Tổng thống Mỹ lại 'nắn gân' Iran
Ông Barack Obama hôm qua phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc với nội dung "phản đối bạo lực và chủ nghĩa cực đoan" trên thế giới cũng như tại những điểm nóng như Iran, Syria.
Tổng thống Mỹ phát đi những lời lẽ cứng rắn với Iran khi nói rằng Washington sẽ làm "điều cần phải làm" để ngăn chặn Tehran chế tạo bom hạt nhân, dù Mỹ vẫn muốn giải quyết các vấn đề qua phương thức hòa bình.
"Mỹ muốn giải quyết các vấn đề thống qua con đường ngoại giao và chúng tôi tin rằng vẫn còn thời gian và không gian để thực hiện việc đó. Nhưng thời gian không phải là mãi mãi", AFP dẫn lời ông Obama phát biểu trước cuộc họp hàng năm của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Israel nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực để triệt phá những cơ sở sản xuất hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng vẫn còn thời gian cho các biện pháp ngoại giao. Mỹ và Israel cho rằng Iran âm thầm chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng Tehran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ mục đích dân sự.
Trong bài phát biểu, ông Obama cũng nhắc đến làn sóng phản đối Mỹ vì bộ phim chế nhạo đạo Hồi. Tổng thống Mỹ nói rằng thế giới chỉ có thể phát triển bằng sự tự do và khoan dung và kêu gọi loại trừ lòng thù hận ra khỏi đời sống chính trị. Ông Obama gọi bộ phim kể trên là đáng phẫn nộ nhưng nó không nên được lấy làm nguyên nhân để gây đổ máu và chết chóc, trong đó có cái chết của đại sứ Mỹ tại Libya.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Obama tiếp tục kêu gọi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức vì tương lai của nước này không thể dành cho kẻ độc tài và sự thảm sát. Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chung tay để "chống lại bạo lực và chủ nghĩa cực đoan".
Trước đó, trong bài phát biểu trước Đại Hội đồng, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nói Israel không có gốc rễ ở Trung Đông và sẽ bị "hủy diệt". Ông cũng không quan tâm đến lời đe dọa của Israel về việc tấn công vào cơ sở hạt nhân của Tehran, đồng thời kêu gọi các điều kiện kinh tế tốt hơn cho nước cộng hòa Hồi giáo bởi "Iran không xấu xa như phương Tây miêu tả".
Tại phiên khai mạc, các nhà ngoại giao của hơn 100 nước thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua một tuyên bố tái khẳng định "các quốc gia phải tuân thủ nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế". Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của quy định luật pháp trong việc ngăn chặn và giải quyết các xung đột, xây dựng hòa bình ở những nước mới thoát khỏi chiến tranh, đồng thời kêu gọi Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế nỗ lực vì những mục tiêu trên. Hôm nay, Đại Hội đồng tiếp tục nghe phát biểu của nhà lãnh đạo các nước khác gồm Israel và Palestine.
Vũ Hà // VNexpress
-------------------
Vai trò mới của Brunei trong tranh chấp biển Đông
Đài Tiếng nói Mỹ (VOA) ngày 24-9 (giờ địa phương) dẫn lời các quan chức ngoại giao Mỹ nhận định Brunei đang thể hiện vai trò mới dù chưa sôi nổi về vấn đề biển Đông.
Brunei đã nỗ lực sau hậu trường để tìm kiếm đồng thuận trong ASEAN trước thềm hội nghị Đông Á vào tháng 11.
Mong muốn giữ quan hệ tốt đẹp với Mỹ lẫn TQ, Brunei lo lắng với vai trò nước chủ tịch hội nghị Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2013, trong khi Brunei muốn tránh căng thẳng như ở hội nghị ASEAN hồi tháng 7 khi Campuchia giữ vai trò chủ tịch.
