất phải đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho mảnh đất mà ông này muốn sở hữu ở tỉnh Pursat phía Tây Bắc Campuchia.
Trong buổi lễ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho người dân ở tỉnh Kampong Cham, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói: “Hôm qua, tôi đã đề nghị Quốc vương (Norodom Sihamoni) chấm dứt vị trí và vai trò của Tướng Doeun Sovan, cố vấn Bộ Nội vụ, và cách chức ông này. Vị tướng ba sao này đã lợi dụng quyền lực để yêu cầu nhà chức trách địa phương và sinh viên tình nguyện đo đất cho ông ta, dọa nếu họ không làm theo thì ông ta sẽ có hành động pháp lý.”
Thủ tướng Hun Sen yêu cầu Bộ trưởng Quản lý đất đai, Quy hoạch và Xây dựng đô thị Im Chhun Lim kiện ông Doeun Sovan vì tội lạm dụng quyền lực, đồng thời yêu cầu cảnh sát để mắt tới ông này và nếu ông ta có ý định bỏ trốn thì phải bắt giữ.
Các vụ tranh chấp đất đai giữa dân làng và các công ty tư nhân hay những nhân vật vai vế là chủ đề thường xuất hiện trên báo chí Campuchia trong những năm gần đây./.
(Vietnam+)
--------------
Bạo lực bùng phát ở Ai Cập
Các cuộc đụng độ được cho là tồi tệ nhất kể từ khi Tổng thống Mohammed Mursi nhậm chức vào cuối tháng sáu xảy ra hôm qua tại thủ đô Cairo của Ai Cập khi những người ủng hộ và chống ông Mursi đánh nhau tại Quảng trường Tahrir.
Truyền hình Ai Cập đưa tin, Bộ Y tế Ai Cập công bố con số người bị thương là 110 người.
Căng thẳng gia tăng sau khi các thẩm phán Ai Cập chỉ trích Tổng thống Murisi âm mưu cách chức trưởng công tố viên của nước này. Sự việc xảy ra sau khi tòa tuyên bố trắng án cho 24 người bị cáo buộc đã tấn công vào người biểu tình trong cuộc nổi dậy năm ngoái.
Trưởng công tố Abdel Meguid Mahmud hôm thứ năm đã từ chối từ chức sau khi Tổng thống Mohamed Morsi ra sắc lệnh thay thế ông. Phát biểu trước các nhà báo, ông Abdel Meguid Mahmud, nói: “Tôi vẫn tiếp tục giữ chức. Theo luật, cơ quan pháp luật không thể bị chính quyền điều hành sa thải”.
Các nhân chứng cho biết, một cuộc biểu tình để chỉ trích tổng thống đang diễn ra ở Quảng trường Tahrir hôm thứ Sáu thì bị một đám đông những người ủng hộ ông Mursi xông vào cướp diễn đàn. Sau đó, đụng độ đã xảy ra và hai phe đã dùng đá, chai lọ và bom xăng tấn công nhau.
Buổi tối, ít nhất đã có hai chiếc xe bus được cho là của phe Những người anh em Hồi giáo ủng hộ ông Mursi, bốc cháy gần khu vực quảng trường.
Một thông điệp khẩn xuất hiện trên kênh 1 truyền hình nhà nước kêu gọi các thành viên Những người Anh em Hồi rút khỏi quảng trường Tahrir”.
Tại thành phố công nghiệp Mahalla, miền bắc Ai Cập, những người biểu tình đã xông vào trụ sở chính của Những người anh em Hồi giáo và dỡ bỏ hình ảnh của Tổng thống Mursi.
Theo nhận định, 100 ngày nhậm chức, đây là lần đầu tiên Tổng thống Mursi đối mặt với các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại ông.
Đ.T (theo BBC, AFP, Nhân Dân)
--------------
16/10 toàn ngành lương thực đồng loạt nhịn ăn 24 tiếng
Toàn ngành lương thực đồng loạt nhịn ăn 24 tiếng để thấm thía câu "được mùa chớ phụ ngô khoai"
Tờ Chiết Giang Online ngày 13/10 đưa tin, ngày Lương thực thế giới 16/10 năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên kêu gọi tất cả các cán bộ công tác trong ngành lương thực nhịn ăn 24 tiếng đồng hồ để tự mình cảm nhận thế nào là đói.
Tuần lễ tuyên truyền về lương thực toàn Trung Quốc cũng đã bắt đầu khởi động từ ngày 12/10, điểm nhấn của hoạt động này chính là toàn ngành lương thực đồng loạt nhịn ăn 24 tiếng để thấm thía câu "được mùa chớ phụ ngô khoai", nhắc nhở cộng đồng không nên lãng phí nguồn lương thực.
Đại hội lần thứ 20 tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc năm 1979 quyết định, từ năm 1981 trở đi mỗi năm sẽ lấy ngày 16/10 là ngày Lương thực thế giới.
