TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 27-9-2012


Mỹ hối thúc HĐBA về chấm dứt cuộc chiến ở Syria

AFP đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 26/9 đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thực hiện các nỗ lực mới để đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.

Bà Hillary khẳng định “các hành động tàn bạo đang gia tăng trong khi Hội đồng Bảo an vẫn tê liệt và tôi hối thúc chúng ta hãy một lần nữa cố gắng tìm ra con đường tiến lên” để Hội đồng Bảo an có thể tìm cách chấm dứt bạo lực ở Syria và ngăn không để bạo lực lan sang những nước khác.

Trong diễn biến liên quan, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày ở New York, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho biết Tehran đang tìm cách thành lập một nhóm tiếp xúc riêng rẽ về cuộc xung đột ở Syria, động thái nhiều khả năng sẽ không được nhiều nước hưởng ứng.

Ông nói: “Chúng tôi cố gắng mở đường cho cuộc đối thoại dân tộc và hòa hợp dân tộc giữa hai bên (trong cuộc xung đột Syria) và chúng tôi đang nỗ lực để duy trì và thành lập một nhóm tiếp xúc gồm nhiều nước khác nhau.”

Ông Ahmadinejad từ chối tiết lộ Iran đã tiếp cận những nước nào để mời tham gia nhóm này, nhưng hy vọng Bộ Ngoại giao Iran sẽ ra thông báo trong những ngày tới.

Trong khi đó, các ngoại trưởng Arập ngày 26/9 đã cân nhắc những lời kêu gọi về biện pháp can thiệp của khối Arập vào cuộc xung đột ở Syria, trong khi các nước phương Tây hối thúc Nga và Trung Quốc thôi phản đối hành động của quốc tế.

Các ngoại trưởng Arập đã gặp Đặc phái viên Liên hợp quốc-Liên đoàn Arập Lakhdar Brahimi bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và Tổng thống Moncef Marzouki của Tunisia sau đó khẳng định nước ông có thể ủng hộ một lực lượng gìn giữ hòa bình ở Syria, mặc dù những nước khác tỏ ra nghi ngại biện pháp này./.

(Vietnam+)
----------------
Chưa có giải pháp cho các tranh cãi liên quan đến chủ quyền biển đảo

Ngày 26-9, bên lề Khóa họp 67 của Đại hội đồng LHQ, đang diễn ra tại New York (Mỹ), đã diễn ra các cuộc gặp gỡ và thảo luận về những tranh cãi chủ quyền giữa Nhật Bản – Trung Quốc, Nga – Nhật Bản, liên quan đến các quần đảo… Tuy nhiên, các cuộc gặp đã không đạt được bước đột phá nào. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Catherine Ashton đã kêu gọi tất cả các bên hữu quan giữ bình tĩnh, tìm kiếm các giải pháp hòa bình.

Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản chịu trách nhiệm hoàn toàn

Ngày 26-9, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và Ngoại trưởng Trung Quốc Yang Jiechi đã gặp gỡ và thảo luận về tranh cãi chủ quyền liên quan đến quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, vấn đề đang gây căng thẳng quan hệ song phương. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh về chủ quyền “không tranh cãi” với một số đảo ở Senkaku/Điếu Ngư.

Tân Hoa Xã dẫn lời Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói rằng “Trung Quốc sẽ không dung thứ bất cứ hành động đơn phương nào của phía Nhật Bản” đối với quần đảo tranh chấp, sẽ tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Nhà ngoại giao này cũng đổ lỗi căng thẳng hiện nay là do Nhật Bản châm ngòi và Tokyo phải chịu “hoàn toàn trách nhiệm” cho những gì đã làm (ám chỉ việc Nhật Bản mua một số đảo hồi đầu tháng 9).
 
Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ khi Nhật Bản mua các đảo kể trên. Tuy nhiên, Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Gemba cho biết bầu không khí cuộc gặp, kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, “rất gay gắt”, không khí cuộc gặp cho thấy Nhật Bản rất khó tìm kiếm sự chấp nhận của Bắc Kinh đối với việc chính quyền Nhật Bản mua lại ba trong số 5 đảo chính của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phía Trung Quốc rõ ràng duy trì quan điểm cứng rắn đối với vấn đề này.
 
Trước đó, ngày 25-9, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng có tiêu đề “Điếu Ngư - Vùng lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”, trong đó khẳng định các tài liệu lịch sử cho thấy quần đảo Điếu Ngư /Senkaku được phát hiện lần đầu tiên, được đặt tên và khai thác bởi Trung Quốc.

Nga – Nhật – Hàn tăng cường cảnh giác và các cuộc tham vấn song phương

Bên lề khóa họp, Ngoại trưởng Nhật Bản và Nga cũng đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng tại thủ đô Tokyo vào trung tuần tháng 10 tới, đồng thời tăng cường các cuộc tham vấn song phương nhằm xúc tiến các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ kéo dài lâu nay đối với quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là Vùng Lãnh thổ phương Bắc).
 