Các quan chức ngoại giao Mỹ cũng nhận định Mỹ đang tích cực mở rộng vai trò của Singapore trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Nhà phân tích Joshua Kurlantzick ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ ghi nhận Singapore giữ vị trí địa-chính trị chiến lược ở biển Đông, Mỹ cũng đã thiết lập căn cứ ở Singapore, vì vậy Mỹ đang hướng đến xây dựng quan hệ Mỹ-Singapore dần dần trở thành liên minh truyền thống.
Nhà phân tích Justin Logan thuộc Viện Cato (Mỹ) nhận định Singapore vẫn còn dè dặt không công khai sự gần gũi này nhưng thực tế quan hệ Mỹ-Singapore đã tốt hơn trước nhiều.
DUY KHANG// PLTP
---------------
Việt Nam-New Zealand tăng cường hợp tác hải quân
Chiều 25/9, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp ông Paul Sinclair, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Quốc phòng New Zealand, tại trụ sở Bộ Quốc phòng.
Hai bên đã thông báo cho nhau kết quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng thời gian qua và khẳng định, mối quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand đã có bước phát triển toàn diện.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, cả hai nước đều là đồng chủ trì các nhóm Hội nghị ASEAN mở rộng (ADMM+); công tác trao đổi đoàn, hợp tác đào tạo cán bộ có những bước tiến tích cực, hiệu quả.
Hai bên đã thống nhất trong thời gian tới cần tăng cường hợp tác trên lĩnh vực hải quân; tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, phòng chống cháy nổ; đào tạo cán bộ và trao đổi đoàn để học tập kinh nghiệm lẫn nhau./.
Ông Quốc Chính (TTXVN)
-----------------
Châu Âu yêu cầu trừng phạt Iran cứng rắn hơn
Các Bộ trưởng ngoại giao của Đức, Pháp và Anh đã chính thức kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thắt chặt các biện pháp chống Iran.
Theo AFP, các Bộ trưởng nói trên đã gửi thư yêu cầu trừng phạt Iran cứng rắn hơn nữa lên đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và chính sách an ninh – bà Catherine Ashton. Các Bộ trưởng trên cho rằng, cần phải thắt chặt hơn nữa sự trừng phạt Iran, họ vẫn tin rằng có thời gian để giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao, và họ đang làm điều đó. Tuy nhiên, họ không thể cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân.
Đầu tháng 9 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Đức đã ủng hộ việc EU thắt chặt lệnh trừng phạt Iran. Gói trừng phạt gần đây được EU thi hành vào tháng 7/2012, khi đó Brussels ra lệnh cấm nhập dầu từ Iran. Sau đó đã nổ ra một loạt các vụ bê bối của các ngân hàng châu Âu. Những ngân hàng này, thông qua dịch vụ của Mỹ, đã tiến hành giao dịch tiền tệ và các hợp đồng thương mại với Iran.
Các nhà phân tích của Platts cho rằng, trong mấy tháng qua, lần đầu tiên sau một thời gian dài, yếu tố địa chính trị dạng như quan hệ căng thẳng với Iran, đã tác động trực tiếp tới giá dầu mỏ. Việc thắt chặt sự trừng phạt Iran, tức là xiết thêm một vòng nữa trong “cuộc chiến tranh lạnh” với nước cộng hòa Hồi giáo này, sẽ đẩy giá dầu thế giới lên cao./.
ML (vestifinance.ru, VEN)
-------------------
TT Mỹ Obama: Thời gian đang cạn dần với Iran
Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh rằng “thời gian không phải là vô hạn”.
Hôm qua, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng thời gian đang cạn dần đối với giải pháp ngoại giao cho các tham vọng hạt nhân của Tehran, đồng thời cảnh báo mội nước Iran có vũ trang hạt nhân sẽ đe dọa tới sự tồn tại của Israel, an ninh của các quốc gia vùng Vịnh và sự ổn định kinh tế toàn cầu.
"Mỹ sẽ thực thi những gì chúng tôi phải làm để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Obama nói với các đại biểu tại Đại hội đồng LHQ.
Những phát biểu trên của Tổng thống Obama được đưa ra sau khi vài tuần gần đây Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên tục gia tăng sức ép về vấn đề này. Ông Netanyahu từng kêu gọi Mỹ cần đưa ra “giới hạn đỏ” để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran.
