Trung Quốc đã bổ nhiệm tư lệnh về Biển Hoa Đông
Mạng tin Sankei của Nhật Bản dẫn nguồn tin trang web Mạng tài chính mới của Trung Quốc ngày 1/11 cho biết nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Sái Anh Đĩnh, 58 tuổi, đã chính thức nhậm chức Tư lệnh Quân khu Nam Kinh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Quân khu Nam Kinh là đơn vị quân đội có nhiệm vụ chủ yếu là đảm bảo an ninh trên Biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo tranh chấp Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) và bộ phận tác chiến chống Đài Loan.
Ông Sái Anh Đĩnh được cho là người khá thông hiểu tình hình Eo biển Đài Loan và vùng biển xung quanh trên cương vị Tư lệnh quân khu này.
Trong chuyến thăm Mỹ trên cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng hồi tháng 8/2012, ông Sái Anh Đĩnh đã phản đối mạnh mẽ lập trường của Mỹ coi Senkaku là đối tượng điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ./.
(Vietnam+)
------
Pháo tên lửa của Mỹ bị xuất khẩu trái phép sang Iran
Cơ quan mật vụ Mỹ đã triệt phá một đường dây xuất khẩu trái phép cụm pháp binh dùng cho tên lửa sang Iran qua Anh.
Doanh nhân người Anh Christopher Tappin, 65 tuổi, đã bị tòa án Mỹ kết tội buôn lậu một số thành phần quan trọng của tên lửa phòng không Hawk cho Iran.
Ông Tappin đã thừa nhận rằng ông "hỗ trợ xuất khẩu các thiết bị quân sự nhạy cảm cho Iran", Luật sư người Mỹ Robert Pitman cho biết.
"Ông ta đã đặt an ninh quốc gia Mỹ và đồng minh trước nguy cơ gặp nguy hiểm bằng cách cố bán cho Iran các cụm pháo được sử dụng để vận hành tên lửa Hawk".
Ông Tappin cũng cho biết ông đã "cố ý hỗ trợ và tiếp tay cho người khác" để xuất khẩu trái phép các cụm pháo này cho Iran từ tháng 12/2005 đến tháng 1/2007.
Hai cộng sự của ông Tappin là Robert Frederick Gibson, 57 tuổi, và Robert Caldwell đã bị kết án 20 và 24 năm tù.
(SoHa)
--------
Nga quyết định đình chỉ máy bay ném bom Su-24M
Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời Văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Liên bang Nga ngày 1/11 thông báo các chuyến bay của máy bay ném bom Su-24 tại tất cả các đơn vị thuộc Lực lượng Không quân Nga tạm thời bị đình chỉ.
Các chuyến bay sẽ bị đình chỉ cho đến khi xác định được những nguyên nhân gây ra tai nạn của một máy bay loại này vừa xảy ra vào hôm 30/10 tại tỉnh Chelyabinsk, vùng Ural của Nga, trong khi thực hiện chuyến bay huấn luyện.
Hai phi công của tổ lái đã kịp nhảy dù và báo tin về vụ việc.
Theo tin sơ bộ, nguyên nhân gây tai nạn là do nắp che radar ở mũi máy bay bị tung ra trong khi bay.
Máy bay ném bom Su-24 được chế tạo vào những năm 1960 và được đưa vào trực chiến từ năm 1974, nặng 40 tấn, có vận tốc tối đa 1.320 km/giờ và có thể bay xa 4.274 km, đồng thời có khả năng ném bom và phóng tên lửa ở độ cao gần 5.500m./
(Vietnam+)
---------
Tàu ngầm nguyên tử Nga bắn thành công tên lửa
Ngày 1/11, hai tàu ngầm nguyên tử Tver và St.George the Victor thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã phóng thành công các tên lửa có cánh và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhằm vào các mục tiêu trên Biển Okhotsk và tại thao trường Chizha ở phía Tây Bắc nước Nga.
Một quan chức của Hạm đội Thái Bình Dương đã xác nhận bất chấp điều kiện thời tiết phức tạp, các tàu chiến và tàu ngầm nguyên tử của hạm đội đã thực hiện thành công bài bắn tên lửa phối hợp, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Chuẩn Đô đốc Sergei Avakyants.
Theo Phó Đô đốc Nicolai Evmenov, Tư lệnh lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, trong năm 2013, lực lượng này sẵn sàng tiến hành các vụ phóng tên lửa đồng thời từ hai tàu ngầm mang tên lửa hiện đại./.