Hãng tin Yonhap ngày 26-9 đưa tin chính phủ Hàn Quốc sẽ điều tra thông tin về việc Trung Quốc quyết định sẽ tiến hành quan trắc nhằm kiểm soát đảo Ieo, một bãi đá ngầm nằm ở phía Tây Nam đảo Jeju, bằng máy bay tuần tra không người lái. Hàn Quốc đã bố trí thêm máy bay tuần tra tại căn cứ ở thành phố Yeosu, tỉnh Nam Jeolla, để tăng cường tuần tra trên vùng biển Tây Nam, bao gồm khu vực đảo Ieo, vốn đang tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc.
 
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập cuộc họp an ninh cấp cao để thảo luận về tình hình căng thẳng gia tăng trên hải giới với CHDCND Triều Tiên. Người phát ngôn Nhà Xanh, bà Lee Mi-Yon cho biết “những vấn đề liên quan tới CHDCND Triều Tiên cũng như các vấn đề an ninh và ngoại giao nổi bật khác sẽ được thảo luận tại cuộc họp này”.

Trước đó ngày 24-9, Tổng thống Lee Myung-bak đã cảnh báo “những đe dọa ngày càng gia tăng” đối với an ninh hàng hải của nước này xuất phát từ CHDCND Triều Tiên cũng như các tranh chấp lãnh thổ khu vực liên quan tới chuỗi đảo cô lập.

Hãng tin AFP ngày 26-9 dẫn lời Thứ trưởng Thương mại Philippines Cristino Panlilio nói rằng chính phủ nước nàyđang mời chào 15 công ty Nhật Bản với các điều kiện ưu đãi hơn các điều kiện mà họ được hưởng khi đang đầu tư ở Trung Quốc. Theo đó, để thu hút doanh nghiệp Nhật Bản, Philippines ưu đãi thuế quan và cam kết chống tham nhũng triệt để…Năm ngoái, cũng nhờ chính sách này, Philippines cũng đã thành công trong việc thu hút nhiều công ty Thái Lan và Nhật Bản sang đầu tư khi 2 nước này gặp khó khăn về thiên tai (động đất ở Nhật và lũ lụt ở Thái Lan).

Các công ty như Toshiba, Canon, Toyota và Hitachi đã tăng cường sự có mặt ở Philippines trong năm qua.

Hạnh Chi (tổng hợp) // SGGP
--------------------------
Hàn Quốc lo ngại Trung Quốc “nhòm ngó” đảo chìm Ieodo

 Căng thẳng biển đảo Đông Á có nguy cơ lan rộng khi Hàn Quốc vừa lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đang bộc lộ rõ ý đồ “nhòm ngó” đảo chìm Ieodo trên biển Hoa Đông.

Tân Hoa xã mới đây đưa tin từ năm 2015, Cục Quản lý hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA) sẽ triển khai máy bay không người lái từ thành phố ven biển Liên Vân Cảng (tỉnh Giang Tô) để giám sát hàng loạt vùng biển nằm ngoài lãnh thổ nước này. Trong số đó có quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát, bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Philippines và đảo chìm Ieodo của Hàn Quốc.

“Chúng tôi đang xác minh tin tức này. Hàn Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu có vấn đề về chủ quyền đảo Ieodo” - báo Korea Herald dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai Young tuyên bố.

“Nếu Trung Quốc có ý đồ giám sát nhằm đòi chủ quyền đảo Ieodo, chúng tôi sẽ phản đối và đòi Bắc Kinh phải chấm dứt hành vi đó” - báo Korea Times dẫn lời một quan chức Seoul khẳng định mạnh mẽ hơn.

Đảo chìm Ieodo (4,6m dưới mực nước biển) nằm trong vùng chồng lấn EEZ của Hàn Quốc và Trung Quốc nhưng thuộc quyền kiểm soát của Seoul. Năm 2003, Hàn Quốc đã xây dựng Trạm nghiên cứu đại dương Ieodo trên hòn đảo này. Tuy nhiên, với ý đồ đòi chủ quyền đảo Ieodo, tháng 7-2011 Trung Quốc đã cử ba tàu tuần tra đến quấy rối công nhân Hàn Quốc khi họ đang trục vớt một tàu đắm ở vùng biển gần đảo Ieodo.

Tháng 12-2011, Bắc Kinh công bố kế hoạch đưa một tàu nặng 3.000 tấn đến khu vực này. Tháng 3-2012, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối khi SOA tuyên bố Ieodo thuộc chủ quyền Trung Quốc và sẽ cử tàu, máy bay đến tuần tra.

SƠN HÀ // Tuổi Trẻ
-------------------
 Palestine lại đề nghị Liên Hợp Quốc công nhận độc lập

 Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 27.9 quay trở lại New York để đề nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận quy chế nhà nước cho Palestine sau khi yêu cầu này bị từ chối năm 2011.

Tuy nhiên, theo dự đoán, ông Abbas sẽ phải đối mặt với sự giận dữ của Mỹ và Israel, những nước chắc chắn sẽ trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề. Năm 2011, khi ông Abbas cố gắng giành sự công nhận quy chế nhà nước đầy đủ cho Palestine tại LHQ, những người dân ở Bờ Tây đã cảm thấy rất phấn khởi.  Tuy nhiên, niềm vui ngắn ngủi nhanh chóng bị dập tắt khi Mỹ kịch liệt phản đối.