Một ngày trước cánh báo trên của ông Obama, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã đưa ra những tuyên bố mang tính kích động liên quan đến Israel khi nói rằng nước này “không có chỗ đứng” ở Trung Đông. Ông Ahmadinejad dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày hôm nay.
Mặc dù Tổng thống Obama vẫn giữ quan điểm ngoại giao và cấm vận nên là các biện pháp chính ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân nhưng ông cũng không loại trừ hành động quân sự. Thừa nhận vẫn còn thời gian giải quyết vấn đề bằng biện phát ngoại giao nhưng ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh rằng “thời gian không phải là vô hạn”.
Ông Obama cũng lên án Tehran hẫu thuẫn cho các nhóm khủng bố bên ngoài đất nước và chuyển hướng sang cuộc nội chiến hiện nay ở Syria bằng việc cáo buộc Iran tiếp sức cho Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc xung đột đẫm máu tại đây.
“Chúng tôi một lần nữa tuyên bố rằng, chế độ Bashar al-Assad phải kết thúc để người dân Syria thoát khỏi cảnh đau khổ và mở ra một bình minh mới”, ông Obama nói.
Trong bài phát biểu ngày hôm qua, ông Obama cũng bảo vệ sự hẫu thuẫn của Mỹ cho cái gọi là các cuộc cách mạng “Mùa Xuân Ả Rập” từng lan tỏa khắp Trung Đông và Bắc Phi hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, những cuộc nổi dậy tại đây đã để lại một quanh cảnh hỗn loạn về chính trị và an ninh ở Ai Cập, Libya, Tunisia và nhiều nơi khác khiến các cuộc biểu tình bạo lực chống Mỹ gia tăng.
Anh Minh - theo TTVN
--------------------
Nhật Bản - Trung Quốc không tìm được tiếng nói chung sau hội đàm
Sự khác biệt trong quan điểm về vấn đề Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn còn tồn tại và hai bên mới chỉ đồng ý sẽ tiếp tục liên lạc với nhau để giảm bớt căng thẳng dâng cao trong quan hệ song phương.
Ngày 25/9, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong tranh chấp trên nhóm đảo Senkaku và mới chỉ đồng ý sẽ tiếp tục liên lạc với nhau để giảm bớt căng thẳng dâng cao trong quan hệ song phương.
Phát biểu với các nhà báo sau cuộc hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Zhijun ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai cho biết hai bên vẫn chưa quyết định liệu các Ngoại trưởng của hai nước có tổ chức một cuộc họp vào cuối tuần này, bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hay không.
Trong cuộc hội đàm 4 giờ, ông Zhang đã đề cập đến lập trường của Trung Quốc về vấn đề Senkaku và ông Kawai cũng có phản ứng tương tự.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Zhang đã nhấn mạnh Nhật Bản phải suy nghĩ kỹ lưỡng và "sửa đổi các sai lầm" mà Tokyo đã thực hiện thông qua các hành động cụ thể đối với các hòn đảo mà Bắc Kinh gọi Điếu Ngư.
Trong khi đó, ông Kawai từ chối cho biết các chi tiết về cuộc gặp gỡ và chỉ nói rằng: "Chúng tôi đã đồng ý tiếp tục liên lạc với nhau để cải thiện tình hình hiện tại."
Cuộc hội đàm được diễn ra sau khi Trung Quốc đưa ra một loạt các biện pháp đối phó phản đối động thái mua lại đảo của Nhật Bản.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Kawai đã đến Bắc Kinh vào tối ngày 24/9 trong chuyến thăm hai ngày, được cho là đã nói với ông Zhang rằng các vấn đề riêng như tranh chấp trên nhóm đảo Senkaku không nên gây ảnh hưởng đến mối quan hệ chung giữa hai nước và rằng hai bên cần xử lý các tranh chấp từ một quan điểm rộng hơn.