(TTXVN)
-----------
Israel không cần chờ Mỹ “bật đèn xanh” để tấn công Iran
Israel nhiều lần thể hiện ý định phát động một cuộc chiến tranh chống lại Iran, song vấp phải sự phản đối của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak ngày 31/10 cho biết, nước này sẽ không đợi sự chấp thuận từ “các đồng minh thân cận và đáng tin cậy nhất của mình” để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh, thời gian qua, Israel nhiều lần thể hiện ý định phát động một cuộc chiến tranh chống lại Iran, song vấp phải sự phản đối của Mỹ, đồng minh lớn nhất của Israel.
Theo ông Ehud Barak, nếu Israel và các lợi ích an ninh sống còn của nước này bị đe dọa, Israel không thể và sẽ không trì hoãn trách nhiệm đưa ra quyết định. Tất cả các lựa chọn đều đang được nghiên cứu nhằm ngăn Iran không vượt qua khỏi giới hạn.
Mối quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Israel thời gian qua gặp trở ngại khi hai bên bất đồng về cách thức giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhiều lần hối thúc Mỹ đặt ra "giới hạn đỏ" để hành động, trong đó có khả năng Israel tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, song Mỹ luôn phản đối.
Chính quyền Tổng thống Obama cho rằng vẫn còn thời gian để thực thi các biện pháp trừng phạt chống Iran./.
Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin
(Theo Press TV)
--------
Nga-Pháp tăng cường hợp tác an ninh và đối ngoại
Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 31/10 đã tiếp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoli Serdyukov trong thời gian hai nhà lãnh đạo này của Nga tới Pháp tham gia kỳ họp lần thứ 11 Hội đồng hợp tác an ninh Nga - Pháp.
Tại buổi tiếp, hai bên thảo luận về triển vọng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Nga, cũng như đề cập kết quả đạt được trong cuộc gặp theo hình thức 2+2 nói trên (giữa các bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước)..
Tại kỳ họp Hội đồng hợp tác an ninh lần này, hai bên đã thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như sớm triển khai các dự án Pháp chế tạo máy bay lên thẳng lớp Mistral cho lực lượng không quân Nga.
Hai bên khẳng định tiến trình hợp tác chống cướp biển Nga - Pháp tại vùng vịnh Aden trong ba năm qua đạt kết quả tốt. Nga có thể cung cấp máy bay trinh sát Il-38 để triển khai tại căn cứ không quân của Pháp tại Gibuti, nhằm tiếp tục những nỗ lực chống cướp biển tại khu vực Sừng châu Phi này.
Bên cạnh đó, Nga và Pháp cũng thảo luận về quan hệ hợp tác của hai nước trong các vấn đề an ninh tại châu Âu, về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ...
Đề cập các vấn đề quốc tế, hai bên thảo luận tình hình Mali, Afghanistan, vấn đề hạt nhân của Iran. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết Pháp và Nga đã đạt được nhiều đồng thuận trong các vấn đề trên, tuy nhiên vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong bất cứ chính quyền chuyển tiếp tương lai nào của quốc gia Trung Đông này.
Hội đồng hợp tác an ninh Nga - Pháp được thành lập năm 2002. Các bộ trưởng hai nước đánh giá hội đồng này hoạt động hiệu quả, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh quốc phòng giữa hai nước trong mười năm qua./.
(TTXVN)
------
Hàn - Mỹ tập trận không quân quy mô lớn
Lực lượng không quân Hàn – Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn mang tên Max Thunder hôm 31/10 ở tỉnh Jeonbuk, Hàn Quốc.
Khoảng 34 máy bay F-15K và KF-16 của Hàn Quốc cùng 28 máy bay F-16CM và A-10 của Mỹ tham gia cuộc tập trận này.
Máy bay do thám E-737 mang tên Peace Eye của Hàn Quốc cũng lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.
Cuộc tập trận mang tên Max Thunder là cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn, cuộc tập trận bắt đầu từ năm 2008, mỗi năm tổ chức hai lần.
Hình thức tập trận chủ yếu dựa trên mẫu cuộc diễn tập không quân đa quốc gia Red Flag - cuộc tập trận không quân lớn nhất của quân đội Mỹ được tổ chức định kỳ hằng năm .