Đến thời điểm hiện tại, người dân Palestine không còn tỏ ra háo hức khi ông Abbas chuẩn bị thực hiện nỗ lực lần hai nhằm nâng cấp vị thế của Palestine tại LHQ, từ "thực thể quan sát viên" lên "nhà nước quan sát viên". Giới quan sát nhận định, có khả năng yêu cầu nâng cấp vị thế Palestine của ông Abbas sẽ được chấp thuận, nhưng để có nền độc lập thực sự, người dân Palestine sẽ còn phải chờ đợi trong một thời gian dài nữa.

Việc được công nhận là nhà nước chứ không phải là một thực thể đồng nghĩa với việc Palestine có thể gia nhập các tổ chức như Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) và đệ trình hàng loạt đơn kiện Israel vì nước này liên tục chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine.
(Dân Việt)
--------------
Ông Bill Clinton sẽ tranh cử tổng thống Pháp và Ireland?

(TNO) Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tiết lộ về lý thuyết ông có thể tranh cử tổng thống Ireland hoặc Pháp song thừa nhận vốn tiếng Pháp dở tệ khiến ông mất đứt cơ hội.

Chính trị gia 66 tuổi, người từng phục vụ hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng từ năm 1993 đến 2001, nói gốc gác Ireland giúp ông có đủ tư cách tranh cử chức tổng thống tại đây và ông cũng có thể tham gia chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Pháp nhờ việc được sinh ra tại bang Arkansas, theo AFP.

“Nếu tôi chuyển đến Ireland và mua một ngôi nhà, tôi có thể tranh cử tổng thống vì gốc Ireland của tôi”, ông Clinton phát biểu.

Theo cựu tổng thống Mỹ, ông cũng có đủ tư cách tranh cử tổng thống Pháp vì ông sinh tại bang Arkansas, một phần của vụ mua bán Louisiana, vùng đất được Mỹ mua lại từ nước Pháp vào năm 1803.

“Bất kỳ ai trên thế giới sinh ra tại nơi từng là một phần của đế chế Pháp cũng có thể tranh cử tổng thống Pháp nếu bạn chuyển đến, sinh sống tại Pháp trong 6 tháng và nói tiếng Pháp”, ông Clinton giải thích.

Ông Clinton thậm chí từng có kết quả thăm dò “rất tốt” trong cuộc khảo sát trên lý thuyết về cơ hội tranh cử tổng thống Pháp, theo lời kể của ông trong cuộc phỏng vấn tại buổi hội thảo Sáng kiến toàn cầu Clinton bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm 25.6.

“Và tôi nói, chuyện này thật tuyệt. Song đó là điều tốt nhất mà tôi đạt được vì một khi họ nghe tiếng Pháp thảm hại bằng giọng miền nam của tôi, tôi bị tụt tỉ lệ xuống còn một con số trong một tuần...”, ông Clinton nửa đùa nửa thật.

Sơn Duân// Thanh Niên
-------------------
Mỹ: Tổng thống Iran đưa ra những lý thuyết hoang tưởng

 Mỹ đã quyết định không tham dự và Anh chỉ cử một đại diện "cấp thấp" để nghe bài phát biểu của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Mỹ đã kêu gọi tẩy chay bài phát biểu của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vào ngày thứ Tư (26/9) khi cáo buộc Tổng thống Iran đưa ra "những lý thuyết hoang tưởng và nói xấu chống lại Israel."

"Thật là điều không may khi ông Ahmadinejad sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đó là lý do tại sao Mỹ đã quyết định không tham dự" - Erin Pelton, phát ngôn viên của phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc đã tuyên bố trước đó.

Tổng thống Ahmadinejad của quốc gia Hồi giáo Iran đang phải đối mặt với các áp lực ngày càng tăng về chương trình hạt nhân của mình, đã trở thành một diễn giả tại cuộc họp Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư (26/9).

Trong bài phát biểu của mình, ông đã đưa ra một loạt các ý kiến ​​tấn công Israel và phương Tây khi ở New York. Mahmoud Ahmadinejad cáo buộc phương Tây "dọa dẫm" hạt nhân, chỉ trích cuộc chạy đua vũ trang và những lời đe dọa vũ khí hạt nhân cũng như vũ khí hủy diệt hàng loạt của các cường quốc bá quyền.

Trong bài phát biểu 35 phút, ông Ahmadinejad còn chỉ trích những lời đe dọa viện dẫn đến hành động quân sự của những người theo chủ nghĩa phục quốc Do thái.

Một nguồn ngoại giao Anh cho biết nước này đã chỉ cử một đại diện "cấp thấp" để nghe bài phát biểu của ông Ahmadinejad và các quan chức đã được yêu cầu sẽ bỏ đi nếu Tổng thống Iran phát biểu bất cứ điều gì mang tính công kích.

Bên cạnh đó, Tổng thống Ahmadinejad tuyên bố rằng việc phương Tây phẫn nộ trước chương trình bị cho là sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran là một cái cớ để thống trị Tehran, "thậm chí trẻ em tiểu học trên khắp thế giới đã hiểu rằng chính phủ Mỹ đang theo một chính sách ngoại giao của kẻ bắt nạt."