Anh Vũ (Nguồn Kyodo, GDVN)
------------------
Nga chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Á
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Singapore-Nga ngày 25/9, Phó Thủ tướng thứ nhất Liên bang Nga, ông Igor Shuvalov cho biết Nga chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Á và trong 10 năm tới sẽ tăng 50% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới châu lục này.
Phó Thủ tướng Shuvalov nêu rõ trong khi vẫn phát triển quan hệ buôn bán với đối tác thương mại chủ yếu hiện nay của Nga là Liên minh châu Âu (EU), Mátxcơva chủ trương xuất khẩu tới 1/2 các mặt hàng trao đổi của Nga sang khu vực châu Á.
Chính phủ Nga sẽ áp dụng các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ cần thiết nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các nước châu Á-Thái Bình Dương để trong tương lai khu vực này có thể trở thành đối tác thương mại chủ yếu của Nga.
Trước tiên, Nga sẽ khai thác các thị trường năng lượng đầy tiềm năng của khu vực này. Để đạt được mục đích vươn ra khu vực châu Á, Nga cũng sẽ thực thi các biện pháp cần thiết và hữu hiệu trong khuôn khổ Không gian kinh tế thống nhất và Liên minh Hải quan của ba nước anh em gồm Nga, Belarus và Kazakhstan./.
(TTXVN)
------------------
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 35 nghi can khủng bố
Ít nhất 35 nghi can đã bị bắt giữ trong các cuộc truy quét do các đơn vị chống khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ngày 25/9 ở sáu tỉnh trên toàn nước này.
Theo báo "Daman Ngày nay" của Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc truy quét nói trên được tiến hành đồng loạt ở các tỉnh Mersin, Adana, Diyarbakir, Batman, Tunceli và Mardin nhằm vào Liên minh các cộng đồng người Kurd (KCK), tổ chức bao gồm đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.
Trong số các nghi can bị bắt giữ nói trên có hai đồng Chủ tịch tỉnh Mersin. Tờ báo cho biết các nghi can này đang lập kế hoạch tổ chức biểu tình có vũ trang để phản đối các hoạt động của Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào PKK ở miền Đông và Đông Nam nước này.
Trong các ngày từ 15-17/9 vừa qua, các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt 32 thành viên PKK trong một loạt hoạt động quân sự riêng rẽ ở tỉnh Hakkari, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ./.
(TTXVN)
-------------------
Nhật và Australia tăng cường quan hệ quốc phòng
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Australia đã nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác trong các hoạt động chung. Cam kết được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng ngày 25/9 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Australia Stephen Smith, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto khẳng định mong muốn làm quan hệ Nhật Bản-Australia thực chất hơn và tạo cơ sở cho việc thiết lập mối quan hệ ba bên gồm Nhật Bản-Australia và Mỹ.
Đề cập đến căng thẳng trên biển Hoa Đông liên quan đến tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản với Trung Quốc tại chuỗi đảo Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, ông Morimoto cho rằng vấn đề hiện nay là cách thức Nhật Bản đối phó với sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc ở khu vực quần đảo tranh chấp cũng như nỗ lực của Tokyo trong việc duy trì quan hệ song phương ổn định với Bắc Kinh. Đối với thỏa thuận Mỹ/Nhật cho phép triển khai máy bay chiến đấu Mv-22 Osprey tại căn cứ quân sự Futenma ở Okinawa, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cam kết Tokyo đang nỗ lực đảm bảo việc triển khai này được thực hiện an toàn.
Về phần mình, ông Smith cũng bày tỏ mong muốn quan hệ giữa Nhật Bản và Australia sẽ ngày càng phát triển. Đối với căng thẳng tại biển Hoa Đông, ông cũng hy vọng các bên sẽ sớm tìm được giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Hai bên cũng nhất trí tổ chức hội đàm cấp thứ trưởng để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng. Hai bộ trưởng còn trao đổi quan điểm về khả năng hợp tác giữa Lực lượng phòng vệ Nhật Bản với quân đội Australia trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thảo luận cách thức để củng cố sự hợp tác đối phó với các thảm họa tự nhiên./.