Tháng 5/2012, quân đội hai nước Hàn – Mỹ đã tổ chức tập trận chung, hãng tin Chinanews nói nội dung chủ yếu của cuộc tập trận khi đó là thể hiện khả năng tác chiến hiệp đồng của liên quân Mỹ - Hàn trong trường hợp giả định xảy ra tình huống khẩn cấp tại bán đảo Triều Tiên.
(VTC)
--------
'Không có giải pháp quân sự với Syria'
Không thể sử dụng quân sự để giải quyết cuộc xung đột đẫm máu kéo dài suốt gần 1 năm qua và đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người tại Syria (Xyri).
Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra ngày 31/10 tại thủ đô Paris (Pháp) sau phiên họp Hội đồng Nga - Pháp về hợp tác an ninh.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh nếu các nước đối tác của Nga vẫn giữ lập trường coi việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là nhiệm vụ cấp bách, thì tình trạng đổ máu tại Syria sẽ tiếp tục kéo dài.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh số phận của Tổng thống Assad phải do người dân Syria định đoạt và điều này đã được Hội đồng Bảo an LHQ tán thành, đồng thời cũng là một phần trong thỏa thuận Geneva (Giơnevơ) về Syria (đạt được tại hội nghị quốc tế về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6 vừa qua).
Theo ông Lavrov, thỏa thuận Geneva kêu gọi các bên ngừng bắn và ngồi vào bàn đàm phán, khuyến nghị thành lập chính phủ chuyển tiếp với nhiệm vụ chính là chuẩn bị các cuộc bầu cử tự do và công bằng,... chứ không đề cập đến việc quyết định số phận ông Assad như một số quốc gia phương Tây luận giải.
Ông Lavrov nêu rõ Nga và Pháp đều không muốn đất nước Syria bị sụp đổ và chia ra nhiều phe phái theo đặc điểm tôn giáo, đồng thời biến nơi đây thành địa điểm cung cấp vũ khí cho bọn khủng bố.
Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng quan điểm của Paris và Moscow (Mátxcơva) về cách thức giải quyết cuộc xung đột tại Syria đã gần nhau hơn, song vẫn còn tồn tại một số bất đồng, đồng thời khẳng định Pháp sẽ không ủng hộ quân sự trực tiếp cho bất cứ phe phái nào tham gia vào cuộc xung đột tại Syria.
TTXVN/ Tin Tức
-----------
Mỹ thử nghiệm Spike chống chiến thuật 'bày đàn'
Hải quân Mỹ vừa bắn thử thành công mẫu tên lửa Spike của Israel từ tàu không người lái (USV).
Hải quân Mỹ vừa bắn thử thành công mẫu tên lửa Spike của Israel từ một USV trong khuôn khổ chương trình chống lại các cuộc tấn công cường độ cao. Cuộc bắn thử được Hải quân Mỹ thực hiện với 6 tên lửa bắn đi từ một USV có trang bị module điều khiển hỏa lực PEM.
"Dự án USV PEM được thiết kế để chống lại về cuộc tấn công theo kiểu "bày đàn", ông Mark Moses – quản lý chương trình Trợ giúp tác chiến đặc biệt Hải quân Trung tâm Chỉ huy phát triển Chiến tranh Hải quân (NWDC).
“Công nghệ sử dụng trong dự án này có thể cung cấp khả năng đối phó hiệu quả trước chiến thuật sử dụng các tàu nhỏ, giá thấp với số lượng áp đảo mà các nhóm khủng bố hay dùng”, ông Mark Moses đánh giá.
Module PEM sẽ tự động thực hiện các thao tác như ngắm, bắn và thay tên lửa trên tàu, được điều khiển từ nhân viên trên bờ.
Hải quân Mỹ cho biết, cuộc bắn thử được thực hiện với các mục tiêu di chuyển phức tạp.
Tên lửa Spike được sử dụng trong lần thử nghiệm này được Rafael chế tạo, dài khoảng 170cm, sử dụng cảm ứng điện quang và hồng ngoại để xác định và khóa mục tiêu.
Lê Hương (theo UPI)
--------
Ai Cập bắt một thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan
Cơ quan an ninh Ai Cập ngày 31/10 cho biết đã bắt giữ thủ lĩnh nhóm Hồi giáo cực đoan Adel Awad Shehto với cáo buộc thành lập một mạng lưới khủng bố ở Nasr City (Naxơ Xiti), một huyện lỵ ở phía Đông thủ đô Cairô.