Trong khi đó, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng thời gian để giải quyết các tranh chấp về chương trình hạt nhân của Iran không phải là không có giới hạn. Mặc dù Obama đã khẳng định Mỹ sẽ không cho phép Tehran có được vũ khí hạt nhân nhưng ông Ahmadinejiad vẫn nhắc lại tuyên bố của quốc gia Hồi giáo rằng chương trình làm giàu uranium của họ chỉ nhằm sản xuất năng lượng.

Anh Vũ (Nguồn Telegraph, RT, GDVN)
---------------
 Nga phản đối tiêu chuẩn kép trong chống khủng bố

(VOV) - Tổng thống Putin cho rằng, trong quá trình chiến đấu chống lại các phần tử cực đoan, các giá trị văn hóa và tôn giáo phải được tôn trọng.

Phát biểu trong ngày 26/9, Tổng thống Nga Putin cho biết, Moscow phản đối việc sử dụng tiêu chuẩn kép trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, nghĩa là dựa trên cùng 1 tiêu chuẩn nhưng bóp méo nó đi để đối xử khắt khe với một số nhóm người trong khi lại bỏ qua đối với những nhóm khác.

Ông Putin nêu rõ, chủ nghĩa khủng bố ở bất cứ đâu cũng cần phải bị trừng trị thẳng tay. Tuy nhiên, trong quá trình chiến đấu chống lại các phần tử cực đoan, các giá trị văn hóa và tôn giáo phải được tôn trọng.

Tổng thống Nga cũng bày tỏ sự phản đối kịch liệt đối với cách tiếp cận mang tính bạo lực trong các cuộc chính biến ở Trung Đông và Bắc Phi trong thơi gian qua.

Ông Putin nhấn mạnh, bạo lực nhằm lật đổ chính quyền chỉ có thể dẫn tới thế bế tắc trong vòng luẩn quẩn của bạo lực./.

Diệu Hương/VOV - Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
---------------
 Iran đã bắt giám đốc hãng thông tấn nhà nước IRNA

Truyền thông Iran đưa tin ngày 26/9, ông Ali-Akbar Javanfekr, Giám đốc điều hành hãng thông tấn nhà nước IRNA, cố vấn truyền thông của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad kiêm Giám đốc Viện nghiên cứu Iran, đã bị bắt giữ để thụ án.
 
Vào tháng 11 năm ngoái, ông Javanfekr đã bị Tòa án Hình sự Tehran kết án 12 tháng tù giam với các tội danh đăng bài có nội dung trái ngược với các quy định Hồi giáo và viết bài có nội dung thiếu đạo đức.
 
Ngoài ra, ông Javanfekr cũng bị cấm giữ chức vụ và hoạt động báo chí trong vòng 3 năm.

Tuy nhiên, ba tháng sau đó, Tòa án Tối cao đã giảm hình phạt trên xuống còn 6 tháng tù giam.
 
Ông Javanfekr bị bắt khi Tổng thống Ahmadinejad đang ở Mỹ dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng LHQ./.

Tây Ban Nha: Biểu tình thành bạo động

Nhà chức trách Tây Ban Nha cho biết 38 người bị bắt và 64 người bị thương ngày 25-9 khi xảy ra xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng và mức thuế cao. Nữ phát ngôn viên của cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha ngày 26-9 khẳng định trong số những người bị thương có 27 cảnh sát.

Theo hãng tin AP, hàng ngàn người tham gia cuộc biểu tình “Occupy Congress” (Chiếm quốc hội) kéo về tòa nhà quốc hội ở trung tâm thủ đô Madrid trong khi hơn 1.000 cảnh sát chống bạo động ngăn chặn mọi ngả đường. Những người phản đối đã tụ tập ở các đại lộ gần đó và tuần hành hướng về tòa nhà quốc hội. Cảnh sát bắn đạn cao su và dùng dùi cui để giải tán người biểu tình. Một số người đã xô đổ các vật chướng ngại, ném đá và chai lọ vào cảnh sát.

Cuộc biểu tình trên diễn ra khi chính phủ nước này chuẩn bị công bố các biện pháp khắc khổ. Đài BBC cho biết những người biểu tình đã giải tán sau khi các nghị sĩ rời khỏi tòa nhà.

Trong khi đó, các nghiệp đoàn ở Hy Lạp ngày 26-9 đã bắt đầu cuộc tổng đình công kéo dài 24 giờ đầu tiên kể từ khi liên minh chính phủ do phe bảo thủ dẫn đầu lên cầm quyền hồi tháng 6. Cuộc tổng đình công này nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu hơn gần 12 tỉ euro.

Cuộc tổng đình công đã biến thành cuộc bạo loạn tại thủ đô Athens. 100 người bị bắt giữ và ít nhất 5 cảnh sát bị thương.
Lục San // NLĐ
--------------
Tổng thư ký LHQ cảnh báo thế giới đối mặt thời kỳ chuyển tiếp

Ngày 25-9, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã khai mạc phiên thảo luận toàn thể khóa 67 tại thành phố Niu Y -oóc (Mỹ), với cảnh báo của Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) rằng thế giới đang phải đối mặt với một thời kỳ chuyển tiếp, nhiều rối loạn, và biến đổi.