(TTXVN)
-------------
Nhật phản đối Trung Quốc trình bản đồ đảo tranh chấp
Trong văn bản phản đối, Nhật Bản khẳng định chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp này cũng như các đảo phụ cận.
Đài NHK dẫn lời các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 25/9 cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã trình LHQ văn bản phản đối bản đồ hải giới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc mới đệ trình vào đầu tháng này.
Trước đó, ngày 13/9, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông đã gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và đệ trình bản sao bản đồ hải giới, trong đó Chính phủ Trung Quốc đặt tên và tuyên bố chủ quyền đối với 17 điểm cơ sở quanh quần đảo tranh chấp.
Dự kiến, ngày 26/9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, trong đó đề cập điều mà ông gọi là nguyên tắc luật pháp trong giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ./.
Theo TTXVN
-----------------
Trung Quốc công bố sách trắng về đảo tranh chấp
Ngày 25.9, chính phủ Trung Quốc đã công bố sách trắng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật, giữa lúc căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề chủ quyền đảo.
Sách trắng có tựa Đảo Điếu Ngư, lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc được Văn phòng Báo chí thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc công bố, theo Tân Hoa xã.
Sách trắng bao gồm 7 chương, nhấn mạnh Trung Quốc kiên quyết chống đối việc Nhật xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới mọi hình thức.
Việc công bố sách trắng bằng ba thứ tiếng Trung Quốc, Anh và Nhật xảy ra khi Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Chikao Kawai đến Trung Quốc hội đàm với người đồng cấp Trương Chí Quân về vấn đề tranh chấp.
Theo AFP, ông Trương Chí Quân đã tuyên bố Trung Quốc “tuyệt đối không dung thứ cho mọi hành động đơn phương của Nhật xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”.
“Phía Nhật phải từ bỏ mọi ảo tưởng, đối mặt với hành động sai lầm của họ và sửa chữa chúng bằng những động thái đáng tin cậy”, hãng AFP trích phát biểu của ông Trương tại cuộc hội đàm.
Sơn Duân// Thanh Niên
--------------------
Iran: Israel đang ‘đe dọa’ Mỹ
Hôm 24/9, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho biết Israel đang ‘dọa’ Mỹ về những mối đe dọa vũ khí hạt nhân của Iran.
Ông Mahmoud Ahmadinejad cũng đã bác bỏ ý tưởng rằng Israel có thể đơn phương tấn công Iran bất chấp sự phản đối của Mỹ và cho rằng Israel là một kẻ chuyên dính mũi vào chuyện của người khác, không có vị trí đúng đắn trong khu vực Trung Đông.
Trả lời phóng vấn các phóng viên Mỹ, ông Ahmadinejad cho biết: "Tôi nhìn một cách khách quan và tôi thấy rằng một số người theo Chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionist) đang đe dọa chính phủ Hoa Kỳ”.
Iran: Israel đang ‘đe dọa’ Mỹ
Vị lãnh đạo hai nhiệm kỳ của Iran đã có những lời phát biểu trên bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Cuộc họp năm nay mang màu sắc chính trị của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và khả năng sẽ diễn ra một cuộc tấn công quân sự của Israel nhằm vào Iran.
Israel đang thúc giục chính quyền Obama tuyên bố "đường giới hạn đỏ" đối với việc phát triển hạt nhân của Iran mà Israel cho rằng có thể đe dọa đến Mỹ. Tổng thống Obama cho biết ông không chấp nhận việc Iran sở hữu một quả bom hạt nhân. Ông cũng đe dọa sẽ tấn công quân sự nếu không còn sự lựa chọn nào khác để ngăn Iran sản xuất bom hạt nhân, nhưng ông sẽ không áp đặt một giới hạn đối với Iran trong bối cảnh Nhà Trắng đang tìm cách thuyết phục Iran ngừng các chương trình hạt nhân.
