TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 02-11-2012


Mỹ đánh giá cao tân Ngoại trưởng Ấn Độ Khurshid

Theo tin chiều 1/11 của PTI, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày ở Washington, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đánh giá tân Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid sẽ là một “đối tác được quý trọng” trong quan hệ Mỹ-Ấn.

Ông Toner nói: “Chúng tôi đã có mối quan hệ hữu ích đặc biệt với ông Khurshid trong thời kỳ ông làm việc tại bộ Ngoại giao Ấn Độ trước đây, cũng như các vị trí khác mà ông đảm nhiệm trong Chính phủ Ấn Độ."

"Chúng tôi tin trưởng ông Khurshid sẽ là đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy cuộc Đối thoại chiến lược do ông và người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton đồng chủ trì nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama."

Theo ông Toner, "Ngoại trưởng Clinton đã có mối quan hệ làm việc rất tích cực và hiệu quả với cựu Ngoại trưởng Ấn Độ S.M Krishna và mong muốn mối quan hệ làm việc với ông Khurshid cũng tương tự như vậy”.

Ông Khurshid, 59 tuổi, nguyên Bộ trưởng Luật pháp & Tư pháp Ấn Độ, được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng trong cuộc cải tổ nội các hôm 28/10./.

(Vietnam+)
--------
Medvedev muốn tăng tiền cho nghiên cứu khoa học

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 1/11 đã tuyên bố về sự cần thiết phải củng cố quy chế của Nga là một cường quốc khoa học.

Người đứng đầu Chính phủ Nga đề xuất tăng tài trợ cho công tác nghiên cứu từ nay đến năm 2020 lên 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để thực hiện mục tiêu trên.

Tại phiên họp của chính phủ cùng ngày, Thủ tướng Medvedev đã đưa ra chương trình quốc gia phát triển khoa học để nội các xem xét thông qua.

Theo ông Medvedev, chương trình nói trên đã được thảo luận rộng rãi và được cộng đồng khoa học và chuyên gia tán thành. Mục tiêu của chương trình là củng cố quy chế của Nga là một cường quốc khoa học, trong đó nêu rõ không thể chuyển lên con đường đổi mới công nghệ phát triển kinh tế nếu thiếu các công trình nghiên cứu khoa học.

Thủ tướng Nga đã nêu lên một số thông số chủ yếu của chương trình quốc gia phát triển khoa học và nhấn mạnh tốc độ tài trợ cho khoa học sẽ vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô và đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 3% GDP. Ông cho rằng trong cơ cấu tiền tài trợ cần phải có những thay đổi để gánh nặng đè lên ngân sách liên bang sẽ được giảm bớt.

Ông Medvedev cũng đặt ra nhiệm vụ tăng số lượng các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Nga được công bố trong các ấn phẩm khoa học thế giới từ mức chưa đến 2% hiện nay lên 3%, đồng thời nhấn mạnh tỷ trọng máy móc thiết bị mới trong các tổ chức khoa học cần phải đạt 70%.

Thủ tướng Nga cũng yêu cầu tỷ lệ cán bộ khoa học dưới 39 tuổi phải đạt mức từ 1/3 số cán bộ khoa học trở lên, đồng thời bảo đảm tiền lương của các nhà khoa học phải cao gấp đôi tiền lương trung bình trong khu vực.

Theo ông Medvedev, những mục tiêu nói trên là đầy tham vọng, và việc thực hiện những mục tiêu này tùy thuộc vào tình hình kinh tế hiện tại. Song chỉ có đặt ra những mục tiêu như vậy mới giúp khai phá tiềm năng trí tuệ và công nghệ của đất nước./.

(TTXVN)
---------
Họp kín trước thềm đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc

Ngày 1.11, các lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu một cuộc họp kín cuối cùng trước thềm đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 bắt đầu vào tuần tới.

Tân Hoa xã cho biết khoảng 500 ủy viên của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản khóa 17 tham dự cuộc họp kín tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 1.11.

Trong cuộc họp này, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ bàn thảo nhiều vấn đề và hoàn thiện một số báo cáo sẽ được đệ trình tại đại hội đảng sắp tới, theo Tân Hoa xã.

An ninh được siết chặt tại Trung Quốc để chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản lần thứ 18 dự kiến khai mạc vào ngày 8.11, với sự tham dự của khoảng 2.000 đảng viên.

