Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear cho biết: "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không thể phát triển một cách tốt đẹp trong vài năm qua nếu chúng ta không giải quyết tốt một số vấn đề do chiến tranh để lại như bom mìn chưa nổ hay tác nhân da cam..."
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear trả lời phỏng vấn báo điện tử Infonet tại lễ khởi động dự án dò tìm, xử lý bom mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Nam - Ảnh: HC |
Như tin đã đưa, ngày 12/10 tại xã ven biển Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã chính thức khởi động dự án dò tìm, xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Ngay sau buổi lễ này, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc phỏng vấn ông David Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam:
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của dự án xử lý bon mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh trong sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ?
Đại sứ David Shear: Dự án rà phá bom mìn mà chúng ta khởi động hôm nay có ý nghĩa to lớn cho tỉnh Quảng Nam và cho mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Quan hệ song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển một cách tốt đẹp, đáng kể trong vòng vài năm qua và chúng ta không thể có được điều đó nếu không giải quyết tốt một số vấn đề do chiến tranh để lại như bom mìn chưa nổ hay tác nhân da cam...
Cách đây 2 tháng, tôi cũng đã ở Đà Nẵng để tham dự lễ khởi công dự án xử lý ô nhiễm tác nhân da cam tại khu vực sân bay. Và hôm nay thì chúng ta có mặt tại đây để khởi động dự án của Nhóm Tư vấn bom mìn (MAG) tại Quảng Nam nhằm giúp dọn sạch bom mìn chưa nổ.
Tỉnh Quảng Nam có những tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế, nhưng trước khi có thể khai thác những tiềm năng đó thì phải dọn sạch tất cả bom mìn chưa nổ. Vì vậy tôi vui mừng được có mặt ở đây hôm nay để chứng kiến MAG bắt đầu quá trình rà phá bom mìn của họ.
Hôm nay ông đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu giới thiệu về những tiềm năng to lớn của vùng ven biển huyện Thăng Bình. Tuy nhiên sau hàng chục năm chiến tranh, rồi bị vướng phải bom mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại, vùng đất này đã trở nên hoang hoá, dân cư nghèo khổ. Muốn cải thiện điều đó đòi hỏi phải có những nguồn lực đầu tư to lớn. Xin ông cho biết, sau khi hoàn tất việc rà phá bom mìn, Chính phủ Hoa Kỳ có dự định tiếp tục tài trợ để khôi phục lại màu xanh, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân ở những vùng như thế này hay không?
Đại sứ David Shear và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chứng kiến tiêu huỷ bom mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh được tìm thấy ở 3 xã Bình Đào, Bình Trị và Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) - Ảnh: HC |
Đại sứ David Shear: Hoa Kỳ luôn mong muốn được chứng kiến một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập. Sáng nay tôi có cuộc gặp rất hữu ích với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh. Và chúng tôi vui mừng được tham vấn với chính quyền tỉnh để tìm ra những phương thức tăng cường các hợp tác về mặt kinh tế, trong đó có các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Có thể nói chúng tôi rất mong đợi được tiến hành các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế với tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, tại lễ khởi động dự án dò tìm, xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ tại Quảng Nam, Đại sứ David Shear nêu rõ, bom mìn chưa nổ là mối đe doạ thực tế đối với sức khoẻ của cộng đồng địa phương, gây ra tâm trạng lo ngại làm cản trở việc sử dụng đất đai một cách bình thường để sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội. Người dân địa phương phải chọn đường đi vòng để tránh những khu vực nguy hiểm đã biết. Nông dân quá lo ngại nên không dám canh tác trên đất của mình. Các bậc cha mẹ thì luôn lo lắng về những thứ con mình có thể tình cờ tìm thấy. Còn các dự án phát triển thì bị cản trở hoặc trì hoãn.
Đại sứ David Shear nhấn mạnh: "Như nhiều người Mỹ - cả các quan chức Chính phủ và các công dân - tôi ủng hộ một vai trò tích cực của Hoa Kỳ trong việc giải quyết những vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam. Hôm nay, khi chúng ta đánh dấu sự khởi đầu các hoạt động của MAG tại Quảng Nam, tôi mong đợi một tương lai an toàn và tươi sáng hơn cho nhân dân và trẻ em trên địa bàn tỉnh".
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện có 5 doanh nghiệp Mỹ đầu tư 85,2 triệu USD tại Hội An, Núi Thành và KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Ngoài ra, có 28 tổ chức phi chính phủ của Mỹ hoạt động ở Quảng Nam, trong đó có 21 tổ chức đang tiếp tục triển khai các chương trình tại đây. Hàng năm, các tổ chức này tài trợ gần 4 triệu USD, tập trung ở các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục, ứng phó thiên tai...
Tại cuộc gặp Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh sáng 12/10, Đại sứ David Shear cho biết sẽ nỗ lực "làm cầu nối" thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quảng Nam với các địa phương Mỹ có điểm tương đồng; giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào Quảng Nam, đặc biệt là đầu tư FDI; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và hợp tác về khoa học kỹ thuật, cấp học bổng đào tạo... trong thời gian tới.
HẢI CHÂU
Theo InfoNet