Chính quyền Obama phản đối Israel thực hiện cuộc tấn công đơn phương nhằm vào Iran vì nó sẽ không kết thúc được chương trình hạt nhân của Iran và có thể kéo Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Phạm Khánh// InfoNet
-----------------
Chênh lệch giàu nghèo Trung Quốc còn ở mức nguy hiểm trong thập kỷ tới
Chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc sẽ vẫn ở mức nguy hiểm trong thập kỷ tới, tăng áp lực buộc chính phủ phải tiến hành các biện pháp cải cách.
Hệ số Gini của Trung Quốc - thước đo về mức phân phối giàu nghèo trong một xã hội - đang ở mức 0,5, ông Li Shi, 55 tuổi, cố vấn chính phủ đồng thời là hiệu trưởng của viện nghiên cứu phân phối thu nhập thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước.
Hệ số Gini dao động từ 0 đến 1 và hệ số này ở mức 0,4 trở lên thường được coi là ở mức cảnh báo quốc tế cho thấy sự bất bình đẳng ở mức nguy hiểm hoặc có khả năng gây ra sự xáo trộn xã hội.
"Tình hình hiện tại rất nguy hiểm, buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải chiến đấu với một cuộc chiến sống còn" bằng các biện pháp chống tham nhũng và thay đổi quản lý trong các ngành công nghiệp, ông Li cho biết.
"Nhiều cải cách đã bị trì hoãn trong những năm qua. Tôi cho rằng Trung Quốc không đủ thời gian để trì hoãn thêm nữa", ông Li nói thêm.
Khoảng cách giàu nghèo còn là vấn đề cấp bách cần giải quyết hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2012 có nguy cơ thấp nhất kể từ năm 1990. Đồng thời, xu hướng chậm lại trong việc tăng lương sẽ là rào cản đối với những cải cách mà chính quyền đang thực hiện nhằm bảo đảm an sinh xã hội, ông Li cho biết.
Chính phủ Trung Quốc đã không công bố chỉ số Gini kể từ năm 2000. Tuy nhiên, trưởng bộ phận thống kê của chính phủ, ông Jiantang cho biết Trung Quốc không cố tình che giấu hệ số Gini và nước này sẽ công bố dữ liệu khi những phương pháp nghiên cứu được cải tiến.
Cuộc khảo sát do trung tâm nghiên cứu khu vực nông thôn Trung Quốc cho biết hệ số Gini của nước này trong năm ngoái là 0,3949. Trong khi đó, ông Li cho biết cuộc khảo sát đối với 20.000 hộ gia đình mà ông thực hiện vào năm 2007 cho thấy hệ số Gini đã tăng từ 0,302 vào năm 1978 lên 0,48.
( Theo Gafin)
-------------------
Thái Lan: Người biểu tình áo đỏ-áo vàng xung đột
Sáng 25/9, tại khu vực Cục phòng chống tội phạm đường Phahon Yothin, Bangkok, Thái Lan, một vụ xung đột đã xảy ra giữa khoảng 100 người biểu tình áo đỏ thuộc phong trào Liên minh dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) và khoảng 500 người biểu tình áo vàng thuộc tổ chức Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD).
Cảnh sát cho biết nguyên nhân xảy ra xung đột là do những người biểu tình đã khiêu khích lẫn nhau dẫn đến hậu quả một chiếc xe bán tải của lực lượng áo đỏ bị phá hoại.
Du khách và người dân được khuyến cáo tránh xa khu vực này.
Hai bên đã tụ tập biểu tình khi cảnh sát triệu tập thẩm vấn một nữ giáo viên về hành vi vu khống đối với Darunee Kritbunyalai, một thành viên chủ chốt của UDD.
Trước đó, bà Darunee đã gửi đơn yêu cầu cảnh sát điều tra việc bị một người phụ nữ lạ mặt đã xỉ vả thậm tệ và vu khống tội phỉ báng thể chế hoàng gia vào ngày 31/82./.
Lê Minh Hưởng/Bangkok (Vietnam+)
-----------------------
Kêu gọi thúc đẩy liên minh chiến lược Mỹ Latinh
Tổng thống đắc cử Mexico Enrique Peña Nieto, đang ở thăm Peru, đã kêu gọi thúc đẩy liên minh chiến lược khu vực Mỹ Latinh nhằm đảm bảo đà tăng trưởng và hội nhập kinh tế của các quốc gia trong khu vực trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới.