Truyền thông Trung Quốc cho biết công tác kiểm tra giấy tờ thùy thân cũng được tăng cường khắp các nút giao thông công cộng ở Bắc Kinh.

Theo Tân Hoa xã, có tổng cộng 1,4 triệu tình nguyện viên được điều động để hỗ trợ an ninh trong thời gian tổ chức đại hội đảng Cộng sản lần thứ 18.

Phúc Duy// Thanh Niên
-------------
Indonesia tăng cường quan hệ song phương với Anh

Ngày 31/10, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã bắt đầu chuyến thăm Vương quốc Anh, theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth II, nhằm tăng cường các mối quan hệ song phương.

Cùng đi với Tổng thống Indonesia có Chủ tịch Hạ viện (DPR), Chủ tịch Hội đồng đại diện các khu vực (DPD) và Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Năng lượng và Khoáng sản, Giáo dục, Du lịch và Kinh tế sáng tạo.

Thông báo với giới truyền thông về chuyến thăm, phát ngôn viên đồng thời là cố vấn đặc biệt về đối ngoại của Tổng thống Indonesia, ông Teuku Faizasyah cho biết chuyến thăm Vương quốc Anh của ông Yudhoyono sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, trong đó tập trung vào năm lĩnh vực là thương mại, đầu tư, giáo dục, môi trường và dân chủ.

Theo ông Têucu Phaidaxiát, Vương quốc Anh có thể là "cửa ngõ" cho các doanh nghiệp Indonesia tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư và thâm nhập thị trường châu Âu, đồng thời sẽ cung cấp các cơ hội cho giới đầu tư Anh trong các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, cơ sở hạ tầng ở Indonesia.

Trong năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều Indonesia-Anh đạt 2,4 tỷ bảng Anh, tăng 10% so với năm trước đó, trong đó xuất khẩu của Anh sang Indonesia chiếm 0,97 tỷ bảng, tăng 28%.

Trong chuyến thăm Indonesia hồi tháng Tư vừa qua của Thủ tướng Anh, hai bên đã nhất trí nâng kim ngạch thương mại song phương lên 4,4 tỷ bảng vào năm 2015./.

(TTXVN)
-----
 Thái Lan: Nội các mới, thách thức mới

 Nội các mới của Thái Lan sẽ phải vượt qua không ít áp lực từ phe đối lập và dư luận trong nước về thúc đẩy hòa giải dân tộc.

Ngày 1/11, Nội các mới cải tổ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra diện kiến Nhà Vua Thái Lan, chính thức tuyên thệ nhậm chức; đồng thời bắt đầu điều hành công việc với nhiều thách thức mới.

Bên cạnh nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phục hồi kinh tế đất nước, Nội các mới của Chính phủ Thái Lan sẽ phải vượt qua không ít áp lực từ phe đối lập và dư luận trong nước về thúc đẩy hòa giải dân tộc.

Dự kiến, một cuộc tranh luận và bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội đối với nội các mới của Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ diễn ra vào ngày 25 và 26/11 tới.

Do chiếm đa số trong Hạ viện nên bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể sẽ chỉ mang tính hình thức, song vấn đề quan trọng là, các thành viên Nội các giải trình như thế nào để người dân Thái Lan thấy được những nỗ lực, hiệu quả làm việc của Chính phủ thời gian qua; hiểu và thông cảm, chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ; đồng thời tiếp tục ủng hộ Chính phủ trong thời gian cầm quyền sắp tới./.

Tống Sơn/VOV-Bangkok
---------
Các cựu lãnh đạo Trung Quốc liên tục tái xuất

 Trước thềm Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các cựu lãnh đạo tiếng tăm một thời lần lượt xuất hiện, gây ngạc nhiên cho dư luận.

Người xuất hiện mới nhất là cựu thủ tướng Lý Bằng. Ông Lý đã trao học bổng trị giá 3 triệu nhân dân tệ cho các sinh viên nghèo ở huyện Diên An, tỉnh Thiểm Tây, nơi từng là căn cứ địa cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), số tiền nêu trên được trích từ tiền bán những cuốn sách do ông Lý viết khi nghỉ hưu.
 
Vị cựu thủ tướng họ Lý này tái xuất chỉ vài ngày sau khi người kế nhiệm ông là cựu thủ tướng Chu Dung Cơ và đương kim phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn gặp gỡ hội đồng cố vấn của khoa Kinh tế trường đại học Thanh Hoa ngày 21-10. Ông Chu là trưởng khoa sáng lập, còn ông Vương là ủy viên danh dự của hội đồng cố vấn. Hiện nay, phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn được xem là một ứng viên hàng đầu vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới.  
  
