“Chính quyền Mỹ đã nói rõ rằng các hòn đảo này nằm trong phạm vi của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Lập trường của Mỹ không thể là lập trường trung lập khi nước Mỹ có nghĩa vụ phải đáp trả mạnh mẽ trong tình huống có vũ lực hay có hành động khiêu khích”, Đại sứ Nhật Bản Kenichiro Sasae nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Asahi Shimbun hôm 30/10.
Tân Đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ Kenichiro Sasae. |
Ông Sasae, 61 tuổi và giữ chức thứ trưởng bộ ngoại giao khi chính phủ Nhật quyết định quốc hữu hóa các hòn đảo Senkaku hồi tháng 9. Giữa tháng này, ông sẽ đến Washington với tư cách là đại sứ Nhật Bản.
Quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông được Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo này. Được Trung Quốc đặt tên là Điếu Ngư, quần đảo này là trung tâm của cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong những tháng vừa qua.
Ông Sasae cũng cho biết chính phủ Nhật không bị phản đối một chút nào khi thông báo với Hoa Kỳ rằng Nhật sẽ mua lại các hòn đảo từ tau người chủ tư nhân.
“Mỹ không hề có động thái nào phản đối (việc Nhật mua lại quần đảo này”. (Lập trường của Mỹ) là đây là vấn đề Nhật toàn quyền quyết định”, ông Sasae nói.
Ông Sasae cũng bảo vệ quyết định của chính phủ Nhật mua lại các hòn đảo là quyết định “tốt nhất” để quản lý các hòn đảo “một cách hòa bình và ổn định”, tốt hơn là để chính quyền thành phố Tokyo sở hữu chúng.
Vào thời điểm đó, chính quyền thủ đô Tokyo chịu sự lãnh đạo của Thị trưởng Shintaro Ishihara, một chính trị gia theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và đã tuyên bố sẽ quyên tiền mua lại quần đảo này.
Nhưng hành động mua lại quần đảo của chính phủ Nhật Bản đã khơi mào cho một loạt các vụ biểu tình chống Nhật diễn ra trên khắp Trung Quốc hồi tháng 9, gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á và đến nay căng thẳng này vẫn chưa được giải quyết.
Ông Sasae nói rằng khi quan chức hai nước gặp gỡ để trao đổi về cuộc tranh chấp, phía Trung Quốc vẫn chưa tỏ ra hiểu rõ ý định đằng sau vụ mua lại Senkaku của Nhật Bản.
Ngoài ra, tân đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức cuộc họp thượng định Mỹ - Nhật sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc vào tháng này để hai nước đồng minh điều chỉnh lại các chiến lược của mình đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Điều quan trọng là hai nước phải khẳng định lại vị thế đòng minh của nhau trong bối cảnh toàn cầu và châu Á thay đổi và đưa mối quan hệ Mỹ - Nhật lên tầm cao mới để cùng nhau đối phó với các thách thức”, ông Sasae nói.