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Tổng thư ký Ban Ki Mun cho biết, chương trình nghị sự năm nay tại Đại hội đồng LHQ sẽ chú trọng tới 5 vấn đề cấp bách là phát triển bền vững; xây dựng một thế giới an toàn hơn; hỗ trợ các nước trong thời kỳ chuyển tiếp; và trao quyền hành động cho phụ nữ và thanh niên. Theo ông, phát triển bền vững là chìa khóa để mở ra những hy vọng của thế giới tới tương lai và đây là ưu tiên hàng đầu của ông với tư cách là Tổng thư ký LHQ.
QĐND
-------------
Nga thừa nhận sự tồn tại của mỏ kim cương có trữ lượng hàng nghìn tỷ carat

Trong khoảng thời gian những năm 1970, chính phủ Liên Xô đã phát hiện ra một lượng khổng lồ kim cương trong một miệng núi lửa 100 km ( 62 dặm) ở phía đông Siberia . Mỏ nằm trong hố thiên thạch Popigal và đã tồn tại được khoảng 35 triệu năm.
 
Người Nga đã giữ bí mật về mỏ này khá lâu. Chính phủ Nga cuối cùng cho thế giới bí mật nhỏ của họ tại một hội nghị khoa học gần đây đã kết luận ở Novosibirsk - sự thừa nhận đó là chắc chắn để gửi cho thị trường đá quý toàn cầu. Phát biểu với TASS , nhà địa chất học Nga Nikolai Pokhilenko thừa nhận rằng, " các kết quả nghiên cứu đầu tiên đã cho thấy nguồn tài nguyên này có thể làm thay đổi cả một thị trường kinh doanh ". Theo các nhà thẩm định thì lượng kim cương trong mỏ có thể lên đến hàng ngàn tỷ carat, đủ sử dụng cho 3000 năm tới.
 
Kim cương hình thành trong hố này có đặc tính là độ cứng đặc biệt cao, gấp 2 lần độ cứng kim cương thường, thích hợp cả cho mục đích khoa học và công nghiệp ( các ứng dụng như kim loại, sản xuất chất bán dẫn hiệu quả , và như vậy ) chứ không chỉ phù hợp làm vật trang sức.
 
Theo Cơ quan thông tấn Nga ITAR - TASS , Nga đã chọn để giữ một bí mật bởi bằng cách làm như vậy, chính phủ Liên Xô ( nay là Liên bang Nga ) đã có thể gặt hái lợi nhuận lớn hơn. Hơn nữa, việc tìm ra mỏ này đúng vào thời điểm mà chính phủ Liên Xô bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất kim cương nhân tạo . Họ đã cho ngừng hết các hoạt động ở đây để tập trung sang các nhà máy.
 
Hiện nay, trữ lượng kim cương ở đây đang đứng đầu trên thế giới, vượt qua mức kỷ lục mỏ kim cương ở khu vực Yakutia, ước tính khoảng 1 tỉ carat. Việc tìm thấy cũng như khẳng định loại khoáng sản này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng. Mặc dù thế, chúng cũng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường kim cương, nơi kim cương được bán ra với mục đích trang sức.
( Theo Genk)
------------------------
 ‘Tàu thuyền Trung Quốc đã rút khỏi Điếu Ngư/Senkaku’

TPO – Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản ngày hôm nay tuyên bố, toàn bộ các tàu của Trung Quốc đã rời khỏi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, sau hơn 1 tuần quần thảo tại khu vực.

Tuy nhiên, VOR dẫn nguồn tin từ Tokyo cho biết, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản không loại trừ rằng việc rút lui của Bắc Kinh chỉ là tạm thời và một phần cũng do có cơn bão đang tiến đến gần.

Trong thời gian 8 ngày có mặt tại khu vực, các tàu Trung Quốc liên tục quây đội hình thành vòng cung quanh đảo, gây sức ép lên lực lượng phòng vệ Nhật Bản có mặt tại Senkaku/Điếu Ngư.

Cùng ngày, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng tải thông tin khẳng định, Chính phủ Trung Quốc dự định sử dụng các phương tiện bay không người lái (UAV) để thiết lập sự kiểm soát thường trực trên vùng lãnh thổ biển đảo tranh chấp.

Theo đó, đến trước năm 2015, Bắc Kinh sẽ triển khai trên bờ biển phía Đông của Trung Quốc những căn cứ UAV, đảm nhiệm việc theo dõi các vùng tranh chấp, trong đó có Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông, đảo Hoàng Nham/Scarborough Reef trên Biển Đông.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo trở nên xấu đi nhanh chóng sau khi Nhật Bản mua lại từ các chủ sở hữu tư nhân 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã quyết định hủy bỏ lễ hội kỷ niệm mốc 40 năm thiết lập liên hệ ngoại giao song phương để phản đối “hành động xâm phạm lãnh thổ lẫn của nhau”.