Ở Trung Quốc, các lãnh đạo sau khi nghỉ hưu thường hiếm khi xuất hiện trước công chúng ngoại trừ những sự kiện như quốc khánh. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, các cựu lãnh đạo Lý Bằng, Chu Dung Cơ và Giang Trang Dân đã liên tục lộ diện. Các nhà phân tích cho rằng động thái này cho thấy các cựu lãnh đạo vẫn nắm quyền lực đáng kể và muốn tác động vào các quyết định trước đại hội lần thứ 18, dự kiến khai mạc vào ngày 8-11.
 
Giáo sư Lưu Khang, chuyên nghiên cứu về châu Á và Trung Đông thuộc trường đại học Duke – Mỹ, nhận xét sự xuất hiện của ông Lý cho thấy sự khó khăn và phức tạp của quá trình chuyển giao lãnh đạo ở Trung Quốc cũng như các quyết định về chính sách.
 
“Sự xuất hiện của ông Lý Bằng có thể gián tiếp gửi đi một thông điệp rằng sự giằng co về các chức vụ và các chủ thuyết vẫn đang diễn ra. Đây cũng là bằng chứng rằng cuộc tranh đấu hậu trường diễn ra quyết liệt hơn là chúng ta tưởng” - ông Lưu nói.
 
Một nhà phân tích chính trị ở Trung Quốc Trương Lý Phiên nhận xét: “Sự xuất hiện này dù vô tình hay hữu ý, ngụ ý rằng không phải tất cả các vấn đề quan trọng đều đã được chốt lại và rằng họ xuất hiện để yểm trợ cho những đồng minh của họ hay bày tỏ ủng hộ những chính sách mà họ muốn”.
 
Theo ông Trương, ông Giang và ông Lý là hai nhà cựu lãnh đạo có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc. Cả hai đều được báo chí đưa tin nhiều trong thời gian gần đây và không che giấu ý muốn tác động vào các quyết định quan trọng.
H.Bình (Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Người Lao Động)
--------
 Các nước viện trợ cho Cuba và Haiti
 
Trong hai ngày 31 và 1-11, các nước Venezuela, Bolivia và Nga đã cam kết và chuyển hàng viện trợ đến cho Cuba và Haiti, hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng do siêu bão Sandy.

Theo thông tin trên website của Bộ Nội vụ Venezuela, chính phủ Venezuela đã cam kết viện trợ 93 tấn thực phẩm khô cho Cuba và Haiti.

Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Nestor Reverol cho biết, chính phủ nước này đã quyết định thiết lập các chuyến bay con thoi trong vòng bảy ngày để chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến hai quốc gia chịu ảnh hưởng của siêu bão Sandy.

Theo ông Reverol, một chiếc máy bay DC-10 sẽ được sử dụng để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến Santiago de Cuba, một tỉnh của Cuba chịu thiệt hại nặng nhất do siêu bão Sandy và một máy bay khác thuộc Lực lượng Không quân Bolivia sẽ được dùng để vận chuyển hàng cứu trợ đến Haiti.

“Chúng tôi chắc chắn người dân Haiti và Cuba, cũng như người dân tại các quốc gia khác chịu ảnh hưởng bởi siêu bão sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng này”, ông Reverol nói.

Venezuela cũng đã gửi 533 tấn nguyên vật liệu hỗ trợ cho các nạn nhân của siêu bão Sandy tại Havana và Port-au-Prince.

Cùng ngày, chính phủ Bolivia cũng quyết định chuyển 120 tấn lương thực viện trợ đến Cuba.

Chính phủ Bolivia hy vọng số hàng viện trợ nhân đạo này có thể góp phần làm giảm bớt tình trạng khan hiếm thực phẩm tại Cuba, đặc biệt tại khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do siêu bão Sandy.

Trong khi đó, ngày 1-11, Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết, Nga vừa chuyển 32 tấn hàng viện trợ nhân đạo đến Cuba. Nga cũng lên kế hoạch gửi thêm hai tàu viện trợ nhân đạo và một số nhân viên cứu trợ đến Cuba.

Siêu bão Sandy đã làm chết ít nhất 11 người, làm sập hơn 60 nghìn ngôi nhà, phá hủy nhiều diện tích cây trồng gây thiệt hại lớn về tài sản tại Cuba.

