Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), vẫn còn 870 triệu người trên thế giới đang lâm vào nạn đói, có nghĩa là vẫn còn 1/8 dân số thế giới vẫn ở trong tình trạng đói nghèo.
Nạn đói đang hoành hành dữ dội nhất tại châu Phi
Con số này đã được Liên Hiệp Quốc sửa đổi dựa trên dự đoán của năm 2009 là 1 tỉ người trên thế giới vẫn còn lâm vào nạn đói.
Theo ông Jose Graziano Da Silva, Tổng Giám đốc của FAO, mặc dù số người nghèo đói trên thế giới đã giảm xuống nhưng con số 870 triệu người này vẫn còn quá cao. Ông nói: “Con số này không thể chấp nhận được. FAO chỉ chấp nhận con số nghèo đói là 0”.
Từ những năm 1990 đến nay, số lượng người đói nghèo trên thế giới đã giảm 132 triệu người, giảm từ 19% dân số thế giới xuống còn 12%. Tuy nhiên, ông Jose Graziano da Silva cho biết thành quả này hầu hết là từ trước năm 2007.
Rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến điều này, quan trọng nhất là nền kinh tế phát triển chậm lại có nghĩa là người mất việc nhiều hơn và thu nhập cũng thấp hơn. Thêm vào đó, giá lương thực tăng cao, đặc biệt là giá lương thực biến động rất lớn vào những năm gần đây.
Số lượng người nghèo đói giảm xuống đáng kể chủ yếu ở khu vực châu Á và Mỹ Latinh. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 195 triệu người hiện đã có nguồn lương thực dồi dào hơn so với 20 năm trước.
Tuy nhiên, khu vực vẫn còn gây nhiều lo lắng là tiểu Sahara, châu Phi, con số người vẫn còn trong nạn đói đang tăng lên từ 170 triệu lên đến 234 triệu người, tăng thêm 64 triệu người trong vòng 20 năm qua. Số người ở khu vực này đi ngủ với cái bụng rỗng mỗi tối vẫn đang tăng lên.
Carlos Sere thuộc Quĩ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp cho biết để giảm nạn đói ở các nước nghèo thì cần phải chú trọng và đầu tư nhiều hơn nữa vào phát triển nông nghiệp.
Tác động về xóa đói giảm nghèo trong phát triển nông nghiệp cao gấp 5 lần so với tác động phát triển trong các các lĩnh vực kinh tế khác, đặc biệt ở với các nước châu Phi thì con số này cao gấp 11 lần. Điều này cho thấy rằng giải quyết đói nghèo thông qua phát triển nông nghiệp có tiềm năng rất lớn.
Trong năm 2007 và 2008, bắt đầu có những khủng hoảng khi giá lương thực tăng quá cao. Giá lương thực hiện nay đang tăng cao do hạn hán ở Mỹ và ảnh hưởng của thời tiết ở Nga. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc vẫn đang mong đợi giá cả sẽ trở về gần hoặc bằng mức năm 2008.
S.Phương (Theo AP, Petrotimes)