Adel Awad Shehto bị bắt đêm 24/10 vừa qua cùng với 4 chiến binh Ai Cập, trong đó có cựu sĩ quan quân đội Tarek Abul Azm, khi các lực lượng an ninh nước này đột kích Nasr City.
Các nhà chức trách Ai Cập nói rằng mạng lưới khủng bố của ông Shehto đã lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trong dịp lễ Hiến sinh (Eid al-Adha) của người Hồi giáo vừa qua. Theo kế hoạch, trong ngày 1/11, Shehto sẽ bị Viện Công tố an ninh quốc gia tối cao thẩm vấn.
TTXVN/Tin tức
-------
Nga muốn đưa máy bay chống cướp biển tới Gibuti
Theo AFP, ngày 1/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov cho biết Mátxcơva hy vọng triển khai các máy bay trinh sát tới một căn cứ của Pháp ở Gibuti để tiếp tục những nỗ lực chống cướp biển tại khu vực Sừng châu Phi này.
Ông Serdyukov, sau cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian tại Pari, nói các bên "đã thảo luận về việc triển khai các máy bay trinh sát tại căn cứ của Pháp ở Gibuti."
Pháp và Nga đã tiến hành các đợt tuần tra chung ở Vịnh Aden trong cuộc chiến chống cướp biển, Bộ trưởng quốc phòng của Pháp và Nga cũng tuyên bố mong muốn tiếp tục hợp tác trong nỗ lực chống cướp biển.
Hồi tuần trước, Văn phòng Hàng hải quốc tế thông báo rằng hoạt động của cướp biển đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 do quốc tế có những hành động quyết liệt nhằm trấn áp các cuộc tấn công của cướp biển Somalia.
Mặc dù vậy, các vùng lãnh hải của Somalia vẫn tiềm ẩn những nguy cơ cướp biển rất cao./.
(TTXVN)
---------
Nhật Bản ra quy định mới về an ninh hạt nhân
Thảm họa tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima hồi năm ngoái đã khiến Nhật Bản rút ra nhiều bài học sâu sắc. Một trong những việc làm cần thiết để đảm bảo điện hạt nhân tiếp tục được sử dụng tại nước này là ban hành những qui định mới về an toàn hạt nhân.
Hôm 31/10, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua quy định mới dành cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân. Theo đó, trong vòng bán kính 30km xung quanh nhà máy được thiết lập "khu vực an ninh", dự phòng trường hợp xảy ra tai nạn thì trên địa bàn cần tiến hành công việc loại trừ hậu quả.
Như vậy cũng có nghĩa là số cư dân sống trong khu vực hoạt động đặc biệt đã tăng đến 4,8 triệu người. Theo quy định mới, trong trường hợp tai nạn, bắt buộc sơ tán toàn bộ những người sống trong vòng bán kính 5km quanh cơ sở điện hạt nhân. Hơn nữa, dân phải được sơ tán trước khi các chuyên gia đo mức độ phông nền bức xạ. Quyết định sơ tán cư dân sống trong bán kính 30km sẽ được thực hiện tùy thuộc vào mức độ đe dọa. Trước đây khu vực như vậy chỉ hạn chế trong vòng 10km. Theo các phương tiện truyền thông Nhật, quy định mới được sửa đổi phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Sau tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 gây ra bởi trận sóng thần tàn phá tháng 3/2011, diện tích ban đầu tiến hành hoạt động đặc biệt xung quanh nhà ga là trong bán kính 20km.
Sau sự cố trên, Nhật dự tính sẽ từ bỏ hẳn điện hạt nhân nhưng ngày 1/10 vừa qua, Tập đoàn Phát triển Điện lực Nhật Bản đã quyết định nối lại việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Aomori. Đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Nhật Bản được cấp phép nối lại hoạt động xây dựng kể từ sau khi xảy ra sự cố Fukushima.
Nh.Thạch (Theo Kyodo News, Petrotimes)
--------
Đe dọa khủng bố lại xuất hiện ở Pakistan
Sau sự kiện em Malala Yousafzai bị Taliban ám sát vì lời thỉnh nguyện yêu cầu tất cả các em gái đều được quyền đến trường đã chống lại chủ trương của Taliban, liệu những lãnh tụ tôn giáo, chính trị và quân đội Pakistan có tinh thần dũng cảm như Malala hay không? Phần lớn những người chỉ trích vụ tấn công đã không chỉ trích phe Taliban Afghanistan. Một số ít người tiến xa hơn. Tham mưu trưởng, tướng Ashfaq Kayani đã có lập trường chống Taliban tích cực hơn trong những tháng gần đây. Sau chuyến đến thăm Malala tại bệnh viện, ông tuyên bố: “Tôi từ chối sự khom lưng trước bọn khủng bố. Chúng tôi sẽ chiến đấu, bằng mọi giá. Chúng tôi sẽ thắng”.