Ngày 24/9, phát biểu với giới doanh nghiệp Peru, Tổng thống Nieto nhận định hiện là thời điểm thuận lợi để các nước Mỹ Latinh tận dụng mọi tiềm năng sẵn có phục vụ cho quá trình xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng hơn.
Ông cũng cho rằng Hiệp định kinh tế Liên minh Thái Bình Dương bao gồm các nước Mexico, Peru, Chile và Colombia sẽ là một mô hình cần nhân rộng trong khu vực.
Đề cập đến các mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Mexico và Peru trong thời gian qua, Tổng thống Nieto cũng nhấn mạnh Peru hiện là quốc gia đứng thứ hai trong thu hút vốn đầu tư từ Mexico với tổng vốn vượt trên 14 tỷ USD.
Theo ước tính, trao đổi thương mại song phương trong năm 2011 vượt ngưỡng 2,5 tỷ USD và con số này dự kiến có thể tăng gấp đôi trong vòng vài năm tới.
Trước đó, Tổng thống đắc cử Nieto cũng đã hội đàm kín với tổng thống nước chủ nhà Ollanta Humala, qua đó thống nhất sự cần thiết đẩy mạnh hợp tác toàn diện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thông qua các dự án và chương trình sản xuất hữu hiệu.
Sau Guatemala, Chile, Brazil, Argentina, Peru là chặng dừng chân cuối cùng của ông Nieto trong chuyến chuyến công du đầu tiên với tư cách là Tổng thống đắc cử Mexico tới các nước khu vực Mỹ Latinh.
Giới phân tích đánh giá sự kiện này là một thông điệp thể hiện sự ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ Latinh trong chính sách đối ngoại của chính phủ mới do ông Nieto lãnh đạo bắt đầu từ tháng 12 tới./.
(TTXVN)
--------------------
'Chiến tranh Iran - Israel chắc chắn sẽ xảy ra'
Iran vừa thử các loại tên lửa phòng không, chống hạm và trưng bày một loại UVA mới nhằm chứng tỏ ý chí sẵn sàng chiến đấu với Israel.
Theo tin tức trên trang mạng Sephanews của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, các loại tên lửa phòng không tầm trung của lực lượng này đã đã được thử thành công hôm 25/9.
Loại tên lửa vừa được thử là Taer-2 (còn được biết đến với cái tên là Ra’ad (Thunder), có tầm bắn 50km, là một phần của hệ thống phòng không.
Fars cho biết, những quả tên lửa nội này “tiên tiến hơn” các loại tên lửa dòng Buk do Nga chế tạo mà họ dựa vào để phát triển.
Cũng theo Fars, Đô đốc Ali Fadavi, Tư lệnh Hải quân Iran cho biết, một cuộc tập trận hải quân được tiến hành trong ngày 24/9. Trong đó, 4 tên lửa đã bắn trúng một mục tiêu to bằng tàu chiến thật. Mục tiêu bị chìm trong vòng 50 giây.
Đô đốc Fadavi tuyên bố: “Chúng tôi có các hệ thống tên lửa có khả năng bao trùm toàn bộ các bờ biển Vịnh Ba Tư và các căn cứ quân sự của Mỹ (ở khu vực)”.
Ông cho biết thêm là Vệ binh Cách mạng Hồi giáo sẽ tiến hành “các cuộc tập trận hải quân lớn” trên Eo Humuz trong vòng 6 tháng tới. Đây là eo biển chiến lược, là cửa ngõ vào Vịnh Ba Tư, nơi có đến 30% lượng dầu thế giới vận chuyển bằng biển đi qua.
Trung tướng Amir Ali Hajizadeh, Tư lênh Không quân của Vệ binh chịu trách nhiệm về phòng thủ tên lửa tuyên bố, Iran đã có một loại máy bay không người lái mới gọi là Shahed 129, có tầm họat động 2.000km.