Cơn bão này cũng ảnh hưởng đến khoảng 200 nghìn người tại Haiti, làm chết ít nhất 54 người, 20 người mất tích và 20 người khác bị thương.

Chính phủ Haiti ngày 31-10 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong vòng một tháng.

BÔNG MAI
(Nguồn: Xinhua, Nhân Dân)
-------
 EU công bố quy chế Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập mới

Ngày 31/10, Liên minh châu Âu (EU) chính thức công bố Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của các quốc gia đang phát triển tiếp cận thị trường EU. GSP sửa đổi này sẽ chính thức có hiệu lực và thay thế cho hệ thống hiện hành kể từ ngày 1/1/2014.

So với hệ thống hiện hành thì GSP sửa đổi có quy định chặt chẽ hơn và thu hẹp phạm vi được hưởng quy chế này từ 176 quốc gia và vùng lãnh thổ xuống còn 89. Các quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng GSP mới không giống nhau mà được chia thành hai nhóm: nhóm các quốc gia kém phát triển nhất gồm 49 quốc gia sẽ được hưởng quy chế "tất cả trừ vũ khí" và nhóm 40 quốc gia có thu nhập thấp hoặc dưới trung bình.

Đáng chú ý, cùng với Campuchia và Lào, Myanmar sẽ được hưởng quy chế "tất cả trừ vũ khí" (tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang EU không phải chịu thuế trừ vũ khí). Việt Nam cùng với ba nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác gồm Thái Lan, Philippines, Indonesia thuộc nhóm thứ hai sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan đối các nhóm mặt hàng cụ thể theo quy định của EU.

Tuy nhiên, EU sẽ áp dụng cơ chế "trưởng thành" đối với một loại hàng hóa hay nhóm hàng được hưởng GSP mới. Theo đó, một loại hàng hóa hay nhóm hàng sẽ không được nhận ưu đãi thuế quan của EU nếu như thị phần vượt quá 17,5% (đối với dệt may là 14,5%) và được cho là có tính cạnh tranh.

Theo quy định GSP mới, 87 quốc gia và vùng lãnh thổ không còn nằm trong danh sách được hưởng ưu đãi thuế quan của EU do có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao hoặc trên trung bình trong ba năm gần đây hoặc đã có những hiệp định thương mại với EU.

Ra đời từ năm 1971, GSP của EU nhằm giúp các quốc gia kém phát triển và đang phát triển có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường EU và từ đó từng bước hội nhập đầy đủ vào hệ thống thương mại quốc tế.

Theo tính toán của EU, trong năm 2011, tổng giá trị hàng hóa được hưởng GSP lên đến 87 tỷ euro, bằng 5% tổng giá trị nhập khẩu của EU và 11% tổng giá trị nhập khẩu của EU từ các nước đang phát triển.

TTXVN/Tin tức
---------
Nhật Bản nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng năng lượng

Bộ Môi trường Nhật Bản ngày 1/11 đã phát động chiến dịch "Warm Biz" giảm việc sử dụng năng lượng sưởi ấm thông qua hàng loạt những nỗ lực nhỏ trong sinh hoạt như lựa chọn quần áo và thức ăn đồng thời khuyên người dân để nhiệt độ nơi ở và văn phòng ở mức 20 độ C.

Với chiến dịch “Warm Biz” kéo dài đến tháng 3/2013, Bộ Môi trường đưa ra sáng kiến có tên “Warm Share” nhằm khuyến khích các gia đình cùng thưởng thức thời gian ấm cúng tại phòng khách đồng thời mặc các loại trang phục có tác dụng giữ nhiệt tốt.

Chiến dịch này được phát động như là một cách để đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu. Đặc biệt, việc tiết kiệm năng lượng là một trong những mục tiêu chính kể từ khi các nhà máy điện hạt nhân trên toàn nước Nhật bị ngừng hoạt động sau cuộc khủng hoảng Fukushima hồi năm ngoái./.

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)
------
Bão Sandy làm kinh tế Mỹ thiệt hại 20 tỷ USD

 Theo tính toán của các nhà phân tích thuộc Công ty Kinetic Analysis Corp., một công ty chuyên về nghiên cứu các hiện tượng thời tiết và hậu quả của chúng, riêng tổng số thiệt hại được bảo hiểm đã có thể là 7-8 tỷ USD. Phần còn lại là thiệt hại về cơ sở hạ tầng, một số tiền lớn sẽ phải chi để khôi phục đường tàu điện ngầm New York và giao thông đô thị.