Tùng Dương ( Tiền Phong)
----------------------
Venezuela và Trung Quốc khai thác một trong những mỏ vàng lớn nhất

(VEN) - Theo tin AP, Venezuela và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cùng khai thác một trong những mỏ vàng lớn nhất thế giới – Las – Cristinas.

Thỏa thuận được ký kết bởi một bên là các quan chức của Chính phủ Venezuela và bên kia là Công ty China International Trust and Investment Corp.

Tổng thống Venezuela - Hugo Chavez tuyên bố, thỏa thuận hai bên không chỉ có khai thác vàng, mà còn khai thác cả đồng nữa. Theo ước tính, trữ lượng của mỏ này (nằm ở bang Bolivar, phía Nam Venezuela) lên tới gần 17 triệu ounces vàng.
Hồi tháng 5/2008, Bộ Bảo vệ môi trường và tài nguyên Venezuela đã rút giấy phép khai thác mỏ vàng Las Cristinas của Công ty Canada - Crystallex International Corp., đã hoạt động tại Venezuela 16 năm./.
ML (quote.rbc.ru)
-------------------------
Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên không quấy rối trước bầu cử Tổng thống

TPO- Hôm nay, 26-9, Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng mọi nỗ lực gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc diễn ra vào tháng 12 năm nay.

Theo một báo cáo từ văn phòng Tổng thống, trong một cuộc họp an ninh cấp cao được tổ chức sáng nay, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak kêu gọi thắt chặt an ninh quốc gia phục vụ bẩu cử Tổng thống trước những hành động khiêu khích, gây ảnh hưởng của Triều Tiên.

Các đại biểu tham dự hội nghị an ninh bao gồm các bộ trưởng thống nhất và quốc phòng, thứ trưởng ngoại giao và cố vấn an ninh tổng thống cấp cao.

Cuộc họp tái khẳng định rằng quân đội Hàn Quốc sẽ phản ứng dữ dội lại những hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào 19-12 năm nay, khi Tổng thống đương nhiệm hết nhiệm kì theo hiến pháp của Hàn Quốc.

Phan Yến
Theo Sina // Tiền Phong
----------------------
Nhật - Đài bế tắc về đánh bắt cá ở Senkaku

(NLĐO) – Nhật Bản và Đài Loan không đạt được thỏa thuận tại cuộc hội đàm về vấn đề đánh bắt cá tại biển Hoa Đông ngày 25-9.
Cuộc hội đàm diễn ra sau khi các tàu đánh cá Đài Loan đổ về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, dẫn đến cuộc chiến “vòi rồng” sáng 25-9.
 
Trước hội đàm, người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao Đài Loan Dương Tiến Thiêm cho biết vùng lãnh thổ này hoan nghênh việc Nhật Bản cử Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản Tadashi Imai đến để nói rõ về vấn đề ngư trường quanh quần đảo Senkaku (Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài). Về phía Nhật, nước này cũng hy vọng đó là cơ hội để giải thích về động thái quốc hữu hóa một phần Senkaku.
 
Tuy nhiên, ngay sau cuộc hội đàm chiều 25-9, đại diện của Hiệp hội Giao lưu Nhật Bản - được xem là sứ quán không chính thức của Nhật tại Đài Loan - thông báo với báo giới rằng hai bên chưa nhất trí về một số vấn đề. Nhật Bản sẽ tiếp tục đàm phán với Đài Loan để nhanh chóng tìm được tiếng nói chung.
 
Đài Loan và Nhật Bản từng tiến hành các cuộc đàm phán về quyền đánh bắt cá trong ngư trường quanh Senkaku từ năm 1996, nhưng đến tháng 2-2009 thì tạm ngưng hội đàm song phương.
 
Trong một diễn biến khác, cựu thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã từ chối lời mời của Trung Quốc thăm Bắc Kinh nhân kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ song phương. Ông Hatoyama và người đứng đầu 7 tổ chức hữu nghị Nhật – Trung được mời đến gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 27-9.
 
Đồng thời, theo các quan chức thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (GSDF), Trung Quốc không dự hội nghị quốc tế thường niên về cứu trợ thảm họa với sự tham gia của quân đội các nước châu Á-Thái Bình Dương khai mạc ngày 25-9 tại Tokyo.
H.Bình (Theo Kyodo, Sankei, NLĐ)
----------------------------
Nga tin Eurozone giải quyết được khó khăn tài chính

Các nhà lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu và Nga nhận định rằng so với vài năm gần đây, hiện Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chuẩn bị tốt hơn để vượt qua khó khăn, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva ngày 25/9 trong chuyến thăm Nga, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker nói những ý kiến cho rằng khu vực đồng euro sẽ sớm bị chia rẽ và sụp đổ là hoàn toàn sai lầm. Ông khẳng định khu vực này mong muốn duy trì đồng tiền chung và sự ổn định tài chính. Theo ông, Eurozone giờ đây đã mạnh hơn rất nhiều và sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn phải đối mặt.