Từ lâu Mỹ đã thúc đẩy quân đội bám sát các nhóm cực đoan ở đó. Liên minh chính quyền, do Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của Tổng thống Asif Ali Zardari lãnh đạo, cũng đề xuất một giải pháp yêu cầu “những biện pháp thiết thực” trong phản ứng đối với vụ tấn công em Malala.
Tất cả bắt đầu như một cao trào được đánh dấu bởi lòng dũng cảm. Nhưng thật ra vẫn không có một sự nhất trí nào trong quá trình chống lại Taliban. Ngày 16-10, đảng đối lập chính, lãnh đạo bởi cựu thủ tướng Nawaz Sharif, đã phản đối giải pháp của chính phủ, nói rằng các cuộc hành quân quân đội ban đầu đã làm yếu kém đất nước thay vì củng cố đất nước. PPP đã khựng lại, và bỏ rơi đề xuất của họ. Với cuộc tuyển cử diễn ra trong vài tháng tới, các chính khách đang thận trọng trước các hoạt động tán thành việc chống lại những phần tử cực đoan có thể gây nên sự bùng nổ bạo lực trên khắp Afghanistan.
Quân đội không có kế hoạch và cơ sở hợp lý để tấn công vùng Bắc Waziristan. Trước đây, qua các cuộc hành quân trong những khu vực bộ lạc, bao gồm thung lũng Swat, họ đã không loại bỏ được bọn cực đoan ra khỏi khu vực. Các cuộc hành quân thường diễn tiến nửa vời, để lại người dân bộ lạc ngày càng hoài nghi mục đích của quân đội. Cuối cùng, quân đội đã sử dụng mạng lưới Hồi giáo Thánh chiến (jihadist) như những chiến binh được ủy quyền. Cái oái oăm là bộ sậu lãnh đạo của nhóm Taliban Pakistan ở nhánh Swat lại không đặt bản doanh ở Bắc Waziristan, nhưng ở Afghanistan.
Taliban đang nổi cơn thịnh nộ. Những ký giả Pakistan ở dưới sự đe dọa, trong khi đó các tổ chức phóng viên quốc tế đang giảm bớt các hoạt động của họ ở thủ đô Islamabad. Một chiến dịch bôi nhọ của các phần tử bảo thủ tín ngưỡng đã bắt đầu chống lại Malala, họ nói cô là “một loại gián điệp của Mỹ”. Ngày 15-10, hơn 100 quân Taliban đã tấn công một đồn cảnh sát gần Peshawar, giết chết cảnh sát trưởng và năm cảnh sát. Chúng chặt đầu nạn nhân đem đi, xem như chiến lợi phẩm.
V.T (Economist, CATP)
----------
Tàu Tiến bộ của Nga lắp ghép thành công với trạm ISS
Ngày 31/10, tàu chở hàng Tiến bộ của Nga đã lắp ghép tự động thành công với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào lúc 20 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) sau khi được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan.
Trung tâm điều khiển các chuyến bay ở ngoại ô Mátxcơva của Nga cho biết tàu vận tải Tiến bộ, được phóng bằng tên lửa đẩy Soyuz-U, mang theo hơn 2,5 tấn thực phẩm, thiết bị kỹ thuật và các nhu yếu phẩm khác nhằm phục vụ các nhà du hành vũ trụ trên ISS đang thực hiện một chương trình khoa học lớn với thời gian dự kiến kéo dài khoảng bốn tháng.
Năm ngoái, tàu chở hàng Tiến bộ M-12M của Nga đã bị nổ tung sau 6 phút được phóng lên. Đây được xem là tai nạn thảm khốc nhất trong chương trình nghiên cứu vũ trụ của Nga những năm gần đây, khiến Mátxcơva tạm ngừng phóng tên lửa Soyuz trong một thời gian./.
(TTXVN)
--------
Mỹ phái 2.400 quân viễn chinh tới vịnh Persian
Theo UPI, một đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ vừa được điều động tới khu vực Vịnh Persian.