Chủ đề tuần lễ tuyên truyền về an ninh lương thực năm nay ở Trung Quốc là thực hiện tốt chế độ hợp tác xã nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Hồng Thủy (Nguồn QQ News, GDVN)
-----------
Tổng thống Pháp trên hành trình chinh phục châu Phi
Ông Hollande khẳng định Pháp muốn xây dựng quan hệ đối tác với châu Phi để hướng tới tăng trưởng và dân chủ.
Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 12/10 tới thủ đô Dakar của Senegal bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới một loạt nước châu Phi, trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng đối với lục địa giàu tiềm năng này.
Phát biểu trong chuyến công du châu Phi đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Hollande khẳng định quyết tâm xây dựng quan hệ Pháp- châu Phi trong thời đại mới dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản, đó là minh bạch, thẳng thắn và một nền quản trị tốt. Theo ông, Pháp muốn xây dựng quan hệ đối tác với châu Phi, cùng nhau hướng tới một tương lai tăng trưởng và dân chủ: “Mục đích chuyến thăm châu Phi của tôi không phải là để đưa ra một hình mẫu, cũng không phải là đưa ra các bài học về đạo đức. Tôi coi các nước châu Phi như những đối tác và những người bạn”.
Những phát biểu của ông Hollande đã cho thấy sự khác biệt với người tiền nhiệm Sarkozy, khi đánh giá cao các nước châu Phi, mà cụ thể là Senegal trong các nỗ lực thúc đẩy dân chủ, tiến bộ và bình đẳng.
Theo các nhà phân tích, sau Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước phương Tây khác, Pháp đang nỗ lực củng cố và mở rộng quan hệ với châu lục giàu tiềm năng này. Với dân số gần một tỷ người và chiếm hơn 1/3 nguồn tài nguyên khoáng sản thế giới, châu Phi là mảnh đất màu mỡ đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác đang "chạy đua" tới châu Phi với các hợp đồng khai thác dầu mỏ, khoáng sản, nông nghiệp...
Trong khi đó, nếu như 50 năm trước đây, thương mại của Pháp với châu Phi chiếm 40%, thì hiện nay con số này chỉ còn gần 2%. Trong bối cảnh này, Pháp đang muốn đang muốn trở lại vị trí có ảnh hưởng lớn hơn ở châu Phi, nơi tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ thứ hai ở nhiều nước./.
Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin
--------------
IOM phát động sáng kiến đối phó thiên tai ở châu Á
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ngày 12/10 thông báo khởi động một sáng kiến quan trọng tại châu Á để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương sẵn sàng đối phó và giảm thiểu nguy cơ thảm họa thiên tai.
Thông báo trên được đưa ra đúng vào dịp kỷ niệm "Ngày quốc tế giảm nhẹ thiên tai" (14/10).
Người phát ngôn của IOM Jumbe Omari Jumbe cho biết tổ chức này sẽ chi 17 triệu USD cho các chương trình giảm thiểu nguy cơ thảm họa tại các cộng đồng cũng như nâng cao khả năng của các chính phủ và các nước đối tác của IOM tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc đối phó với thảm họa thiên tai.
Theo ông Jumbe, có tới 200.000 người sẽ được hưởng lợi từ những chương trình khác nhau, trong đó có chương trình ứng phó với động đất, lũ lụt, sóng thần và lốc xoáy. IOM nhấn mạnh sáng kiến trên sẽ giúp ngăn chặn được tình trạng người dân trở thành "di dân khí hậu" thông qua việc giúp họ vượt qua các thảm họa thiên nhiên.
Theo IOM, khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện đang đối mặt với nguy cơ hứng chịu hậu quả của thiên tai lớn hơn nhiều so với bất cứ khu vực nào trên thế giới với 200 triệu người bị ảnh hưởng, hơn 70.000 người thiệt mạng và tổn thất gần 35 tỷ USD mỗi năm./.
(TTXVN)
---------------
Pakistan bắt giữ 24 ngư dân Ấn Độ
Cơ quan An ninh Hàng hải Pakistan (MSA) ngày 12/10 cho biết cơ quan này đã bắt giữ 24 ngư dân Ấn Độ và thu giữ 4 tàu cá vì tội hoạt động trái phép trong vùng lãnh hải của Pakistan.
Vụ bắt giữ mới nhất này đã nâng tổng số ngư dân Ấn Độ bị phía Pakistan bắt giữ từ đầu tháng đến nay lên 57 người.
Tháng trước, trong cuộc gặp người đồng cấp Ấn Độ S.M. Krishna, Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Kha cam kết sẽ thả tất cả các ngư dân Ấn Độ bị bắt giữ như một hành động bày tỏ thiện chí giữa hai nước.