Khu vực đồng euro đã được chuẩn bị tốt hơn nhiều để khắc phục những khó khăn tài chính so với vài năm trước, với cơ chế ổn định tài chính đã được củng cố. Ông nhấn mạnh công cụ này sẽ giúp phản ứng đối tốt với những rủi ro ngắn hạn, sự thay đổi cục diện tình hình có thể tác động tiêu cực tới sự ổn định tài chính của khu vực đồng euro.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, người trước đây vẫn thường chỉ trích cách xử lý những khó khăn tài chính của Eurozone, cũng tỏ ý tin tưởng đồng tiền chung châu Âu sẽ được duy trì bất chấp tình hình tài chính trong khu vực, và nhấn mạnh ý chí của các nhà lãnh đạo Eurozone cải thiện tình hình khu vực theo hướng tốt hơn.

Trong khi đó, cùng ngày, hàng nghìn người Tây Ban Nha và Hy Lạp đã biểu tình và bãi công phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ do chính phủ áp đặt để giải quyết khủng hoảng nợ.

Tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, hàng nghìn người đã tập trung trước quảng trường Neptune ở trung tâm, xếp thành những hàng rào người bao vây trụ sở Quốc hội, bất chấp hàng rào chướng ngại được dựng lên xung quanh tòa nhà và hơn 1.500 cảnh sát đặc nhiệm được triển khai tại đây. Xung đột đã xảy ra khi cảnh sát bắn đạn cao su để ngăn chặn một số người biểu tình quá khích xông vào phá hàng rào chướng ngại, làm ít nhất 32 người bị thương, trong đó có 4 cảnh sát, và ít nhất 22 người đã bị bắt giữ.

Cuộc biểu tình, do nhiều tổ chức công đoàn và các nhóm hành động ở Tây Ban Nha phát động, diễn ra khi Quốc hội Tây Ban Nha họp chuẩn bị thông qua các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới nhằm mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách năm 2013 và 2014.

Còn tại Hy Lạp, cùng ngày, khoảng 3.000 cảnh sát đã được triển khai ở trung tâm thủ đô Aten để đối phó với cuộc tuần hành và bãi công của người lao động nước này phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ do chính phủ áp đặt. Các cuộc bãi công, ước tính thu hút khoảng 50% số người lao động nước này tham gia, đe dọa làm gián đoạn các chuyến bay, tê liệt giao thông và hầu hết các công sở phải đóng cửa./.

(TTXVN)
------------
Các ngân hàng Mỹ bị đe dọa tấn công mạng

Một nhóm tin tặc Hồi giáo ngày 25.9 tuyên bố sẽ tiến hành những đợt tấn công mạng nhắm vào các ngân hàng Mỹ nhằm trả đũa cho bộ phim chống Hồi giáo sản xuất tại Mỹ.

Nhóm tin tặc này tự xưng là Các chiến binh của Izz al-Din al-Qassam, cho biết họ đã lên kế hoạch tấn công website các ngân hàng Mỹ bao gồm: Wells Fargo, PNC, Chase, Bank of America..., AFP dẫn nguồn của Tổ chức Tình báo SITE (Mỹ).

Theo AFP, hồi tuần rồi, website của ngân hàng Chase và Bank of America đã bị tấn công sau khi nhận được lời đe dọa từ nhóm tin tặc trên.

“Chiến dịch Ababil bắt đầu với Bank of America. Bước thứ hai là ngân hàng Chase và hàng loạt những đợt tấn công mạng khác cho đến khi phim chống Hồi giáo sản xuất tại Mỹ biến mất trên internet”, AFP dẫn tin nhắn của nhóm tin tặc đăng trên trang Pastebin.com.

Theo SITE, nhóm tin tặc này còn cảnh báo sẽ mở rộng chiến dịch Ababil, tấn công mạng vào các tổ chức tài chính ở Israel, Pháp và Anh.

Phúc Duy
Thanh niên
-------------------
Gay cấn hội đàm ngoại trưởng Trung - Nhật

Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và người đồng cấp Nhật Koichiro Gemba bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào sáng nay, 26.9, đã diễn ra trong bầu không khí rất gay gắt.

Theo Tân Hoa xã, ông Dương đã cáo buộc Nhật vi phạm nghiêm trọng sự toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc trong cuộc gặp ở New York (Mỹ).

Ngoại trưởng Nhật Gemba đã mô tả cuộc gặp kéo dài khoảng một giờ đồng hồ diễn ra trong bầu không khí “gay gắt”.

Theo các nhà ngoại giao, chính ông Gemba đã đề nghị tổ chức cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc bên lề phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 67.

Bắc Kinh vốn tức giận với quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước.

Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi tranh chấp leo thang vào đầu tháng này.

Ông Dương nói chính phủ Nhật đã mua quần đảo không người ở “bất chấp sự phản kháng cứng rắn và chống đối mạnh mẽ của Trung Quốc”, theo Tân Hoa xã.

Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố thêm rằng động thái đó là “sự phủ nhận toàn bộ” thất bại của Nhật trong Thế chiến thứ hai và “là sự thách thức nghiêm trọng với trật tự quốc tế thời hậu chiến”.

Tuy nhiên, cả hai phía cam kết họ sẽ duy trì việc tham vấn về tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quan hệ song phương.

Nhật và Trung Quốc đã tranh chấp quần đảo trong nhiều thập niên song căng thẳng đã bùng phát trở lại trong những tuần gần đây, kích động các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc.