Đơn vị Thủy quân Lục chiến Viễn chinh (MEU) số 15 đã tới khu vực hoạt động của Hạm đội Mỹ số 5 – gồm có Vịnh Persian, toàn bộ Trung Đông và Đông Phi.
MEU số 15 có khoảng 2.400 quân di chuyển trên ba chiếc tàu bao gồm tàu đổ bộ Peleliu, tàu vận tải trực thăng đổ bộ Green Bay, tàu vận tải Rushmore. Đơn vị này sẽ tham gia tập trận cùng các quốc gia đồng minh trong suốt thời gian hoạt động tại Vịnh Persian, đồng thời tham gia giải quyết các khủng hoảng trong khu vực, tuyên bố của Hải quân Mỹ cho hay.
Đỗ Quyên (Theo VOR, UPI, NLĐ)
--------
Giám đốc Tình báo Mỹ tới Ai Cập đàm phán an ninh
Theo AP, giới chức Ai Cập cho biết Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus ngày 31/10 đã bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới thủ đô Cairo để tiến hành các cuộc đàm phán về an ninh và chống khủng bố.
Ông Petraeus sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tiếp xúc với các quan chức an ninh hàng đầu của Ai Cập để trao đổi thông tin về chống khủng bố.
Trong khi đó, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ lại từ chối cung cấp thông tin về chuyến thăm này.
Chuyến thăm trên của Giám đốc CIA diễn ra trong bối cảnh Ai Cập tăng cường kiểm soát các phiến quân tình nghi./.
(Vietnam+)
----------
Iraq thấy thiết bị gián điệp Israel trong chiến đấu cơ
Theo tờ Akhbar al-Khaleej của Bahrain, lực lượng không quân Iraq đã phát hiện ra các hệ thống sao chép thông tin do Công ty RADA của Israel gài vào các chiến đấu cơ F-16 mà Baghdad mới mua từ Mỹ.
Báo trên cũng cho biết Iraq đã gửi thư truy vấn nhà sản xuất Lockheed Martin. Điều đáng nói là các máy bay F-16 mà Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Oman mua từ Mỹ đều bị gài thiết bị gián điệp này của Israel.
Tháng Sáu vừa qua, Iraq đã ký một hợp đồng mới mua bổ sung 18 chiến đấu cơ F-16 của Mỹ nhằm tăng cường khả năng của không lực nước này.
Trước đó, vào tháng 9/2011, Baghdad đã ký một thỏa thuận ban đầu với Mỹ để mua 18 chiếc F-16 với giá 3 tỷ USD./.
(Vietnam+)
--------
Trung Quốc thử thành công máy bay tàng hình thế hệ 5
Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sở hữu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, tờ Bưu điện Hoa Nam đưa tin.
Vụ thử chiếc máy bay J-31 được nói là diễn ra lúc10h32 phút ngày 31/10 giờ địa phương, tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn nguồn tin quân sự từ trang Hoàn cầu thời báo. Báo này cũng đăng tải một số hình ảnh về chiếc J-31 nhưng nói là “do bạn đọc chụp lại”.
Trang tiếng Trung của Hoàn cầu thời báo nói chiếc J-31 được các máy bay chiến đấu J-11BS bảo vệ trong suốt cuộc thử nghiệm. Tuy nhiên, địa điểm diễn ra vụ thử không được tiết lộ.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, với các vụ thử thành công những chiếc J-20 và J-31, Trung Quốc là nước thứ hai sau Mỹ có hai loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 (của Mỹ là F-22 và F-35).
Trước đó, hôm 11/1/2011, Trung Quốc tuyên bố thử thành công chiếc J-20 đúng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh.
J-20 được thiết kế và sản xuất tại Viện Thiết kế Hàng không Thành Đô (ADI). Tờ Bưu điện Hoa Nam nói vụ thử nghiệm thành công của J-20 khiến “cả thế giới kinh ngạc vì sao ADI lại có thể bí mật phát triển một loại máy bay công nghệ cao như vậy”.
Ông Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí quốc phòng châu Á Kanwa có trụ sở tại Canada nói chiếc J-31 vừa thử thành công là sự kết hợp giữa F-22 và F-35, hai loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ.
Bưu điện Hoa Nam dẫn lời một số chuyên gia quân sự khác cho rằng vụ thử J-31 là sự khởi đầu cho màn thể hiện kỹ thuật quân sự tiên tiến của Bắc Kinh.
(VTC)