Fars trích lời Hajizadeh cho biết, máy bay có thể mang bom và tên lửa để tấn công kẻ thù và thực hiện nhiệm vụ trinh sát… trong vòng 24 giờ.
Ngày 23/9, Tổng Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Đại tướng Mohammad Ali Jafari tuyên bố: Chiến tranh giữa Iran và Israel “chắc chắn sẽ xảy ra" (nhưng không rõ ở đâu và khi nào). Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Iran thừa nhận về khả năng xảy ra chiến tranh giữa hai nước thù địch không đội trởi chung.
Trong mấy tuần qua Israel đã đẩy mạnh những lời đe dọa sẽ tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân của Iran dù có hay không có sự giúp đỡ của đồng minh Mỹ.
Các tư lệnh của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran nói rằng, họ coi bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel cũng là thực hiện lệnh của Mỹ, và cảnh cáo rằng họ sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Afghanistan, Qatar và Bahrain để trả đũa.
Phạm Ngọc Uyển// ĐVO
-----------------------
Học Trung Quốc, Đài Loan cử tàu 'thị uy' với Nhật Bản
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết tàu đánh cá và tàu tuần tra Đài Loan đã xâm phạm lãnh hải nước này, gần quần đảo tranh chấp ở vùng biển Hoa Đông.
Sáu tàu tuần tra bờ biển của Đài Loan đã tiến vào vùng lãnh hải gần Uotsurijima, đảo lớn nhất trong quần đảo tranh chấp, khoảng 7h30 giờ địa phương.
Sau đó, các tàu đánh cá của Đài Loan cũng tiến vào khu vực này nhưng Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản không chắc chắn về số lượng.
Sau khi quan sát kỹ, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản khẳng định có khoảng 40-50 tàu đánh cá và 10 tàu của chính phủ Đài Loan xuất hiện tại khu vực quần đảo Senkaku vào sáng sớm nay, 25/9.
Lực lượng này cho biết, đã đưa ra lời cảnh báo các con tàu nói trên phải rời khỏi khu vực tranh chấp và tiếp tục giám sát chặt chẽ các tàu này.
Kể từ khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố mua lại các quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, từ người chủ tư nhân hồi đầu tháng 9/2012, các tàu thuyền từ Trung Quốc và Đài Loan liên tục xuất hiện tại khu vực này. Các tàu tuần tra chính phủ Bắc Kinh đã tiến vào khu vực tranh chấp một vài lần.
Báo chí hôm 24/9 cho biết các tàu đánh cá Đài Loan tiến tới quần đảo Senkaku để phản đối việc Nhật Bản mua lại quần đảo và tuyên bố quyền đánh bắt cá tại khu vực này.
Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo vốn nằm trong vùng biển giàu tài nguyên này.
Phan Anh (theo WSJ, ĐVO)
-------------
Mali chính thức đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp bằng quân sự
Mali đã gửi một lá thư cho Liên Hiệp Quốc, trong đó chính thức đề nghị việc cho phép quân đội của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) phối hợp cùng lực lượng chính quyền nước này chiến đấu giành lại lãnh thổ từ tay phiến quân Hồi giáo.
Theo AFP, hôm nay (26-9), các nước thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ hội đàm bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về cuộc khủng hoảng tại khu vực Sahel, trong đó có Mali.
Mali bị chia cắt thành hai vùng từ ngày 22-3 sau cuộc nổi dậy của người Touareg đòi thành lập một nhà nước độc lập ở vùng Azouad và các nhóm Hồi giáo vũ trang. Ngoại trưởng Pháp bày tỏ hy vọng với động thái trên Hội đồng Bảo an sẽ nhanh chóng biểu quyết về khả năng cho phép can thiệp quân sự vào Mali. Trước đó, chính phủ Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ cuộc can thiệp quân sự vào Bắc Mali, khu vực đang bị các nhóm Hồi giáo vũ trang và lực lượng Touareg chiếm đóng.
H.Xuân// SGGP