Một số công ty Nhật, gồm cả Panasonic và Honda, đã ngưng sản xuất tại các nhà máy của họ ở Trung Quốc vào tuần trước vì lo sợ cho sự an toàn của nhân viên và các cơ sở sản xuất.

Vào hôm 25.9, các thứ trưởng Ngoại giao hai nước đã hội đàm tại Bắc Kinh song không thể "hạ nhiệt" căng thẳng ngoại giao.

Sơn Duân// Thanh Niên
-------------------
Cải cách bất ngờ của Triều Tiên

Quốc hội Triều Tiên họp phiên bất thường vào hôm 25-9 với kết quả làm chưng hửng nhiều nhà phân tích khi không đưa ra tuyên bố nào về cải cách kinh tế.

Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua quốc hội Triều Tiên nhóm họp tại thủ đô Bình Nhưỡng thay vì họp một năm một lần dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il. Cuộc họp này được coi là dấu hiệu cho những thay đổi chính sách của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau khi lên nắm quyền hồi tháng 12-2011.
 
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật tăng thời gian giáo dục quốc dân bắt buộc từ 11 năm lên thành 12 năm. Hiến pháp Triều Tiên quy định trẻ em trong độ tuổi đến trường được đảm bảo giáo dục miễn phí. Thế nhưng, đạo luật mới không nói rõ chính phủ sẽ phải chi trả thêm bao nhiêu cho việc tăng thời gian học.
 
Các nhà quan sát Hàn Quốc đặt nghi vấn về việc không chính sách cải cách kinh tế nào được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tìm cách vực dậy nền kinh tế.
 
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, việc sửa đổi liên quan đến giáo dục sẽ giúp củng cố lòng tin của dân chúng đối với ông Kim Jong-un. Ngoài ra, báo chí Hàn Quốc cho rằng phiên họp này có thể hợp thức hóa giai đoạn đầu của chương trình cải cách mà Kim Jong-un mong muốn.
 
Nhà nghiên cứu Yang Moo Jin thuộc trường đại học nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul - Hàn Quốc nhận xét: “Việc cải cách luôn là một thử thách đầy rủi ro trong một đất nước khép kín. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un dường như có đủ tự tin để thiết lập một hệ thống mới”.
 
Còn ông Chang Yong-seok thuộc trường đại học Quốc gia Seoul nói: “Có lẽ Triều Tiên cho rằng hãy còn quá sớm để triển khai, thử nghiệm các dự án kinh tế”. Trước đây vào năm 2002, Triều Tiên có một số cải cách hạn chế nhằm vực dậy một nền kinh tế đang suy sụp, song phần lớn biện pháp cải cách bị hủy bỏ 3 năm sau đó.

H.Bình (Theo AP, The New York Times, NLĐ)
---------------
Ngoại trưởng Trung- Nhật  tranh luận về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku

Ngoại trưởng hai nước Nhật Bản và Trung Quốc ngày hôm qua (25-9) đã tổ chức cuộc gặp mặt tại New York, Mỹ nhằm thảo luận về vấn đề đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Theo Japantoday, cuộc gặp mặt diễn ra bên lề Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra tại New York, Mỹ.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cùng ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gặp nhau vào cuối ngày hôm qua (25-9).

Kyodo News cho biết, thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Zhang Zhijun phát biểu tại cuộc gặp mặt rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết chống lại mọi hành động của Nhật Bản có dấu hiệu vi phạm chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc.

“Nhật Bản phải từ bỏ những “ảo tưởng” của mình về lãnh thổ quốc gia. Nhật Bản đang đối mặt với những hành động sai lầm của mình và phải sớm tìm cách sửa chữa sai lầm đó” – Dẫn lời ông Zhang Zhijun.

Đáp lại lời phát biểu của thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Naoko Saiki – phó giám đốc truyền thông đối ngoại của Bộ ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ là có cuộc tranh chấp về lãnh thổ hay chủ quyền ở đây bởi lịch sử cũng như pháp luật quốc tế đã khẳng định quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ của Nhật Bản”.

Bà Naoko Saiki cũng tuyên bố rằng, Nhật Bản không muốn có bất cứ cuộc chiến hay cuộc xung đột có vũ khí nào xảy ra. Bà cũng mong muốn cả hai nước sớm ổn định tình hình theo phương thức đối thoại một cách hòa bình.

Phía Bộ Ngoại giao Nhật Bản đưa ra cảnh báo trong cuộc gặp mặt rằng sự hiện diện của hàng loạt tàu cá Đài Loan trong ngày 25-9 là một “sai lầm nghiêm trọng”. Ông Gemba cũng kêu gọi Trung Quốc kiềm chế để giải quyết tranh chấp một cách ổn thỏa nhất.

Trong ngày 25-9, sau khi hàng loạt tàu cá Đài Loan đã ồ ạt tiến vào đảo Điếu Ngư/Senkaku. Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản đã sử dụng vòi rồng phun nước để “đuổi” tàu cá ra khỏi vùng biển này.

Nguyễn Thủy
Theo Japantoday, BBC// Tien Phong


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te