Cơn bão “Sandy” có thể sẽ được xếp vào số 10 cơn bão có sức tàn phá nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, tình hình cũng chưa phải là bi đát: thiệt hại do bão Sandy còn xa con số kỷ lục nếu so với cơn bão Katherina – đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ 108 tỷ USD.
Bão có thể làm thiệt mạng hàng chục triệu người. Tại nhiều bang trên đất Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, tiến hành sơ tán trên diện rộng. Ở các khu vực ven biển New York có lệnh sơ tán, đóng cửa tàu điện ngầm, ngừng lưu thông xe bus.
Tuy nhiên, điều khiến người ta lo ngại chính là tình hình ở các nhà máy điện hạt nhân nằm trên đường đi của bão Sandy. Mực nước tăng tại vùng biển nước Mỹ do bão “Sandy” gây ra đã buộc Ủy ban điều tiết hạt nhân Mỹ (NRC) áp dụng chế độ tình hình đặc biệt tại một trong các nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất nước Mỹ - Oyster Creek ở  bang New Jersey./.
ML (vestifinance.ru, Ven)
----------
EU phủ nhận đạt thỏa thận cứu trợ với Hy Lạp

Ủy ban châu Âu (EC) hôm qua 31/10 phủ nhận thông tin cho rằng Hy Lạp và bộ ba chủ nợ đã đạt được thỏa thuận về chương trình giải cứu nợ.

Người phát ngôn Ủy ban các vấn đề kinh tế của Ủy ban châu Âu, Simon O'Connor, cho biết chưa có bất cứ thỏa thuận nào giữa Hy Lạp và các chủ nợ, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), như thông tin trước đó.

Tuyên bố trên của ông Simon O'Connor được đưa ra chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc đàm qua điện thoại giữa các bộ trưởng tài chính châu Âu, và chỉ một ngày sau khi thủ tướng Hy Lạp Antonio Samaras tuyên bố Athens đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế.

Mặc dù vậy, ông Simon O'Cornnor cho biết các chủ nợ và Hy Lạp vẫn đang tiếp tục thảo luận các vấn đề vướng mắc và thỏa thuận giữa hai bên hoàn toàn có thể đạt được trong thời gian sắp tới.

Trước đó, hôm 30/10, thủ tướng Hy Lạp Samaras tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về chương trình cứu trợ tài chính với các chủ nợ quốc tế.

Trong buổi họp báo sau cuộc họp với bộ ba chủ nợ IMF, ECB và EU, ông Samaras cho biết: "Hy Lạp đã kết thúc đàm phán về các biện pháp cải tổ kinh tế cũng như về ngân sách".

Tuyên bố trên khiến nhiều người lạc quan tin rằng Hy Lạp sẽ thoát khỏi thảm cảnh vỡ nợ, bởi trước đó thủ tướng Samaras cảnh báo Hy Lạp sẽ hết tiền mặt vào tháng tới nếu không đạt được thỏa thuận giải ngân 31 tỷ euro với các chủ nợ.
(Stox/Gafin)
-------------------
EU cam kết sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam

EU cam kết hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy đàm phán để hai bên có thể sớm hoàn tất, ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) Việt Nam - EU.

Chiều 31/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và phu nhân đã sang thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu đến Việt Nam, kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990.

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nhất trí tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đầu tư, kinh doanh lâu dài tại thị trường của nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng cơ sở, giao thông vận tải, năng lượng, tài chính, y tế, du lịch và dịch vụ.

EU cam kết hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy đàm phán để hai bên có thể sớm hoàn tất và ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) Việt Nam - EU, thúc đẩy việc sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Việt Nam đề nghị EU tiếp tục duy trì quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đầy đủ cho Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2015 và ưu tiên thúc đẩy sớm thực hiện thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA).

Việt Nam và EU cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả các chương trình ODA giai đoạn 2011 - 2013 và xác định ưu tiên hợp tác trong giai đoạn 2014 - 2020 trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, đã diễn ra lễ ký kết Hợp đồng tài trợ tín dụng giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trị giá 150 triệu euro giữa Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Bộ Tài chính Việt Nam; Hiệp định tài chính cho Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu EU - MUTRAP trị giá 16,5 triệu euro giữa phái đoàn châu Âu tại Việt Nam với Bộ Công thương Việt Nam.
(Stox/ SGGP)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te