TTXVN/Tin tức
------------
EU tăng cường trừng phạt Iran
Các nguồn tin ngoại giao cho biết ngày 12/10, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Iran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Một nhà ngoại giao cho hay "gói biện pháp trừng phạt mới" sẽ được thông qua tại Hội nghị Ngoại trưởng EU dự kiến diễn ra ngày 15/10 tới ở Luxembourg (Lúcxămbua). Các biện pháp này chủ yếu tập trung vào các thỏa thuận với khu vực ngân hàng, thương mại và nhập khẩu khí đốt của Iran. Đặc biệt, lần đầu tiên các bộ trưởng EU sẽ thảo luận việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành viễn thông của Iran, đặc biệt là các công ty bị nghi ngờ hỗ trợ tài chính cho Tehran. Mọi hoạt động giao dịch giữa các ngân hàng châu Âu và Iran cũng sẽ bị cấm, trừ một số trường hợp ngoại lệ liên quan tới lĩnh vực y tế và nhân đạo.
Bên cạnh đó, việc bảo đảm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn cũng sẽ bị cấm tương tự như bảo đảm tín dụng trung và dài hạn. Ngoài ra, gói biện pháp trừng phạt lần này còn bao gồm việc cấm bán than chì hoặc nhôm có thể được sử dụng trong chương trình hạt nhân hoặc chương trình tên lửa đạn đạo và một số biện pháp khác nhằm vào ngành công nghiệp tàu thủy của Iran. EU cũng liệt 30 công ty của Iran vào danh sách những công ty bị khối này phong tỏa tài sản.
Cuối tháng trước, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton đã hối thúc Iran cần có những biện pháp khẩn cấp để giải tỏa những quan ngại ngày một gia tăng của cộng đồng quốc tế liên quan tới tham vọng hạt nhân của nước này, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Tehran.
TTXVN/Tin tức
--------------------
Đánh bom tại Pakistan, 46 người thương vong
Ngày 13/10, một vụ đánh bom liều chết bằng ôtô đã xảy ra tại một khu chợ đông người ở thị trấn Darra Adam Khel thuộc miền Tây Bắc Pakistan, làm ít nhất 16 người thiệt mạng và khoảng 30 người bị thương. Hàng chục cửa hiệu và xe cộ cũng đã bị hư hại nặng.
Hiện trường vụ nổ gần một văn phòng của ủy ban hòa bình địa phương và theo giới chức Pakistan, địa điểm này chính là mục tiêu mà những kẻ tấn công nhằm vào. Chính quyền thị trấn Darra Adam Khel cho biết chưa xác định được bao nhiêu thành viên của ủy ban trên bị thương vong.
Hiện chưa có tổ chức nào đứng là nhận thực hiện vụ đánh bom liều chết này. Ủy ban hòa bình địa phương ở Darra Adam Khel gồm một nhóm từng là các tay súng đã rời bỏ lực lượng Taliban, tự lập thành dân quân để ủng hộ các thủ lĩnh địa phương và chính quyền chống lại Taliban.
Darra Adam Khel là một khu vực bán tự trị, cách thành phố lớn nhất của Pakistan ở vùng Tây Bắc là Peshawar khoảng 30 km về phía Nam. Đây là nơi từng hứng chịu một số vụ tấn công, đánh bom liều chết do Taliban thực hiện.
Quân đội Pakistan đã mở một số cuộc tấn công nhằm vào Taliban và các tổ chức vũ trang khác đang tìm cách lật đổ chính phủ. Tuy nhiên, những chiến dịch này, tập trung vào các cứ điểm của Taliban ở vành đai bộ lạc của người Pashtun dọc biên giới với Afghanistan, chưa triệt phá được các mạng lưới phiến quân. Đó là một trong những lý do mà Chính phủ Pakistan bắt đầu khuyến khích các bộ lạc khôi phục các lực lượng dân quân truyền thống để đương đầu với Taliban và tập hợp cộng đồng ủng hộ nhà nước.
TTXVN/Tin tức
------------------
Afghanistan: Đánh bom tự sát, 15 người thiệt mạng
Nhiều người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch nên số người chết có thể còn tăng.
Sáng 13/10, ít nhất 15 người thiệt mạng và gần 20 người khác bị thương khi một chiếc xe ôtô phát nổ tại một khu chợ ở thành phố Dera Adamkhel gần khu vực tây bắc Pakistan.
Theo báo chí địa phương, đây là vụ đánh bom tự sát nhằm vào lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ. Tuy nhiên, hiện giới chức Afghanistan chưa đưa ra thông tin nào về vụ nổ trên.
Vụ nổ đã phá hủy 20 gian hàng và nhiều phương tiện giao thông trong khu chợ. Lực lượng cảnh sát và cứu hộ đã có mặt tại hiện trường ngay sau khi xảy ra vụ nổ. Nguồn tin từ bệnh viện nơi tiếp nhận các nạn nhân bị thương trong vụ nổ cho biết, có một số người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch, do đó số người chết có thể còn tăng cao. Hiện chưa có tổ chức và cá nhân nào nhận trách nhiệm gây ra vụ nổ trên./.
Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
(Theo Tân Hoa xã)